Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng ngày một cao thì sự cạnh tranh ngày một lớn. Để có thể tồn tại và phát triển vững chắc trong môi trường đầy cạnh tranh như vậy không phải điều dễ dàng mà đòi hỏi những chiến lược đúng và trúng trọng tâm.
Bài viết sau của MarketingAI sẽ cung cấp cho bạn những lý thuyết cũng như ví dụ cơ bản về năng lực cạnh tranh cũng như các tiêu chí để đánh giá chúng.
Năng lực cạnh tranh là gì?
Khái niệm Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp lần đầu tiên được xuất hiện tại Mỹ vào đầu những năm 1980. Theo Aldington Report (1985):
“Doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh là doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm, dịch vụ với chất lượng vượt trội và giá cả thấp hơn các đối thủ khác cả ở trong và ngoài nước. Khả năng cạnh tranh chính là việc đạt được lợi ích lâu dài của doanh nghiệp, cũng như khả năng bảo đảm thu nhập cho người lao động và chủ doanh nghiệp”.
Đến năm 1994, khái niệm trên một lần nữa được đề cập đến trong quyển “Sách trắng về Năng lực cạnh tranh Vương quốc Anh”. Bộ Thương mại và Công nghiệp Anh đã đưa ra định nghĩa năm 1998: “Đối với doanh nghiệp, Năng lực cạnh tranh là khả năng sản xuất đúng sản phẩm, xác định đúng giá cả và vào đúng thời điểm. Có nghĩa là đáp ứng nhu cầu khách hàng với hiệu suất và hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp khác”.
Cũng theo một số tài liệu, Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nên được đi kèm cùng với các mục tiêu của doanh nghiệp đó, với ba yếu tố: các giá trị chủ yếu, mục tiêu chính và các mục tiêu chức năng.
Để biết được năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp, chúng ta căn cứ vào khả năng duy trì và mở rộng thị phần, thu lợi nhuận cho doanh nghiệp tại thị trường cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Tóm lại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hay còn gọi là sức cạnh tranh hay tính cạnh tranh (tiếng Anh: Competitiveness) là những nhân tố thể hiện năng lực thực tế, cũng như những điểm mạnh của đơn vị kinh doanh so với các đối thủ khác trên thị trường.
Mục đích của việc xác định và đo lường năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp, không chỉ giúp doanh nghiệp đó xác định rõ vị trí của họ trên thị trường, mà còn có lợi cho các khách hàng.
Trong cùng một thị trường, các doanh nghiệp cùng ngành sẽ cạnh tranh với nhau trong các khâu: yếu tố đầu vào, quá trình sản xuất và quá trình tiêu thụ hàng hóa.
Lợi thế cạnh tranh là gì? 4 Cách xây dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp
Chỉ số năng lực cạnh tranh là gì?
Xét đến năng lực cạnh tranh nói chung, có thể chia thành bốn mức độ như sau:
- Năng lực cạnh tranh theo quốc gia
- Năng lực cạnh tranh trong ngành
- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
- Năng lực cạnh tranh giữa các sản phẩm, dịch vụ
Trong bài viết này, chúng tôi chú ý tập trung vào phân tích những chỉ số cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo đó, năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp được dụa theo bốn yếu tố chính: giá cả; chất lượng sản phẩm, dịch vụ; các dịch vụ đi kèm và yếu tố thời gian.
Trong thời điểm cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, đặc biệt trong hai năm dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng và phá sản, những công ty còn trụ lại đều đang tìm kiếm các phương án tối ưu nhất. Điều này được thể hiện trong việc cố gắng tìm cách giảm chi phí nguyên liệu đầu vào, hạ thấp giá thành, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tự động hóa dây chuyền sản xuất, tiết kiệm nhân lực và thực hiện các chiến lược Marketing thông minh, thực tế, bền vững.
Ví dụ về Năng lực cạnh tranh
Sau đây, MarketingAI sẽ phân tích ví dụ về Năng lực cạnh tranh của Vinamilk - một trong những thương hiệu quốc dân của Việt Nam để các bạn có thể hiểu rõ hơn.
