cover

5P trong Marketing: Giải mã công thức thành công của doanh nghiệp

10 Thg 05

Marketing 4P truyền thống đã quá quen thuộc với các marketer. Tuy nhiên theo khảo sát người tiêu dùng, Kantar Retail nhận thấy có 71% người tham gia khảo sát cho biết các chương trình khuyến mãi không làm họ gắn bó với thương hiệu. Thay vào đó, khách hàng có xu hướng mua hàng từ những thương hiệu có liên quan mật thiết đến nhu cầu của họ ở từng thời điểm nhất định. Các chuyên gia marketing đã khẳng định cần thay thế chiến lược marketing 4P truyền thống thành chiến lược 5p trong marketing - tập trung vào yếu tố gắn kết với nhu cầu của người tiêu dùng. Hãy cùng Marketing AI tìm hiểu rõ hơn về chiến lược 5P trong bài viết để hiểu hơn lý do tại sao đã đến lúc doanh nghiệp cần cân nhắc thay thế chiến lược marketing 4P truyền thống.

Marketing 5P - Chiến lược sẽ thay thế cho Marketing 4P

Marketing 5P - Chiến lược thay thế hoàn hảo cho Marketing 4P

 
Sự cần thiết của việc kết nối với khách hàng Theo nghiên cứu của công ty tư vấn kinh doanh Accenture, doanh nghiệp Mỹ đang lãng phí khoảng 1 triệu tỷ USD doanh thu thường niên do không tạo được sự gắn kết với khách hàng. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng tương lai của marketing có liên quan mật thiết đến nhu cầu của khách hàng ở từng thời điểm. Các công ty cần xây dựng và củng cố mối quan hệ cộng sinh với khách hàng như những người trợ lý, người bạn thân thiết của họ.

5P trong marketing là gì?

Theo HBR, mô hình 5P trong marketing phát triển trên nền tảng của Tháp Maslow, gồm 5 yếu tố: Purpose (mục đích), Pride (niềm tự hào), Partnership (đối tác), Protection (bảo vệ), và Personalization (cá nhân hóa).

5 yếu tố này khi được kết hợp chặt chẽ, sẽ tạo nên gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp và khách hàng. Cụ thể:

  • Purpose (Mục đích): Khách hàng cảm thấy được công ty hỗ trợ giải quyết một vấn đề cá nhân, hoặc nâng cấp giá trị của bản thân.
  • Pride (Niềm tự hào): Khách hàng cảm thấy hãnh diện và được truyền cảm hứng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của công ty.
  • Partnership (Đối tác): Khách hàng cảm thấy công ty gần gũi và hợp tác tốt với họ
  • Protection (Bảo vệ): Khách hàng cảm thấy yên tâm khi hợp tác với công ty
  • Personalization (Cá nhân hóa): Khách hàng cảm thấy trải nghiệm của bản thân với công ty liên tục được”may đo” theo nhu cầu và mối quan tâm của họ.

>> Xem thêm: 4P trong marketing là gì?

Tìm hiểu các yếu tố 5p trong marketing

Purpose (Mục đích) 

Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng. Khi một sản phẩm hoặc dịch vụ có thể giúp khách hàng giải quyết một vấn đề cá nhân hoặc nâng cao giá trị bản thân, họ sẽ cảm thấy gắn kết hơn với thương hiệu. Một chiến lược marketing hiệu quả cần tập trung vào việc làm rõ mục đích này để truyền tải thông điệp phù hợp đến khách hàng tiềm năng.

Pride (Niềm tự hào) 

Niềm tự hào đề cập đến cảm giác hãnh diện và tự hào khi khách hàng sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ. Một thương hiệu mạnh không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng mà còn phải truyền cảm hứng, giúp khách hàng cảm thấy họ đang lựa chọn một điều gì đó xứng đáng và có giá trị. Yếu tố này đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.

Partnership (Đối tác) 

Parnership nhấn mạnh vào mối quan hệ gắn kết giữa doanh nghiệp và khách hàng. Khi khách hàng cảm nhận được sự gần gũi, hợp tác và hỗ trợ từ công ty, họ sẽ dễ dàng tin tưởng và gắn bó lâu dài hơn. Sự kết nối này không chỉ dừng lại ở dịch vụ chăm sóc khách hàng mà còn thể hiện qua cách doanh nghiệp lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của họ một cách linh hoạt.

