Kỹ thuật số đang thay đổi ngành dược phẩm & chăm sóc sức khỏe như thế nào?

24 Thg 08

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe. Theo khảo sát của GlobalData, 40% chuyên gia trong ngành dược phẩm tại châu Âu và Bắc Mỹ tin rằng ngành dược phẩm đã đạt được tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đặt ra là liệu những xu hướng tăng tốc này có chuyển thành những thay đổi dài hạn hay không. Nhiều nghiên cứu và dự đoán chỉ ra rằng những xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài và phát triển trong thời gian tới. Trước đại dịch, thị trường công nghệ y tế được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 9% từ năm 2019 đến năm 2026. Sau đại dịch, con số này đã được điều chỉnh thành 33,4% từ năm 2020 đến năm 2027.

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng điểm qua một số xu hướng công nghệ nổi bật nhất và tác động tiềm năng của chúng đối với lĩnh vực này.

Dịch vụ tương tác với bệnh nhân trên các kênh kỹ thuật số tăng mạnh

Nghiên cứu của Ipsos cho thấy, trước đại dịch chỉ có khoảng 10% các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (HCP) tại Mỹ đã từng gặp bệnh nhân qua telemedicine (y học từ xa), nhưng cho đến hiện tại con số này đã tăng lên tới 70%.

Telemedicine (hoặc telehealth với nghĩa rộng hơn) đề cập đến một loạt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa bao gồm tư vấn video, cổng thông tin bệnh nhân (để liên lạc trước hoặc sau cuộc hẹn) hoặc các loại hỗ trợ ảo khác.

Giải pháp Telehealth tăng vọt trong thời gian xuất hiện Covid-19. Ảnh: Congannghean

Xu hướng này cũng đang mở rộng tại châu Âu khi 70% HCP báo cáo rằng họ đã thực hiện nhiều cuộc tư vấn trực tuyến hơn trong thời gian Covid-19 và 76% bác sĩ nói rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện nhiều thăm khám ảo hơn sau đại dịch. Điều này cho thấy rằng, mặc dù telehealth ban đầu trở thành một hướng đi thiết yếu trong tình huống cấp bách (vì bệnh nhân không thể gặp bác sĩ trực tiếp trong đại dịch) nhưng các yếu tố quan trọng khác như tiết kiệm thời gianthuận tiện hơn có thể khiến các dịch vụ ảo này trở thành ưu tiên cho bệnh nhân trong thời gian dài.

Bên cạnh những thuận lợi cho bệnh nhân, các dịch vụ kỹ thuật số cũng có thể loại bỏ tình trạng tồn đọng lịch hẹn và quá tải cho nhân viên.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây của Kyruss chỉ ra rằng, người tiêu dùng yêu thích một cách tiếp cận kết hợp để chăm sóc sức khỏe trong tương lai. Hơn 40% (người tiêu dùng Hoa Kỳ được khảo sát) cho biết họ muốn truy cập vào các dịch vụ ảo hoặc thông qua sự kết hợp giữa các lượt truy cập ảo và trực tiếp.

Simon Stebbing, Trưởng bộ phận Advertising and Innovation tại Ogilvy Health giải thích rằng người tiêu dùng đánh giá cao tính minh bạch đi kèm với telehealth, "cho phép bệnh nhân xem dữ liệu, truy cập hồ sơ sức khỏe của họ và có sẵn đơn thuốc để sử dụng ngay lập tức. Tốc độ và sự liền mạch của toàn bộ quy trình từ tự chẩn đoán, chỉ định, điều trị và thực hiện là điều mà tất cả các bên mong muốn được duy trì và đảm bảo.”

“Mặc dù trong nhiều mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ, khía cạnh xã hội và việc thăm khám trực tiếp sẽ giảm bớt nhưng HCP vẫn cần cân bằng giữa việc giữ bản chất thảo luận trong gặp mặt trực tiếp với các mối quan hệ ảo.”

