- 1. Xu hướng Content Marketing 2025: Marketer không nên chạy theo thuật toán mạng xã hội!
- 2. Xu hướng content 2025: Nội dung trả phí không còn đảm bảo khả năng tiếp cận
- 3. Sự kết nối với con người được đề cao hơn bao giờ hết trong xu hướng Content marketing năm 2025
- 4. Xu hướng tiếp thị nội dung 2025: Yếu tố đạo đức đang ngày càng quan trọng
- 5. Phá bỏ những hình ảnh quen thuộc của thương hiệu để tự tạo xu hướng riêng
- 6. AI vẫn là một “Trợ lý” đắc lực để hiện thực hóa ý tưởng nội dung
1. Xu hướng Content Marketing 2025: Marketer không nên chạy theo thuật toán mạng xã hội!
Người dùng mệt mỏi vì lượng nội dung khổng lồ
Sự tăng trưởng mạnh mẽ từ số lượng kênh truyền thông mạng xã hội, Content Creator cho đến số lượng các thương hiệu đã dẫn đến một khối lượng nội dung tiếp thị khổng lồ đang tiếp cận đến người tiêu dùng mỗi ngày. Mặt khác sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ sáng tạo nội dung bằng AI đang giúp các marketer tạo nội dung nhanh chóng hơn với khối lượng lớn hơn, tuy nhiên mức độ sáng tạo của nội dung lại không cao tạo nên rất nhiều nội dung tương tự nhau.
Đối mặt với lượng nội dung quá lớn và giống nhau như vậy, người tiêu dùng đang dần cảm thấy mệt mỏi với các nội dung trên internet, đặc biệt là các nội dung được tạo nên trên các nền tảng mạng xã hội. Dù là nội dung đến từ thương hiệu, nội dung phối hợp với các nhà sáng tạo hay nội dung đến từ AI đều đang khiến người dùng cảm thấy khá mệt mỏi và trở nên khó tiêu thụ.
Một số những số liệu dưới đây đã phản ánh rõ hơn xu hướng này:
- Thời gian dành cho mạng xã hội đang có xu hướng giảm: Thống kê cho thấy thời gian sử dụng mạng xã hội hàng ngày của người tiêu dùng trên toàn cầu đang giảm 2,7% tương đương với khoảng 4 phút trong năm vừa qua, hiện là 2 giờ 23 phút/ngày.
- Về số lượng người dùng từng nền tảng: Facebook vẫn là mạng xã hội lớn nhất về số lượng người dùng nói chung, Instagram hiện đứng thứ hai, YouTube thứ ba và TikTok thứ tư. Nhưng vị thế của nền tảng này có thể sẽ bị lung lay trong thời gian tới, khi mà xu hướng hành vi của người dùng trẻ ngày càng trở nên phức tạp hơn. Riêng đối với Gen Z, có vẻ như Instagram có sức ảnh hưởng nhiều hơn Facebook với số lượng người dùng trẻ đông đảo. Mặt khác, TikTok cũng đang cho thấy sức hút rất lớn đối với nhóm người dùng này.
- Về độ phổ biến và thời gian sử dụng: Về độ phổ biến, Instagram lại đang là mạng xã hội dẫn đầu toàn cầu, WhatsApp đứng thứ hai, Facebook thứ ba, WeChat thứ tư và TikTok thứ năm. Đặc biệt, về thời gian dành trên mỗi ngày, TikTok đang vươn lên dẫn đầu với hơn 1 giờ mỗi ngày, cho thấy nền tảng này có khả năng ảnh hưởng rất lớn tới xu hướng và hành vi của người dùng trẻ.
Các nền tảng liên tục biến động mạnh mẽ, các kênh ngách lên ngôi
- TikTok với thuật toán cực nhạy bén: TikTok hiển thị nội dung cho người dùng trên hành vi thay vì lượt theo dõi của họ. Bởi vậy, nền tảng này luôn mang lại cho người dùng những nội dung mới mẻ, đa dạng và đúng với xu hướng xem của họ. Thuật toán của nền tảng cũng phản ứng rất nhanh, khi nhận thấy có sự thay đổi trong hành vi xem của người dùng, TikTok chỉ mất khoảng 10 phút để đưa ra những gợi ý xem tương tự.
