- Xu hướng Marketing ngành xây dựng
- #1. Công nghệ số: Ứng dụng Proptech, VR, AR trong marketing ngành xây dựng
- #2.Nắm bắt xu hướng marketing xanh và kiến trúc sinh thái
- #3. Social Media - Trẻ hóa nội dung tiếp thị, tiếp cận người dùng trẻ
- 10 Chiến lược marketing ngành xây dựng giúp thu hút khách hàng hiệu quả
- #1. Màn hình tương tác cung cấp thông tin dự án
- #2. Tham dự các triển lãm thương mại
- #3. Tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội
- #4. Thể hiện trách nghiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng
- #5. Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường
- #6. Tài trợ cho những hoạt động địa phương và tổ chức từ thiện
- #7. Sử dụng báo chí để quảng bá dự án xây dựng mới
- #8. Chạy quảng cáo trên Facebook, Google
- #9. Tận dụng sức ảnh hưởng của Influencer ngành xây dựng
- #10. Sử dụng chiến thuật Storytelling
- Những lưu ý khi triển khai marketing ngành xây dựng
Xu hướng Marketing ngành xây dựng
Ngành xây dựng với đặc thù là một trong những lĩnh vực có sự cạnh tranh gay gắt và yêu cầu tính đổi mới cao nên luôn cần cập nhật các xu hướng mới để thích nghi với những thay đổi trong công nghệ và nhu cầu của thị trường. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp không thể bỏ qua hai xu hướng marketing trong xây dựng nổi bật hiện nay như sau:
#1. Công nghệ số: Ứng dụng Proptech, VR, AR trong marketing ngành xây dựng
Công nghệ đang mở ra những cơ hội mới cho marketing ngành xây dựng, đặc biệt là thông qua sự phát triển của Proptech và các công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Proptech là một loại công nghệ trong bất động sản giúp các công ty xây dựng tối ưu hóa quy trình quản lý dự án, nâng cao khả năng tiếp cận khách hàng. Các nền tảng Proptech cho phép khách hàng có thể tìm kiếm thông tin dự án, tham quan ảo và thậm chí giao dịch mua bán trực tuyến, tất cả đều chỉ qua vài thao tác trên smartphone hoặc máy tính.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ VR/AR đã và đang thay đổi cách thức khách hàng tương tác với các dự án xây dựng. Thay vì chỉ dựa vào hình ảnh tĩnh hay mô hình 3D, các công ty xây dựng có thể sử dụng VR/AR để tạo ra những trải nghiệm sống động, cho phép khách hàng "dạo chơi" trong các căn hộ, tòa nhà hay khu đất mà không cần phải đến tận nơi. Điều này không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian mà còn làm tăng khả năng ra quyết định mua hàng của họ nhờ vào sự trực quan và dễ tiếp cận.
#2.Nắm bắt xu hướng marketing xanh và kiến trúc sinh thái
Không chỉ chú trọng đến công nghệ, marketing ngành xây dựng hiện nay còn đang đi theo hướng bền vững, một xu hướng không thể thiếu trong bối cảnh lo ngại về biến đổi khí hậu và sự phát triển lâu dài. Khách hàng ngày càng quan tâm đến yếu tố môi trường khi lựa chọn các dự án xây dựng, đặc biệt là các công trình mang tính kiến trúc sinh thái.
Green Marketing và marketing bền vững đang trở thành những chiến lược quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng lòng tin từ khách hàng. Các công ty xây dựng đang tích cực quảng bá các dự án có tính bền vững, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và thiết kế các công trình giúp tiết kiệm năng lượng. Việc sử dụng vật liệu tái chế, giảm lượng khí thải CO2 trong quá trình thi công cũng như ứng dụng các công nghệ xanh như năng lượng mặt trời hay hệ thống tái chế nước trong các công trình không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh “xanh” và thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, các công ty xây dựng cũng đang tích cực tham gia vào các sáng kiến bảo vệ môi trường và hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các dự án thi công. Hành động này không chỉ giúp xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mà còn thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư và khách hàng đang tìm kiếm những công ty có trách nhiệm với xã hội và môi trường.
