- Momo chuyển mình từ ví điện tử thành “Trợ thủ tài chính với AI”
- Biti’s Hunter chuyển mình, Tự hào cùng bước tới với việc mở rộng danh mục sản phẩm
- KAINAT đổi tên thương hiệu hướng đến GenZ, ra mắt ứng dụng di động riêng
- Pepsi “thay áo mới” sau 3 thập kỷ tại Việt Nam với chiến dịch marketing đa trải nghiệm
- Coolmate công bố logo và Bộ nhận diện thương hiệu mới, tự tin hơn năng động hơn
- Bài học cho thương hiệu nếu muốn bắt tay vào rebranding trong năm mới
- Nghiên cứu kỹ lưỡng - Am hiểu thị trường và khách hàng
- Nhắm trúng mục tiêu và xác định giá trị thương hiệu
- Xây dựng một chiến lược tái thương hiệu toàn diện
- Giám sát và đánh giá hiệu quả
Rebranding là quá trình thay đổi và cải tiến hình ảnh, thông điệp hoặc tên của một thương hiệu nhằm mang đến sự tươi mới và “hợp thời”, nâng cao giá trị và danh tiếng. Đồng thời tạo ra sự khác biệt giữa thị trường ngày càng cạnh tranh và thu hút sự chú ý của khách hàng. Trong nhiều trường hợp, rebranding không đơn thuần là việc thay đổi “yếu tố bên ngoài” mà còn đi kèm với sự thay đổi trong văn hóa tổ chức, chiến lược kinh doanh và mục tiêu của doanh nghiệp. Năm 2024 đã chứng kiến nhiều màn “lột xác” ấn tượng. Các thương hiệu Việt sôi động “đổi mới” để tìm điểm chạm với khách hàng.
Momo chuyển mình từ ví điện tử thành “Trợ thủ tài chính với AI”
Momo - ứng dụng ví điện tử hàng đầu Việt Nam với hơn 30 triệu người dùng đã khép lại một năm 2024 đáng nhớ cùng màn lột xác thương hiệu mạnh mẽ vào tháng 10 vừa qua. Với tham vọng thay đổi thói quen tài chính của người Việt sang thanh toán không dùng tiền mặt, Momo đã chuyển mình từ ví điện tử trở thành “Trợ thủ tài chính với AI”.
Trong sứ mệnh mới, MoMo tập trung mang các dịch vụ tài chính tiếp cận đến nhóm khách hàng chưa được phục vụ - những người dùng ít có cơ hội tiếp cận với tài chính truyền thống - qua đó bình dân hóa tài chính và thúc đẩy chuyển đổi số. Điểm đặc biệt trong định vị mới của Momo phải kể đến việc xác định AI là trụ cột công nghệ để xử lý những thao tác gây cản trở người dùng trong quá trình sử dụng, từ đó mang đến những giải pháp cá nhân, tự động hóa giúp người dùng tiết kiệm thời gian và nâng cao trải nghiệm.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc điều hành MoMo chia sẻ: "MoMo kiên định với mục tiêu tài chính toàn diện, không chỉ giúp người dùng tiếp cận dịch vụ tài chính một cách dễ dàng mà còn giảm sự phụ thuộc vào tín dụng đen và đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số Việt Nam"
MoMo không chỉ mang đến sự thay đổi trong cách tiếp cận tài chính thông qua AI mà còn “thổi làn gió” mới với bộ nhận diện được đầu tư chỉn chu. Lấy cảm hứng từ các chi tiết và kết cấu tinh xảo của tiền giấy truyền thống, MoMo đã tái hiện các yếu tố này dưới dạng số hóa hiện đại. Cùng với đó, bộ phông chữ mới của MoMo bao gồm MoMo Trust Display, Trust Sans, và MoMo Signature. Trong đó, MoMo Trust Display và Trust Sans lấy cảm hứng từ biểu tượng MoMo, nổi bật với các đường nét bo tròn, thân thiện tạo nên diện mạo đặc trưng của thương hiệu. Còn MoMo Signature lại được tạo nên từ chữ ký tay, mang lại nét cá nhân và củng cố sự tin tưởng.
