Björn Darko, Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm tại Searchmetrics, mới đây đã giải thích rõ sức mạnh của dữ liệu tìm kiếm (search data) mà một số thương hiệu đang khám phá và cách nó có thể được thêm vào kho dữ liệu nghiên cứu thị trường (market research) của bạn để hỗ trợ quá trình nghiên cứu insights và đưa ra quyết định (decision making).
Hiểu rõ nhu cầu và hành vi của khách hàng, cùng với sự am hiểu thị trường là một trong những chìa khóa để đưa ra các quyết định marketing thành công. Tuy nhiên, các phương pháp nghiên cứu thị trường truyền thống như khảo sát và nhóm tập trung (focus groups) đều có những hạn chế riêng của chúng, đó là lý do tại sao một số thương hiệu đang khám phá dữ liệu tìm kiếm (search data) để có thêm thông tin chi tiết.
Tốc độ thay đổi ở nhiều thị trường có thể khiến cho các phương pháp nghiên cứu truyền thống nhanh chóng trở nên lỗi thời, điều đó nghĩa là bạn buộc phải lặp lại các cuộc khảo sát định kỳ hoặc bỏ tiền ra mua các báo cáo nghiên cứu mới. Và tất nhiên, độ chính xác của các kết quả khảo sát thay đổi theo quy mô mẫu của bạn - và mẫu càng lớn, chi phí càng lớn.
Thêm vào đó, nếu bạn đang sử dụng dữ liệu khảo sát, thì vấn đề ở đây là liệu người tham gia có trả lời câu hỏi một cách trung thực hay không. Phản ứng của họ đôi khi có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cảm xúc hoặc những gì họ cảm thấy nên nói vì điều đó được xã hội chấp nhận, chứ không phải cảm nhận cá nhân của họ. Vì thế, dữ liệu tìm kiếm trở thành một yếu tố giúp tăng gấp đôi giá trị cho các nghiên cứu thị trường.
>>> Xem thêm: Market size là gì?
Sức mạnh của dữ liệu tìm kiếm
Dữ liệu tìm kiếm, có thể là những từ khóa mọi người tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm như Google, Bing và Yahoo, hay khối lượng tìm kiếm hàng tháng cho một tập hợp các từ khóa có liên quan, tỷ lệ tìm kiếm về thương hiệu của bạn và các đối thủ của nó, cũng như xu hướng CPC (Cost Per Click) cho bộ từ khóa đều sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn bổ sung về hành vi khách hàng và xu hướng thị trường trên quy mô lớn hơn nhiều.
Nghiên cứu cho thấy, Google xử lý khoảng 3,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày. Những lượt tìm kiếm này có thể cung cấp cho doanh nghiệp một tập dữ liệu khổng lồ, có thể mở rộng, có thể truy cập và luôn được cập nhật. Ngoài việc đem lại lợi ích cho team SEO, dữ liệu tìm kiếm còn có thể cung cấp giá trị cho nhóm nghiên cứu thị trường, giúp hỗ trợ việc ra quyết định trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ marketing & sale, đến quản lý và phát triển sản phẩm. Và vì dữ liệu tìm kiếm có được dựa trên hành vi thực tế của mọi người, nên nó thường đáng tin cậy hơn so với việc khảo sát và hỏi một nhóm người dùng xem họ nghĩ gì.
Google hiện xử lý trung bình hơn 40.000 truy vấn tìm kiếm mỗi giây, tương đương với hơn 3,5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày và 1,2 nghìn tỉ lượt tìm kiếm mỗi năm trên toàn thế giới. Biểu đồ trên đây cho thấy số lượng tìm kiếm mỗi năm trong suốt lịch sử của Google (Ảnh: Internetlivestats)
Dưới đây là bốn phương pháp chính giúp bạn có thể thêm dữ liệu tìm kiếm vào trong kho dữ liệu nghiên cứu thị trường (market research) của bạn, nhằm hỗ trợ quá trình nghiên cứu insights và đưa ra quyết định (decision making):
1. Dữ liệu tìm kiếm sẽ đại diện cho nhu cầu thị trường
Nếu bạn đang cân nhắc việc gia nhập một thị trường mới hoặc quyết định giữa một số sản phẩm / cơ hội thị trường, thì hẳn nhiên bạn sẽ cần phải hiểu quy mô của thị trường tiềm năng hoặc mức độ nhu cầu của thị trường đó. Thế nhưng, những dữ liệu thị trường mới nhất không phải lúc nào cũng dễ dàng nắm bắt - đặc biệt là khi đó là một thị trường ngách hoặc một danh mục sản phẩm mới. Trong trường hợp đó, việc đối chiếu dữ liệu với các tìm kiếm giao dịch liên quan đến danh mục sản phẩm đó có thể cung cấp một ước tính chắc chắn về nhu cầu thị trường và bạn sẽ biết được nhu cầu thị trường thay đổi như thế nào theo thời gian và theo mùa.
2. Dữ liệu tìm kiếm sẽ là manh mối để thúc đẩy quản lý hàng tồn kho, marketing và quy trình sản xuất
Tính kịp thời và khả năng truy cập của dữ liệu tìm kiếm cho phép bạn có cái nhìn mới mẻ về lượng hàng tồn kho bạn cần giữ trong cửa hàng của mình và để tối ưu hóa thời gian của các chiến dịch marketing.