- Các kênh mạng xã hội chuyên biệt có tiềm năng phát triển: Những trang mạng xã hội ngách, dành riêng cho một nhóm nhu cầu nào đó như LinkedIn - Tuyển dụng và việc làm, các kênh chủ yếu dùng để nhắn tin như Telegram, Discord,... hoặc một số tên tuổi khác như Reddit, Threads, Tumblr,... đang có nhiều chuyển biến tích cực. Bởi lẽ, giữa cơn bão nội dung hỗn độn từ các nền tảng lớn, các mạng xã hội nhỏ mang tới cho họ một không gian chuyên biệt hơn, nơi có những cộng đồng nhỏ nhưng sâu sắc hơn, nội dung bám sát vào một chủ đề nhất định.
Mặt khác, bản thân các mạng xã hội cũng có rất nhiều thay đổi, liên tục thay đổi các thuật toán một cách chóng mặt nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng trên nền tảng. Và từ đó, những nỗ lực chạy theo thuật toán của marketer gần như trở nên vô nghĩa, những nội dung kém chất lượng dù đảm bảo thuật toán vẫn sẽ sớm bị chính thuật toán của nền tảng đào thải do không tạo nên trải nghiệm tốt cho người đọc.
Thương hiệu cần làm gì?
Những thay đổi trên cho thấy, xu hướng content marketing 2025 trên mạng xã hội chủ yếu sẽ xoay quanh một vấn đề đó là Chất lượng. Thay vì cố gắng tối ưu các chỉ số để lách các thuật toán, hãy tập trung vào việc mang lại những nội dung có giá trị cao cho người dùng, khi đó nội dung của bạn sẽ tự động được thuật toán nền tảng ưu ái.
Để làm được điều đó, cần lưu ý nội dung đảm bảo 3 không: không quảng cáo, không khuyến mại, không làm nổi bật, tính năng hoặc ra mắt sản phẩm.
Thay vào đó nội dung trên các nền tảng mạng xã hội cần tập trung vào các nội dung mang tính chất giáo dục, hướng dẫn khách hàng, chuyển đổi từ quảng cáo sản phẩm sang các nội dung hướng dẫn ứng dụng sản phẩm trong đời sống thực tế. Ngoài ra còn có các nội dung giải trí, mang lại những giờ phút thư giãn cho khách hàng hoặc các nội dung truyền cảm hứng, hướng tới những giá trị vì cộng đồng.
>>> Bạn có thể quan tâm: Xu hướng tiếp thị năm 2025
2. Xu hướng content 2025: Nội dung trả phí không còn đảm bảo khả năng tiếp cận
Như đã phân tích, cốt lõi của các nền tảng mạng xã hội là người dùng, vì vậy họ vẫn sẽ luôn ưu tiên trải nghiệm người dùng hơn cả. Khi có quá nhiều quảng cáo rác, người dùng sẽ khó chịu và có xu hướng rời bỏ nền tảng. Vì vậy, ngay cả khi kênh của bạn chạy quảng cáo nhiều nhưng nội dung quá kém chất lượng thì thuật toán của nền tảng vẫn có xu hướng hạn chế nội dung của bạn. Càng quảng cáo quá nhiều, trong khi nội dung không được cải thiện thì khả năng tiếp cận tự nhiên, lẫn trả phí của thương hiệu ngày càng trở nên kém hơn.
Như vậy, giá trị của nội dung vẫn luôn là yếu tố quyết định tới khả năng tiếp cận và giữ chân người dùng, ngay cả khi bạn có đổ hàng tỷ đồng cho quảng cáo trả phí. Tiền không còn là yếu tố đảm bảo cho khả năng tiếp cận của thương hiệu.
Thương hiệu cần làm gì?
Đối với xu hướng trên không có nghĩa là quảng cáo trả phí không còn hiệu quả. Trả phí vẫn là một con đường giúp cho nội dung của bạn có cơ hội tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Nhưng để đảm bảo hiệu quả tối ưu và lâu dài của quảng cáo trả phí thì chất lượng nội dung vẫn là yếu tố cần được đề cao hàng đầu.
Doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng nội dung quảng cáo trả phí bằng một số cách thức sau:
- Tập trung vào các dạng nội dung có tính tương tác, nội dung dạng video: Giữa biển nội dung trên mạng xã hội, các nội dung có tính tương tác hoặc dạng video sống đống sẽ giúp thương hiệu của bạn dễ dàng thu hút người xem hơn. Các định dạng này giúp thương hiệu có được cơ hội truyền tải thông điệp mạnh mẽ nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt là các dạng video ngắn, trong thời gian vừa qua đã cho thấy sức hút mạnh mẽ qua sự phát triển của TikTok, YouTube Shorts và Instagram Reels.
- Kết hợp với người nổi tiếng: Các nội dung có sự góp mặt của Influencer, KOL, KOC… vẫn luôn có những sức hút đặc biệt đối với người tiêu dùng. Đặc biệt, là các micro influencer đang ngày càng trở nên có sức hút hơn với người tiêu dùng bởi hình ảnh chân thực, giá cả phải chăng.
- Yếu tố bền vững trong nội dung quảng cáo: Sự chân thành kết hợp với các nội dung quảng cáo hướng tới cộng đồng, phát triển bền vững đang là con đường hiệu quả để thương hiệu có thể đi tới trái tim của người tiêu dùng, đặc biệt là GenZ. Thay vì phô diễn sản phẩm, hãy thể hiện những giá trị doanh nghiệp có thể mang lại cho cộng đồng, phá vỡ tâm lý đề phòng của người tiêu dùng đối với quảng cáo thông thường.
- Phát triển các kênh quảng cáo mới: Thay vì chỉ chú trọng và Facebook hay Google, hãy khám phá những xu hướng quảng cáo mớ với nội dung phù hợp với insight mới của người tiêu dùng. Ví dụ như tìm kiếm bằng giọng nói và quảng cáo âm thanh cũng đang là một xu hướng nổi bật trong thời gian gần đây. Hoặc các loại hình quảng cáo social commerce (tích hợp các tùy chọn mua hàng trực tiếp vào quảng cáo) giúp người xem mua sắm tiện lợi khi xem quảng cáo trên các kênh social.
3. Sự kết nối với con người được đề cao hơn bao giờ hết trong xu hướng Content marketing năm 2025
Khi AI càng phát triển mạnh mẽ, thì sự kết nối với con người lại càng được đề cao hơn bao giờ hết. Vì vậy, trong thời gian gần đây, xu hướng nội dung trong những quảng cáo mang tính “người”, cách tiếp cận chân thật gần gũi, bình dị đang trở thành một xu hướng mới trên toàn cầu.
Có thể thấy rõ xu hướng content marketing này qua một số chiến dịch nổi bật tại giải Cannes Lions năm nay. Điển hình như chiến dịch của JCDecaux - sử dụng hình ảnh của một cụ bà rất bình thường với lượng người theo dõi bằng gần như để tạo nên một chiến dịch quảng cáo OOH nhằm quảng cáo cho dịch vụ OOH của mình có thể giúp cho mọi thứ trở nên nổi bật. Và sự đơn giản đến kỳ lạ của quảng cáo đã nhanh chóng khiến cho người dùng thích thú, thu hút hơn 10000 người vào theo dõi trang cá nhân của cụ bà vô danh. Hay chiến dịch của Allgemeiner Frankfurter Zeitung nhằm vinh danh các danh nhân văn hóa, những người đoạt giải Oscar, những anh hùng thể thao và Margot Friedlander - người sống sót sau cuộc diệt chủng Holocaust cuối cùng, năm nay đã 102 tuổi.
Thương hiệu cần làm gì?