Tinh thần đổi mới của MoMo còn được khắc họa rõ nét qua hệ thống minh họa sinh động và đa sắc về những con người bình dân, với đủ mọi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Họa tiết sóng tiền tinh tế kết hợp với màu sắc theo motif tiền giấy nhưng sống động hơn mở ra một “vũ trụ MoMo” vui tươi và gần gũi, gắn với các hoạt động tài chính hàng ngày, hài hước và gắn kết với văn hóa bản địa.
Màn tái định vị thương hiệu “bình mới - rượu mới” của MoMo được đánh giá sẽ mở ra một chương mới của thanh toán không tiền mặt và kinh tế số. Qua đó, MoMo không chỉ là “trợ thủ tài chính AI” đắc lực cho mỗi người Việt mà còn của các đối tác ngân hàng, công ty tài chính và Chính phủ, trong mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế số bền vững cho Việt Nam.
>>> Đọc thêm: MoMo công bố định vị thương hiệu mới, từ ví điện tử trở thành "Trợ thủ tài chính với AI"
Biti’s Hunter chuyển mình, Tự hào cùng bước tới với việc mở rộng danh mục sản phẩm
Một cái tên khác cũng có màn lột xác ngoạn mục trong năm 2024, đó chính là Biti’s Hunter, khi thương hiệu giày dép này không chỉ thay đổi hình ảnh nhận diện mà còn dấn thân vào lĩnh vực thời trang. Quyết định “rebranding” của Biti’s Hunter có thể coi là sự tiếp nối cho tinh thần xông pha mà thương hiệu theo đuổi trong suốt 8 năm qua. “Không bước tới – Không gì mới” - thông điệp được Biti’s Hunter lựa chọn là một lời khẳng định mạnh mẽ cho việc dám bước ra khỏi vùng an toàn để khám phá điều mới mẻ. Đây cũng là thông điệp chủ đạo trong video “Bước tới” - nơi Biti’s Hunter kể câu chuyện về gần 1 thập kỷ đồng hành với người trẻ Việt. Người xem được thấy hành trình chuyển mình ngày một năng động và sáng tạo hơn của Biti’s Hunter qua từng thời kỳ, song hành với sự thay đổi của thời đại và sự phát triển của người trẻ.
Cũng trong video này, bộ nhận diện mới của Biti’s Hunter chính thức hé lộ, với những đường nét khỏe khoắn, mạnh mẽ cùng màu sắc tươi mới làm toát lên sự năng động, trẻ trung. Qua đó, Biti’s Hunter mong muốn gửi gắm tinh thần chuyển mình khi trở thành thương hiệu thời trang và phong cách đồng hành cùng nhịp sống giới trẻ.
Bước ngoặt lớn nhất trong lần tái định vị này của Biti’s Hunter không chỉ dừng lại ở mặt hình ảnh mà còn ở việc mở rộng danh mục sản phẩm. Biti’s Hunter giờ đây đã “lấn sân” sang mảng thời trang, balo, phụ kiện đáp ứng nhu cầu đa dạng của giới trẻ hiện nay. Bằng cách tạo nên sự đồng bộ giữa giày dép và thời trang, Biti’s Hunter không chỉ mang đến cho người tiêu dùng những bộ sưu tập thời trang đầy phong cách, mà còn đồng thời truyền tải tinh thần “bước tới” của thương hiệu. Đây có thể coi là “bước đi” đầy tính toán của Biti’s Hunter diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các local brand và những thương hiệu quốc tế.
KAINAT đổi tên thương hiệu hướng đến GenZ, ra mắt ứng dụng di động riêng
Hòa chung xu hướng thay đổi của nhiều nhãn hàng trong năm 2024, KATINAT cũng nổi lên như một điểm sáng với quyết định đổi định vị thương hiệu từ “KATINAT Saigon Kafé” thành “KATINAT Coffee & Tea House” sau 8 năm hoạt động. Theo thương hiệu, KATINAT ban đầu được lấy cảm hứng từ đường Catinat ở Sài Gòn - nay được gọi là đường Đồng Khởi.