#3. Social Media - Trẻ hóa nội dung tiếp thị, tiếp cận người dùng trẻ
Thị trường bất động sản hiện nay không chỉ gói gọn trong những chiến dịch PR truyền thống hay những bài viết "nghiêm túc" đăng trên các tờ báo lớn. Các chủ đầu tư giờ đây đã bắt đầu nhận ra rằng để thu hút và kết nối với khách hàng tiềm năng, đặc biệt là thế hệ trẻ, họ cần phải thay đổi cách thức truyền tải thông tin.
Một trong những chiến lược nổi bật hiện nay là “trẻ hóa” nội dung tiếp thị, chủ yếu thông qua việc khai thác các xu hướng viral trên mạng xã hội. Các dạng nội dung không còn chỉ là những bài viết thông thường hay quảng cáo “cứng” nữa mà chuyển sang các hình thức dễ tiếp cận và dễ lan tỏa như meme, video ngắn, livestream, và thậm chí là podcast. Các chủ đầu tư bất động sản giờ đây không ngại “bắt trend”, tham gia vào những cuộc trò chuyện đang hot trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ Gen Z và Gen Y.
Một ví dụ điển hình là việc sử dụng meme marketing để tạo ra những nội dung hài hước, dễ nhớ và dễ chia sẻ. Các thương hiệu như Ecopark đã rất thành công khi kết hợp yếu tố văn hóa đại chúng với thông điệp marketing của mình, chẳng hạn như việc khai thác các trào lưu từ các bộ phim điện ảnh nổi tiếng hay các chủ đề gây sốt trên các nền tảng mạng xã hội.
Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trực tuyến như TikTok, Instagram hay YouTube, các chiến dịch marketing giờ đây cũng không chỉ dừng lại ở việc tạo ra nội dung viral mà còn tận dụng các hình thức quảng cáo sáng tạo, có tính tương tác cao. Những nội dung này không chỉ thu hút được sự chú ý của người xem mà còn khuyến khích họ tham gia vào cuộc trò chuyện, tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ giữa khách hàng và thương hiệu.
Theo các chuyên gia marketing, sự chuyển dịch trong thói quen tiêu thụ nội dung của khách hàng trẻ đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản phải liên tục đổi mới cách thức truyền thông. Việc chủ động đầu tư vào các chiến lược digital marketing, thay vì chỉ dựa vào phương thức PR truyền thống, sẽ giúp các thương hiệu bắt kịp xu hướng và giữ vững sự hấp dẫn đối với thế hệ khách hàng mới này.
10 Chiến lược marketing ngành xây dựng giúp thu hút khách hàng hiệu quả
#1. Màn hình tương tác cung cấp thông tin dự án
Việc sử dụng màn hình tương tác tại các địa điểm đông người qua lại để cung cấp thông tin về các dự án là chiến lược marketing ngành xây dựng truyền thông những lại rất hiệu quả. Ở màn hình ấy sẽ hiện lên những thông tin chung nhất như địa điểm, ưu đãi, giá thành cơ bản, dịch vụ, uy tín công ty... cùng hàng loạt những lời "chào mời" tìm hiểu thêm về dự án cũng như quyết định đầu tư, mua đất...
Mặc dù đây là phương pháp truyền thống nhưng mức độ tiếp cận của nó vẫn rất cao nhờ vào việc đặt tại các trung tâm thương mại, khu dân cư, ngã tư hay thang máy tòa nhà. Những màn hình tương tác này thường được đặt trong các trung tâm thương mại, lối ra vào, thang máy tòa nhà, tại các ngã ba, ngã tư nơi nhiều người qua lại...Vị trí dễ thấy đảm bảo rằng thông tin được lan tỏa rộng rãi, hơn nữa, màn hình cung cấp lượng thông tin vừa đủ và hấp dẫn để kích thích người xem đi đến bước tiếp theo là tư vấn từ đội sales bất động sản.
#2. Tham dự các triển lãm thương mại
Nói tới các chiến lược marketing cho ngành công nghiệp xây dựng chắc chắn không thể bỏ qua các triển lãm thương mại với rất nhiều lợi ích hấp dẫn. Thứ nhất, triển lãm là cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp quảng bá trực tiếp các dự án đến với khách hàng tiềm năng, từ đó gia tăng cơ hội chuyển đổi họ thành khách hàng thực sự. Mỗi triển lãm thường có chủ đề chuyên biệt, thu hút những đối tượng quan tâm trong lĩnh vực đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu.