Tất nhiên, không phải tất cả người tiêu dùng đều sẵn sàng đón nhận các cuộc hẹn ảo và không phải lúc nào họ cũng có thể tiếp cận với công nghệ và kết nối internet đáng tin cậy, đó là lý do tại sao các cải tiến từ xa ngày càng được kết hợp với các điểm tiếp xúc vật lý.

>>>Xem thêm: Ngành Dược phẩm và câu chuyện marketing năm 2021

Cá nhân hóa sức khỏe với kết nối trên thiết bị di động

Trong khi dịch vụ từ xa có thể hợp lý hóa các dịch vụ chẩn đoán, công nghệ kỹ thuật số cũng có thể giúp bệnh nhân tự quản lý và theo dõi việc điều trị đối với một số tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần. Thông thường, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số được thực hiện thông qua thiết bị di động để mang lại trải nghiệm liền mạch nhất cho bệnh nhân.

Cũng như các ứng dụng và thiết bị y tế wearable technology (có thể được đeo, trang vị trên người) thiết bị di động cũng có thể giúp bệnh nhân theo dõi một loạt các tình trạng hoặc đạt được các mục tiêu sức khỏe, chẳng hạn như giảm huyết áp, giảm cân và thậm chí giảm đau. Ví dụ, Hinge Health là một hệ thống chăm sóc kỹ thuật số dành cho những người bị bệnh cơ xương khớp mãn tính (MSK) như đau lưng hoặc đau khớp, nhằm mục đích giúp bệnh nhân giảm đau và cuối cùng là giảm các cuộc phẫu thuật không cần thiết.

Ứng dụng theo dõi sức khỏe trên thiết bị di động. Ảnh: VieclamIT

Với động lực này, đầu tư vào công nghệ y tế (hoặc công nghệ kỹ thuật) dự kiến ​​sẽ tăng lên để hỗ trợ dân số già và giảm bớt căng thẳng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Theo báo cáo, ngành công nghiệp thiết bị y tế có thể đạt hơn 8,5 tỷ USD vào năm 2025.

>>> Có thể bạn quan tâm: Dr Green : Kênh thông tin về sức khỏe từ chuyên gia 

Cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực healthcare ecommerce

Với việc cả HCP và bệnh nhân ngày càng thường xuyên sử dụng internet để nghiên cứu, tìm kiếm các vấn đề y tế, SEO trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm cũng dần trở nên quan trọng hơn. Chuyên gia John Mueller của Google nhấn mạnh rằng công cụ tìm kiếm quan tâm nhất đến chuyên môn, thẩm quyền và độ tin cậy (EAT) khi nói đến các công ty trong danh mục ''Your Money Your Life'' (YMYL).

Là một trong những công ty/sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, Amazon đang dần “bành trướng” và mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới trong đó healthcare ecommerce (dược phẩm và chăm sóc sức khỏe trực tuyến) ngày càng được công ty chú trọng đầu tư hơn. Kể từ khi Amazon mua lại hiệu thuốc trực tuyến PillPack vào năm 2018, “gã khổng lồ” này đã thực hiện một số động thái làm rung chuyển ngành dược phẩm thế giới, đáng chú ý nhất là sự ra mắt của Amazon Pharmacy vào tháng 11 năm 2020. Amazon Pharmacy cho phép người dùng tìm kiếm và so sánh các loại thuốc thông thường và có thương hiệu bằng cách sử dụng trang web hoặc ứng dụng của mình, các thành viên Prime khi mua sắm còn có thể nhận được một số lợi ích nhất định. Gần đây nhất, Insider đã báo cáo rằng Amazon sẽ sớm cho ra mắt thương hiệu mới mang tên ''Diagnostics'' bao gồm các bộ xét nghiệm Covid cũng như các bộ công cụ test cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tình dục.

