- Cách xây dựng chiến dịch marketing mùa lễ hội hiệu quả
- #1. Xác định mục tiêu của chiến dịch
- #2. Xác định đối tượng mục tiêu
- #3. Kiểm tra các mức ưu đãi cho chiến dịch
- #4. Xác định Timeline cho chiến dịch
- #5. Lập kế hoạch truyền thông cho chiến dịch mùa lễ hội
- #6. Kế hoạch chăm sóc và kết nối với khách hàng sau chiến dịch
- #7. Xây dựng các tài sản marketing của thương hiệu
- #8. Triển khai chiến dịch
- #9. Đánh giá và báo cáo kết quả
- Một số lưu ý cho các chiến dịch marketing mùa lễ hội
- #1. Tận dụng những hình ảnh, trải nghiệm quen thuộc của lễ hội
- #2. Kết hợp sứ mệnh vào chiến dịch
- #3. Tạo cảm giác khẩn trương, gấp gáp, thúc đẩy hành động của khách hàng
- #4. Sử dụng chiến lược đa kênh
- #5. Cung cấp ưu đãi, khuyến mãi hoặc quà tặng
- #6. Thêm yếu tố hài hước vào chiến dịch marketing mùa lễ hội
- Những chiến dịch marketing mùa lễ nổi bật
- Coca Cola: Chiến dịch kết hợp truyền thống, cá nhân hóa và trải nghiệm trực tiếp
- Starbuck: Red Cup Day
- IKEA Canada: Assemble Together
- McDonald’s: Reindeer Ready
Cách xây dựng chiến dịch marketing mùa lễ hội hiệu quả
9 bước sau đây sẽ giúp bạn biến chiến dịch marketing mùa lễ hội của mình thành một cú hích lớn, vừa đáp ứng kỳ vọng khách hàng, vừa nâng tầm thương hiệu:
1. Xác định mục tiêu bằng mục tiêu SMART
2. Xác định đối tượng mục tiêu
3. Chuẩn bị các mức ưu đãi cho chiến dịch
4.Xác định Timeline
5. Xây dựng kế hoạch truyền thông
6. Chăm sóc và kết nối với khách hàng sau chiến dịch
7. Xây dựng các tài sản marketing
8. Chạy thử Soft opening
9. Đánh giá và báo cáo kết quả
#1. Xác định mục tiêu của chiến dịch
Hãy cụ thể hóa mục tiêu của mình bằng cách áp dụng nguyên tắc SMART – Cụ thể (Specific), Đo lường được (Measurable), Khả thi (Attainable), Liên quan (Relevant), và Thời hạn (Time-bound). Phương pháp này giúp bạn loại bỏ sự mơ hồ và đánh giá chính xác liệu mục tiêu đã được hoàn thành hay chưa. Tùy thuộc vào kết quả mong muốn, các mục tiêu marketing mùa lễ hội của bạn có thể bao gồm:
- Thu hút 1.000 người đăng ký email mới trước ngày 30/12/2024.
- Đạt 5.000 lượt đăng ký ứng dụng trước ngày 30/11/2025.
- Quyên góp 100.000.000 VND cho tổ chức từ thiện XYZ trước ngày 25/12/2024.
- Tăng doanh thu lên 1 Tỷ VND trước ngày 30/12/2024.
Công thức đơn giản để bắt đầu:
Thu hút [số lượng] khách hàng tiềm năng cho [chủ đề/sản phẩm] trước [ngày cụ thể]
#2. Xác định đối tượng mục tiêu
Hãy tìm hiểu thật kỹ về insight, thói quen và hành vi của khách hàng mục tiêu: Họ thường xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội nào? Họ thích xem nội dung trên điện thoại hay máy tính? Vào dịp lễ hội, điều gì thu hút và khiến họ quan tâm? Càng hiểu rõ về khách hàng, bạn càng dễ dàng đưa ra những quyết định chính xác và hiệu quả hơn.