Thứ hai, triển lãm cũng là dịp để doanh nghiệp quan sát sâu sắc ngành xây dựng, đánh giá các đối thủ cạnh tranh, từ đó rút ra những chiến lược phù hợp để phát triển bền vững. Ngoài ra, tham gia triển lãm còn giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới quan hệ với các đối tác tiềm năng, những người có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và thành công của doanh nghiệp.
Cuối cùng, việc giao lưu với các chuyên gia trong ngành còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực chuyên môn và cập nhật những xu hướng mới, từ đó tối ưu hóa các chiến lược kinh doanh. Có thể thấy triển lãm thương mại chính là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu và cũng là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp củng cố vị thế, phát triển trong ngành xây dựng.
#3. Tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội
Tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược marketing ngành xây dựng, đặc biệt khi Digital Marketing ngày càng phát triển mạnh mẽ. Ngành bất động sản không phải là ngoại lệ trong xu hướng này. Việc sáng tạo nội dung độc đáo, đầu tư vào hình ảnh bắt mắt, kết hợp với một chiến lược marketing chặt chẽ và quảng cáo thông minh sẽ giúp các dự án xây dựng tiếp cận được đông đảo khách hàng tiềm năng.
Mặc dù việc mua bất động sản trực tuyến khó diễn ra ngay lập tức nhưng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng tin và sự kết nối với khách hàng. Các bài đăng hấp dẫn, chia sẻ thông tin hữu ích hoặc câu chuyện cảm xúc từ những người đã mua nhà sẽ giúp khách hàng cảm nhận rõ hơn về giá trị của dự án, từ đó thúc đẩy quyết định đầu tư.
Các thương hiệu bất động sản lớn như Ecopark và Vinhomes đã rất thành công trong việc sử dụng mạng xã hội để kết nối với khách hàng. Họ không chỉ quảng bá dự án, mà còn tạo ra những câu chuyện cảm xúc qua các video, bài viết và hình ảnh đẹp mắt. Ecopark là một trong những chủ đầu tư bất động sản dẫn đầu xu hướng này khi họ thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc thư giãn của cư dân hay những hoạt động cộng đồng tại dự án, tạo ra một hình ảnh gần gũi và thân thiện. Vinhomes cũng không kém cạnh khi mang đến những thông điệp về phong cách sống hiện đại, sự tiện nghi cũng như những câu chuyện thành công của cư dân khiến khách hàng cảm thấy an tâm khi đầu tư.
>>> Bạn có thể quan tâm: Chiến lược Marketing của Novaland
#4. Thể hiện trách nghiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng
Khi đi qua những công trình xây dựng lớn, không khó để nhận thấy những biển "Xin lỗi vì sự bất tiện" được treo khắp nơi. Đây không chỉ là lời xin lỗi đơn thuần mà là một chiến lược marketing ngành xây dựng rất phổ biến, giúp doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của nhà thầu đối với cộng đồng xung quanh. Trong quá trình thi công, không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực như tiếng ồn, bụi bặm, tắc nghẽn giao thông hay ô nhiễm không khí – những vấn đề này thường gây phiền toái cho cư dân và người đi đường. Tuy nhiên, việc thể hiện sự quan tâm và chủ động thông báo trước cho cộng đồng chính là một cách thể hiện sự tôn trọng và giúp doanh nghiệp ghi điểm trong mắt khách hàng, cộng đồng.
Những lời xin lỗi này có thể đi kèm với các hành động cụ thể để giảm thiểu tác động tiêu cực như đảm bảo thi công vào những khung giờ ít ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân hoặc thực hiện các biện pháp giảm bụi, giảm tiếng ồn. Điển hình như nhà thầu có thể sử dụng các công cụ giảm tiếng ồn, lắp đặt các rào chắn bảo vệ để hạn chế bụi bay ra ngoài khu vực công trường, hay điều tiết giao thông một cách hợp lý để tránh gây ùn tắc.