Sự ra mắt Amazon Pharmacy đã làm "rung chuyển" ngành dược mỹ phẩm toàn cầu. Ảnh: LaptrinhX

Các động thái của Amazon trong lĩnh vực này có thể gây nguy hiểm cho các hiệu thuốc nhỏ và độc lập tại Hoa Kỳ. Với khoảng 126 triệu thành viên Amazon Prime nhiều người sẽ xem xét nghiêm túc việc chuyển đổi các dịch vụ kê đơn truyền thống sang trải nghiệm trực tuyến vừa tiện lợi vừa tiết kiệm của Amazon.

Không chỉ Amazon đang có những bước chuyển mình trong không gian đầy hấp dẫn này. Một số công ty chăm sóc sức khỏe trực tiếp đến người tiêu dùng (chẳng hạn như Hims, Ro và Blink Health) cũng đang xúc tiến các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu phân phối nhanh chóng, hiệu quả và thuận tiện các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như vitamin và thuốc không kê đơn, nhằm giảm tần suất đi khám bác sĩ và nhà thuốc của người dùng.

Mặc dù sức hấp dẫn của các sản phẩm này đối với người tiêu dùng là rất rõ ràng, nhưng những sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng thường sẽ không đảm bảo được các quy định cần thiết và biện pháp bảo vệ điển hình của hệ thống chăm sóc sức khỏe. Rủi ro là các sản phẩm có giá trị thấp, hoặc thậm chí có hại sẽ tràn ngập thị trường dược phẩm trực tuyến.

Do đó, cần có quy định chặt chẽ và phù hợp từ các tổ chức có thẩm quyền, cũng như sự vào cuộc của các bác sĩ lâm sàng trong việc hướng dẫn bệnh nhân về lợi ích và những cạm bẫy tiềm ẩn của các sản phẩm được phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng.

>>>Xem thêm: Marketing ngành dược phẩm, những yếu tố khi xây dựng chiến dịch marketing

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu và chế tạo thuốc

Từ việc trở thành các “ứng cử viên” phù hợp cho các thử nghiệm lâm sàng đến việc đưa ra các chẩn đoán, AI hiện đang được sử dụng rộng rãi hơn trong y tế và dược phẩm. Một lĩnh vực khác đang được quan tâm là nghiên cứu thuốc, khi ngày càng nhiều công ty sử dụng AI và học máy để có được cái nhìn sâu sắc hơn về bệnh tật và các loại thuốc tiềm năng. Tháng 11 năm ngoái, AI của Google, DeepMind, đã thông báo rằng chương trình AlphaFold của họ có thể dự đoán cấu trúc protein, chứng minh cách các phương pháp tính toán có thể biến đổi nghiên cứu trong sinh học.

Các chuyên gia trong ngành vẫn luôn thận trọng đối với những thông báo cường điệu quá mức như vậy, tuy nhiên, có hai lĩnh vực mà các công ty đang thu được những kết quả có giá trị. Theo thông tin được trình bày trong Tin tức Công nghệ Sinh học và Kỹ thuật Di truyền, “thuật toán NLP có thể nhanh chóng xem xét các bộ sưu tập dữ liệu khổng lồ, từ đó xác định các mô hình và mối quan hệ bị bỏ qua trước đây mà có liên quan đến căn nguyên và bệnh lý của một căn bệnh”. Thứ hai, học máy có thể được sử dụng theo cách tương tự để “phân tích hình ảnh” của dữ liệu trực quan, chẳng hạn như quét MRI (thay vì các tài liệu dựa trên văn bản), để đi sâu hơn vào các phân tích của chúng về bệnh lý học.

Một ứng dụng khác của AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là trong chuỗi cung ứng, cho phép tăng hiệu quả thông qua số hóa. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, AI cũng có thể được sử dụng để theo dõi và báo cáo các tác dụng phụ của thuốc hoặc vắc-xin.

Ứng dụng VR trong đào tạo và hỗ trợ từ xa

Đại dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu đào tạo từ xa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì các bác sĩ và sinh viên y khoa không thể tham gia trực tiếp. Virti là một công ty cung cấp giải pháp dưới dạng công nghệ thực tế hỗn hợp, cho phép người dùng tương tác với bệnh nhân ảo và thực hiện các tình huống đóng vai. Mục đích là giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe phát triển các kỹ năng mềm, chẳng hạn như giải thích các chẩn đoán và xử lý các tình huống khó khăn.