Nhằm mở rộng thị trường sang nhiều tỉnh thành khác,KATINAT Coffee & Tea House đã ra đời nhằm mang đến một cái tên phổ quát hơn và tập trung chủ lực vào Trà và Cà phê. Được lấy cảm hứng từ “ngôi nhà” (house), khi nhắc đến KATINAT người ta sẽ nghĩ ngay đến nơi những bàn tay lành nghề tỉ mỉ chăm chút cho từng hạt cà phê và từng búp trà hảo hạng. Đi cùng định vị mới là thiết kế logo mang đường cong của những quả đồi nông sản, qua đó khẳng định chiến lược phát triển sản phẩm của KATINAT cũng bắt đầu từ giá trị nông sản Việt. “Bằng việc thông tin về nguồn nông sản, KATINAT thể hiện sự cam kết đối với chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, đồng thời hỗ trợ đáng kể cho cộng đồng địa phương. Hành trình chinh phục phong vị mới của KATINAT sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam, mà còn nhắm đến các hương vị đặc trưng của vùng đất khắp thế giới”, ông Lê Ngọc Khánh – đồng sáng lập KATINAT Coffee & Tea House – chia sẻ.
Cũng trong lần tái định vị này, thương hiệu nhắm đến GenZ mạnh mẽ hơn với “Hành trình chinh phục phong vị mới”, đánh vào sự mới mẻ và khám phá của tệp khách hàng này. Sau khi công bố định vị mới, thương hiệu tiếp tục cho ra mắt mobile app KATINAT – ứng dụng thành viên và đặt món – nhằm tối ưu trải nghiệm khách hàng. Ngoài các tính năng cơ bản như đặt món đa phương thức (đặt trước – lấy sau, giao hàng tận nơi), ứng dụng cũng tích hợp các chương trình thành viên như tích điểm đổi quà, ưu đãi độc quyền…Sự thay đổi của KATINAT là hoàn toàn hợp lý khi thương hiệu này tham vọng đánh chiếm nhiều thị trường hơn và chinh phục đối tượng khách hàng chủ yếu là giới trẻ.
Pepsi “thay áo mới” sau 3 thập kỷ tại Việt Nam với chiến dịch marketing đa trải nghiệm
Đánh dấu chặng đường 30 năm sản phẩm Pepsi đầu tiên có mặt tại Việt Nam, với sự thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng và nhận thức sâu sắc về bối cảnh cạnh tranh trên thị trường, Pepsi đã thực hiện chiến dịch Rebranding với nhiều hoạt động sôi nổi, tiếp tục khẳng định sứ mệnh đồng hành cùng thế hệ sống “chất”.
Bắt đầu từ bộ nhận diện mới, Pepsi đã mang đến những thiết kế đậm bản sắc riêng được ra mắt tại hơn 120 quốc gia. Khi đặt chân đến Việt Nam, những hình ảnh này được thay đổi phù hợp với thị trường và người dùng nơi đây. Lấy cảm hứng từ di sản thương hiệu hàng trăm năm tuổi, với quả cầu Pepsi được khắc họa đậm nét cá tính, góc cạnh, bộ nhận diện được “thổi làn gió mới” khi thể hiện sinh động “nhịp đập” màu xanh electric và đen đặc trưng. Sự thay đổi này được đánh giá là mang lại nhiều sự linh hoạt nhằm chuyển đổi giữa nền tảng vật lý và kỹ thuật số, đồng thời mở ra kỷ nguyên “Thirsty for more” (Đã cơn khát, thỏa đam mê) của thương hiệu. Qua đó, Pepsi mong muốn: Cổ vũ và ủng hộ những người trẻ cá tính sống hết mình với đam mê.