#5. Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường
Như đã nói ở trên, khi thi công sẽ không thể tránh khỏi việc làm ảnh hưởng đến môi trường sống của những người dân xung quanh. Đặc biệt là khi vấn đề bảo vệ môi trường đang được cả thế giới quan tâm. Các doanh nghiệp xây dựng có thể tham gia vào các hoạt động như giảm ô nhiễm, xử lý rác thải đúng cách, giảm tiếng ồn, và không sử dụng các chất độc hại. Những hành động này sẽ tạo ra hình ảnh tích cực cho công ty và thu hút sự quan tâm của khách hàng, đặc biệt là những người ưu tiên yếu tố môi trường khi lựa chọn nhà đất.
#6. Tài trợ cho những hoạt động địa phương và tổ chức từ thiện
CSR (Corporate Social Responsibility - Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) là một chiến lược marketing ngành xây dựng hiệu quả và bền vững giúp doanh nghiệp tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng. Ngày nay, người tiêu dùng đặc biệt chú trọng đến những doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Thực hiện các hoạt động CSR như tài trợ cho những tổ chức từ thiện, hỗ trợ cộng đồng địa phương hoặc tham gia vào các chương trình bảo vệ môi trường vừa thể hiện trách nhiệm để góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu vững mạnh.
Việc tài trợ cho các hoạt động cộng đồng và từ thiện không nhất thiết phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho các chiến dịch quảng cáo phô trương. Một hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa có thể tạo ra sự gắn kết sâu sắc với khách hàng tiềm năng, từ đó thúc đẩy quyết định mua hàng. Khi khách hàng cảm nhận được lòng tốt và sự quan tâm thật sự từ các doanh nghiệp, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn những sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp đó.
Các tập đoàn bất động sản hàng đầu như Ecopark, Vinhome, Gamuda, hay Văn Phú Invest cũng xây dựng chiến lược tiếp thị ngành xây dựng thông qua các hoạt động CSR như tham gia tài trợ cho các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ các tổ chức từ thiện và thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường. Bằng những hành động thiết thực này, họ không chỉ nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu mà còn tạo dựng được niềm tin vững chắc từ khách hàng và các đối tác chiến lược.
#7. Sử dụng báo chí để quảng bá dự án xây dựng mới
Báo chí cũng là một kênh marketing ngành xây dựng rất uy tín bên cạnh CSR, giúp thương hiệu truyền tải thông điệp và củng cố niềm của khách hàng, đối tác rất hiệu quả. Ngoài những báo giấy truyền thống thì hiện nay cũng có nhiều kênh báo mạng, trang thông tin điện tử đạt lượt traffic cao và hiệu quả PR tốt như Kênh 14, AFamily, Soha, Vnexpress, Dân trí, CafeF, Cafebiz... Đội ngũ nội dung và truyền thông của những trang tin, trang báo này rất chuyên nghiệp tài năng. Họ sẽ biết cách để thúc đẩy thương hiệu của bạn đến với rộng rãi người đọc.
#8. Chạy quảng cáo trên Facebook, Google
Chạy quảng cáo ở hai nền tảng là Facebook, Google hiện nay đang đạt hiệu quả tốt nhất bởi đây đều là "ông lớn" trong lĩnh vực Digital. Những quảng cáo trực tuyến có thể giúp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu, đồng thời tăng độ phủ sóng của dự án. Quan trọng là phải luôn cập nhật các xu hướng mới và tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
#9. Tận dụng sức ảnh hưởng của Influencer ngành xây dựng
Sức mạnh của Influencer Marketing đang ngày càng trở nên quan trọng trong marketing ngành xây dựng. Việc hợp tác với những người nổi tiếng trong ngành hoặc những KOLs có sức ảnh hưởng có thể giúp doanh nghiệp tạo dựng niềm tin và kết nối với khách hàng tiềm năng. Chi phí để thuê KOLs, Influencers hay Celebs cũng được cho là ít đắt đỏ hơn chạy quảng cáo Facebook, Google mà tệp khách hàng được đánh trúng hơn.