Ví dụ: phân tích xu hướng tìm kiếm đôi khi có thể giúp bạn nhìn ra các nhu cầu nổi bật, ngoài những gì có thể dễ dàng xác định được trong dữ liệu bán hàng, giúp các thương hiệu khám phá ra các giai đoạn có nhu cầu cao mà trước đây họ không hề lên kế hoạch về điều đó - hoặc đơn giản là cung cấp thông tin chi tiết về thời điểm tốt nhất để ra mắt sản phẩm mới. Ví dụ, nhiều thương hiệu thể thao thường ưu tiên các hoạt động marketing cho dòng sản phẩm quần áo trượt tuyết vào quý 4 hàng năm vì điều đó phản ánh các mô hình mua hàng theo mùa truyền thống. Nhưng phân tích đã chỉ ra rằng, các tìm kiếm cho các sản phẩm này vẫn tiếp tục duy trì volume cao vào Quý 1, với 90% nhu cầu tìm kiếm diễn ra trong khoảng thời gian này. Điều đó phản ánh rằng bạn sẽ có cơ hội bán được nhiều hàng hơn trong thời gian dài hơn nếu biết nghiên cứu kỹ dữ liệu tìm kiếm, từ đó lên kế hoạch tiếp tục giữ hàng tồn kho và kéo dài lịch marketing.
3. Hiểu sự cạnh tranh (và các đối tác phân phối hoặc truyền thông tiềm năng)
Phân tích kết quả tìm kiếm cho các cụm từ khóa xung quanh sản phẩm của bạn có thể giúp bạn biết đối thủ cạnh tranh của bạn là ai, giúp bạn xác định những đối thủ/ đối tác mới tham gia thị trường hoặc những công ty mà bạn có thể chưa biết đến. Và phân tích tỷ lệ tìm kiếm liên quan đến thương hiệu bạn (cụ thể là tỷ lệ kết quả tìm kiếm cho các danh mục sản phẩm của thương hiệu) sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quan và chính xác nhất về 'share of voice' hoặc 'share of content' do hoạt động marketing của bạn tạo ra so với các đối thủ hàng đầu.
Tất nhiên, kết quả tìm kiếm sẽ không chỉ giúp bạn xác định và phân tích đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình mà còn cả các trang web khác có xếp hạng cao và cùng chủ đề với trang web của bạn. Ví dụ: khi tìm kiếm các từ khóa liên quan đến sản phẩm của bạn, kết quả tìm kiếm có thể hiển thị ra những trang web truyền thông, trang web của blogger và influencers có xếp hạng nổi bật và có nhắc đến/ liên quan đến sản phẩm của bạn. Kết quả tìm kiếm đó có thể cung cấp những insights có giá trị cho bạn, để bạn có thể nhắm mục tiêu cho các ấn phẩm truyền thông và blog của mình theo những trang web đó và cải thiện chất lượng thông qua việc hợp tác như một phần của chiến lược PR, quảng cáo và Influencer Marketing. Ví dụ, nếu bạn là nhà sản xuất bán hàng qua các nhà bán lẻ online, bạn có thể khoanh vùng các trang web thương mại điện tử nào đang xếp hạng cao và có khả năng cung cấp sản phẩm của bạn để tìm kiếm cơ hội hợp tác với họ.
4. Kinh doanh thông minh về thay đổi hành vi của khách hàng
Việc bám sát các mẫu tìm kiếm có thể cho bạn gợi ý về việc hành vi của người tiêu dùng đang thay đổi như thế nào trong lĩnh vực kinh doanh của bạn và chỉ ra các lĩnh vực bạn cần điều tra thêm. Ví dụ: trong năm 2020, việc phong tỏa vì dịch COVID-19 đã khiến cho người lớn tìm kiếm nhiều hơn các từ khóa liên quan đến câu đố ghép hình, trong khi trẻ em thì không tăng trưởng mấy. Nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động trong lĩnh vực này, bạn nên tìm hiểu xem xu hướng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường trong tương lai.
Tương tự, có nhiều tìm kiếm hơn cho từ khóa 2.000 mảnh ghép trong năm ngoái so với năm 2019…
Kết
Các phương pháp nghiên cứu thị trường truyền thống sẽ tiếp tục cung cấp nhiều thông tin có giá trị và không ngừng phát triển để hỗ trợ cho việc ra quyết định dựa trên dữ liệu. Nhưng việc thêm dữ liệu tìm kiếm vào bộ công cụ của bạn sẽ giúp cung cấp một lớp insights khác, cho phép bạn truy cập vào nguồn dữ liệu khổng lồ, được cập nhật liên tục và trực tiếp dựa trên hành vi của người tiêu dùng. Sẽ thật lãng phí nếu không tận dụng nhiều hơn kho tàng dữ liệu này trong các chương trình marketing và nghiên cứu insights của bạn.
Tô Linh - MarketingAI
Theo Econsultancy
>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng tìm kiếm: Tiếp thị tìm kiếm và SEO sẽ phát triển như thế nào vào năm 2021?
Bình luận của bạn