Những số liệu định hình hành vi tiêu dùng của Gen Z trong năm 2024
Sức ảnh hưởng của mạng xã hội với Gen Z
Sức ảnh hưởng của mạng xã hội đối với Gen Z đã có sự thay đổi đáng kể trong năm 2024. Mặc dù mật độ sử dụng mạng xã hội của gen Z vẫn rất cao nhưng ý thức của họ về ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đã dần thay đổi. 60% Gen Z cảm thấy rằng họ đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội quá nhiều, thậm chí một số đang tìm kiếm những phương pháp để có thể cai nghiện mạng xã hội. Điều này có thể làm thay đổi phần nào hành vi sử dụng mạng xã hội của người tiêu dùng Gen Z trong thời gian tới, khiến cho mức độ chọn lọc nội dung trên các nền tảng này sẽ trở nên gay gắt hơn.
Tần suất mua sắm online của Gen Z
Gen Z là một thế hệ rất ưa chuộng các hình thức mua sắm online. Khảo sát này đã chỉ ra rằng 36,3% Gen Z mua hàng online thứ 2 đến 3 lần một tháng. 22,1% Gen Z mua hàng online mỗi lần một tháng và 21,1% mua mỗi tuần. Những con số này cho thấy tần suất mua hàng của người tiêu dùng zen Z tương đối cao và diễn ra khá đều đặn hàng tháng hàng tuần. Do đó, kênh mua sắm online vẫn luôn là nền tảng không thể thiếu để chinh phục người tiêu dùng trẻ.
Trong đó các kênh mua sắm trực tuyến lớn nhất của Gen Z vẫn là các sàn thương mại điện tử với 88,2% mua hàng trên nền tảng này. Đứng thứ 2 là Website của thương hiệu với 74.6%. Và mạng xã hội chỉ đứng ở vị trí số 3 với 18,4%.
Top những nhóm sản phẩm mà Gen Z ưa chuộng mua sắm Online
Nhu cầu mua hàng online của Gen Z cũng có sự thay đổi đáng kể theo các nhóm sản phẩm. Trong đó Thời trang là ngành hàng được Gen Z ưu ái nhiều nhất khi mua sắm trên kênh online. Có tới 30% Gen Z tham gia khảo sát chia sẻ rằng họ yêu thích việc mua quần áo trên các nền tảng trực tuyến.
Tại Việt Nam, Thời trang cũng luôn là một trong những ngành hàng dẫn đầu doanh số trên các kênh mua sắm online yêu thích của Gen Z. Trong một báo cáo về doanh số nửa đầu năm 2024 các sàn Thương mại điện tử tại Việt Nam mà chúng tôi đã phân tích trong bài viết trước, các sản phẩm như Thời trang nam và Thời trang cũng nữ liên tục nằm trong top đầu về cả doanh thu lẫn sản lượng xuyên suốt cả năm, cho thấy sức mua cực lớn của ngành hàng ngày trên các nền tảng trực tuyến.
Bên cạnh Thời trang, Gen Z cũng thích mua sắm online đối với nhiều ngành hàng khác như: Ẩm thực, Sức khỏe, Chăm sóc cá nhân, Gia dụng, Trò chơi, Đồ điện tử, các nền tảng trực tuyến và các sản phẩm làm đẹp.
Những insight mới của Gen Z trong năm 2024
#1. Social Media chỉ là một phần nhỏ trên hành trình mua hàng của Gen Z
Sức ảnh hưởng của mạng xã hội đối với quy trình mua hàng của Gen Z cũng đã có sự chuyển đổi. Ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò rất lớn trong quá trình tìm hiểu về các thương hiệu và sản phẩm mới của Gen Z. Tuy nhiên, đây chỉ là một bước trên hành trình mua hàng rất dài và phức tạp của nhóm người tiêu dùng này.
