- Dòng sản phẩm là gì?
- Ví dụ về dòng sản phẩm
- Mở rộng dòng sản phẩm là gì?
- Định giá dòng sản phẩm là gì?
- Định giá sản phẩm giúp tối đa hoá lợi nhuận
- Chiến lược về dòng sản phẩm
- Chiến lược sự lỗi thời có tính toán của Apple
- Chiến lược lấp đầy dòng sản phẩm của Starbucks
- Chiến lược cải tiến dòng sản phẩm
- Chiến lược định giá dòng sản phẩm
- Các phân khúc giá cả khác nhau của thị trường
- Định giá theo gói giúp tăng lợi nhuận
- Định giá dẫn dụ có thể không phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ
Dòng sản phẩm giúp thương hiệu kết nối và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng với nhiều loại sản phẩm đa dạng và đầy màu sắc. Khi người tiêu dùng bắt đầu quen với thương hiệu đó, họ có thể thử các sản phẩm mới trong dòng. Nhưng làm thế nào để thu hút khách hàng trải nghiệm các sản phẩm mới trong dòng sản phẩm? Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu trong bài viết “Dòng sản phẩm là gì? Chiến lược định giá dòng sản phẩm dành cho doanh nghiệp”.
Dòng sản phẩm là gì?
Theo Investopedia định nghĩa: “Dòng sản phẩm (Product Line) là một nhóm các sản phẩm tương tự nhau về chức năng, kênh phân phối, thuộc tính vật lý, giá cả, chất lượng hoặc loại khách hàng, tất cả được Marketing dưới tên một thương hiệu duy nhất”. Các công ty thường mở rộng dịch vụ của mình bằng cách thêm sản phẩm mới vào các dòng sản phẩm hiện có vì người tiêu dùng thường mua sản phẩm từ các thương hiệu mà họ đã quen thuộc.
Ví dụ về dòng sản phẩm
Dòng sản phẩm của Vinamilk
Các dòng sản phẩm của Vinamilk bao gồm:
- Sữa nước.
- Sữa chua.
- Sữa bột.
- Bột ăn dặm.
- Sữa đặc.
- Kem.
- Nước trái cây.
- Phô mai.
- Đường.
Dòng sản phẩm của Unilever
Trên trang chủ của Unilever, các sản phẩm được chia làm 3 dòng sản phẩm chính với hơn 400 thương hiệu khác nhau bao gồm:
- Dòng sản phẩm chăm sóc và làm đẹp cá nhân với các hãng nổi tiếng như: Rexona, Dove, Lifebuoy,...
- Dòng sản phẩm thực phẩm và nước uống như: Knorr, Hellmann's, Lipton,...
- Dòng sản phẩm vệ sinh nhà cửa bao gồm: Omo, Domestos, Cif,...
Các dòng sản phẩm của Samsung
- Dòng sản phẩm di động: điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh,...
- Dòng sản phẩm TV&AV: TV chơi game, thiết bị nghe nhìn, TV cho doanh nghiệp,...
- Dòng sản phẩm gia dụng: tủ lạnh, máy giặt, làm sạch không khí,...
Dòng sản phẩm của TH True Milk
- Sữa tươi tiệt trùng.
- Sữa tươi thanh trùng.
- Sữa hạt.
- Sữa chua tự nhiên.
- Kem.
- Thức uống giải khát.
- Nước tinh khiết.
- Bơ, Phomat.
- Thực phẩm.
Dòng sản phẩm innisfree
- Dòng sản phẩm dưỡng da: sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm,...
- Dòng sản phẩm trang điểm: phấn nước, son, phấn mắt,...
- Dòng sản phẩm chăm sóc tóc và cơ thể: sữa tắm, kem dưỡng tay, sữa dưỡng thể,...
- Dòng sản phẩm chống nắng
- Dòng sản phẩm mặt nạ: mặt nạ giấy, mặt nạ ngủ,...