- Nếu bạn đã có sẵn chân dung khách hàng (buyer personas), hãy kiểm tra xem liệu mục tiêu của chiến dịch có phù hợp với tất cả các nhóm khách hàng hay chỉ một số phân khúc cụ thể. Nếu cần, hãy loại bỏ những nhóm khách hàng không liên quan để tập trung toàn lực vào đối tượng mục tiêu chính.
- Nếu chưa có chân dung khách hàng, bạn có thể tạo mới, hoặc thậm chí thiết kế các chân dung dành riêng cho chiến dịch. Hãy tận dụng tối đa các công cụ hỗ trợ xây dựng chân dung khách hàng để hệ thống hóa thông tin và lập kế hoạch một cách rõ ràng hơn.
#3. Kiểm tra các mức ưu đãi cho chiến dịch
Tùy thuộc vào mục tiêu cụ thể, doanh nghiệp có thể triển khai các ưu đãi như:
- Nếu muốn tăng lượng người đăng ký, hãy cung cấp ưu đãi khi đăng ký email (có thể đi kèm khuyến mãi hoặc giảm giá).
- Muốn tăng lượt tải ứng dụng, ưu đãi có thể là quà tặng miễn phí hoặc tính năng đặc biệt dành riêng cho mùa lễ.
- Nếu muốn tăng doanh số, doanh nghiệp có thể áp dụng chương trình giảm giá, khuyến mãi hoặc quà tặng kèm.
Một ưu đãi được xây dựng đúng cách không chỉ thu hút sự chú ý mà còn tăng tính gắn kết của khách hàng với thương hiệu, góp phần vào sự thành công của chiến dịch.
#4. Xác định Timeline cho chiến dịch
Thông thường, doanh nghiệp nên dành ít nhất một tháng trước ngày lễ hoặc thời điểm khởi chạy chiến dịch để lập kế hoạch và thực hiện. Nếu chiến dịch có quy mô lớn hoặc mang tính chiến lược cao, chẳng hạn như ra mắt sản phẩm quan trọng, thời gian chuẩn bị nên được kéo dài ít nhất ba tháng. Xác định các mốc thời gian cụ thể giúp tránh vội vã, đảm bảo chất lượng chiến dịch và tiếp cận khách hàng đúng lúc.
#5. Lập kế hoạch truyền thông cho chiến dịch mùa lễ hội
Một kế hoạch truyền thông đa kênh, phối hợp chặt chẽ sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch. Dưới đây là những kênh marketing hiệu quả mà các marketer cần chú ý:
Truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội
- Có ảnh hưởng mạnh mẽ: 89% người tiêu dùng bị tác động bởi nội dung mạng xã hội khi mua sắm dịp lễ.
- Hợp tác với Influencer có thể giúp tạo nội dung độc đáo, ra mắt sản phẩm độc quyền, hoặc tổ chức các cuộc thi thu hút sự chú ý. 69% người tiêu dùng tin tưởng vào lời khuyên từ influencer và người thân hơn là từ thương hiệu.
Quảng cáo trả phí (PPC)
- Lợi ích: Giúp thương hiệu vượt qua thuật toán trên mạng xã hội hoặc công cụ tìm kiếm để xuất hiện trước đối tượng mục tiêu.
- Cách ứng dụng: Sử dụng quảng cáo tìm kiếm để nhắm đến tên sản phẩm, hoặc quảng cáo trên mạng xã hội để đưa nội dung khuyến mãi đến khách hàng. Một số định dạng quảng cáo thậm chí cho phép khách hàng đăng ký hoặc mua hàng ngay lập tức.
Email Marketing
Email vẫn là kênh mang lại ROI cao thứ hai vì đây là kênh giao tiếp trực tiếp, cá nhân hóa và ít nhiễu loạn hơn các nền tảng khác. Cách thực hiện:
- Tiêu đề: Là yếu tố quyết định email có được mở hay không. Nên sử dụng tiêu đề ngắn gọn, hấp dẫn, hoặc nêu rõ lợi ích (như giảm giá, khuyến mãi).
- Nội dung: Trình bày ngắn gọn, nêu bật giá trị và cá nhân hóa khi cần.
- Kêu gọi hành động (CTA): Định hướng rõ ràng về hành động mong muốn từ người đọc, như nhấp vào liên kết hoặc mua hàng.