Một số người tiêu dùng Gen Z khám phá các thương hiệu trên truyền thông xã hội. Họ sẽ dành thời gian để nghiên cứu các thông tin về thương hiệu thông qua các fanpage hoặc các bình luận từ người dùng khác. Nhưng chỉ 20% trong số đó hoàn thành việc mua hàng trực tiếp thông qua các trang mạng xã hội. Ngược lại có tới 88% người dùng sẽ chuyển qua các nền tảng trực tuyến khác như Thương mại điện tử để mua hàng và 75% chuyển qua trang Web của các thương hiệu để tiếp tục tham khảo hoặc mua sản phẩm. Bởi việc mua hàng trên các nền tảng này có sự thuận tiện, rõ ràng, công thêm nhiều voucher khuyến mãi, miễn phí vận chuyển.
Vì vậy, để chinh phục người tiêu dùng Gen Z, việc tối ưu các nền tảng mạng xã hội là chưa đủ. Mà thương hiệu cần tạo nên một trải nghiệm mượt mà xuyên suốt từ social media, thêm các câu CTA dẫn dắt khách hàng tới các kênh như Sàn thương mại điện tử và Website.
Trong đó, Review hay đánh giá truyền miệng vẫn luôn là những nội dung thuyết phục nhất đối với người tiêu dùng trẻ tuổi trên các trang mạng xã hội. Vì vậy, việc sử dụng các chiến thuật liên quan tới Testimonial, tăng cường những phản hồi thực tế từ khách hàng cũ là một trong những con đường quan trọng nhất để thuyết phục niềm tin của thế hệ trẻ đối với sản phẩm và dịch vụ của bạn.
#2. Thông điệp về khuyến mãi, giảm giá vẫn thu hút Gen Z mạnh mẽ nhất
Mặc dù tham khảo rất nhiều thông tin về thương hiệu qua những người dùng khác, nhưng giá cả vẫn là yếu tố mang tính quyết định nhất đối với hành vi mua hàng của thế hệ trẻ. 60,3% Gen Z chia sẻ rằng các thông điệp liên quan tới việc giảm giá, khuyến mãi là yếu tố thu hút họ nhiều nhất trong các thông điệp Marketing. Trong khi đó, review chỉ đứng ở vị trí số 2 với 54,4%
>>>Bạn có thể quan tâm: 12 facts "thầm kín" về Gen Z mà các thương hiệu nhất định phải biết
#3. Niềm tin của Gen Z với Influencer đã sụt giảm
Trong nhiều nghiên cứu trước đây, chung ta đều nhận định rằng Gen Z là một thế hệ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Influencer. Tuy nhiên, kết quả từ khảo sát này đã cho thấy một sự chuyển biến mới của Gen Z đối với những người có tầm ảnh hưởng.
47,5% Gen Z tham gia khảo sát cho biết họ ít khi mua một sản phẩm được giới thiệu bởi các Influencer. Nhiều người trẻ còn chia sẻ rằng, quan hệ hợp tác được trả phí giữa các thương hiệu và Influencer thường "rất không thành thật" hoặc "phiền phức".
Điều này cảnh báo các thương hiệu cần có một chiến lược khai thác Influencer phù hợp hơn trong thời gian tới. Thay vì tập trung vào việc PR thương hiệu hoặc sản phẩm quá đà, hãy củng cố tính xác thực nhiều hơn. Hãy tạm gác lại những nội dung review hay quảng cáo có kịch bản sẵn, cho phép Influencer được tự do sáng tạo, đánh giá thương hiệu trên quan điểm cá nhân. Đồng thời, xen kẽ giữa những lời khen chê sản phẩm để làm tăng tính chân thật cho nội dung.
Nhìn chung, Influencer vẫn sẽ có sức ảnh hưởng nhất định đối với quá trình mua hàng của Gen Z, nhưng họ sẽ tập trung hơn vào tính xác thực của các nội dung thay vì độ ảnh hưởng của người nổi tiếng như trước đây.
#4. Tính bền vững ngày càng được Gen Z yêu thích
Trong nhiều nghiên cứu gần đây đều cho thấy rằng, Gen Z đang ưu tiên tính bền vững nhiều hơn trong quá trình mua sắm của mình. Thậm chí họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm mang tính chất bền vững, dù họ là khá ưu tiên các sản phẩm giá rẻ trong đời sống hằng ngày.