#10. Sử dụng chiến thuật Storytelling
Tạo ra một câu chuyện thành công, hay còn là Storytelling - một yếu tố quan trọng của chiến lược Marketing trong ngành xây dựng. Câu chuyện ấy có thể được thể hiện ở trong bài PR báo chí và có thể được lồng ghép ở các TVC tình cảm, xúc động. Một ví dụ điển hình là chiến dịch "Xây Tết 2024" của Coteccons đã minh chứng cho hiệu quả của storytelling. Chiến dịch này kể về những người thợ xây – những người thầm lặng xây dựng những công trình lớn nhưng ít được ghi nhận. Qua phim tài liệu "Người thợ xây – Bạn thấy gì?", Coteccons mang đến cái nhìn sâu sắc về cuộc sống và sự hy sinh của người thợ xây, đồng thời kêu gọi cộng đồng thay đổi góc nhìn. Coteccons cũng triển khai các hoạt động CSR, trao hơn 17.000 phần quà Tết, mang lại cái Tết ấm no cho công nhân.
Hay như TVC về dự án VinCity đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều bạn trẻ trong quá trình vươn lên cuộc sống. Câu chuyện ở đây là mỗi chúng ta luôn khao khát sở hữu một mái ấm để an cư lập nghiệp, nhưng tiềm lực kinh tế có hạn. TVC đã gửi một thông điệp đến với toàn thể mọi người trẻ là hãy cứ ước mơ đi, vì những ưu đãi của VinCity sẽ giúp ước mơ của bạn sớm trở thành hiện thực. Phải nói, những câu chuyện truyền cảm hứng như vậy sẽ là tiền đề thay đổi nhận thức và tiến tới quyết định mua hàng trong ngành này.
Những lưu ý khi triển khai marketing ngành xây dựng
- Xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu: Ngành xây dựng có nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, từ chủ đầu tư, nhà thầu đến người tiêu dùng cuối cùng. Cần hiểu rõ đối tượng mục tiêu để lựa chọn chiến lược truyền thông và quảng cáo phù hợp.
- Tạo dựng lòng tin và uy tín: Đối với ngành xây dựng, uy tín là yếu tố sống còn nên các chiến lược marketing cần tập trung vào việc khẳng định chất lượng, tiến độ và sự minh bạch trong mọi dự án. Các thương hiệu có thể sử dụng các chứng nhận, giải thưởng hoặc các dự án thành công trước đó là một cách để gia tăng lòng tin.
- Sử dụng nội dung và hình ảnh chất lượng: Hình ảnh và video chất lượng cao là yếu tố quan trọng trong marketing ngành xây dựng. Việc sử dụng các hình ảnh dự án, quá trình thi công hay các video về công trình đang được triển khai sẽ giúp tăng cường sự minh bạch và tính thuyết phục.
- Tận dụng công nghệ số và truyền thông xã hội: Các nền tảng như Facebook, Instagram, LinkedIn hay YouTube là công cụ mạnh mẽ để kết nối với khách hàng. Các bài viết về tiến độ công trình, các bài PR về các dự án nổi bật hay các video về đội ngũ làm việc sẽ giúp tăng cường sự hiện diện và tương tác với cộng đồng.
- Lắng nghe phản hồi từ khách hàng và cộng đồng: Marketing không chỉ là quảng bá mà còn là một kênh để nhận phản hồi. Để cải thiện chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp xây dựng cần chú ý đến những góp ý từ khách hàng, từ đó cải thiện và nâng cao trải nghiệm người dùng.
- Chú trọng vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài: Trong ngành xây dựng, một hợp đồng có thể kéo dài nhiều năm, do đó việc xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, đối tác và nhà thầu là rất quan trọng. Marketing cần nhấn mạnh yếu tố hợp tác lâu dài và sự cam kết chất lượng, thay vì chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm.
>>> Xem thêm: 7 chiến lược Marketing bất động sản cho doanh nghiệp
Kết luận
Marketing ngành xây dựng không chỉ đơn giản là quảng bá các sản phẩm hay dịch vụ mà còn là một chiến lược toàn diện nhằm xây dựng và củng cố uy tín, tạo dựng lòng tin và kết nối lâu dài với khách hàng. Khi được triển khai đúng đắn, những chiến lược này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần phát triển cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, marketing ngành xây dựng cần được thực hiện một cách tinh tế và có chiều sâu, với mục tiêu không chỉ chinh phục khách hàng mà còn xây dựng một nền tảng bền vững cho tương lai.
Bình luận của bạn