cover

Thay đổi quan điểm truyền thống về ăn uống của người Việt, Masan ra mắt “Cơm tự chín” mục tiêu hướng đến 8 tỷ người trên toàn cầu

14 Thg 05

Masan Consumer ra mắt cơm tự chín hơn 100.000 VNĐ “ngon như trút từ chảo của đầu bếp”, sau năm thành công với “lẩu tự sôi” Omachi. Sản phẩm mới này đã thu hút hàng nghìn lượt thảo luận trong những ngày qua.

Tiếp nối thành công của Lẩu tự sôi bắp bò riêu cua, Masan ra mắt sản phẩm Cơm tự chín hơn 100.000 VNĐ

Được biết, sản phẩm “cơm tự chín” nối gót sau sản phẩm “trend” Omachi Lẩu tự sôi bắp bò riêu cua năm 2022 từ Masan Consumer. Trong hộp lẩu tự sôi của Omachi sẽ có những gói nhỏ bao gồm đầy đủ các nguyên liệu phù hợp cho một nồi lẩu như gói sợi mì hoặc bún, gói rau củ, gia vị, thịt sấy, gói ớt, gói muỗng dĩa và một gói hóa chất tự sôi. Gói tự sôi được ép kín bên trong có hỗn hợp magie, sắt và muối. Khi tiếp xúc với nước thì magie sẽ tham gia phản ứng oxi hoá kim loại và tạo ra nhiệt tăng cao cũng như phản ứng này xảy ra mạnh hơn nhờ có thêm thành phần sắt và muối. Với giá khoảng 100 nghìn VNĐ, được chế biến với hương vị thuần Việt và đầy đặn, món ăn này đã nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng, góp phần vào mức tăng trưởng 14% của Omachi trong năm 2023.

“Cơm tự chín” theo giới thiệu trong đại hội cổ đông thường niên hôm 25/4 vừa qua là sản phẩm cơm tự chín cá hồi áp chảo sốt Teriyaki có giá bán từ 100.000 đến 150.000 đồng, hút chân không, có thể để ở điều kiện thường trong 6 tháng, không dùng chất bảo quản. Khi dùng, chỉ cần đổ nước, sản phẩm tự nóng và làm chín.

Tiếp nối thành công của Lẩu tự sôi bắp bò riêu cua, Masan ra mắt sản phẩm Cơm tự chín hơn 100.000 VNĐ

Sản phẩm là “chân kiềng” tiếp theo trong kế hoạch xây dựng hệ sinh thái tiếp cận thị trường tiêu dùng bên ngoài (out-of-home), cung cấp các sản phẩm thay thế cho bữa ăn tại nhà và nhà hàng. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở 100 triệu người Việt mà xa hơn là 8 tỷ người trên toàn cầu, hướng đến thị trường cung cấp bữa ăn như nhà hàng.

Vấp phải nhiều ý kiến trái chiều và gây tranh luận khi vừa ra mắt

Lướt trên các group, topic trên mạng xã hội có thể bắt gặp nhiều chia sẻ, quan điểm trái chiều nhau về thông tin sản phẩm mới này của Masan như:

Một số ý kiến ủng hộ:

  • Siêu phù hợp cho mấy bạn thích đi cắm trại kiểu chill chil như mình nè, cái này tiện, đổ nước vào là tự sôi, không cần bình đun nước hay vỉ nướng gì hết”

  • Một ý tưởng kinh doanh độc lạ, món này nếu không ngon hoặc đắt tiền thì nó cũng gây ra cảm giác tò mò muốn ăn thử 1 lần. Chỉ cần 10% dân số ăn thử 1 lần thì cũng đã tiêu thụ 10 triệu gói. Doanh thu ngàn tỷ đấy chứ không phải ít đâu.

  • 100k/phần không phải là cao hay thấp, quan trọng là vẫn có người mua khi họ cảm thấy phù hợp và cần thiết kia mà?!?

  • Hướng đến du lịch và xuất khẩu! Giá hợp lý 100-120k, tiện lợi và rất ngon.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người tiêu dùng không đồng tình và chia sẻ quan điểm như:

  • Masan quên mất mình đang kinh doanh ở nước nào hả…

  • Nếu được ra mắt từ 1 quốc gia có kinh tế phát triển khác thì giá ở đây sẽ là câu chuyện không đáng nói, chứ còn ở VN thì thì khó bán lắm.

  • Sản phẩm sẽ trend, và chỉ trend thôi!

  • Với mức giá hiện tại thì đối tượng khách hàng mà Masan hướng tới không phải là phân khúc đại chúng và sinh viên (chiếm tỉ lệ mua cao nhất cho ngành hàng đóng hộp, ăn liền). Mức giá lên tới 100k thì tệp này khó lòng mua nổi @@

  • Chung quy đây chỉ là hướng tới giới trẻ ưa thích sự tò mò ăn 1 và chỉ 1 lần mà thôi!

Coach Đặng Thái Cường còn đưa ra phân tích SWOT về sản phẩm này trên trang cá nhân của mình để mọi người cùng tham khảo:

Điểm mạnh (Strengths):

- Sản phẩm tiện lợi, chỉ cần đổ nước là có thể ăn ngay.

- Thời gian bảo quản lâu, lên tới 6 tháng.

- Masan là thương hiệu lớn, có nhiều kênh phân phối.

Điểm yếu (Weaknesses):

- Giá cao từ 100.000 - 150.000 đồng/ khẩu phần, chỉ phù hợp phân khúc cao cấp.

- Ở các trung tâm cứ 100m là 1 có 1 quán cơm bình dân, cơm văn phòng giá tầm 30-50k.

