cover

[Case study] 14 ý tưởng tích hợp công nghệ vào trong các cửa hàng bán lẻ (Phần 1)

16 Thg 04

Sau cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra cho toàn bộ hệ thống bán lẻ truyền thống trên thế giới, các cửa hàng đã phải làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết để cạnh tranh với nhau và...

Sau cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra cho toàn bộ hệ thống bán lẻ truyền thống trên thế giới, các cửa hàng đã phải làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết để cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với sự gia tăng ngày càng nhanh của xu hướng tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử. Một trong những giải pháp được các nhà bán lẻ ưa chuộng là sử dụng công nghệ để tạo ra trải nghiệm phong phú, khuyến khích người tiêu dùng quay lại cửa hàng khi thế giới mở cửa trở lại.

Ứng dụng của công nghệ trong các cửa hàng bán lẻ có thể được thể hiện theo nhiều cách khác nhau: có thể phục vụ cho mục đích trải nghiệm, thu hút người dùng di động, tăng sự thuận tiện cho người tiêu dùng, giúp họ cảm thấy an toàn hơn khi mua sắm trong kỳ đại dịch (ví dụ: với các tùy chọn mua sắm không tiếp xúc) hoặc để thúc đẩy độ phủ sóng của các nhà bán lẻ trên các kênh online.

Bài viết dưới đây 14 ví dụ sáng tạo nhất cho thấy ứng dụng của công nghệ tại các cửa hàng bán lẻ trong vài năm qua và gần đây nhất là các cửa hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

1. Social retail store của Burberry

Tháng 7 năm 2020 chứng kiến việc khai trương cửa hàng “social retail” đầu tiên của Burberry tại thủ đô công nghệ của Trung Quốc, Thâm Quyến. Với việc hợp tác với Tencent, Burberry hy vọng sẽ tận dụng được tình yêu của người tiêu dùng ở cả khu vực đối với lĩnh vực bán lẻ xa xỉ và truyền thông xã hội (social media); kết hợp cả hai để tạo ra trải nghiệm sống động và tương tác. Concept “social retail” có nghĩa là tích hợp liền mạch mạng xã hội vào trải nghiệm vật lý tại điểm bán. 

Khi người dùng tương tác với một chương trình nhỏ tùy chỉnh trong ứng dụng WeChat, chẳng hạn như đặt lịch hẹn, tìm hiểu thêm về các sản phẩm nhất định và chia sẻ UGC của riêng họ, họ tích lũy được một loại tiền tệ xã hội ảo. Đơn vị tiền tệ này sau đó được sử dụng để dần dần tạo ra một nhân vật hoạt hình vui nhộn mà sẽ lớn lên trong quá trình dạo bước quanh cửa hàng - một ý tưởng thú vị và đáng yêu giúp thương hiệu đánh giá nhanh chóng trải nghiệm của khách hàng tại cửa hàng và thưởng cho họ vì đã tham gia chương trình.

Nhờ độ phổ biến ở Trung Quốc nên mã QR cũng được sử dụng rộng rãi trong ứng dụng này. Giá treo quần áo và mọi vật phẩm trưng bày khác trong cửa hàng cũng đều được gắn mã QR để khách hàng chỉ cần quét mã là có thể truy cập vào xem thông tin chi tiết của sản phẩm, bộ sưu tập và khám phá cách kể chuyện trực quan phong phú.

2. Cửa hàng app-first của Lush

Harajuku, Nhật Bản là nơi đặt cửa hàng Lush đầu tiên được trang hoàng theo phong cách đậm chất Instagram và có sử dụng ứng dụng #LushLabs để tra cứu thông tin về sản phẩm và tương tại tại cửa hàng. 

Cửa hàng mở cửa vào cuối năm 2018 và chỉ dành riêng để bán nhiều loại bom tắm sủi bọt (bath bombs) khác nhau. Các loại bom tắm với đủ hình dạng, màu sắc và kích cỡ khác nhau được bày biện gọn gàng và ngăn nắp trên các giá đỡ được đặt xung quanh cửa hàng cũng như trên các băng chuyền được đặt giữa cửa hàng. Người mua hàng sẽ chọn các bom tắm có mùi hương hoặc vẻ ngoài hấp dẫn, sau đó quét sản phẩm bằng Lush Lens (một tính năng của ứng dụng #LushLabs).

Sau khi quét xong, ứng dụng sẽ hiển thị ra thêm các thông tin về sản phẩm bao gồm, tên, thành phần, đặc tính, lợi ích cũng như mô phỏng hình ảnh bom tắm sẽ tan ra trong bồn tắm của bạn. Việc ứng dụng công nghệ vào trong bán hàng này sẽ giúp các thương hiệu loại bỏ những tương tác và tư vấn trực tiếp, cũng như các tấm bảng đen hướng dẫn thường thấy trong các cửa hàng truyền thống khác của Lush. Đội ngũ nhân viên am hiểu về sản phẩm cũng sẽ luôn sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào và đưa ra các đề xuất nếu bạn đang muốn tìm kiếm thứ gì đó cụ thể.