Protection (Bảo vệ) 

Đây là yếu tố giúp khách hàng cảm thấy an toàn khi hợp tác với doanh nghiệp. Điều này có thể đến từ chất lượng sản phẩm, chính sách bảo hành, dịch vụ hậu mãi hoặc sự cam kết của thương hiệu đối với quyền lợi của khách hàng. Khi khách hàng cảm nhận được sự bảo vệ, họ sẽ sẵn sàng chi tiêu và đặt niềm tin vào thương hiệu.

Personalization (Cá nhân hóa) 

Cá nhân hóa hay Hyper Personalization là yếu tố đề cao trải nghiệm riêng biệt của từng khách hàng. Thay vì cung cấp một dịch vụ chung chung, doanh nghiệp cần tạo ra những trải nghiệm được “may đo” theo nhu cầu và sở thích cá nhân. Việc cá nhân hóa không chỉ giúp tăng mức độ hài lòng mà còn tạo ra sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ giữa khách hàng và thương hiệu.

Mô hình 5P trong Marketing không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến lược tiếp thị mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng, từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững và tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

>>> Xem thêm: 7P trong Marketing: Chiến lược tối ưu giúp doanh nghiệp bứt phá

Lợi Ích của việc sử dụng 5P trong Chiến Lược Marketing

1. Tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng 

Việc áp dụng mô hình 5P trong Marketing giúp doanh nghiệp không chỉ tập trung vào sản phẩm mà còn xây dựng một thương hiệu có ý nghĩa. Khi doanh nghiệp xác định rõ Purpose (Mục đích), khách hàng sẽ cảm thấy được hỗ trợ trong việc giải quyết vấn đề cá nhân và nâng cao giá trị bản thân, từ đó gia tăng sự gắn kết với thương hiệu.

2. Xây dựng lòng trung thành của khách hàng 

Khi khách hàng cảm thấy Pride (Niềm tự hào) khi sử dụng sản phẩm, họ sẽ có xu hướng giới thiệu thương hiệu đến những người khác. Một chiến lược marketing giúp khách hàng tự hào về lựa chọn của mình không chỉ nâng cao trải nghiệm mà còn thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

3. Tăng cường mối quan hệ với khách hàng 

Thông qua yếu tố Partnership (Đối tác), doanh nghiệp có thể tạo dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng. Việc tương tác thường xuyên, lắng nghe nhu cầu và đưa ra các giải pháp phù hợp giúp khách hàng cảm thấy họ không chỉ là người mua mà còn là một phần quan trọng trong hệ sinh thái của thương hiệu.

4. Gia tăng sự tin tưởng và an tâm khi sử dụng sản phẩm 

Yếu tố Protection (Bảo vệ) giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin của khách hàng thông qua các cam kết về chất lượng, chính sách bảo hành và dịch vụ hỗ trợ. Khi khách hàng cảm thấy được bảo vệ, họ sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn và duy trì sự trung thành với thương hiệu.

5. Cá nhân hóa trải nghiệm

Ứng dụng Hyper Personalization (Cá nhân hóa) giúp doanh nghiệp cung cấp những trải nghiệm phù hợp với từng khách hàng, tạo ra sự kết nối cảm xúc mạnh mẽ. Khi thương hiệu hiểu rõ nhu cầu, sở thích cá nhân của khách hàng và đáp ứng một cách chính xác, hiệu quả tiếp thị sẽ được tối ưu hóa, gia tăng tỷ lệ chuyển đổi và nâng cao doanh thu.

Tóm lại, 5P trong Marketing không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả hơn mà còn tạo ra giá trị bền vững, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường.

>>> Xem thêm: 8P trong marketing là gì? Các yếu tố "chủ chốt" trong mô hình 8P Marketing

Các doanh nghiệp đã vận dụng chiến lược 5p trong marketing như thế nào?