- Thiết kế: Sử dụng đồ họa hoặc mẫu email có chủ đề lễ hội để tăng sức hút.
Content Marketing/Blogging
Blogging giúp cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng, đồng thời cải thiện SEO cho website. Hãy viết bài SEO chi tiết về sản phẩm hoặc ưu đãi mùa lễ, sau đó liên kết bài viết trên mạng xã hội để tăng khả năng tiếp cận.
>>> Đọc thêm: Các chiến lược marketing
#6. Kế hoạch chăm sóc và kết nối với khách hàng sau chiến dịch
Quản lý và thấu hiểu khách hàng tiềm năng
Trước tiên, hãy tìm hiểu sâu hơn về những khách hàng đã bày tỏ sự quan tâm. Nhãn hàng có thể phân loại họ dựa trên sở thích hoặc mức độ tương tác để dễ dàng chăm sóc từng nhóm hiệu quả hơn.
Duy trì kết nối với khách hàng
- Quảng cáo nhắm lại (Retargeting Ads): Nhẹ nhàng nhắc nhở khách hàng về những gì họ đã quan tâm thông qua các quảng cáo tinh tế, xuất hiện đúng lúc.
- Email tự động: Gửi những email chân thành, như lời cảm ơn hoặc cập nhật về những ưu đãi đặc biệt mà họ có thể hứng thú. Hãy giữ cho nội dung gần gũi và cá nhân hóa để khách hàng cảm thấy được trân trọng.
Xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng
- Tạo các chương trình khách hàng thân thiết hoặc ưu đãi đặc biệt để thu hút khách hàng quay lại.
- Cung cấp thông tin hữu ích, tài liệu hướng dẫn, hoặc dịch vụ hậu mãi nhằm tạo ấn tượng tích cực và giữ chân khách hàng.
#7. Xây dựng các tài sản marketing của thương hiệu
Sau khi xác định chiến dịch, bước tiếp theo là chuẩn bị tài sản hỗ trợ như đồ họa, video, bài viết và nội dung liên quan. Landing page là yếu tố quan trọng, nơi khách hàng tìm thấy thông tin chi tiết, tương tác và thực hiện hành động như mua hàng hoặc đăng ký tham gia chương trình.
Các nguyên tắc cần lưu ý khi tạo landing page:
- Tiêu đề hấp dẫn và rõ ràng: Đảm bảo tiêu đề thể hiện rõ ràng lợi ích mà khách hàng sẽ nhận được, đồng thời tạo cảm giác cấp bách để khuyến khích họ tiếp tục khám phá nội dung.
- Hình ảnh và đồ họa sáng tạo: Sử dụng các yếu tố trực quan như hình ảnh chất lượng cao, đồ họa phù hợp và màu sắc hài hòa để tạo cảm giác chuyên nghiệp và thu hút.
- Làm nổi bật lợi ích của ưu đãi: Trình bày rõ ràng và súc tích các lợi ích mà chiến dịch mang lại.
- Hướng dẫn hành động rõ ràng (Call-to-Action - CTA): Đây có thể là nút “Mua ngay”, “Đăng ký ngay” hoặc form thông tin đơn giản được đặt ở vị trí nổi bật, dễ tìm và truyền tải thông điệp mạnh mẽ, khuyến khích khách hàng hành động ngay lập tức.
#8. Triển khai chiến dịch
Trước khi triển khai chính thức, thương hiệu nên cân nhắc thực hiện một giai đoạn ra mắt thử nghiệm (Soft opening). Giai đoạn này đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm tra toàn diện các tài nguyên đã chuẩn bị, bao gồm:
- Kiểm tra nội dung: Đảm bảo thông điệp, hình ảnh, và thông tin được truyền tải chính xác, phù hợp với mục tiêu chiến dịch.
- Kiểm tra kỹ thuật: Xác minh rằng các yếu tố kỹ thuật, như liên kết, biểu mẫu, hoặc quy trình mua hàng, hoạt động ổn định và không xảy ra lỗi.
