- 8. Các cửa hàng không người lái của Bingobox
- 9. Thẻ giá kỹ thuật số của Kroger
- 10. Window displays tích hợp AR của Zara
- 11. Phòng trưng bày VR của Audi
- 12. Cửa hàng của tương lai - Chanel (Chanel’s Bontique of Tomorrow)
- 13. Robot lau sàn và phân tích kệ hàng của Sam's Club
- 14. The CornerShop từ Capgemini, The Drum và SharpEnd
Xu hướng tích hợp công nghệ vào các cửa hàng bán lẻ đang ngày càng phổ biến hơn và "như cá gặp nước" trước những tác động của đại dịch COVID-19. Trong phần tiếp theo của bài viết này, hãy cùng MarketingAI khám phá xem các nhà bán lẻ khác trên thế giới đã tận dụng xu hướng này để đưa ra những ý tưởng kinh doanh hay ho nào nhé!
8. Các cửa hàng không người lái của Bingobox
Tương tự như Amazon Go, BingoBox của Trung Quốc đưa khái niệm cửa hàng không nhân viên lên một tầm cao mới. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2016, tính đến nay đã có hàng nghìn cửa hàng tiện lợi 24/7 nhỏ bé như thế này nằm trên khắp Trung Quốc để mang đến sự thuận tiện cho công chúng.
Khách hàng sẽ phải quét mã QR bằng ứng dụng WeChat để được cấp quyền truy cập vào cửa hàng và khám phá 800 mã sản phẩm khác nhau bao gồm đồ uống, đồ ăn nhẹ và một số mặt hàng nhạy cảm như bao cao su,... có thể khiến người dùng cảm thấy khó xử khi mua hàng trực tiếp và đối mặt với nhân viên thu ngân. Sau khi chọn đồ, người dùng BingoBox có thể sử dụng quy trình tự kiểm tra hoàn chỉnh với thẻ RFID (công nghệ dùng kết nối sóng vô tuyến để tự động xác định và theo dõi các thẻ nhận dạng gắn vào vật thể) gắn trên bao bì, nhằm thay thế cho bước quét sản phẩm thường gặp khi thanh toán trực tiếp, sau đó thanh toán bằng tài khoản WeChat hoặc AliPay trên di động. Trên đường đi, thậm chí còn có một hệ thống bảo mật thông minh xác định các sản phẩm của một người chưa được thanh toán để không cho phép người đó rời khỏi cửa hàng cho đến khi nhân viên của cửa hàng bổ sung mặt hàng thay thế trên kệ.
Mặc dù được coi là một bước tiến lớn trong việc nhân rộng các cửa hàng bán lẻ không người bán, nhưng quy trình bán hàng của BingoBox vẫn chưa được đánh giá là hoàn toàn tự động 100%, khi nhân viên vẫn được yêu cầu bổ sung các mặt hàng một cách thường xuyên và cũng có một đại lý chăm sóc khách hàng từ xa luôn ở chế độ chờ để sẵn sàng hỗ trợ người dùng khi cần thiết.
9. Thẻ giá kỹ thuật số của Kroger
Vào năm 2018, chuỗi cửa hàng tạp hóa Kroger của Mỹ đã triển khai công nghệ thẻ giá kỹ thuật số trên hàng trăm cửa hàng. Công nghệ Kroger Edge này được ra đời với mục tiêu giúp hiển thị các thông tin về giá cả và dinh dưỡng trên nền tảng kỹ thuật số, cho phép cửa hàng có thể cập nhật chúng ngay lập tức khi có thay đổi và từ xa.
Kroger Edge là một phần của dự án bán lẻ dưới dạng dịch vụ giữa Kroger và Microsoft, được thành lập vào năm 2019 với mục đích định nghĩa lại trải nghiệm mua sắm. Cách hoạt động của công nghệ này như sau: Khi khách hàng di chuyển qua các lối đi trong cửa hàng Kroger, thẻ giá kỹ thuật số sẽ sáng lên với biểu tượng được cá nhân hóa - biểu thị một mặt hàng trong danh sách mua sắm của họ.