Tiến sĩ Alex Young, Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Virti chia sẻ rằng bản chất nhập vai của khóa đào tạo có thể giúp học viên nắm lại kiến thức hiệu quả hơn so với việc học trực tiếp hoặc dựa trên sách vở. Một nghiên cứu gần đây của Virti chỉ ra rằng, hình thức đào tạo nhập vai trực tuyến của họ đã cải thiện sự hiểu biết về các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn lên 76% và nâng cao hiểu biết về các hướng dẫn an toàn và sức khỏe quan trọng lên 230%.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong đào tạo, mô phỏng y khoa. Ảnh: archvirtual

Ngoài hình thức giáo dục cơ bản, nhiều công ty và trường học chuyên nghiệp đang khai thác các hình thức đào tạo AI, ML và VR để hỗ trợ và đào tạo y tế từ xa, thời gian thực với một lộ trình nhanh hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn và đơn giản hơn để nâng cao kỹ năng, hỗ trợ phân tích và chia sẻ kiến thức.

>>>Xem thêm: Tại sao Video Marketing lại hiệu quả với ngành dược phẩm?

Phát triển cộng đồng sức khỏe thông minh

Trong khi nhiều công ty chăm sóc sức khỏe có xu hướng coi số hóa là thứ họ nên thực hiện và mang đến cho bệnh nhân - thì cũng có trường hợp hành vi của người tiêu dùng mới là điều đang ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khỏe. Nói cách khác, người tiêu dùng ngày càng tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số theo các điều kiện của riêng họ và trên các kênh mà họ đang sử dụng.

Chẳng hạn như cách GSK ra mắt công cụ kiểm tra tình trạng phổi thông qua WeChat. Nếu người dùng đạt được điểm kiểm tra hơi thở dưới 70%, công cụ tự kiểm tra sẽ cảnh báo khách hàng đi kiểm tra tại bệnh viện.

Ứng dụng sức khỏe xuất sắc của GSK. Ảnh: Adage

Paul Duxbury, Giám đốc Chương trình tại GSK giải thích rằng “Ở các quốc gia như Trung Quốc, khách hàng của chúng tôi bị khóa chặt vào các hệ sinh thái toàn diện như Weibo và WeChat. Là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, để có được sự tin dùng của khách hàng bạn phải khiêm tốn và trả lời được câu hỏi làm thế nào để trở nên phù hợp với cuộc sống của khách hàng và tận dụng lợi thế đang được số hóa trong cuộc sống của họ…”

Cũng như các kênh xã hội hiện có, chúng ta cũng đang chứng kiến ​​sự ra đời của các mạng xã hội dành riêng cho việc chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như MedHelp và HealthUnlocked. Tiếp đó gắn kết hoạt động với một mạng lưới gồm hơn 500 Nhóm Vận động cho Bệnh nhân để hỗ trợ các thành viên trong các cộng đồng có tình trạng bệnh cụ thể, cũng như giới thiệu mọi người đến các tổ chức uy tín như NHS và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để chống lại sự lan truyền thông tin sai lệch trên mạng. Các nền tảng như MedHelp hay HealthUnlocked, được mô tả như một “cộng đồng sức khỏe thông minh”, giúp “kết nối mọi người với mọi thứ họ cần để sống một cuộc sống khỏe mạnh”.

Kết

Với sự thay đổi thái độ trong việc chăm sóc sức khỏe kể từ khi Covid xuất hiện và công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hành trình của bệnh nhân, sự gián đoạn từ thị trường y tế kỹ thuật số trong tương lai gần sẽ ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa. Hi vọng những xu hướng kể trên có thể giúp các thương hiệu dược phẩm tự tin và thành công hơn trong hành trình sắp tới.

Theo dõi thông tin sức khỏe và tư vấn sức khỏe hữu ích từ: Dự án Dr Green

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo econsultancy

> Xem thêm:

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.