- Đánh giá trải nghiệm người dùng: Đảm bảo các bước tương tác trên các nền tảng trực tuyến được thực hiện dễ dàng, mượt mà, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Việc ra mắt thử nghiệm sẽ giúp các marketer phát hiện và khắc phục các vấn đề tiềm ẩn, từ đó tối ưu hóa hiệu quả chiến dịch trước khi chính thức công bố. Đây là bước cần thiết để đảm bảo rằng chiến dịch vận hành trơn tru và đạt được mục tiêu đề ra.
#9. Đánh giá và báo cáo kết quả
Những thông tin thu thập được không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu quả cho các chiến dịch tiếp theo mà còn tăng khả năng thích ứng, đảm bảo chiến lược tiếp thị của thương hiệu ngày càng tiến gần hơn đến thành công:
- Chuỗi email: Xác định các giai đoạn khách hàng mất hứng thú hoặc ngừng tương tác, từ đó cải thiện nội dung hoặc thời điểm gửi.
- Quảng cáo trên mạng xã hội: Kiểm tra hiệu suất của các quảng cáo, bao gồm số lượt hiển thị, nhấp chuột, và tỷ lệ chuyển đổi, để xác định yếu tố cần cải thiện.
- Landing page: Đánh giá số lượt truy cập, thời gian ở lại trang, và tỷ lệ hoàn thành hành động (như điền biểu mẫu hoặc mua hàng).
- Nội dung blog: Đo lường mức độ tương tác và số lượt xem để xem liệu nội dung có thực sự đáp ứng nhu cầu của khách hàng mục tiêu hay không.
Một số lưu ý cho các chiến dịch marketing mùa lễ hội
#1. Tận dụng những hình ảnh, trải nghiệm quen thuộc của lễ hội
Mùa lễ hội luôn gắn liền với những truyền thống và hình ảnh quen thuộc, mang ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều người. Đưa những yếu tố này vào chiến dịch marketing không chỉ giúp thu hút sự chú ý mà còn tạo ra sự kết nối cảm xúc sâu sắc hơn với khách hàng. Một số hình ảnh và truyền thống liên quan đến Giáng sinh:
- Người tuyết, bông tuyết
- Bữa ăn cùng gia đình và bạn bè
- Mua sắm và tặng quà
- Trang trí ánh sáng và nến
- Ông già Noel và các chú lùn
- Gà tây, kẹo cây gậy
#2. Kết hợp sứ mệnh vào chiến dịch
Chiến dịch có thể kết hợp việc đóng góp vào một tổ chức từ thiện hoặc hỗ trợ một mục tiêu cụ thể. Ví dụ, trong một chiến dịch sáng tạo, The Body Shop cam kết rằng với mỗi bộ quà được bán ra, họ sẽ cung cấp một ngày nước sạch an toàn cho một gia đình tại Ethiopia thông qua hợp tác với tổ chức WaterAid.
Hành động này không chỉ mang đến giá trị thực tiễn cho cộng đồng mà còn khơi dậy tinh thần chia sẻ và đồng cảm trong lòng khách hàng. Những chiến dịch như vậy vừa tăng cường giá trị thương hiệu, vừa giúp khách hàng cảm thấy rằng mỗi giao dịch đều góp phần tạo nên điều tốt đẹp hơn. Tận dụng ý tưởng này để lan tỏa tinh thần sẻ chia trong mùa lễ hội và làm nổi bật vai trò của thương hiệu trong việc đóng góp cho xã hội.
#3. Tạo cảm giác khẩn trương, gấp gáp, thúc đẩy hành động của khách hàng
Thời điểm cuối năm thường gắn liền với sự gấp gáp và khẩn trương, và việc khai thác yếu tố này là một cách hiệu quả để tạo hứng thú và thúc đẩy hành động từ phía khách hàng:
- Chiến dịch theo ngày: Triển khai một chiến dịch kéo dài 12 ngày, lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng “12 Days of Christmas”. Trong mỗi ngày, bạn có thể giới thiệu các chương trình khuyến mãi, quà tặng, hoặc thông báo đặc biệt để duy trì sự hào hứng của khách hàng.