Cửa hàng Harajuku cũng miễn phí hoàn toàn chi phí đóng gói sản phẩm, hay còn gọi là 'trần trụi' như cách gọi của Lush.

3. Thanh toán tại chỗ trong lúc đợi xếp hàng tại cửa hàng bán lẻ M&S

M&S trở thành nhà bán lẻ thực phẩm đầu tiên của Vương quốc Anh tích hợp tùy chọn thanh toán tại chỗ trong các cửa hàng của mình vào cuối năm 2020. Sáng kiến Pay With Me cho phép các khách hàng chỉ mua 1 lượng nhỏ hàng hóa có thể thanh toán ngay với nhân viên M&S trong lúc xếp hàng, thay vì phải đợi tự phục vụ hoặc đợi đến khi tới lượt.

Nhân viên của M&S sẽ sử dụng một thiết bị cầm tay để thanh toán không tiếp xúc cho các mặt hàng, giúp giải phóng một hàng dài đang đợi và làm cho cửa hàng bớt đông đúc hơn. Điều này cũng làm tăng tính an toàn cho những người đang mua sắm tại cửa hàng trong thời kỳ đại dịch. Ngoài thanh toán bằng tiền mặt, thiết bị này cũng chấp nhận phương thức thanh toán bằng Apple Pay.

Cho đến nay, công nghệ này đã được triển khai cho 200 cửa hàng và là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của công ty nhằm làm cho việc mua sắm tại các cửa hàng truyền thống của họ hiệu quả, thuận tiện và an toàn hơn. Thậm chí, M&S còn cho phép người tiêu dùng “book” trước một “slot” mua hàng tại cửa hàng trên các kênh online.

[Case study] 14 ý tưởng tích hợp công nghệ vào trong các cửa hàng bán lẻ (Phần 1)- Ảnh 1.

4. Máy bán hàng tự động thông minh của & Other Stories

Vào mùa hè năm 2020, thương hiệu Thời trang & Other Stories đã ra mắt trải nghiệm máy bán hàng tự động cho phép khách hàng dùng thử một loạt sản phẩm từ dịch vụ làm đẹp và tạo mùi hương của hãng.

Máy bán hàng tự động đóng vai trò như một trung tâm tương tác, với màn hình cảm ứng lớn, người dùng có thể khám phá các sản phẩm có sẵn một cách chi tiết hơn thông qua cách kể chuyện bằng hình ảnh chuyên sâu. Với thiết bị này, khách hàng có thể tìm thấy những bộ mỹ phẩm hoặc hương thơm yêu thích của họ, hoặc một cái gì đó mới trên cùng một nơi, thay vì tìm kiếm rải rác trên các POS (thiết bị bán hàng) giữa một loạt các bộ sưu tập quần áo phong phú của nó. 

Hiện tại, máy bán hàng tự động là một trải nghiệm độc quyền được tìm thấy trong cửa hàng hàng đầu của & Other Stories ở Paris. Sau khi thu thập đủ dữ liệu về khả năng ứng dụng của máy, thương hiệu sẽ có kế hoạch mở rộng ý tưởng hơn trên nhiều cửa hàng của & Other Stories.

[Case study] 14 ý tưởng tích hợp công nghệ vào trong các cửa hàng bán lẻ (Phần 1)- Ảnh 2.

5. Mã QR của Hema

Năm 2016, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã mở cửa hàng Hema đầu tiên tại Trung Quốc. Tiền đề cho việc xây dựng chuỗi siêu thị này là kết hợp các yếu tố mua hàng online và offline lại với nhau để tạo ra trải nghiệm liền mạch tối ưu.

Khi mua sắm tại cửa hàng, khách hàng có thể quét mã QR trên sản phẩm để biết thêm thông tin về loại sản phẩm này (bao gồm cả các thông tin về nguồn gốc, giao hàng và ngày thu hoạch). Quy trình thanh toán cũng có thể được thực hiện thông qua ứng dụng Hema, giúp cho việc mua sắm diễn ra nhanh chóng và thuận tiện.

Một điểm nhấn ấn tượng khác đến từ trải nghiệm ăn uống trong cửa hàng của Hema. Như bạn có thể thấy trong clip dưới đây, sau khi đặt bàn trước bằng ứng dụng Hema, khách hàng có thể đặt món từ cửa hàng để nấu, sau đó robot sẽ vận chuyển đồ tươi sống đến nhà bếp, chờ nhà bếp chế biến xong sẽ lại giao đồ ăn đến bàn của người dùng. Một công cụ khá ấn tượng.

