Trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt của những ông lớn ngành chế biến thức ăn nhanh, điểm sáng nào dành cho các cửa hàng hàng nhỏ? Đâu là chiến lược marketing đồ ăn nhanh hiệu quả? Đồ ăn nhanh liệu có còn là một thị trường tiềm năng trong ngành F&B tại Việt Nam?
Thực trạng sử dụng đồ ăn nhanh tại Việt Nam
Ngày nay, chúng ta dễ dàng tìm thấy những sản phẩm đồ ăn nhanh, đồ uống đóng chai trong các siêu thị, nhà hàng, chợ truyền thống lẫn các quán ăn vỉa hè. Một chiếc bánh mì, một nắm xôi xéo… là đủ cho một bữa sáng nhanh, gọn lẹ. Hay với dân văn phòng, họ đã quá quen thuộc với những bữa trưa tiện lợi đặt ngay trên các app đặt đồ ăn như Grabfood, Baemin…
Giới trẻ còn đặc biệt yêu thích các thương hiệu ngoại như McDonald’s, KFC, Burger King, Texas Chicken, Pizza Hut, Domino’s, Starbucks… Các chuyên gia cho biết doanh thu cao nhất của thị trường đồ ăn nhanh là đến từ các chuỗi nhà hàng chuyên về món gà.
Bên cạnh các thương hiệu nước ngoài thì trong nước, các thương hiệu đồ ăn nhanh truyền thống như Bánh xèo Mười Xiềm, Xôi Lá Chuối… cũng đang ra sức phát triển. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của các thương hiệu này vẫn còn kém, bằng chứng là các thương hiệu nước ngoài hiện đang chiếm tới 80% thị phần.
Cùng với nhịp sống nhanh và sự phát triển như “vũ bão” của mạng xã hội, đồ ăn nhanh dường như chiếm sóng trên mọi ngóc ngách. Thị trường thức ăn nhanh Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh, phần lớn là nhờ sự xuất hiện của xu hướng thương mại điện tử và các ứng dụng gọi món, giao hàng.
Chiến lược marketing đồ ăn nhanh hiệu quả
Chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt
Việc truyền thông - quảng bá cho quán ăn sẽ trở nên vô ích nếu như chất lượng các món ăn của bạn không tốt. Do vậy, chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố quan trọng nhất mà các nhà kinh doanh dịch vụ nên ghi nhớ. Ngoài yếu tố về chất lượng đảm bảo, hương vị thơm ngon thì bạn cũng nên tạo cho thương hiệu của mình một yếu tố đặc trưng riêng về sản phẩm như là vị nước sốt đặc biệt…
Sử dụng KOLs/influencer
Mở rộng mạng lưới nhận diện thương hiệu hiệu quả bằng việc sử dụng những người có ảnh hưởng. Hãy hợp tác với các Food Reviewer - những người có chuyên môn về mảng ẩm thực, những đánh giá khách quan từ họ sẽ giúp khách hàng thêm tin tưởng, mong muốn đến cửa hàng và trải nghiệm sản phẩm.
Sử dụng các nền tảng mạng xã hội
Trong thời đại quảng cáo kỹ thuật số lên ngôi, lợi ích mạng xã hội đem lại cho các cửa hàng bán đồ ăn nhanh là điều không thể phủ nhận. Giữa vô vàn các trang kênh social media, đâu là lựa chọn dành cho thương hiệu bạn?
- Facebook: Nền tảng mạng xã hội sở hữu lượng người dùng lớn nhất thế giới và cũng có tới hơn 40 triệu người dùng tại Việt Nam. Facebook thường là điểm dừng chân lí tưởng để các thương hiệu cung cấp đầy đủ các thông tin về địa điểm, menu, giá cả cùng với những ưu đãi và hình ảnh chân thật đi kèm. Bên cạnh các fanpage, group cũng là một trong những kênh truyền thông hiệu quả mà thương hiệu nên cân nhắc.
- Instagram: Mạng xã hội cung cấp cho khách hàng những thông trực quan và hấp dẫn với content dạng hình ảnh và video. Khi triển khai trên kênh truyền thông này, thương hiệu cần đầu tư nhiều hơn về hình ảnh của các món ăn.
- TikTok: Sự phát triển như vũ bão đã khiến cho TikTok trở thành cái tên không thể không nhắc đến khi nói về social media. Bạn có thể phát triển kênh Tiktok riêng cho doanh nghiệp hoặc có thể book các KOL, KOC review về sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu bạn. Haidilao là một minh chứng rõ ràng nhất.