- Đếm ngược sự kiện: Xây dựng chiến lược đếm ngược tới ngày lễ chính, kết hợp với những bất ngờ hàng ngày. Điều này giúp giữ chân khách hàng, tạo sự mong đợi và tăng tính tương tác.
- Sản phẩm giới hạn: Cung cấp sản phẩm theo mùa hoặc phiên bản giới hạn. Các sản phẩm này tạo cảm giác khan hiếm và kích thích tâm lý FOMO (Fear of Missing Out) – nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội.
#4. Sử dụng chiến lược đa kênh
Trên thực tế, khách hàng hiếm khi đưa ra quyết định mua sắm chỉ sau một lần tương tác với thương hiệu. Thông thường, cần nhiều điểm chạm để thúc đẩy hành động mua hàng. Do đó, việc sử dụng đa kênh sẽ giúp bạn mở rộng tầm ảnh hưởng và tăng khả năng chuyển đổi.
- Mạng xã hội: Tạo nội dung phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng nền tảng (Instagram, Facebook, TikTok, v.v.) để duy trì sự tương tác và thu hút khách hàng tiềm năng.
- Email marketing: Gửi email được cá nhân hóa, cung cấp thông tin khuyến mãi, ưu đãi hoặc lời nhắc về các sản phẩm phiên bản giới hạn.
- Quảng cáo PPC (Pay-Per-Click): Sử dụng Google Ads hoặc quảng cáo trên mạng xã hội để tăng khả năng hiển thị và tiếp cận đối tượng mục tiêu.
- Influencer marketing: Hợp tác với những người có sức ảnh hưởng phù hợp với thương hiệu để tăng tính thuyết phục và mở rộng phạm vi tiếp cận.
- Quảng cáo truyền thống: Nếu ngân sách cho phép, thương hiệu tận dụng quảng cáo truyền hình, radio hoặc bảng quảng cáo để tạo sự hiện diện mạnh mẽ hơn.
Hãy xác định rõ những nền tảng mà đối tượng mục tiêu của bạn thường xuyên sử dụng nhất, sau đó điều chỉnh thông điệp để phù hợp với từng kênh. Một chiến lược đa kênh mạnh mẽ sẽ giúp bạn tối ưu hóa cơ hội tiếp cận khách hàng và thúc đẩy doanh thu hiệu quả.
#5. Cung cấp ưu đãi, khuyến mãi hoặc quà tặng
Trong mùa lễ hội, khách hàng mong đợi những ưu đãi, giảm giá và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Việc không cung cấp ưu đãi trong chiến dịch của bạn có thể khiến thương hiệu bị bỏ qua hoặc không thu hút được sự chú ý từ khách hàng.
- Giảm giá hấp dẫn: Cung cấp mức giảm giá đặc biệt cho các sản phẩm phổ biến hoặc bộ quà tặng, giúp khách hàng cảm thấy họ đang nhận được giá trị lớn khi mua sắm trong mùa lễ hội.
- Khuyến mãi mua 1 tặng 1: Tạo các ưu đãi như "Mua 1 Tặng 1" hoặc các gói combo để khuyến khích khách hàng mua sắm nhiều hơn.
- Quà tặng kèm theo: Tặng quà cho khách hàng khi họ mua một sản phẩm, ví dụ như tặng một món quà nhỏ, voucher giảm giá cho lần mua sau, hoặc sản phẩm dùng thử miễn phí.
- Ưu đãi dành riêng cho các khách hàng cũ: Cung cấp các ưu đãi đặc biệt cho khách hàng trung thành hoặc những người đăng ký nhận bản tin của bạn, nhằm tăng cường mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
- Ưu đãi trong thời gian có hạn: Cung cấp các ưu đãi đặc biệt chỉ trong một thời gian ngắn, tạo ra sự khẩn trương và kích thích hành động mua sắm ngay lập tức từ khách hàng.
Cung cấp những ưu đãi này không chỉ giúp tăng trưởng doanh số trong mùa lễ hội mà còn tạo ra sự hài lòng cho khách hàng, đồng thời giữ chân họ quay lại trong những dịp mua sắm sau này.