Dòng sản phẩm của H&M
- Dòng sản phẩm cho nữ: váy, áo, quần,...
- Dòng sản phẩm cho nam: giày, quần, áo,...
- Dòng sản phẩm cho em bé: giày, quần áo, phụ kiện,...
- Dòng sản phẩm cho trẻ em: giày, quần áo, phụ kiện,...
- Dòng sản phẩm nội thất nhà cửa: giường, thảm, rèm,...
Mở rộng dòng sản phẩm là gì?
Đây là quá trình thêm các sản phẩm mới vào dòng sản phẩm hiện có. Công ty sẽ giới thiệu các mặt hàng bổ sung trong một danh mục sản phẩm. Bằng cách sử dụng giá trị thương hiệu của sản phẩm hiện có để Marketing và giới thiệu sự lựa chọn mới cho người tiêu dùng, thương hiệu có thể để đáp ứng mọi phân khúc khách hàng trên thị trường.
2 cách để mở rộng dòng sản phẩm
- Mở rộng theo chiều ngang, là việc giữ nguyên các yếu tố về mức giá và chất lượng của sản phẩm nhưng thay đổi tính chất của sản phẩm như màu sắc hoặc thêm thành phần để tạo sự khác biệt cho sản phẩm.
- Mở rộng theo chiều dọc là việc tăng hoặc giảm chất lượng và giá cả của một sản phẩm để tạo ra một sản phẩm tốt hơn hoặc kém chất lượng hơn.
Các cách để mở rộng dòng sản phẩm
- Hương vị mới
- Dạng sản phẩm khác nhau
- Màu sắc mới
- Thành phần khác nhau
- Kích thước khác nhau
- Loại bao bì mới
Mở rộng dòng sản phẩm thường liên quan đến các sản phẩm mà một thương hiệu đã tạo ra. Ví dụ: giới thiệu một hương vị mới trong dòng sản phẩm nước ngọt. Sản phẩm cốt lõi vẫn giữ nguyên, tuy nhiên sản phẩm mở rộng này sẽ hướng đến một nhóm người tiêu dùng cụ thể hơn.
Định giá dòng sản phẩm là gì?
Định giá dòng sản phẩm là việc việc sắp xếp các loại hàng hóa và dịch vụ tương tự nhau vào cùng một nhóm có mức giá khác nhau nhằm tạo ra sự đa dạng về phân khúc khách hàng. Mục tiêu của việc định giá dòng sản phẩm là tối đa hóa lợi nhuận bằng cách định vị các sản phẩm mới đa tính năng hoặc tính năng riêng lẻ tiên tiến nhất và đồng thời, định giá một sản phẩm cơ bản (tức là một sản phẩm có ít tính năng hoặc đời cũ hơn) như một sản phẩm thay thế.
Ví dụ: Các nhà sản xuất ô tô thường cung cấp cùng một mẫu xe cơ sở trong một năm nhất định với các mức giá khác nhau, từ phiên bản tiết kiệm không rườm rà đến phiên bản sang trọng có trang trí với tất cả các tiện ích bổ sung đắt tiền. Với những mức giá này, người tiêu dùng sẽ có thể thoải mái lựa chọn loại ô tô theo nhu cầu và ngân sách của mình.
Chiến lược về dòng sản phẩm
Chiến lược thiết lập các dòng sản phẩm mới
Chiến lược đầu tiên về dòng sản phẩm là việc bổ sung ngày càng nhiều sản phẩm mới vào dòng sản phẩm hiện có. Điều này sẽ giúp sản phẩm trở nên đa dạng hóa theo từng phân khúc khách hàng và nâng cao doanh số bán hàng.