(Ảnh: Businessinsider)
Biểu tượng, chẳng hạn như quả bí ngô, được khách hàng chọn và lưu trữ trong hồ sơ người mua hàng của họ.
(Ảnh: Businessinsider)
Khách hàng có thể quét các mặt hàng bằng điện thoại thông minh khi họ đặt chúng vào giỏ hàng. Hoặc quét bằng thiết bị cầm tay do Kroger cung cấp
(Ảnh: Businessinsider)
Điều này cho phép họ bỏ qua bước quét mã thanh toán khi mua sắm xong.
(Ảnh: Businessinsider)
Sau quét xong một mặt hàng, một ứng dụng sẽ chỉ cho họ nơi tìm sản phẩm tiếp theo trong danh sách mua hàng.
(Ảnh: Businessinsider)
Ứng dụng cũng sẽ hiển thị cho họ các mã giảm giá và quảng cáo.
(Ảnh: Businessinsider)
Được biết, công nghệ này sẽ đặc biệt hữu ích cho các nhân viên của Kroger khi chọn và đóng gói các đơn hàng trực tuyến của khách hàng. Đặc biệt, trong quá trình thử nghiệm, các thẻ bật sáng đã cắt giảm đáng kể thời gian nhân viên hoàn thành các đơn đặt hàng trực tuyến.
(Ảnh: Businessinsider)
Bỏ qua yếu tố về trải nghiệm khách hàng sang một bên thì công nghệ Edge cũng được cho là có tác động đến nỗ lực phát triển bền vững của nhà bán lẻ. Theo Microsoft, công nghệ này chạy bằng năng lượng tái tạo, việc thẻ giá được bật sáng lên có thể giúp Kroger tiết kiệm điện cho các đèn chiếu sáng trên cao (đèn trần) và do đó, giảm chi phí năng lượng chiếu sáng.
10. Window displays tích hợp AR của Zara
*Window displays: tạm dịch là khu bài trí những món đồ bắt mắt nhất của cửa hàng.
Vào năm 2018, Zara đã cho ra mắt công nghệ AR và công bố kế hoạch tích hợp AR vào trong các cửa hàng của mình trong một khoảng thời gian giới hạn, thông qua window displays và các khu AR đặc biệt trong cửa hàng.
Khi khách hàng ghé thăm các cửa hàng Zara có ứng dụng công nghệ này, đứng trước một khu vực cụ thể của cửa hàng và giơ điện thoại lên chiếu về phía khu trưng bày, điện thoại của họ sẽ hoạt động giống như một ống kính cảm biến, hiển thị ra các nhân vật người mẫu đang khoác trên mình những bộ trang phục mới nhất của hãng và tương tác với không gian xung quanh họ.
Công nghệ thực tế ảo tăng cường này giúp người dùng hình dung ra được một bộ trang phục khi khoác trên người sẽ có diện mạo như thế nào và nên được phối ra sao, mà không cần vào phòng thay đồ nếu không có đủ thời gian.
Cách hoạt động của các tủ kính trưng bày bên ngoài (window displays) cũng tương tự như vậy, ngoại trừ việc các người mẫu có thể tận dụng khoảng trống trên vỉa hè đằng trước khung kính như một sàn catwalk để trình diễn các bộ trang phục và coi những người mua sắm trên đường phố là khán giả.
Ngoài ra, công nghệ AR cũng được tích hợp trên hộp đóng gói sản phẩm của Zara để những khách hàng mua hàng online qua các sàn thương mại điện tử cũng được trải nghiệm thứ công nghệ mới này, đồng thời thu hút họ đến cửa hàng để được trải nghiệm đầy đủ hơn. Giống như trải nghiệm tại các cửa hàng truyền thống, người mua hàng online có thể dùng điện thoại để quét một khu vực dành riêng trên bao bì để tái hiện phiên bản thu nhỏ của sàn catwalk.
11. Phòng trưng bày VR của Audi
Trải nghiệm mua xe giờ đây không còn chỉ bó hẹp trong các đại lý, đặc biệt là sau những khó khăn của năm 2020. Người tiêu dùng sẽ nghiên cứu trước về các loại xe mà họ muốn mua thông qua các trang web, mạng xã hội và diễn đàn xe trước khi quyết định mua hàng. Sau đó, mua hàng qua các dịch vụ mua hàng online của một số thương hiệu đang cung cấp hiện nay, trong bối cảnh các cửa hàng, showroom đều buộc phải đóng cửa vì dịch Covid-19.