Trong chiến lược 5p trong marketing, việc tận dụng và phát huy mỗi yếu tố sẽ là điểm nhấn đặc biệt tạo nên sự thành công của chiến dịch arketing cho doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu bài học áp dụng 5P trong marketing từ các doanh nghiệp.

Soul Cycle ứng dụng marketing 5P vào hoạt động kinh doanh

Với mục đích thúc đẩy lối sống khỏe mạnh, tích cực cho người tiêu dùng, Soul Cycle đã tạo ra một cộng đồng kết nối những người yêu thích đạp xe trong nhà lẫn tập thể hình thông qua dịch vụ phòng gym của họ.

Soul Cycle ứng dụng marketing 5P vào hoạt động kinh doanh.

Soul Cycle - ứng dụng chiến lược marketing 5P vào trong kinh doanh (Ảnh: Pinterst)

Bằng cách nhấn mạnh vào giá trị sống khỏe, Soul Cycle đã tạo nên được cảm giác tự hào cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ tập thể hình cao cấp (thể hiện qua phân khúc giá và đội ngũ huấn luyện viên trẻ, khỏe của Soul Cycle). Khách hàng cũng cảm thấy đang yêu thương bản thân khi sử dụng phòng tập thể hình mới, sạch sẽ, phòng thay đồ cao cấp cùng danh sách phát nhạc riêng trên Spotify của SoulCycle. Tuy mức giá ở Soul Cycle cao hơn các phòng gym truyền thống, song người tiêu dùng vẫn chấp nhận vì họ được đội ngũ nhân viên SoulCycle tận tình hỗ trợ, tư vấn cách tập luyện hiệu quả nhất mỗi khi đến phòng tập.

Tất cả những yếu tố trên đã biến SoulCycle trở thành người bạn truyền cảm hứng để khách hàng sống tốt hơn.

Nhân tố Pride và thương hiệu Yoplait 

Yoplait, thương hiệu yogurt toàn cầu do “gã khổng lồ” General Mills sở hữu, là doanh nghiệp đã thành công với cách thức dùng các ưu đãi để thu hút khách hàng. Gần đây, Yoplait đã quyết định thử một con đường khác. Cụ thể, Yoplait triển khai chiến lược content marketing tập trung vào dòng sản phẩm yogurt truyền thống, gắn liền với văn hóa địa phương, thay vì sản xuất hàng loạt.

Yoplait - vận dụng marketing 5P vào hoạt động bán hàng

Yoplait - vận dụng marketing 5P vào hoạt động bán hàng (Ảnh: activity-mom.com)

Chiến dịch này bắt đầu khi Yoplait nhận ra người tiêu dùng thường thấy tự hào khi sử dụng các sản phẩm liên quan đến truyền thống ẩm thực đặc sắc của từng quốc gia – bất kể là dầu olive của Ý, hay yogurt của Hy Lạp. Tại châu Âu, Pháp là một trong những quốc gia có lịch sử sản xuất yogurt lâu đời. Vì vậy Yoplait đã tạo ra dòng sản phẩm yogurt làm theo cách truyền thống của Pháp, đựng trong lọ thủy tinh với tên gọi bằng tiếng Pháp. Để gia tăng cảm giác tự hào của người mua, dòng sản phẩm yogurt Pháp “Oui” của General Mills được quảng bá là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không có GMO, với danh sách nguyên liệu rất đơn giản

>> Xem thêm: Phân tích Marketing 4C - Quan điểm hướng về khách hàng

Kết luận

Ngày nay, công nghệ mở ra nhiều cách thức để người tiêu dùng có thể đánh giá liên tục các quyết định chi tiêu của mình. Họ sẽ chọn những thương hiệu liên quan nhiều nhất đến nhu cầu của bản thân, và sẵn sàng trả tiền nhiều hơn để có trải nghiệm tốt hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thoát khỏi lối tư duy giảm giá truyền thống để tạo ra được các kết nối hữu ích, liên tục với khách hàng. Vận dụng 5P trong marketing kết hợp cùng marketing 4P truyền thống chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp thành công trong thời gian tới.

Ngọc Mai - MarketingAI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.