Chiến lược hạn chế dòng sản phẩm
Đây là chiến lược nhằm xem xét lại dòng sản phẩm theo thời gian giúp loại bỏ hoàn toàn những sản phẩm đã lỗi thời và không còn phù hợp với thị trường hiện nay. Chiến lược này sẽ khác so với chiến lược sự lỗi thời có tính toán ở bên dưới, bởi đây là chiến lược loại bỏ hoàn toàn sản phẩm, còn chiến lược phía dưới sẽ khiến khách hàng cam tâm tình nguyện thay thế sản phẩm mình đang dùng.
Chiến lược sự lỗi thời có tính toán
Sau khi tìm hiểu về dòng sản phẩm là gì một số nhà sản xuất cũng áp dụng chiến lược về sự lỗi thời có tính toán. Các thương hiệu sẽ cố tình cập nhật các tính năng mới hoặc thiết kế mới để đảm bảo rằng phiên bản hiện tại của sản phẩm sẽ trở nên lỗi thời hoặc vô dụng trong một khoảng thời gian. Điều này sẽ khiến người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm thay thế trong tương lai
Hãy hiểu đơn giản qua ví dụ về Apple: Apple liên tục cập nhật những bản IOS mới dành cho các đời máy cao hơn. Giả sử bạn có một chiếc Iphone 7, bạn nâng cấp điện thoại của mình lên IOS 12 thì điện thoại của bạn sẽ trở nên chậm hơn và liên tục bị lỗi. Điều này xảy ra bởi hệ thống của Iphone 7 không thể thích ứng được với bản IOS đời cao dành cho máy xịn hơn. Kết quả là, điện thoại của bạn ngày càng chậm và lỗi khiến bạn phải đi mua một chiếc điện thoại mới đời cao.
Chiến lược phát triển dòng sản phẩm
Chiến lược này sẽ có 2 cách phát triển dòng sản phẩm khác nhau đó là kéo dài dòng sản phẩm (Line Stretching) và lấp đầy dòng sản phẩm (Line filling).
- Kéo dài dòng sản phẩm: là việc tung ra các sản phẩm mới trong cùng một dòng sản phẩm nhưng vượt ra ngoài phạm vi sản phẩm hiện tại với một số tính năng bổ sung hoặc khác biệt.
- Lấp đầy dòng sản phẩm: đó là khi bạn thêm nhiều mặt hàng sản phẩm vào các sản phẩm hiện có để khai thác khoảng trống thị trường và giảm bớt sự cạnh tranh. Nói một cách dễ hiểu thì các thương hiệu sẽ thêm sản phẩm mới với màu sắc và kiểu dáng khác nhau của cùng một dòng sản phẩm.
Chiến lược cải tiến dòng sản phẩm
Đây là chiến lược sửa đổi hoặc cải tiến sản phẩm hiện có. Nó bao gồm việc sửa đổi và cải tiến chất lượng, kích thước, hình thức hoặc thiết kế hiện có của sản phẩm hiện tại khiến nó trông gần như một sản phẩm mới. Sự cạnh tranh buộc các nhà sản xuất phải đưa ra các mẫu sản phẩm mới được cải tiến. Ví dụ: quạt điện, đài, TV, đồng hồ, nồi áp suất, máy đánh chữ,... nhiều mẫu mới khác nhau đã được các nhà sản xuất công bố, nhưng thực chất đó chỉ là sản phẩm cải tiến so với sản phẩm cũ. Việc cải tiến sản phẩm có thể là:
- Sự cải tiến về chất lượng.
- Cải tiến tính năng.
- Cải tiến phong cách.
- Cải tiến đóng gói.
Chiến lược hiện đại hóa dòng sản phẩm
Mục đích của chiến lược hiện đại hóa dòng sản phẩm là làm các sản phẩm sát hợp với nhu cầu ngày một nâng cao của thị trường. Doanh nghiệp có thể điều chỉnh từng phần để tránh được khó khăn về mặt tài chính và nhận xét phản ứng của khách hàng và các trung gian đối với đổi mới đó trước khi thay đổi cả dòng sản phẩm.