Áp dụng các chương trình khuyến mãi
Ngành hàng đồ ăn nhanh có những đặc thù riêng, ví dụ như khách hàng không chỉ gọi duy nhất một loại sản phẩm như gà rán, khoai tây chiên mà thông thường sẽ gọi theo Combo 1 miếng gà, 1 khoai tây chiên và 1 lon pepsi. Do vậy, các cửa hàng đồ ăn nhanh thường áp dụng mức giá khuyến mãi khi khách hàng lựa chọn order theo combo, nhìn thì có vẻ rất "hời" nhưng thực tế thì mức giá chênh lệch cũng không hơn là bao. Tuy nhiên, chiến lược sử dụng combo đã thành công đánh trúng vào tâm lý muốn mua đồ rẻ, đồ khuyến mãi của khách hàng.
Thực tế cũng cho thấy, lợi nhuận thu từ sản phẩm đồ uống thường cao hơn so với sản phẩm đồ ăn tại cửa hàng, do đó, bạn có thể khai thác bất cứ điểm "chạm" tiếp xúc nào để kích thích nhu cầu mua của khách hàng. Ví dụ như, sắp xếp trưng bày sản phẩm giống như một loại đồ uống, quảng bá trên các banner, standee đặt trước cửa hàng...
Thiết kế cửa hàng bắt mắt
Làm thế nào để cửa hàng của bạn nổi bật và thu hút nhiều khách hàng hơn bên đối thủ? Màu sắc biểu tượng của thương hiệu là một chuyện, ngoài ra, bạn có thể tạo ra một không gian riêng cho các bạn trẻ có thể thoả sức sống ảo. Khách hàng đến ăn, chụp ảnh và check in tại cửa hàng là một trong những hình thức marketing 0 đồng hiệu quả.
Xây dựng website chuyên nghiệp
Website vẫn luôn là ngôi nhà thứ hai của doanh nghiệp, cho dù nhà hàng bạn sở hữu quy mô lớn hay nhỏ thì việc tạo dựng một website dành riêng cho thương hiệu mình là điều cần thiết. Đây sẽ nơi thương hiệu giới thiệu về từng món ăn, dịch vụ đi kèm, các chương trình khuyến mãi và thậm chí là nơi khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn món trước khi đến cửa hàng. Để website của bạn trở nên nổi bật, hãy chú ý:
- Tối ưu hiển thị tìm kiếm trên Google: Đây là xu hướng tiếp thị chung ngày nay, làm SEO tốt sẽ giúp cửa hàng của bạn được hiển thị trong trang tìm kiếm đầu tiên của khách hàng.
- Tối ưu Google Business và Google Local: Công cụ để quản lý các thông tin và sự hiển thị của cửa hàng trên bản đồ cũng như các công cụ tìm kiếm trên internet. Đây là dịch vụ miễn phí được cấp phép bởi Google.
- Google Map: Khách hàng sẽ dễ dàng tra được địa điểm và các chi nhánh của cửa hàng thông qua google map. Tại đây, bạn cũng có thể cung cấp thêm các thông tin khác như số điện thoại, giờ đóng cửa, một số hình ảnh về món ăn... cho khách hàng.
Chương trình dành cho khách hàng trung thành, trẻ em
Người ta ước tính, chi phí để có được một khách hàng mới đắt gấp 5 lần so với việc giữ chân một khách hàng hiện tại. Vì vậy, hãy đưa ra nhiều chương trình hấp dẫn hơn cho tệp khách hàng này, ví dụ như:
- Tặng phiếu mua hàng trị giá 100.000 VNĐ vào ngày sinh nhật khi thanh toán với hoá đơn trên 300.000
- Giảm 8% khi đặt theo combo
- Miễn phí đồ uống đặc biệt cho khách hàng thường xuyên ghé qua cửa hàng
- Giảm 15% hoá đơn cho khách hàng thân thiết
Ngoài ra, với khách hàng là các bạn nhỏ, bạn có thể hợp tác với các thương hiệu khác để đưa ra các bộ sưu tập về đồ lưu niệm…
Hợp tác với các ứng dụng đồ ăn (Baemin, Grabfood, Shopeefood…)
Việc bắt tay với các đối tác giao hàng ăn uống như Grabfood, Baemin... sẽ giúp thương hiệu của bạn được quảng cáo rộng rãi hơn. Việc đăng ký thường là miễn phí, tuy nhiên, nếu bạn muốn cửa hàng của mình nằm ở vị trí hot của các ứng dụng thì có thể sẽ phải trả một khoản chi phí nhỏ.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tham khảo thêm các chiến lược marketing cho cửa hàng ăn đồ ăn nhanh khác như: Xây dựng thực đơn theo mùa, sử dụng thẻ khách hàng, nâng cấp chất lượng & dịch vụ, quảng cáo trả phí, wifi marketing, hiệu ứng đám đông, marketing truyền miệng, tăng sự nhận biết qua lượt check in…
>>> Xem thêm: Chiến lược Marketing của KFC – Đi đến đâu “bản địa hóa” đến đó
Kinh nghiệm lập kế hoạch kinh doanh chuỗi thức ăn nhanh hiệu quả
Xác định đối tượng khách hàng của thức ăn nhanh
Khó có ai mà có thể kinh doanh thành công khi chưa hiểu về khách hàng của mình. Do vậy, việc xác định đối tượng khách của mình là ai? Thói quen và nhu cầu mua sắm của họ là gì? Họ thường tìm kiếm thông tin ở đâu?... sẽ giúp các hoạt động marketing được triển khai hiệu quả hơn.