#6. Thêm yếu tố hài hước vào chiến dịch marketing mùa lễ hội
Việc thêm một chút hài hước vào chiến dịch marketing của bạn sẽ mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm bớt áp lực cho khách hàng và tạo sự kết nối gần gũi hơn. Hài hước cũng là một loại nội dung cực kỳ phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram.
- Sáng tạo các video hài hước: Tạo các video vui nhộn hoặc meme hài hước liên quan đến những tình huống đặc trưng trong mùa lễ hội, như những rắc rối khi tặng quà, những khoảnh khắc "lúng túng" trong bữa tiệc Giáng Sinh, hay những khoảnh khắc hài hước khi mua sắm online.
- Những câu chuyện hài hước về sự cố trong mùa lễ: Chia sẻ các câu chuyện hoặc tình huống liên quan đến mùa lễ hội theo cách hài hước, từ việc lạc đường trong trung tâm thương mại đến việc bọc quà không đẹp. Những câu chuyện này giúp khán giả cảm thấy đồng cảm và dễ dàng kết nối với thông điệp của bạn.
Những chiến dịch marketing mùa lễ nổi bật
Coca Cola: Chiến dịch kết hợp truyền thống, cá nhân hóa và trải nghiệm trực tiếp
Chiến dịch marketing mùa lễ hội 2024 của Coca-Cola, mặc dù gặp phải phản ứng tiêu cực với quảng cáo sử dụng AI, nhưng vẫn mang lại niềm vui cho người dân Mỹ thông qua Holiday Caravan. Xe tải màu đỏ đặc trưng của Coca-Cola đi qua 14 bang, mời mọi người tham gia chụp ảnh với ông già Noel, thưởng thức Coca-Cola mát lạnh và nhận lon Coca-Cola Zero Sugar cá nhân hóa.
Tại sao chiến dịch này hiệu quả:
- Tận dụng truyền thống lễ hội: Chụp ảnh với ông già Noel là một hoạt động quen thuộc trong dịp lễ.
- Tạo trải nghiệm trực tiếp: Mang đến cơ hội giao lưu với thương hiệu ngoài không gian trực tuyến.
- Cá nhân hóa: Các lon Coca-Cola Zero Sugar được cá nhân hóa giúp tạo ấn tượng đặc biệt.
>>> Đọc thêm: Campaign Giáng sinh của Coca Cola "The World Needs More Santas"
Starbuck: Red Cup Day
Kể từ năm 1999, cốc mùa lễ hội đã trở thành biểu tượng của thương hiệu, và từ năm 2022, Starbucks tổ chức “Red Cup Day” – ngày mà khách hàng mua đồ uống thủ công mùa lễ tại các cửa hàng Starbucks ở Mỹ sẽ nhận được một chiếc cốc đỏ tái sử dụng phiên bản giới hạn, làm từ 95% vật liệu tái chế.
Sau đó, khách hàng mang chiếc cốc này (hoặc bất kỳ cốc tái sử dụng nào) đến cửa hàng sẽ được giảm giá $0.10 cho đồ uống và nhận thêm 25 sao thưởng trong ứng dụng Starbucks Rewards.
Tại sao chiến dịch này hiệu quả:
- Phù hợp với hành vi mua sắm của khách hàng: Đánh đúng vào thói quen chi tiêu và sở thích của người dùng Starbucks.
- Tạo trải nghiệm trực tiếp và kết nối cộng đồng: Khuyến khích tham gia cùng bạn bè hoặc gia đình.
- Tặng quà phiên bản giới hạn: Thu hút khách hàng với sản phẩm miễn phí và độc quyền.
- Khuyến khích lòng trung thành: Giảm giá và điểm thưởng thúc đẩy khách hàng quay lại cửa hàng.
- Thúc đẩy tính bền vững: Hỗ trợ cam kết giảm 50% lượng rác thải của Starbucks vào năm 2030.