Bởi lẽ, Gen Z muốn đóng góp một phần công sức của mình để giúp thế giới phát triển hơn và việc ủng hộ các sản phẩm bền vững chính là một trong những cách thức để họ tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững một cách nhanh chóng nhất. Điều này cũng thúc đẩy người tiêu dùng Gen Z có xu hướng tìm hiểu nhiều hơn các thông tin về chương trình phát triển bền vững của thương hiệu và ngày càng khắt khe hơn trong việc đánh giá các hoạt động này. Đó là lý do trong những năm gần đây, rất nhiều vụ việc Greenwashing của các thương hiệu đã bị Gen Z phanh phui và chỉ trích nặng nề.
Tại Việt Nam, dù làn sóng phát triển bền vững chưa thực sự tác động rộng lớn, sâu sắc tới thế hệ trẻ. Nhưng họ cũng đang dần quan tâm nhiều hơn tới các thông tin về phát triển bền vững và có sự yêu mến, ưu tiên nhất định cho các thương hiệu đang theo đuổi mục tiêu này. Vì vậy, nhiều thương hiệu dành cho Gen Z hiện nay đã bắt đầu thực hiện các chương trình phát triển bền vững bài bản, chuyên nghiệp hơn, có lộ trình rõ ràng hơn. Ví dụ như Thời trang BOO, Piktina,... Vì vậy, việc phát triển bền vững sẽ là mục tiêu tất yếu mà các thương hiệu cần phải hướng đến trong thời gian tới. Đồng thời, thương hiệu cũng cần lưu ý về việc làm rõ các thông tin liên quan đến phát triển bền vững trên các kênh Owned Media, đảm bảo thuận tiện cho người tiêu dùng trong quá trình tiếp cận những thông tin đó.
Vậy Gen Z tìm hiểu thông tin về tính bền vững của các thương hiệu như thế nào?
Theo khảo sát, website của thương hiệu sẽ là nền tảng quan trọng nhất trong việc truyền tải các thông tin về phát triển bền vững. 59,9% khách hàng đã sử dụng website để tìm kiếm các thông tin về chủ đề này. Mặt khác, bao bì (43%) cũng là một kênh quan trọng để người dùng nắm bắt một sản phẩm có thực sự bền vững thông qua các thông tin về thành phần, nguồn gốc,...
Ngoài ra, họ cũng tìm kiếm thông tin qua các bên thứ 3, các trang tin tức, báo chí, truyền miệng, mạng xã hội,....
Như vậy, có thể thấy 5 sự thay đổi lớn nhất trong Insight của người tiêu dùng Gen Z trong năm 2024 bao gồm:
- Hầu hết các giao dịch mua xảy ra trên các nền tảng trực tuyến như Sàn thương mại điện tử và trang web thương hiệu. Vì vậy, việc đầu tư vào các kênh Digital này sẽ thúc đẩy doanh thu cho thương hiệu.
- Các nền tảng truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc khám phá thương hiệu sản phẩm, nhưng không phải là nơi mua hàng trực tiếp yêu thích của Gen Z.
- Giảm giá và khuyến mãi vẫn là những thông điệp thu hút nhất đối với Gen Z. Ngoài ra, họ cũng bị thu hút bởi những nội dung review - đánh giá từ người thật.
- Gen Z có thể nhìn thấu những hành vi của thương hiệu với influencer. Vì vậy, họ ngày càng khắt khe hơn với kênh truyền thông này và đặc biệt đề cao tính xác thực đối với influencer marketing.
- Tính bền vững rất quan trọng đối với hầu hết Gen Z, nhưng nó vẫn chưa thực sự là một yếu tố mang tính quyết định đối với hành vi mua hàng của Gen Z. Bù lại, tính bền vững khiến Gen Z có thiện cảm với thương hiệu nhiều hơn.
>>> Đọc thêm: Thương hiệu & Sức khỏe tâm thần: Hiểu đúng về nỗi đau của Gen Z để có chiến lược tiếp cận hiệu quả hơn
Bình luận của bạn