Tuy nhiên, sự kết nối với con người ở đây không chỉ là những câu chuyện nhân văn, cảm động, những ý tưởng tác động tới cảm xúc. Một nội dung có thể thực sự tạo nên những kết nối chân thực với con người thông qua một số cách thức sau:
- Nội dung giáo dục, cung cấp thông tin giá trị cho cuộc sống của con người: Theo WARC, trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ các chiến lược mang tính thông tin hoặc giáo dục đã vượt qua các chiến lược cảm xúc. Những nội dung giá trị này lôi cuốn người đọc bởi tính thực tế, có giá trị đối với đời sống hiện thực của họ.
- Sử dụng các câu chuyện, nhân vật đời thường: Không chỉ khai thác influencer, hãy sử dụng hình ảnh quảng cáo, câu chuyện thực tế đến từ những người dùng bình thường. Họ có thể là bất cứ ai, một nhân viên văn phòng, một bà nội trợ, hay một nhân viên lao công,... Khi hình ảnh của họ càng dễ gần, chân thực, khả năng thu hút người xem càng cao hơn.
4. Xu hướng tiếp thị nội dung 2025: Yếu tố đạo đức đang ngày càng quan trọng
Trong xu hướng content marketing năm 2024, vấn đề đạo đức đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những giải thưởng lớn tại Cannes Lions năm nay cũng một lần nữa chứng minh cho xu hướng này:
- Dove vẫn trung thành với Real Beauty, ngừng sử dụng bộ lọc 'Bold Glamour' trên TikTok để phản đối các tiêu chuẩn về cái đẹp phi thực tế và không thể đạt được của con người trên mạng xã hội.
- AXA thay đổi 3 từ nhỏ trong điều khoản và điều kiện của 3,5 triệu hợp đồng ở Pháp để giúp phụ nữ thoát khỏi bạo lực gia đình bằng cách cho họ thời gian và một nơi cư trú an toàn để tìm kiếm giải pháp an sinh lâu dài. Ngoài ra, họ cũng cung cấp dịch vụ di dời khẩn cấp trong trường hợp hỏa hoạn hoặc lụt lội, và bạo lực gia đình.
- KPN ở Hà Lan nhấn mạnh đến hậu quả gây ra đối với cuộc sống của các cô gái khi chia sẻ những hình ảnh và nội dung cá nhân đến người khác. Từ đó cảnh báo mọi người bảo vệ quyền riêng tư cá nhân.
Tại Việt Nam, vấn đề đạo đức cũng đang là một trong những chủ đề được yêu thích nhưng cũng rất nhạy cảm đối với người tiêu dùng trong xu hướng content marketing hiện nay. Sự kiện bão Yagi vừa qua là một minh chứng rõ ràng nhất: Trong khi thương hiệu xe Thành Bưởi ghi ấn tượng cùng với những chuyến xe cứu trợ từ Nam ra Bắc đầy thiết thực, thì Katinat lại nhận kết quả trái ngược khi cách làm cứu trợ kém tinh tế, thiếu thiết thực.
Thương hiệu cần làm gì?
Đề cập tới các vấn đề đạo đức trong nội dung tiếp thị vừa thu hút sự chú ý, vừa tạo cảm tình của khách hàng đối với thương hiệu. Tuy nhiên, khi nói tới các vấn đề về đạo đức trong Marketing nội dung, thương hiệu cần lưu ý những yếu tố sau:
- Có quan điểm rõ ràng, thể hiện lập trường riêng của thương hiệu đối với các vấn đề xã hội, con người hoặc môi trường,...
- Cách thức hoạt động thiết thực, minh bạch và phù hợp với vấn đề hiện tại của cộng đồng.
- Tránh PR thương hiệu quá nhiều trong chiến dịch, tập trung làm nổi bật những giá trị hướng tới cộng đồng. Trường hợp của Katinat đã thất bại do thiếu cả hai yếu tố trên.
5. Phá bỏ những hình ảnh quen thuộc của thương hiệu để tự tạo xu hướng riêng
Xu hướng content marketing 2025 gọi tên sự mạnh dạn phá vỡ những hình ảnh quen thuộc, thậm chí là biểu tượng của thương hiệu, là một cách thức để tạo sự chú ý đối với người tiêu dùng.
- Coca-Cola sẵn sàng thay đổi logo huyền thoại của mình để thúc đẩy việc tái chế bao bì trong chiến dịch Recycle me.