IKEA Canada: Assemble Together
Quảng cáo từ IKEA Canada tái hiện một khung cảnh quen thuộc: mùa lễ hội với gia đình tụ họp, căn phòng ngập tràn không khí lễ hội, với người nấu ăn, người trò chuyện, người bày bàn, người chơi game. Mọi người cùng tận hưởng khoảnh khắc bên nhau trong không gian được tô điểm bởi âm nhạc và sản phẩm IKEA.
Điểm đặc biệt của quảng cáo này là sự xuất hiện của một gia đình Nam Á và cách trang trí kết hợp giữa các yếu tố của Giáng sinh và lễ hội Diwali. Chiến dịch kéo dài sáu tuần vào năm 2021 trên các kênh truyền hình truyền thống, nền tảng kỹ thuật số, và mạng xã hội.
Tại sao chiến dịch này hiệu quả:
- Khai thác giá trị truyền thống lễ hội: Tái hiện sự sum họp gia đình trong bữa ăn – một hình ảnh dễ dàng chạm đến cảm xúc của khán giả.
- Giới thiệu sản phẩm IKEA tinh tế: Các sản phẩm xuất hiện tự nhiên trong bối cảnh, không gây cảm giác quảng cáo trực diện.
- Tôn vinh sự đa dạng: Phản ánh sự phong phú trong đối tượng khách hàng của IKEA, đồng thời nhấn mạnh điểm tương đồng giữa các nền văn hóa.
- Tạo sự kết nối qua âm nhạc: Sử dụng bài hát Bollywood biểu tượng, dễ dàng gây ấn tượng với cộng đồng Nam Á.
McDonald’s: Reindeer Ready
"Reindeer Ready" là chiến dịch đa kênh mùa lễ hội của McDonald’s tại Anh, ra mắt vào năm 2018. Dựa trên truyền thống địa phương để lại cà rốt cho tuần lộc, McDonald’s cung cấp miễn phí "Reindeer Treats" (túi cà rốt) vào đêm Giáng sinh tại các cửa hàng ở Anh và Ireland.
Chiến dịch đã đi kèm nhiều quảng cáo qua các năm và giới thiệu Reindeer Ready Live — một ứng dụng thực tế tăng cường (AR) cho phép người dùng quay video hoặc chụp ảnh phòng khách, sau đó thêm hình ảnh tuần lộc AR đang ăn "Reindeer Treats" của McDonald’s.
Kết quả là một clip tùy chỉnh về tuần lộc "bị bắt quả tang" đang thưởng thức cà rốt, mà người dùng có thể lưu lại hoặc chia sẻ trên mạng xã hội.
Tại sao chiến dịch này hiệu quả:
- Tích hợp truyền thống địa phương: Đánh đúng cảm xúc và thói quen lễ hội của người dân.
- Cá nhân hóa trải nghiệm: Tạo cảm giác độc đáo và gần gũi cho người dùng.
- Tạo trải nghiệm đáng nhớ: Kết hợp thực tế tăng cường để nâng cao tương tác thực tế.
- Khuyến khích nội dung do người dùng tạo: Thúc đẩy sự lan tỏa qua các nền tảng mạng xã hội.
>>> Bạn có thể quan tâm: Lịch Mùa Vọng trở thành công cụ tiếp thị chiếm "spotlight" trong chiến lược marketing Mùa lễ hội
Kết luận
Chiến lược marketing mùa lễ hội là cơ hội để thương hiệu kết nối sâu sắc với khách hàng bằng cách khơi dậy cảm xúc và mang đến trải nghiệm đáng nhớ. Những chiến dịch như “Reindeer Ready” của McDonald’s hay “Red Cup Day” của Starbucks cho thấy sự sáng tạo, nỗ lực thấu hiểu khách hàng và tận dụng công nghệ là chìa khóa thành công. Đồng thời, việc lồng ghép giá trị bền vững và các thông điệp ý nghĩa giúp thương hiệu ghi dấu ấn lâu dài. Mùa lễ hội không chỉ là thời điểm thúc đẩy doanh số mà còn là cơ hội để thắp sáng tinh thần thương hiệu một cách mạnh mẽ.
Quế Lâm - Marketing AI
(Nguồn: HubSpot)
Bình luận của bạn