- Lượt tìm kiếm “Nghị định 168”, “phạt nguội” tăng vọt
- “Em ơi, anh nhớ nhà” của Bitis Hunter dẫn đầu top 10 MV Tết 2024 gây sốt cộng đồng mạng
- Trung Quốc cân nhắc bán TikTok tại Mỹ cho Elon Musk?
- Thương hiệu gọi xe công nghệ Bolt rục rịch bước chân vào thị trường Việt Nam, tuyển dụng nhiều vị trí làm việc tại TP.HCM
Lượt tìm kiếm “Nghị định 168”, “phạt nguội” tăng vọt
Chỉ sau 2 tuần từ khi Nghị định 168 về tăng mức phạt trong nhiều hành vi phạm luật giao thông, công cụ tìm kiếm của Cốc Cốc ghi nhận hơn 300.000 lượt tìm kiếm trực tiếp về Nghị định nay. Đáng chú ý, lượt tìm kiếm về Nghị định 168 tăng mạnh trước ngày hiệu lực (30/12/2024) và đạt đỉnh vào 2/1/2025, gấp 1,8 lần so với 3 ngày trước, cho thấy sự chủ động của người dân trong việc tìm hiểu rõ quy định. Trong đó, việc tìm kiếm thông tin chủ yếu là trên các website về pháp luật, cổng thông tin điện tử Chính phủ và website thuộc các cơ quan nhà nước. Ngoài ra, các trang báo chí chính thống chia sẻ hành vi phạm luật, ví dụ thực tế giúp người dùng không bỏ lỡ thông tin.
Theo ghi nhận, các chủ đề liên quan đến Nghị định 168 được tìm kiếm nhiều hơn trong một tuần từ khi quy định có hiệu lực (từ 1-8/1/2025) với 122,4% so với thời gian một tuần trước hiệu lực (26-31/12/2024). Các từ khóa nổi bật trong nhóm này gồm “nghị định 168”, “nghị định 168 xử phạt giao thông” và “nghị định 168 xử phạt vi phạm giao thông”. Nổi bật nhất là thông tin về mức phạt và nộp phạt (lượt tìm kiếm tăng 144,4%). Người dùng tìm kiếm các từ khóa phổ biến như: “mức phạt giao thông 2025”, “mức phạt xe máy 2025” và “vượt đèn đỏ xe máy phạt bao nhiêu 2025”.
Ngoài ra, những chủ đề khác cũng rất được quan tâm bao gồm thông tin về luật giao thông, an toàn giao thông (tăng 57,1%) và thông tin giấy phép/bằng lái xe (tăng 93,5%). Một số từ khóa phổ biến thuộc các chủ đề này như “luật giao thông 2025”, “luật giao thông đường bộ mới nhất”, “tra cứu giấy phép lái xe” hay “tra cứu giấy phép lái xe a1”...
“Em ơi, anh nhớ nhà” của Bitis Hunter dẫn đầu top 10 MV Tết 2024 gây sốt cộng đồng mạng
Theo ghi nhận của nền tảng Social Trend của YouNet Media, từ 1/12/2024-9/12/2025, 70% tổng lượng thảo luận trên mạng xã hội dành cho Top 10 MV Tết 2025, cho thấy sức hấp dẫn và sự lan tỏa của những thông điệp sáng tạo và câu chuyện giàu cảm xúc . Đáng chú ý, 90% các MV này khai thác insight Tết platform “Homing” – chủ đề “về nhà” quen thuộc nhưng lại được thương hiệu ‘làm mới” và khai thác qua nhiều lăng kính khác nhau. Không chỉ dừng lại ở sự đoàn viên, thông điệp và câu chuyện năm nay còn trải dài liên quan đến sự trưởng thành và hành trình cá nhân trong năm qua.
Trong đó, Biti’s Hunter ghi dấu ấn đậm nét với MV “Em ơi, anh nhớ nhà” khi thu hút hơn 40,03K thảo luận và hơn 2 triệu lượt xem trên YouTube, xếp top 1 trong danh sách 10 MV Tết gây sốt cộng đồng mạng. Nối gót thông điệp “Đi để trở về” qua 8 mùa, MV mùa cuối cùng này kể về hành trình bước ra ngoài khám phá và niềm thôi thúc trở về mỗi dịp cuối năm. Lần “trở về” năm nay đánh dấu sự trưởng thành, chất chứa nhiều chiêm nghiệm sâu lắng hơn và nhấn mạnh điều quan trọng với mỗi người là gia đình, là trở về.
Xếp sau là MV “Tết này con lớn rồi” - ca khúc đánh dấu lần kết hợp lần đầu tiên giữa Tăng Phúc và Bùi Công Nam. Thông điệp MV dù đơn giản nhưng đủ lay động người xem với “điểm chạm”: Đó không chỉ là khoảnh khắc đoàn viên, mà còn là dịp để nhìn lại hành trình trưởng thành, sự sẻ chia và tình cảm bền chặt trong gia đình. Về đích ở vị trí thứ 3 gọi tên “Tết Vỗ Về” - MV Tết của Lifebuoy dù được đầu tư chỉn chu về hình ảnh, nội dung và dàn nghệ sĩ nhưng vẫn khó lòng vượt qua “cái bóng” của “Tết Ổn” 2024.
