Trong bối cảnh hiện nay, “bền vững” là một từ khóa được nhiều người chú ý, không chỉ trong lĩnh vực phát triển mà còn trong nhiều vấn đề khác. Marketing bền vững cũng là một xu hướng tất yếu như thế.
Nhưng không phải Marketer nào cũng thấu hiểu được hết những nội dung liên quan đến Marketing bền vững là gì để có thể ứng dụng vào các hoạt động của doanh nghiệp của bạn.
Bài viết sau của MarketingAI sẽ giúp bạn có được cái nhìn khái quát nhất về Marketing bền vững!
Marketing bền vững là gì?
Trước khi tìm hiểu về khái niệm Marketing bền vững là gì, chúng ta cần hiểu về khái niệm “bền vững” - một từ đã nhanh chóng tạo ra xu hướng trong những năm gần đây.
Tính bền vững có thể hiểu là khả năng giúp chúng ta đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người ở thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến an ninh và cơ hội cho các thế hệ tương lai.
Marketing bền vững (Sustainable Marketing) là loại hình marketing thiết lập mối quan hệ khách hàng một cách lâu dài và hiệu quả. Có thể hiểu rằng, thay vì những hoạt động marketing nhằm tăng doanh số, thúc đẩy mua hàng, thì giờ đây các thương hiệu đang dần tiến tới xây dựng một nền móng, một gốc rễ vững chắc hơn, hiệu quả hơn, thay vì chỉ “hớt lá, hớt ngọn cây” như cũ.
Marketing bền vững (Sustainable Marketing) nên được áp dụng rộng rãi bởi nó chính là yếu tố thúc đẩy những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp của bạn thật sự coi trọng như: sức khỏe môi trường, sức khỏe con người, an ninh tài nguyên, công bằng thương mại, công bằng xã hội, v.v.
Khi hưởng ứng, tham gia hoặc triển khai các hoạt động Marketing bền vững, thương hiệu của bạn sẽ giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng, rồi sau đó là lòng trung thành của họ.
Trong một thế giới phát triển nhanh đến chóng mặt và nhiều bất ổn như hiện nay, lòng trung thành của người khách hàng chính là lợi thế cạnh tranh lớn nhất mà mỗi doanh nghiệp cần nắm bắt.
>>> Xem thêm: Marketing phân biệt là gì? Ưu và nhược điểm của chiến lược marketing phân biệt
Tại sao Marketing bền vững lại quan trọng?
Vào năm 2018, 63% người tiêu dùng được khảo sát trong một nghiên cứu của Accenture tiết lộ rằng họ thích mua hàng từ các thương hiệu có ý nghĩa thương hiệu (brand purpose) rõ ràng.
IBM cũng đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2020 về hành vi của người tiêu dùng và phát hiện ra rằng 57% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm để có ý thức hơn về môi trường.
Cũng trong một nghiên cứu khác, 8 trên 10 người được hỏi đã cho rằng tính bền vững là yếu tố quan trọng đối với các quyết định mua hàng của họ.
Cũng theo đó, Marketing bền vững có thể dẫn đến lợi nhuận lớn hơn, tiết kiệm chi phí hơn và cải thiện lòng trung thành của khách hàng.
GenZ sẽ sớm trở thành nhóm khách hàng lớn nhất, mục tiêu nhất của các thương hiệu. Đây chính là thế hệ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chung của nhân loại như môi trường, bình đẳng giới, phát triển bền vững…. Do đó một thương hiệu sớm khẳng định mình có những nhóm giá trị chung với thế hệ này sẽ dễ dàng giành chiến thắng.
Sau đây sẽ là một số câu trả lời cho câu hỏi vì sao Marketing bền vững lại quan trọng đến thế:
- Thu hút thêm nhiều khách hàng hơn bởi ngày càng có nhiều người tiêu dùng quan tâm đến các giá trị bền vững.
- Thu hút những nhân viên giỏi, có triển vọng, có đam mê để tạo ra sự khác biệt trên thế giới
- Dễ dàng trúng thầu hơn cho các dự án lớn, bởi các tập đoàn lớn và chính phủ các nước hiện đang khuyến khích những thương hiệu thể hiện trách nhiệm với xã hội và với môi trường.
- Gia tăng tình cảm thương hiệu (brand love) đối với người tiêu dùng.
Ngoài Marketing bền vững, còn có nhiều lợi thế đáng kể khác để hoạt động như một doanh nghiệp bền vững. Ví dụ như tiết kiệm chi phí từ việc sử dụng hiệu quả nguồn lực cao hơn, xây dựng giải pháp và khả năng đổi mới cũng như giảm nguy cơ vi phạm các quy tắc và quy định về môi trường đang được thay đổi.
Với định hướng mà cả thế giới đang hướng tới, đó là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tìm hiểu Marketing bền vững là gì chính là cách tốt nhất giúp thương hiệu của bạn có thể tạo được tiếng vang.
Nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển của Marketing bền vững
Hiểu biết của người tiêu dùng
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người tiêu dùng là trọng tâm của trong các quyết sách liên quan đến phát triển bền vững nói chung, đặc biệt là trong Marketing bền vững (Sustainable Marketing).