- Thói quen của người Việt là tự đi chợ, nấu cơm để gia đình ăn chung, giảm chi phí.

Cơ hội (Opportunities):

- Phân khúc cao cấp, người bận rộn, du lịch cắm trại cần sản phẩm tiện lợi.

- Có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế nếu định vị đúng.

- Kế thừa thành công từ dòng lẩu tự sôi trước đó.

Thách thức (Threats):

- Cạnh tranh gay gắt từ nhiều loại hình ăn nhanh, bán sẵn khác.

- Thị hiếu và thói quen ăn uống của người Việt khó thay đổi.

- Nhu cầu sản phẩm có thể không cao tại Việt Nam.

“Cơm tự chín” liệu có trở thành sản phẩm tiềm năng và đột phá của Masan tại thị trường Việt?

3.1 Thay đổi quan điểm truyền thống về thói quen ăn uống của người Việt

“Lẩu” và “cơm” trước nay mọi người thường nghĩ là những món cần nấu mất nhiều thời gian, chỉ phù hợp ăn tại nhà hoặc nhà hàng (cần một địa điểm cụ thể). Với cơm thì có thể đóng gói, mang đi nhưng khi ăn thường là cơm nguội, khó có thể giữ nóng được trong thời gian dài. Masan đã phá vỡ được quan điểm về hai món ăn này của người Việt khi ra mắt dòng sản phẩm “lẩu tự sôi”, “cơm tự chín”, nâng cấp các sản phẩm thông thường phức tạp thành các món ăn liền nóng hổi, tiện lợi, có thể sử dụng ngay lập tức.

3.2 Tập trung vào chữ P (Product) khi R&D về nhu cầu người dùng

Trên thị trường FMCG hiện tại, đặc biệt trong sân chơi của các sản phẩm ăn liền, mì gói thì trước nay chưa có nhiều đổi mới hay đột phá. Các thương hiệu thường xuyên thay đổi bằng cách thêm nhiều hương vị mới, giá cả ưu đãi kèm nhiều chương trình khuyến mãi để gia tăng lựa chọn đa dạng cho khách hàng. Sản phẩm “lẩu tự sôi”, “cơm tự chín” được coi như dấu ấn mới về sản phẩm của thương hiệu, thu hút chú ý người dùng thành công.

Tên gọi và tính chất của sản phẩm đã bước đầu khiến người dùng tò mò như: Làm sao để lẩu tự sôi được khi không có đồ nấu, cơm tự chín như thế nào? Liệu có ngon không?... Phương pháp gia nhiệt bằng gói tạo nhiệt vốn không phải là một cách làm mới trong cuộc sống, vì chúng cũng từng được áp dụng trong quân đội để làm nóng thực phẩm. Tuy nhiên, cách làm này không phổ biến và không phải ai cũng biết. Dùng tên gọi “lẩu tự sôi” “cơm tự chín” làm khơi gợi sự tò mò, hứng thú của người tiêu dùng.

3.3 Dành cho thị trường ngách và đối tượng tiêu dùng đặc biệt

Có thể nói, đây không phải là một sản phẩm dễ bán, khi người quyết định mua hàng gặp rào cản bởi hai lý do: giá cao và không thấy rõ giá trị sản phẩm. Đặc biệt thói quen của người dân hiện tại cũng chưa phù hợp và phổ biến với dòng sản phẩm này. Cộng đồng mạng cho rằng mua lẩu tự sôi không xứng bằng việc ra ngoài ăn buffet lẩu, mua 1 thùng mì hoặc ăn 2 bát phở…Sản phẩm sẽ là tiềm năng nếu định vị vào nhóm đối tượng cao cấp và tệp khách hàng ngách, có nhu cầu đặc biệt như phượt thủ, người lao động tại các môi trường đặc biệt. Với định hướng cao cấp hoá sản phẩm và hướng khai thác trong thị trường ngách thì có thể coi bước đầu đây là hai dòng sản phẩm phù hợp và đáng kỳ vọng của Masan.

Cho dù, bên cạnh việc ra mắt vẫn còn nhiều tranh luận cùng ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng, đây có thể là một phần trong kế hoạch truyền thông nhằm tạo ra sự tò mò và kích thích thảo luận của người dùng, từ đó góp phần nâng cao nhận thức về sản phẩm cũng như thương hiệu. Đồng thời mọi người càng thảo luận và chia sẻ nhiều quan điểm khác nhau sẽ tạo bước đệm để Masan tiến hành nghiên cứu thị trường sâu hơn, thu thập phản hồi của người dùng và cải thiện sản phẩm.

Với dòng sản phẩm mới như cơm tự chín, thách thức lớn của thương hiệu là làm sao truyền thông để “educate” người dùng và xây dựng lòng tin trên thị trường đồng thời cung cấp các minh chứng khoa học, thể hiện rõ ràng giá trị cũng như tính tiện lợi của sản phẩm.

>>> Có thể bạn quan tâm: Khi ngành Bất động sản đánh thức trái tim khách hàng bằng các thông điệp cảm xúc

TẠM KẾT

Sản phẩm “Cơm tự chín” của Masan là một sáng kiến độc đáo có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay về sự tiện lợi và nhanh chóng. Đây là một bước đi đáng chú ý trong ngành công nghiệp thực phẩm, phản ánh xu hướng tiêu dùng hiện đại hướng đến các sản phẩm tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, thành công của sản phẩm này trên thị trường sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng sản phẩm thực tế, cách truyền thông và phản ứng của người dùng sau khi trải nghiệm sản phẩm. Chúng ta cùng chờ đón và theo dõi về các chiến dịch tiếp theo của Masan nhé.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.