Đầu tiên nếu xét trên tiêu chí của Hình ảnh thương hiệu, Vinamilk chắc chắn đã có được tình yêu mến và lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam. Giống như khi nhắc đến bột giặt người ta bật ra ngay cái tên Omo, khi nhắc đến xe máy là nhắc đến Honda. Thì khi nhắc đến sữa, Vinamilk cũng là cái tên được nhớ đến rộng rãi.
Tuy nhiên, do Vinamilk có các dòng sản phẩm đa dạng, nên mỗi phân khúc sản phẩm của hãng cũng sẽ có những đối thủ cạnh tranh cả từ các thương hiệu trong nước và cả quốc tế, với một số cái tên như: TH, Dutch Lady, Đà Lạt Milk…
Dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng toàn cầu cũng như lượng tiêu dùng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, năm 2021 Vinamilk vẫn đạt được mức doanh thu ấn tượng hơn 61 nghìn tỷ đồng. Trong cùng năm, thương hiệu này dẫn đầu bảng xếp hạng “Thương hiệu được chọn mua nhiều nhất của ngành Sữa và các Sản phẩm từ sữa (theo WordPanel).
Trở lại thời điểm cách đây gần 20 năm, người tiêu dùng Việt hầu hết yêu thích sử dụng sữa từ thương hiệu ngoại hoặc sữa nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay nhiều gia đình đã sử dụng ít nhất một sản phẩm từ Vinamilk, trải dài trên nhiều dòng sản phẩm và phân khúc khác nhau. Đây chính là sự khẳng định cho sức mạnh của Vinamilk nếu xét trên tiêu chí Thị phần và Khả năng chiếm lĩnh thị trường, một trong những yếu tố để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Xét về hiệu quả kinh doanh, hiện Vinamilk đã sản xuất hầu hết các dòng sản phẩm từ sữa cũng như sở hữu nhiều công thức ứng dụng những thành tựu khoa học hiện đại trên thế giới. Đặc biệt, sản phẩm sữa bột của Vinamilk vẫn luôn đứng đầu về sản lượng tại thị trường Việt Nam nhiều năm qua.
3 Chiến lược cạnh tranh trong Marketing không thể bỏ qua
Vai trò của Năng lực cạnh tranh
Năng lực cạnh tranh có nhiều vai trò khác nhau, tùy theo phạm vi chúng ta xét đến. Xét theo góc độ vĩ mô cả một nền kinh tế, sự cạnh tranh làm cho nó sống động hơn, kích thích tăng trưởng và tạo thành áp lực khiến các doanh nghiệp phải tối ưu các nguồn lực mà mình có.
Riêng đối với nhà lãnh đạo, nhà quản trị các doanh nghiệp, tính cạnh tranh tạo ra áp lực khiến họ phải luôn luôn tìm cách đổi mới sáng tạo, cải thiện các phương thức sản xuất, phân phối và bán hàng cũng như ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đó mới có thể thiết kế những sản phẩm mới, nâng cao năng suất lao động và giảm được giá thành sản phẩm, thu hút người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ nhân viên và các cấp quản lý cũng được cải thiện bởi họ phải tự đổi mới mình nếu như không muốn bị thị trường lao động đào thải nhanh chóng.
Đối với khách hàng và những người trực tiếp sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tính cạnh tranh khiến cho họ được hưởng lợi. Người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn bởi nguồn hàng hóa trở nên đa dạng hơn về chủng loại, có nhiều dòng sản phẩm hơn để cân nhắc cũng như nhiều phân khúc dịch vụ hơn phù hợp với nhu cầu, sở thích và tài chính của bản thân.
Tính cạnh tranh khiến cho thị trường trở nên năng động hơn, các doanh nghiệp cũng có động lực để phát triển. Tuy nhiên nó cũng dễ gây nên tình hình trái ngược khi các doanh nghiệp bất chấp mọi giá để cạnh tranh không lành mạnh, vươn lên bằng những thủ đoạn phi pháp, gây hậu quả lớn về kinh tế lẫn xã hội.
