Key message là gì? Cách để tạo nên những key message ấn tượng

19 Thg 12

Đối với các marketer, Key message là một thuật ngữ đã quá quen thuộc, không thể thiếu trong mọi chiến dịch truyền thông. Các Key message hay không chỉ thu hút người tiêu dùng, mà còn giúp truyền tải thông tin tới khách hàng hiệu quả, thể hiện cá tính, màu sắc của thương hiệu. Vậy, cụ thể key message là gì? Làm cách nào để sáng tạo nên những key message ấn tượng?

Key message là gì?

Key message được hiểu là một thông điệp hoặc chuỗi thông điệp cốt lõi mà các doanh nghiệp, tổ chức hoặc thương hiệu muốn truyền tải đến nhóm khách hàng mục tiêu của mình.

Một key message thành công khi nó đáp ứng đủ các tiêu chí ngắn gọn, súc tích và có khả năng thúc đẩy các hành động ở khách hàng. Trong key message có chứa những thông tin quan trọng về sản phẩm - dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp, bên cạnh đó là những giá trị cốt lõi, “tinh thần” thương hiệu.

>>> Xem thêm: Key Visual là gì? 5 xu hướng key visual nổi bật doanh nghiệp nên áp dụng

Key message hay cần đảm bảo những tiêu chí gì?

Các key message hay cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí dưới đây:

  • Ngắn gọn: Key message tiêu chuẩn chỉ nên có độ dài dưới 12 chữ và có khả năng truyền tải một cách ngắn gọn, chính xác những gì thương hiệu muốn nói. Key message tuyệt đối không nên để quá dài vì nó khiến cho khách hàng khó có thể ghi nhớ sau chỉ một vài giây xuất hiện.
  • Sự khác biệt: Đây là tiêu chí giúp xác định key message có đủ hấp dẫn hay không, đồng thời cũng được nhận định là yếu tố làm nên bản sắc riêng của thương hiệu. Key message chỉ thực sự thành công khi chỉ cần nhắc đến người ta đã nghĩ ngay đến thương hiệu.
  • Tone giọng: Doanh nghiệp cần xác định rõ mình muốn sử dụng tone giọng như thế nào để giao tiếp với khách hàng của mình: hài hước, vui vẻ hay phóng khoáng, quyến rũ,... Đây cũng chính là yếu tố làm nên sự khác biệt, nét thu hút của mỗi key message.
  • Ngôn ngữ: Key message được nhận định là hay và thành công khi nó sử dụng những ngôn từ dễ nhớ, dễ đọc và mang hàm ý tích cực. Do đó, khi sáng tạo key message bạn cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng ngôn từ, đảm bảo vừa sáng tạo nhưng đồng thời khả năng truyền tải cũng phải tốt.
  • Cảm xúc: Key message hay và thành công khi nhắm đúng đối tượng mục tiêu và gây ảnh hưởng đến cảm xúc, hành động của họ. Do đó, khi nghiên cứu, sáng tạo key message bạn cần nghiên cứu sâu hơn về khách hàng của mình và tìm hiểu những cảm xúc nào dễ gây ảnh hưởng đến họ nhất. Từ đó, bạn sẽ lồng ghép khéo léo vào các thông điệp của mình.
Key message là gì? Cách để tạo nên những key message ấn tượng - Ảnh 2.

Ví dụ về key message của các nhãn hàng

Để có những cái nhìn toàn diện nhất về key message là gì, bạn có thể tham khảo những ví dụ về key message của các nhãn hàng dưới đây:

Key message của Coca-cola

Coca-cola là thương hiệu nước giải khát nổi tiếng toàn cầu với số lượng người dùng lên tới hàng tỷ người. Đây cũng là một trong số các doanh nghiệp thành công nhất hiện nay trong khía cạnh truyền thông - tiếp thị. Nhắc đến Coca-cola, ngoài nhận diện đỏ - trắng mang tính đặc trưng, người ta cũng nhớ ngay đến những thông điệp mà hãng giải khát này truyền tải.

Năm 2009, Coca-cola đã đưa ra thông điệp mới “Open happiness” - Bật hạnh phúc, thay thế cho thông điệp cũ “The coke side of slide” của mình. Chính điều này đã mang đến thành công vang dội cho hãng, giúp nhận diện Coca-cola trên thị trường càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Với việc ví von cảm giác mở chai Coca-cola với hạnh phúc, đi cùng là loạt chiến dịch độc đáo như “Happiness store”, “Happiness machine”, key message “Open happiness” đã khẳng định họ không chỉ là một nhãn hiệu nước giải khát thông thường, cao hơn nữa họ là cầu nối gắn kết mọi người với nhau.