Một trong những thương hiệu đi đầu và thậm chí là có những sáng kiến đi trước thời đại đó là Audi. Năm 2017, hãng đã tạo ra sự khác biệt cho thị trường bán lẻ ô tô khi tung ra trải nghiệm thực tế ảo tại các showroom toàn cầu.
Trải nghiệm VR cho phép người tiêu dùng xác định được cấu hình chiếc xe mơ ước của họ, cũng như khám phá nội, ngoại thất của chiếc xe một cách chi tiết và thực tế. Trải nghiệm này cũng cho phép người dùng cảm nhận những 'khoảnh khắc đặc biệt của Audi', chẳng hạn như cuộc đua Le Mans 24 Hours, nhờ đó người dùng có thể chứng kiến bầu không khí khẩn trương khi các tay đua rẽ vào khu vực pit-stop (điểm dừng kỹ thuật) để thay lốp trước khi trở lại đường đua.
Thông qua công nghệ VR, Audi có thể mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mua hàng hấp dẫn và có tính tương tác cao, không chỉ dừng lại ở việc mua hàng trên những chiếc máy tính bảng mà còn chuyển sang thứ gì đó sống động hơn nhiều.
12. Cửa hàng của tương lai - Chanel (Chanel’s Bontique of Tomorrow)
Nhà mốt hàng đầu thế giới Chanel đã bắt tay với sàn thương mại điện tử Farfetch để cho ra mắt Boutique of Tomorrow tại cửa hàng flagship của thương hiệu ở Paris, Pháp vào cuối năm 2019, với mục tiêu kết hợp trải nghiệm mua sắm online và offline để tạo ra một trải nghiệm đa kênh được sắp xếp hợp lý.
Phát biểu tại Econsultancy Live 2020, CMO của Farfetch đã giải thích mục tiêu đằng sau ý tưởng này, “Khi ai đó bước vào Chanel, các nhân viên bán hàng trong cửa hàng (thông qua một ứng dụng được kết nối với ứng dụng của khách hàng) sẽ biết họ là ai và món đồ yêu thích của họ là gì… Những người dùng này đã đặt trước lịch hẹn đến cửa hàng và vì thế, tất cả những món đồ nằm trong danh sách yêu thích online của họ đã được sắp xếp và chờ sẵn họ trong phòng thay đồ một cách kỳ diệu.”
Những chiếc gương được điều khiển bằng AR bên trong phòng thay đồ của cửa hàng sẽ hiển thị các đề xuất phối đồ đến từ các nhà tạo mẫu khác nhau, dựa trên những gì khách hàng đang thử và thậm chí là đề xuất thêm các sản phẩm khác có thể được phối cùng, giúp cho bộ trang phục trở nên hoàn thiện hơn.
(Ảnh: WWD)
Ngoài ra, bên trong cửa hàng cũng sẽ gắn rải rác các thiết bị kỹ thuật số tương tác khác nhau, cho phép khách hàng truy cập các nội dung độc quyền như chuyến tham quan ảo quanh căn hộ của Coco Chanel - nhà sáng lập của thương hiệu nổi tiếng này.
13. Robot lau sàn và phân tích kệ hàng của Sam's Club
Công ty trí tuệ nhân tạo Brain Corp mới đây đã cung cấp cho chuỗi bán lẻ Sam’s Club một loạt các robot lau sàn giúp siêu thị này có thể tự động hóa các nhiệm vụ đơn giản và tập trung nhiều hơn vào các công việc quan trọng như thanh toán và chăm sóc khách hàng.
Ngoài ra, trong lần cập nhật gần đây nhất, Sam's Club đã mở rộng hợp đồng với Brain Corp để thí điểm lắp đặt một loạt robot mới giúp phân tích các kệ hàng được lắp đặt khắp các cửa hàng của mình. Dữ liệu do robot thu thập sẽ được sử dụng để kiểm tra độ chính xác của giá cả, vị trí đặt sản phẩm so với sơ đồ mặt bằng và theo dõi lượng hàng tồn kho. Nhân viên sẽ nhận được cảnh báo bằng văn bản theo thời gian thực nếu có bất kỳ điều gì sai lệch gì so với hệ thống.