Các tiêu chí đánh giá Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Hình ảnh thương hiệu
Hình ảnh và độ nổi tiếng của thương hiệu chính là một trong các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của một doanh nghiệp đầu tiên. Phát triển được một hình ảnh thương hiệu càng uy tín, lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng rộng thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đó càng cao trên thị trường.
Tình hình thực tế cho thấy có nhiều thương hiệu lâu đời, có tên tuổi và phần nào khẳng định được vị thế nhất định thì cũng sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn hẳn những doanh nghiệp non trẻ. Đây cũng là một dạng giá trị vô hình, góp phần tạo nên sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp đó;.
Bên cạnh đó, hình ảnh thương hiệu còn là thang đo để khách hàng và người tiêu dùng đánh giá được chất lượng, độ uy tín và trao gửi niềm tin vào doanh nghiệp.
Thị phần và Khả năng chiếm lĩnh thị trường
Vị trí của một doanh nghiệp đôi khi được xác định bằng lượng thị phần do các thương hiệu, nhãn hàng của doanh nghiệp này đang nắm giữ trên thị trường. Doanh nghiệp có thị phần càng lớn càng cho thấy họ được nhiều người ưa chuộng. Từ đó cũng suy ra năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp này là rất cao.
Để giúp thị phần của doanh nghiệp tăng trưởng, ta cần xét đến rất nhiều thành tố khác nhau, ví dụ như: chất lượng sản phẩm, giá bán, các dịch vụ hậu mãi đi kèm, thái độ và chất lượng phục vụ của nhân viên…
Khi doanh nghiệp có được chỗ đứng, vị thế vững chắc trên thị trường, doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ thu hút được nhiều đối tác cũng như khách hàng hơn.
Hiệu quả kinh doanh
Tiêu chí thứ ba dùng để đánh giá năng lực cạnh tranh chính là xem doanh nghiệp đó có kinh doanh hiệu quả hay không. Hiệu quả kinh doanh là một khái niệm rộng, trong đó có thể tóm gọn thành hai nhân tố chủ đạo, đó là năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Nói về Năng suất lao động, đây là khái niệm tổng hợp nhiều thành phần nhỏ khác như: con người, trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng liên kết phối hợp… Ngoài ra, nhân tố này còn có thể đong đếm bằng hiệu suất làm việc của nhân công.
Chất lượng sản phẩm được coi là tiêu chí tối quan trọng để nhận định về một sản phẩm hay dịch vụ. Đây chính là điều cốt lõi, là điều mà khách hàng quan tâm hơn cả, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng càng trở nên khó tính và thực tế hơn.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh doanh. Do vậy chỉ cần nhìn xem doanh nghiệp đó đang kinh doanh như thế nào là có thể nhìn nhận được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đó.
Trách nhiệm với xã hội
Trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ và những điều mà một doanh nghiệp cam kết sẽ thực hiện cho các mục tiêu chung của toàn xã hội. Việc thực hiện tích cực và đầy đủ các trách nhiệm xã hội giúp nâng cao danh tiếng của doanh nghiệp.
Hiện nay, có một số vấn đề xã hội mang tính toàn cầu và cấp thiết như năng lượng, môi trường, bất bình đẳng giới hay sức khỏe tinh thần. Đây cũng là những chủ đề thảo luận mà giới trẻ, hay thế hệ GenZ hiện nay quan tâm.
Do đó nếu doanh nghiệp muốn thu hút và ghi dấu ấn của mình đối với một thế hệ tiêu dùng mới như GenZ, thì có thể tập trung thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội trong những vấn đề kể trên.
Hướng dẫn cách phân tích đối thủ cạnh tranh chi tiết
Kết luận:Sự cạnh tranh từ các đối thủ trên thương trường đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần chuẩn bị cho mình cả về kiến thức cũng như kỹ năng để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, khi mà thị trường ngày càng khốc liệt.
Với những kiến thức trong bài viết trên của MarketingAI, hy vọng bạn đã có thêm nhiều góc nhìn mới về chủ đề này!
Bình luận của bạn