Đại nhạc hội "Pepsi – Thirsty for more” với dàn lineup khủng đã thu hút hơn 15.000 người tham dự
Đánh vào “cơn khát” trải nghiệm của người trẻ, chiến dịch Rebranding của Pepsi đã mang đến chuỗi hoạt động giải trí, công nghệ, triển lãm tương tác trọn vẹn, cổ vũ thế hệ trẻ sống chất, hết mình với đam mê, qua đó thành công thổi bùng sức nóng của diện mạo Pepsi mới. Trong đó, nổi bật phải kể đến Đại nhạc hội “Pepsi – Thirsty for more” với sự quy tụ của dàn nghệ sĩ được giới trẻ yêu thích như Mỹ Tâm, Tóc Tiên, Karik, Suboi, B Ray, Double2T,...Trải nghiệm nghe nhìn ấn tượng, bên cạnh không gian âm nhạc, ánh sáng đỉnh cao của đại nhạc hội đang thực sự ghi dấu ấn mạnh mẽ đối với khán giả. Ước tính, Đại nhạc hội “Pepsi – Thirsty for more” thu hút hơn 15.000 người tham dự, giúp thương hiệu củng cố vị thế trong ngành hàng FMCG nói chung và phân khúc nước giải khát nói riêng.
Ông Jahanzeb Khan, Tổng Giám đốc Suntory PepsiCo Việt Nam, chia sẻ: “Qua chiến dịch này, thương hiệu Pepsi nói riêng và Suntory PepsiCo Việt Nam nói chung một lần nữa khẳng định cam kết đồng hành đem đến niềm vui cho nhiều khoảnh khắc trong cuộc sống của người Việt Nam”. Đánh dấu kỷ nguyên mới, bước tới tương lai, Pepsi vẫn giữ nguyên ngọn lửa đam mê tuổi trẻ, đồng hành và cổ vũ thế hệ trẻ cá tính, sống hết mình cùng đam mê
Coolmate công bố logo và Bộ nhận diện thương hiệu mới, tự tin hơn năng động hơn
Từ con số 0 đến doanh thu trăm tỷ, Coolmate - startup thời trang và chăm sóc sắc đẹp dành cho nam giới tiếp tục khẳng định “sức bật” mạnh mẽ của mình với sự thay đổi đổi trong bộ nhận diện chỉn chu và chuyên nghiệp hơn. Giữ vững tinh thần trở thành người bạn đồng hành cực “cool” cùng nam giới Việt, logo mới của thương hiệu mang đến hình ảnh dấu cộng được cách điệu tinh tế, tượng trưng cho sự cộng hưởng và sát cánh giữa thương hiệu với khách hàng. Kiểu chữ cũ đã được thay thế bằng font mới dày dặn và hiện đại hơn, dấu câu được đặt ở vị trí hợp lý, khoảng cách dòng được điều chỉnh nhỏ hơn vừa có tính thẩm mỹ, vừa dễ đọc khi viết dấu tiếng Việt. Điểm nhấn nằm ở chữ Coolmate được bo góc, tạo cảm giác thân thiện hơn.
Bên cạnh những sự thay đổi, Coolmate vẫn trung thành với hai màu sắc “đen khoẻ khoắn” và “trắng chân thực” đặc trưng của thương hiệu. Tuy nhiên, trong bộ nhận diện mới đã có sự góp mặt của những mảng màu khác, để Coolmate trở nên mới lạ hơn với “xanh thực tế”, “cam năng động” và “vàng tự tin”. Tất cả những màu sắc này được Coolmate lựa chọn kỹ lưỡng với mong muốn người bạn đồng hành cùng các chàng trai sẽ có một nguồn năng lượng tích cực và truyền cảm hứng.
Được biết, bộ nhận diện của Coolmate được thực hiện với một sự đầu tư bài bản, có nghiên cứu bởi những chuyên gia, nhà tư vấn chiến lược và thương hiệu dày dặn kinh nghiệm. Tất cả đã góp sức để vẽ lên một Coolmate hiện đại, công nghệ, theo đuổi phong cách đơn giản và thể hiện rõ ràng sự đồng hành cùng khách hàng của mình.