Xác định địa điểm kinh doanh
Để xác định được địa điểm kinh doanh, bạn cần nghiên cứu về thị trường, cũng như đối thủ cạnh tranh của mình. Đây là bước để đánh giá xem thị trường mà bạn chuẩn bị bước vào đang có cơ hội và thách thức gì, phân khúc thị trường bạn lựa chọn liệu có đáp ứng được lợi nhuận đủ lớn để bạn đầu tư hay không?... Sau đó, bạn cần đánh giá xem bản thân thương hiệu mình có lợi thế cạnh tranh là gì? (về giá cả, chất lượng, địa điểm…) để có một bản kế hoạch tổng thể nhất.
Xây dựng menu món ăn hấp dẫn
Có những vị khách sẽ rất trung thành với một món ăn mà họ yêu thích, nhưng có những vị khách lại mong muốn được thử những món ăn mới. Vì vậy, hãy luôn không ngừng tìm tòi và phát triển những công thức, món ăn mới để đưa vào thực đơn. Nhiều cửa hàng còn có thói quen thay đổi menu theo từng mùa, từng địa điểm để có thể chiều lòng những vị khách hàng khó tính nhất. Một điều thú vị mà có thể nhiều người chưa nói với bạn, đó là tên của món ăn cũng cực kỳ quan trọng, nó sẽ tạo ra điểm nhấn khác biệt cho cửa hàng, là điều mà khách hàng nhớ khi nghĩ về bạn.
Chăm sóc khách hàng
Quán ăn hay nhà hàng là một hình thức kinh doanh dịch vụ, do đó, chất lượng dịch vụ là yếu tố then chốt để tạo nên thành bại trong lĩnh vực kinh doanh này. Thái độ phục vụ của quán ăn được mọi người đánh giá cao sẽ gián tiếp PR danh tiếng cho cửa hàng, qua phương thức truyền miệng marketing (marketing word of mouth) sẽ khiến nhiều người tìm đến cửa hàng bạn hơn. Hãy đào tạo nhân viên một cách chuyên nghiệp từ A-Z, chăm sóc tận tình từ khi khách hàng đặt chân vào cửa hàng cho đến khi khách hàng rời đi, thậm chí là ngay cả khi khách hàng mới hỏi về các món ăn thông qua website, fanpage... Vào những ngày lễ, tết, ngày kỉ niệm... cửa hàng có thể tặng thêm những món quà nho nhỏ cho khách hàng.
Chiến lược chăm sóc khách hàng sẽ nhằm nâng cao giá trị vòng đời cho khách hàng, là một bài toán tối ưu hoá chi phí marketing khi bạn bỏ ra 50.000 đồng/khách hàng nhưng lại thu về cả một giá trị vòng đời hàng triệu đồng.
>>> Xem thêm: FMCG và Influencer Marketing: “Cặp đôi vàng trong làng quảng cáo”
Tạm kết:
Đồ ăn nhanh ra đời như một tiện ích của xã hội, cùng sự du nhập của văn hoá phương Tây vào Việt Nam, đồ ăn nhanh cũng theo đó mà dần trở nên thân quen với người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Hy vọng những thông tin về chiến lược marketing đồ ăn nhanh kể trên sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức vững vàng để có thể có lợi thế về cạnh tranh trong ngành.
Thanh Thanh - MarketingAI
Bình luận của bạn