>>> Tìm hiểu thêm: Thị trường Nhạc Tết 2025 từ các thương hiệu
Trung Quốc cân nhắc bán TikTok tại Mỹ cho Elon Musk?
Theo Bloomberg, chính quyền Trung Quốc đang xem xét phương án bán lại hoạt động của TikTok tại Mỹ cho tỷ phú Elon Musk trong trường hợp nền tảng này thua kiện tại Tòa án Tối cao Mỹ. Nguồn tin cho biết, nếu thương vụ diễn ra, nền tảng mạng xã hội X của Elon Musk sẽ tiếp quản TikTok tại Mỹ và tham gia quản lý hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giới chức Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cụ thể về cách triển khai giao dịch này.
Các cuộc thảo luận giữa các bên liên quan mới chỉ dừng lại ở giai đoạn sơ bộ. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn ưu tiên để TikTok nằm dưới sự kiểm soát của công ty mẹ Bytedance thay vì chuyển nhượng cho một tổ chức nước ngoài. TikTok hiện từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào về vấn đề này. Về phía tỷ phú Elon Musk, ông cũng chưa có phản hồi trước thông tin được lan truyền. Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) và Bộ Thương mại Trung Quốc - những đơn vị có vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định về tương lai của TikTok - đến nay vẫn giữ im lặng.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, TikTok đang đối diện với nguy cơ bị cấm hoàn toàn tại Mỹ nếu không bán lại hoạt động kinh doanh trước hạn chót ngày 19/1/2025. Đạo luật này được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 4/2024, yêu cầu công ty mẹ ByteDance phải rút lui khỏi thị trường Mỹ nhằm giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia.
Dù chưa có xác nhận chính thức, việc TikTok đối mặt với các áp lực pháp lý tại Mỹ đang đặt ra nhiều kịch bản khác nhau cho tương lai của ứng dụng này. Trong đó, việc chuyển giao quyền sở hữu cho một đối tác như Elon Musk có thể là giải pháp tình thế, giúp TikTok duy trì hoạt động tại thị trường Mỹ mà không phải đối mặt với lệnh cấm. Nếu thương vụ diễn ra, đây sẽ là một trong những động thái gây chấn động thị trường công nghệ, khi Elon Musk tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực mạng xã hội.
Thương hiệu gọi xe công nghệ Bolt rục rịch bước chân vào thị trường Việt Nam, tuyển dụng nhiều vị trí làm việc tại TP.HCM
Mới đây, Bolt - thương hiệu gọi xe công nghệ hàng đầu châu Âu – đang có những bước chuẩn bị để gia nhập thị trường Việt Nam. Hiện tại, công ty này đã bắt đầu đăng tuyển nhiều vị trí việc làm trên các nền tảng mạng xã hội, bao gồm tài xế xe máy, chuyên viên hỗ trợ khách hàng và trưởng nhóm hỗ trợ khách hàng. Đáng chú ý, Bolt đang tìm kiếm tài xế xe máy tại TP.HCM với mức thu nhập lên đến 4 triệu đồng mỗi tuần, tương đương khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng. Điều này cho thấy hãng đang lên kế hoạch mở rộng dịch vụ trong lĩnh vực vận chuyển bằng xe hai bánh tại Việt Nam - một thị trường tiềm năng với nhu cầu gọi xe cao.
Bolt được thành lập vào năm 2013 bởi Markus Villig tại Tallinn, Estonia. Bắt đầu chỉ với số vốn khởi nghiệp khoảng 5.000 euro, Markus Villig đã biến Bolt trở thành một trong những ứng dụng gọi xe lớn nhất châu Âu, cạnh tranh trực tiếp với các "ông lớn" như Uber và Lyft. Khác với các đối thủ, Bolt tập trung vào chiến lược giá cả phải chăng và mở rộng nhanh chóng sang các thị trường mới. Hiện tại, hãng đã có mặt tại 45 quốc gia và hơn 500 thành phố trên toàn thế giới, phục vụ hàng triệu người dùng với các dịch vụ đa dạng như gọi xe, giao đồ ăn, cho thuê xe đạp điện và xe scooter.
Mặc dù Bolt chưa chính thức ra mắt dịch vụ tại Việt Nam, người dùng hiện đã có thể tìm thấy ứng dụng trên App Store và Google Play. Tuy nhiên, việc đăng nhập vào ứng dụng vẫn chưa khả dụng tại thị trường Việt Nam. Điểm đáng chú ý là cả giao diện ứng dụng và website của Bolt đều đã được hỗ trợ ngôn ngữ tiếng Việt, cho thấy hãng đang trong quá trình hoàn thiện các bước cuối cùng trước khi chính thức triển khai hoạt động tại Việt Nam.
>>> Đọc thêm: Vietnam Airlines là thương hiệu du lịch số 1 Đông Nam Á 2024; ShopeeFood công bố đại sứ thương hiệu mới
Bình luận của bạn