Khi công nghệ tự động như thế này trở nên phổ biến hơn trong các cửa hàng bán lẻ và trung tâm hoàn tất đơn hàng (fulfillment centre) trên khắp thế giới, nhiều khả năng chúng ta sẽ được thấy các công ty sẽ tiếp tục phát triển và nâng cấp nó hơn nữa để nó có thể thực hiện các công việc quản trị khác trong quá trình vận hành cửa hàng bán lẻ hàng ngày.
Bạn có thể xem cách một con robot dọn dẹp do Brain Corp sáng tạo ra hoạt động như thế nào trong video dưới đây:
14. The CornerShop từ Capgemini, The Drum và SharpEnd
Đứng cuối cùng trong danh sách là CornerShop - một trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng bán lẻ tương lai hoàn toàn mới tại London, Anh do Capgemini, The Drum và SharpEnd hợp tác cùng triển khai. Nằm ở tầng trệt của The Drum Labs ở London, CornerShop đã được thiết kế như một môi trường thử nghiệm trực tiếp cho các thương hiệu, nhà bán lẻ và người mua sắm để tiếp cận với các công nghệ mới nhất, mô phỏng lại trải nghiệm mua sắm với các loại hàng hóa như F&B, mỹ phẩm và thời trang. Người tiêu dùng cũng sẽ có thể mua các mặt hàng tại cửa hàng.
Được chia thành bốn góc - sáng kiến này sẽ đưa người tiêu dùng khám phá 4 khía cạnh chính của trải nghiệm mua hàng thực tế là Cửa hàng tự động, Cửa hàng tăng cường, Cửa hàng có mục đích và Cửa hàng được cá nhân hóa. Cửa hàng sẽ tiếp tục được hoàn thiện dần theo thời gian dựa trên những feedback nhận được theo thời gian thực từ phía người dùng đã tương tác trực tiếp với nó.
Một số tính năng nổi bật của cửa hàng có thể kể đến tính năng thay đồ ảo, giúp người dùng có thể thử các bộ trang phục mới nhất mà không cần phòng thay đồ; cùng với đó là trải nghiệm cá nhân hóa bằng cách sử dụng hỗn hợp công nghệ định vị Bluetooth và đầu vào tùy chọn của khách hàng.
CornerShop thậm chí còn có 'trang trại thẳng đứng' (vertical farm) rất riêng giúp khách hàng có thể chọn và thanh toán cho các sản phẩm tươi sống được trồng trong cửa hàng, cũng như quầy pha chế không tiếp xúc do các trợ lý thông minh điều hành.
Trong một thông cáo báo chí, Capgemini đã cho biết: “Sáng kiến số có thể tạo ra những cách thức mới để nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải thiện hoạt động tại cửa hàng và cho phép người tiêu dùng tìm lại niềm vui khi mua sắm trực tiếp tại cửa hàng, thông qua các lựa chọn tương tác và mua sắm mới thú vị.”
Kết
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ đóng vai trò cốt lõi trong việc giúp ngành bán lẻ chuyển mình trong thời đại mới. Song song với tốc độ phát triển của công nghệ, những ứng dụng của kỹ thuật số vào trong các cửa hàng bán lẻ lại càng được nhân rộng và cho thấy óc sáng tạo không giới hạn của những thương hiệu hàng đầu. Hy vọng rằng, trong tương lai, sẽ có những thương hiệu Việt Nam ứng dụng và đưa ra những sáng kiến thú vị về công nghệ trong lĩnh vực bán lẻ của mình. Nó sẽ là minh chứng cho thấy tốc độ phát triển của nền công nghệ Việt Nam nói riêng và ngành bán lẻ Việt Nam nói chung.
Tô Linh - MarketingAI
Theo Econsultancy
>> Có thể bạn quan tâm: Học được gì từ các chiến dịch quảng cáo thành công và thất bại nhất mùa Giáng Sinh 2020
Bình luận của bạn