Các khách hàng có thể phản hồi theo những cách tích cực (mua sắm nhiều hơn, thể hiện thái độ ủng hộ thương hiệu trên các mạng xã hội) hoặc tiêu cực (tẩy chay sản phẩm).
Những điều này sẽ phụ thuộc vào nhận thức của họ về môi trường và sự phát triển bền vững. Nhìn chung, người tiêu dùng có nhận thức càng cao thì marketing bền vững của các thương hiệu sẽ càng có nhiều điều kiện để phát triển và ngược lại.
Nhận thức của đơn vị bán lẻ
Các đơn vị bán lẻ có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ phần lớn giám sát xem các sản phẩm có tính bền vững (đặc biệt là thực phẩm và các hàng tiêu dùng nhanh) có được phổ biến hay không, bằng cách nào và chúng được truyền thông tới cấp độ nào?
Nhà bán lẻ hạ giá bán sản phẩm đến mức mà nhà sản xuất các sản phẩm bền vững không thể tồn tại được. Mặt khác, họ sẵn sàng quảng bá và bán các sản phẩm bền vững ngoài luồng, thậm chí cả những sản phẩm không bền vững, trộn lẫn với các sản phẩm bền vững và không bền vững lừa dối người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nhìn theo mặt tiến bộ là các nhà bán lẻ đã tích cực quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bền vững và ra mắt các thương hiệu bán lẻ bền vững của riêng họ.
Vì vậy, nhận thức và hành động từ các nhà bán lẻ chính là một nhân tố có ảnh hưởng, có thể là mức độ tích cực hoặc tiêu cực đến kết quả của Marketing bền vững.
Vai trò của các đơn vị lập pháp
Là một bộ phận cấu thành quan trọng của nhà nước xã hội, các nhà làm lập được coi như một trong những lý do khách quan có ảnh hưởng lớn nhất đối với Marketing bền vững.
Với việc đặt ra các quy định về sản phẩm mới, gợi ý các tiêu chuẩn, giới thiệu thương hiệu sản phẩm bền vững hoặc đưa ra thông tin nhạy cảm đối với người tiêu dùng… các nhà sáng lập có thể khiến cho các công ty có quan điểm tích cực hơn trong việc sản xuất, phân phối và Marketing các sản phẩm bền vững.
Các nghiên cứu thực tế đã chỉ ra tổng kết rằng sức ảnh hưởng của các nhà làm luật càng cao, các công ty sẽ càng theo đuổi các chiến lược Marketing bền vững theo hướng tích cực hơn.
Ảnh hưởng từ các nguồn lực của công ty
Các nguồn lực của công ty cũng được xem là một nhân tố trong nội bộ có ảnh hưởng đến các hoạt động Marketing bền vững.
Các yếu tố về quy mô (doanh số, số lượng cán bộ nhân viên, báo cáo tài chính, vốn huy động), uy tín trên thương trường, nhận thức về thương hiệu và sức mạnh thương hiệu của doanh nghiệp có vai trò quan trọng.
Độ phủ sóng của thương hiệu càng cao, càng có thêm nhiều khách hàng nhận diện được sản phẩm của thương hiệu. Tuy nhiên, những động thái, bước đi của doanh nghiệp cũng sẽ được (hoặc bị) giám sát chặt chẽ hơn, bị đánh giá khắt khe hơn bởi người tiêu dùng.
Đặc điểm riêng của từng ngành sản xuất
Những vấn đề về phát triển bền vững khác nhau sẽ xảy đến với các ngành sản xuất khác nhau.
Thêm vào đó, các nhà sản xuất phải đối mặt với những vấn đề phát triển bền vững trong thị trường tiêu dùng nhiều hơn so với các nhà sản xuất trên thị trường khách hàng tổ chức.
Ngoài ra, trong bất kể lĩnh vực nào cũng có sự khác biệt về môi trường, đời sống xã hội, hệ sinh thái mà các doanh nghiệp phải xử lý. Những điều sẽ có tác động nhất định đến phạm vi và mức độ hoạt động của Marketing bền vững đối với từng mô hình doanh nghiệp.
Chiến lược Marketing bền vững
Xác định thị trường mục tiêu
Để có thể lên kế hoạch, chiến lược cho một chương trình Marketing thành công, trước hết bạn cần phải xác định và hiểu rõ đối tượng mà doanh nghiệp của bạn đang hướng đến là ai.
Phân khúc mà các chiến lược Marketing bền vững cần nhắm tới là những người tiêu dùng thuộc thế hệ Millennials và GenZ. Đây chính là phân khúc thị trường có nhận thức rõ ràng và chú ý hơn đến những vấn đề của thế giới hiện đại đang đối mặt ví dụ như: môi trường, biến đổi khí hậu hay phát triển bền vững…
Ví dụ như doanh nghiệp của bạn đang kinh doanh các mặt hàng gia dụng và cần đẩy bán một sản phẩm tủ lạnh không khí CFC. Khi đó bạn cần tập trung vào những khách hàng có độ tuổi dưới 40, bởi đây là đối tượng trẻ, họ thường quan tâm và để ý đến những từ ngữ, khái niệm mới.