Chiến lược định giá dòng sản phẩm
Phân khúc giá cả
Một số người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để được sử dụng sản phẩm tốt nhất, trong khi những người khác lại muốn một sản phẩm cơ bản và trong khả năng chi trả. Việc tạo ra một dòng sản phẩm cung cấp mức giá khác nhau: thấp, trung và cao cấp sẽ khiến người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm khác nhau có giá trị khác nhau. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải tạo ra nhiều tính năng hơn đối với sản phẩm cao cấp để dễ dàng giải thích về mức giá cao của sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bán hai phiên bản của một sản phẩm tương tự dưới hai tên khác nhau; một loại có thể được bán với bao bì nhiều màu sắc và loại khác thì không.
Định giá theo gói
Một chiến lược định giá dòng sản phẩm đã được thử và vô cùng hiệu quả, đó là đóng gói nhiều mặt hàng có liên quan lại với nhau thành một mặt hàng. Khách hàng khi nhận thấy mua từng sản phẩm riêng lẻ đắt hơn, sẽ có xu hướng mua gói sản phẩm để tiết kiệm chi phí.
Bạn có thể thấy điều này trong các dịch vụ trọn gói liên quan đến các ngày lễ hoặc trong việc mua bán ô tô - xe sẽ đi kèm với nhiều loại phụ kiện.
Định giá nhử mồi
Chiến lược giá này quanh co hơn một chút. Định giá nhử mồi là việc tạo ra một đợt giảm giá lớn cho một mặt hàng có nguồn cung hạn chế hoặc không tồn tại. Khi khách hàng đến trang web hoặc cửa hàng để mua loại mặt hàng đang giảm giá, họ sẽ nhận ra mặt hàng đó đã hết và được đề xuất mua một loại mặt hàng tương tự có giá cao hơn.
Tuy nhiên, định giá nhử mồi là chiến thuật không thực sự tốt vì người bán không có ý định thực sự bán “mồi” cho khách hàng. Vậy nên, nếu muốn kinh doanh bền lâu và giữ chân khách hàng, bạn không nên dùng loại chiến thuật này.
Định giá dẫn dụ
Định giá dẫn dụ liên quan đến việc sử dụng giảm giá một cách linh hoạt: đặt các mặt hàng giảm giá giúp thu hút lưu lượng truy cập vào cửa hàng. Mục đích ở đây là thu hút khách hàng vào bên trong cửa hàng hoặc trên trang web của bạn, khi đó, nhiều khả năng họ sẽ chọn được các sản phẩm khác có giá gốc. Tuy nhiên, các sản phẩm được bán trong chiến lược này thường bị bán lỗ. Vì thế, các doanh nghiệp nhỏ khi sử dụng chiến lược này đôi khi sẽ không được lợi bằng các nhà bán lẻ lớn.
Ví dụ: khách hàng tiết kiệm tiền bằng cách mua mặt hàng A giảm giá nên khi đến cửa hàng, nhiều khả năng họ cũng mua mặt hàng B, C,...với giá gốc, bởi ngay lúc đó họ nhớ ra mình cần mua loại mặt hàng này.
Kết luận
Các thương hiệu sẽ mở rộng một dòng sản phẩm khi đã có một vị trí trong lòng người tiêu dùng và muốn sử dụng nó để tăng lợi nhuận. Vậy nên, trước khi tìm hiểu dòng sản phẩm là gì và sử dụng chiến lược về dòng sản phẩm, bạn nên củng cố chất lượng sản phẩm và tăng nhận diện thương hiệu. Quá trình này tuy mất nhiều thời gian và công sức, nhưng về lâu về dài khi mở rộng một dòng sản phẩm, mô hình kinh doanh của bạn sẽ không bị phá vỡ. Mong rằng những kiến thức trên sẽ giúp bạn có cái nhìn khái quát về dòng sản phẩm và giúp doanh nghiệp có thể tiến xa hơn trong tương lai.
Bình luận của bạn