Bài học cho thương hiệu nếu muốn bắt tay vào rebranding trong năm mới
Từ câu chuyện của những MoMo, Biti’s Hunter, KATINAT, Pepsi, Coolmate, có thể thấy, tái định vị thương hiệu là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng, liên tục của thị trường. Hơn cả việc “làm mới” mình, tạo sự khác biệt so với đối thủ, nhiều thương hiệu lựa chọn tái định vị thương hiệu như một cách để khẳng định sâu sắc hơn giá trị và vị thế trong mắt người dùng. Tuy nhiên, sự thay đổi mang lại cơ hội nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro khi đánh đổi những giá trị quen thuộc, ghi dấu ấn trong lòng khách hàng để lấy một hình ảnh hoàn toàn khác lạ và mới mẻ. Để rebranding không trở thành “con dao hai lưỡi”, thương hiệu cần lưu ý những điều sau trước khi bắt tay vào tái định vị thương hiệu trong năm mới 2025:
Nghiên cứu kỹ lưỡng - Am hiểu thị trường và khách hàng
Để định hướng rebranding chính xác hiệu quả, thương hiệu cần hiểu rõ vị trí của mình trong ngành, mức độ cạnh tranh với đối thủ và xu hướng thay đổi của thị trường. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu đối tượng khách hàng, tìm hiểu nhu cầu, sở thích, hành vi của họ để có những sự thay đổi phù hợp.
Nhắm trúng mục tiêu và xác định giá trị thương hiệu
Trên hành trình ‘“lột xác” cho thương hiệu, một điều không thể bỏ qua đó là xác định chính xác nhóm khách hàng muốn tiếp cận sau khi rebranding, có thể bao gồm mở rộng đối tượng hoặc tập trung vào một phân khúc cụ thể. Nhắm đến đối tượng mục tiêu mới nhưng thương hiệu cũng cần thấu hiểu mong muốn của nhóm khách hàng trung thành để cân nhắc giữ lại những điều đã gắn bó với họ. Đặt mục tiêu cụ thể cho quá trình tái thương hiệu và xác định giá trị cốt lõi mà thương hiệu muốn truyền tải sẽ là “chìa khóa” cho một màn rebranding thành công.
Xây dựng một chiến lược tái thương hiệu toàn diện
Một chiến lược tái thương hiệu toàn diện không chỉ dừng lại ở bộ nhận diện hay mặt hình ảnh bên ngoài mà còn đến từ việc thay đổi từ bên trong. Tinh thần mới của thương hiệu phải được thể hiện trong cả thông điệp muốn truyền tải, trải nghiệm khách hàng, sản phẩm dịch vụ để khách hàng có thể cảm nhận rõ ràng và sâu sắc được sự đổi mới của thương hiệu.
Giám sát và đánh giá hiệu quả
Lắng nghe phản ứng của khách hàng và thị trường thông qua các dữ liệu, báo cáo sau quá trình rebranding là một điều cần thiết nhằm đánh giá hiệu quả của chiến lược định vị thương hiệu đó. Điều này giúp các thương hiệu điều chỉnh và cải thiện những điểm chưa đúng hay chưa tốt để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
>>> Xem thêm: Chiến dịch Marketing thành công ở Việt Nam
Lời kết:
Có thể nói, 2024 đã chứng minh rằng màn “thay da đổi thịt” ấn tượng của các thương hiệu Việt không chỉ khẳng định sự sáng tạo mà còn phản ánh tinh thần dám thay đổi để bứt phá và tiến xa hơn. Sự thành công của các thương hiệu khi quyết định “tái định vị” cũng cho thấy người dùng Việt ngày càng cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận những giá trị mới mẻ mang thương hiệu mang lại. Hành trình rebranding trong năm qua cũng sẽ mang lại những bài học quý giá và cả nguồn cảm hứng mạnh mẽ để 2025 tiếp tục chứng kiến những sự đổi mới sáng tạo hơn nữa.
Bình luận của bạn