- Được biết tới là thương hiệu bia hay bị viết sai chính tả nhất trên thế giới, Heineken đã nghĩ ra một ý tưởng độc đáo trong chiến dịch chào mừng 150 năm ngày thành lập: Sao không in những cái tên viết sai đó lên những chai và lon bia của mình?
- Hay IKEA quyết định trưng bày những bức ảnh về sản phẩm IKEA đã bị những thú cưng tinh nghịch làm hỏng hoặc phá hủy tả tơi, kèm theo thông điệp đầy hài hước và nhẹ nhàng: "Đừng lo lắng: bạn có thể mua sản phẩm thay thế mà không lo về giá."
Thương hiệu cần làm gì?
Dĩ nhiên, đây sẽ là một sân chơi của những doanh nghiệp lớn có tuổi đời lâu năm và có nhận diện rõ ràng trong tâm trí khách hàng. Từ đó lựa chọn một số đặc điểm quen thuộc của thương hiệu, hoặc những câu chuyện mà khách hàng thường xuyên bàn luận ngoài lề về thương hiệu, hay thói quen sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng,... đều có thể trở thành những nội dung quảng cáo sáng tạo, hài hước, tăng cường tính chân thật, gần gũi trong nội dung quảng cáo.
6. AI vẫn là một “Trợ lý” đắc lực để hiện thực hóa ý tưởng nội dung
Hậu quả của việc lạm dụng AI quá mức chính là tình trạng người tiêu dùng ngày càng khó tiêu thụ nội dung tiếp thị hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là phải loại bỏ AI trong xu hướng content marketing 2025. Tỷ lệ áp dụng AI trong marketing là 74% vào năm 2023 và sẽ trở thành xu hướng tất yếu từ nay cho tới năm 2030. Vì vậy, điều thương hiệu cần làm thay đổi quan điểm sử dụng AI trong content marketing nói riêng và marketing nói chung, ứng dụng nó như một trợ lý cho các công việc đơn giản và tập trung vào sáng tạo ý tưởng.
68% các nhà tiếp thị đã nhận thấy vai trò của AI trong việc đảm nhiệm các nhiệm vụ thường ngày, giúp họ có không gian cho công việc mang tính sáng tạo, chiến lược hơn. Mặt khác, AI cũng có thể được sử dụng như một công cụ trong chiến dịch, ví dụ như cách mà Orange ứng dụng trong chiến dịch "WoMen’s Football", công nghệ AI đã được sử dụng để xử lý hình ảnh, phá vỡ những quan niệm cổ hủ của người hâm mộ về bóng đá nữ. Hay 'Room for Everyone' của Mastercard đã sử dụng dữ liệu mua hàng để chứng minh rằng các cửa hàng cạnh nhau sẽ củng cố hoạt động kinh doanh cho cả hai bên, phá bỏ sự ác cảm của các doanh nhân Ba Lan khi có một cửa hàng Ukraine bên cạnh.
Nhìn chung, hãy sử dụng AI là một công cụ để tự động hóa các thao tác đơn giản hằng ngày, giúp bạn tối ưu thời gian cho các công việc mang tính sáng tạo hơn. Hoặc sử dụng AI để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo mà con người đã nghĩ ra trước đó.
>>> Xem thêm: 5 Thay đổi lớn trong Xu hướng Influencer Marketing 2025
Kết luận
Trên đây, MarketingAI đã tổng hợp lại các xu hướng Content marketing sẽ nổi trội trong năm 2025, dựa trên những sự thay đổi mới nhất về hành vi của người tiêu dùng, cũng như sự phát triển của các kênh truyền thông, công nghệ mới. Nhìn chung, xu hướng content marketing trong tương lai có thể thay đổi nhiều hơn nữa nhưng sự kết nối, tính chân thật và đạo đức sẽ luôn là những yếu tố quan trọng được đề cao trong quá trình sáng tạo nội dung, đặc biệt là khi AI đang phát triển mạnh mẽ.
Tham khảo: LinkedIn
Bình luận của bạn