Xây dựng mối quan hệ với khách hàng
Trong các chiến lược Marketing bền vững, các thương hiệu cần luôn biết cách xây dựng và phát triển mối quan hệ với khách hàng, bao gồm cả khách hàng hiện tại và những khách hàng cũ.
Đây chính là một cách giúp cho công ty của bạn nhanh chóng tìm ra thị trường mục tiêu cũng như giúp duy trì lượng khách hàng ổn định để đúng với mục tiêu của một chiến lược “bền vững”.
Hoạt động truyền thông
Các hoạt động của Marketing bền vững thường yêu cầu doanh nghiệp phải sáng tạo nhiều ý tưởng thực dụng và gần gũi với đời sống. Bởi Marketing bền vững nhấn mạnh vào giá trị, mục đích của thương hiệu và cũng như những cam kết về sứ mệnh kinh doanh của doanh nghiệp đối với khách hàng.
Yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ hoạt động truyền thông nào trong các chiến dịch Marketing luôn là sự trung thực, minh bạch và hữu ích của doanh nghiệp đối với cộng đồng.
Do vậy mà người làm Marketing bền vững cần hiểu rõ thương hiệu cũng như những giá trị thương hiệu có thể mang lại cho người dùng.
Ví dụ về một số hoạt động Marketing bền vững
Sau khi tìm hiểu marketing bền vững là gì sẽ là một vài trường hợp điển hình về hoạt động Marketing bền vững mà các doanh nghiệp đã và đang áp dụng mà đã được MarketingAI tổng hợp. Đây có thể sẽ là những gợi ý hữu ích cho doanh nghiệp của bạn:
- Thiết kế dây chuyền sản xuất vật liệu tái chế
- Đưa vào sử dụng bao bì, vật liệu tạo thành sản phẩm thân thiện với môi trường
- Các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ nên chủ động sử dụng túi vi sinh có khả năng phân hủy để đựng hàng hóa, thực phẩm. Hoặc có thể dùng các sản phẩm tự nhiên (các loại lá có bản to, rộng như lá chuối, lá sen…) để gói, bọc thực phẩm, vừa tạo được nét riêng, vừa gây được thiện cảm với khách hàng.
- Chính sách thu gom, đổi trả: Apple là một trường hợp điển hình với dịch vụ Reverse Logistics. Theo đó, hãng công nghệ này sẽ nhận lại các sản phẩm, phụ kiện cũ để tái chế hoặc tái sử dụng, giảm bớt lượng rác thải điện tử khó phân hủy được thải ra ngoài môi trường. Hoặc như hãng thời trang nhanh nổi tiếng H&M với chính sách thu gom quần áo cũ để nhận lấy voucher giảm giá mua sắm.
- Nghiên cứu, sáng chế những sản phẩm có sử dụng nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió…
Một trong những ví dụ về Marketing bền vững có thể kể đến chính là Ajinomoto - hãng thực phẩm và gia vị nổi tiếng đến từ Nhật Bản:
Trên thị trường hiện nay, Ajinomoto đang là nhãn hàng có sự đầu tư và quyết tâm rất lớn vào các hoạt động Marketing xanh nói riêng và Marketing bền vững nói chung.
Chiến lược Marketing bền vững của Ajinomoto tập trung vào điểm: Không phát thải – Tăng hiệu quả trong sử dụng năng lượng - Thúc đẩy kinh doanh dựa trên chu trình sinh học.
Trong đó, có bốn vấn đề được doanh nghiệp này tập trung chú ý:
- Bảo vệ nguồn nước: Thiết kế và đưa vào vận hành các hệ thống tháp giải nhiệt và xử lý nước thải với ứng dụng công nghệ Nitrogen sinh học.
- Giảm chất thải rắn và khí: Năm 2017, Ajinomoto đã triển khai chương trình “Không phát thải” (Tiết giảm – Tái chế - Tái sử dụng). Lò hơi sinh học đã được đưa vào vận hành, giúp cắt giảm hơn một nửa lượng khí thải ra môi trường.
- Ứng dụng chu trình sinh học kép (Bio-cycle): Chu trình này được đưa vào ứng dụng trong việc sản xuất bột ngọt, giúp đảm bảo nguyên liệu để phục vụ quy trình sản xuất bền vững.
- Tìm kiếm năng lượng thay thế: Đưa vào vận hành các loại máy móc, công nghệ tiên tiến để lượng tiêu thụ điện năng có thể giảm xuống mức thấp nhất. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng bền vững như năng lượng mặt trời.
Kết luận
Marketing bền vững hiện đang là một xu thế mới nổi và vẫn còn rất nhiều cơ hội để doanh nghiệp của bạn có thể triển khai. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn không ít thách thức đang chờ đợi các Marketer.
Hy vọng với bài viết trên của MarketingAI, bạn đã có được một cái nhìn tổng quát nhất về Marketing bền vững là gì. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay góp ý nào, hãy chia sẻ cùng chúng tôi nhé!
Bình luận của bạn