6. Cửa hàng tốc độ của Nike (Speed Shop)

Năm 2018, Nike đã khai trương một cửa hàng flagship vô cùng hoành tráng nằm ngay giữa trung tâm thành phố New York với tên gọi 'Ngôi nhà Đổi mới 000 của Nike' (Nike House of Innovation 000). Đúng như cái tên, đây không phải là một store thông thường mà là một cửa hàng flagship có tích hợp các công nghệ kỹ thuật số để tạo ra trải nghiệm phong phú và thuận tiện cao cho người mua sắm.

Bên cạnh các studio tùy chỉnh với các chức năng khác nhau và điểm thanh toán tức thì (thanh toán bằng điện thoại), một tính năng nổi bật của studio sáu tầng với diện tích 6.317 m2 là “Cửa hàng tốc độ” (Speed Shop). Cửa hàng này cho phép khách tìm đồ đang được yêu thích trong khu vực bằng cách nhờ nhân viên tư vấn hoặc tự dùng máy tính. Ngoài ra, đối với các thành viên NikePlus (tên gọi riêng cho khách hàng thân thiết của hãng), họ có thể đặt trước trên mạng và sản phẩm sẽ được cất trong tủ khóa gắn tên của họ ở cửa hàng và đợi họ đến lấy. Khách hàng khi đến sẽ vào thông qua một lối đi dành riêng cho NikePlus và sau đó có thể mở tủ khóa ra để lấy giày thông qua chiếc điện thoại thông minh của mình. 

Tính năng thanh toán qua thiết bị di động cũng có sẵn, nghĩa là khách hàng thậm chí không cần nói chuyện với bất kỳ ai (chưa nói đến việc đứng xếp hàng) nếu họ đang tính mua một đôi giày. Quả thực là một trải nghiệm đỉnh cao trong mua sắm tiện lợi.

[Case study] 14 ý tưởng tích hợp công nghệ vào trong các cửa hàng bán lẻ (Phần 1)- Ảnh 3.

7. Thanh toán tự động Amazon Go và Amazon Fresh

Không chỉ cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm online trên các nền tảng thương mại điện tử, Amazon còn có ý định đưa công nghệ vào trong miếng bánh bán lẻ thực tế của mình với chuỗi cửa hàng Go, hay còn được biết đến với thương hiệu Fresh tại Anh, khi cửa hàng đầu tiên bên ngoài thị trường Hoa Kỳ được mở tại Ealing, Luân Đôn. Với chuỗi cửa hàng Go, Amazon sử dụng kết hợp thị giác máy tính (computer vision), deep learning và công nghệ kết hợp cảm biến để tự động hóa quy trình thanh toán và kiểm tra. Nhờ vậy, khách hàng có thể vào cửa hàng, chọn đồ và rời đi mà không cần xếp hàng hoặc thanh toán hóa đơn, vì quá trình thanh toán đã được thực hiện tự động thông qua ứng dụng Amazon Go.

Hiện đã có 27 cửa hàng Amazon Go mở tại Hoa Kỳ và Amazon đã đưa ra báo cáo kế hoạch cho hàng nghìn cửa hàng khác trên toàn thế giới.

> Xem thêm: Hưởng lợi từ COVID-19, Amazon sẽ phá vỡ thị trường tạp hóa trực tuyến ở Anh như thế nào?

Vào tháng 8 năm 2020, Amazon đã tiết lộ ý tưởng concept cho cửa hàng Amazon Fresh của mình, đồng thời công bố kế hoạch thúc đẩy mở rộng việc cung cấp hàng tạp hóa trong bối cảnh nhu cầu của người dân đạt mức cao kỷ lục. Cửa hàng đã được khai trương tại Woodland Hills, California với một làn đường Amazon Dash Cart riêng có chức năng như một khu vực thanh toán chuyên dụng, cho phép khách hàng bỏ qua hàng đợi ở các làn đường khác nếu họ đã đăng nhập vào cửa hàng bằng mã QR trong ứng dụng Amazon.

Các thiết bị Alexa tích hợp được đặt xung quanh cửa hàng giúp người mua có thể tìm kiếm hàng hóa mà họ muốn mua một cách nhanh hơn và kiểm tra lại một lần nữa các mặt hàng trong Danh sách mua sắm Alexa (Alexa Shopping List) của họ trước khi rời đi. Hãy cùng xem trải nghiệm mua sắm của một khách hàng tại cửa hàng Amazon Go trong video dưới đây:

Tạm kết

Có thể thấy, kỷ nguyên chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ dưới sự hỗ trợ của công cụ phân tích và trí tuệ nhân tạo (AI). Bằng cách thu thập một lượng lớn dữ liệu và biến dữ liệu đó thành thông tin chuyên sâu hữu dụng, các nhà bán lẻ có thể tạo ra những trải nghiệm cực kỳ cá nhân hóa, siêu tiện lợi khiến khách hàng trung thành hơn và doanh thu đạt được cao hơn.

(Còn tiếp)

Tô Linh - MarketingAI

Theo Econsultancy

>> Có thể bạn quan tâm: 14 ý tưởng tích hợp công nghệ vào trong các cửa hàng bán lẻ (Phần 2)

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.