Ví dụ về key message của các nhãn hàng

>>> Xem thêm: Phân tích chiến lược marketing mix của Coca Cola gắn liền với 4 chữ P

Key message của Dove

Dove vốn là một tên tuổi lớn trong ngành hóa mỹ phẩm song họ mới chỉ thực sự trở nên “viral” khắp toàn cầu khi chiến dịch Real Beauty của họ được phát động. Trong chiến dịch này, hãng đã sử dụng một câu rất nổi tiếng “Beauty is for everyone”. Chính key message này của Dove đã làm thay đổi suy nghĩ của phái nữ về sắc đẹp của mình, truyền cảm hứng cho nữ giới để họ có cái nhìn tích cực hơn về bản thân. Cũng qua key message này Dove đã đồng thời khẳng định tư duy tiến bộ của mình, rằng họ sẵn sàng bác bỏ những khuôn mẫu lỗi thời về cái đẹp, tiến tới những định nghĩa mới, không còn khuôn phép.

Key message của Biti’s

Biti’s là một trong số ít các thương hiệu Việt có sự vực dậy thành công sau nhiều tháng ngày “bị quên lãng”. Và một trong những yếu tố đã làm nên bước chuyển mình này của hãng phải kể đến chiến dịch “Đi để trở về” được phát động lần đầu trong khoảng cuối năm 2016 - đầu 2017. Diễn ra trong bối cảnh Tết - vốn là khoảng thời gian giao tranh của nhiều tên tuổi lớn, Biti’s vẫn cho thấy sức hút của riêng mình với lối thể hiện mới lạ, cách xây dựng câu chuyện độc đáo.

Thành công của chiến dịch đã đem đến cho Biti’s những chỉ số truyền thông tích cực. Có tới hơn 87.000 cuộc đối thoại về chủ đề “đi hay về” diễn ra trên nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó là những câu chuyện bên lề về chủ đề gia đình, ngày Tết được đưa ra tranh luận.

Nối tiếp thành công này, Biti’s tiếp tục tung ra các chiến dịch quảng cáo Tết với thông điệp “đi để trở về” trong các năm tiếp theo. Giờ đây, key message này đã trở thành iconic message của Biti’s. Đồng thời biến họ trở thành một trong những thương hiệu triển khai chiến dịch Tết được chờ mong nhất mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Key message của Biti’s

Phân biệt Key message và Big idea

Key message và big idea là 2 khái niệm có nhiều điểm tương đồng với nhau, tuy nhiên lại khác nhau về mặt bản chất:

Key message là thông điệp hoặc chuỗi thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải tới khách hàng mục tiêu.

Thông điệp xuất phát từ việc doanh nghiệp tìm hiểu và thấu hiểu khách hàng mục tiêu của mình, đồng thời hiểu rõ những giá trị mà doanh nghiệp, thương hiệu mình mang tới đối với khách hàng mục tiêu. Ví dụ, thông điệp của 1 app Tiếng Anh chuyên về luyện thi Toeic (XXX) có thông điệp truyền thông là: Chinh phục mục tiêu 600 điểm Toeic chỉ sau 3 tháng luyện thi trên XXX thông qua những phương pháp dạy và học tiên tiến nhất.

Big idea là một ý tưởng chung nhất, là thông điệp bao quát cho toàn bộ chiến dịch Marketing.

Từ big idea, các marketers sẽ triển khai các yếu tố khác như key visual, key message để làm nên một chiến dịch marketing hoàn chỉnh. Big idea xuất phát từ insight khách hàng, và là lời giải đáp hoàn hảo nhất cho những vấn đề mà khách hàng đang phải đối mặt. Một ví dụ điển hình của big idea quen thuộc với hầu hết các marketers đó chính là big idea của Nike: “Just do it” (Cứ làm đi). Chỉ 3 từ đơn giản, song big idea này đã giúp Nike tạo dựng nên lịch sử huy hoàng với chiến dịch marketing đầy sáng tạo và táo bạo, ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khách hàng. Để rồi khi nhắc đến Nike, người ta sẽ nhớ ngay đến slogan Just do it của hãng, gợi nhớ ngay đến sự năng động, nét tươi trẻ mà thương hiệu đã gây dựng.

Các bước xây dựng key message hiệu quả

Để sáng tạo nên những thông điệp hay và ý nghĩa, bạn cần nắm rõ cách viết key message với 5 bước cơ bản dưới đây:

#1. Xác định thị trường mục tiêu

Nghiên cứu, xác định thị trường là bước không thể bỏ qua trong quy trình hoạch định các chiến lược Marketing và trong công tác xây dựng thông điệp truyền thông. Việc nhìn nhận lại thị trường mục tiêu cũng giúp bạn xây dựng những thông điệp tiếp cận đúng và đủ, mang đến hiệu quả tối ưu cho toàn bộ chiến dịch. Cụ thể, ở đây bạn cần đi sâu xác định thị trường mục tiêu bạn đang hướng tới là thị trường nào, có đặc điểm ra sao, vấn đề thị trường đang phải đối mặt là gì,...

Các bước xây dựng key message

#2. Xác định đối tượng mục tiêu

Các key message chỉ được nhận định là hay khi nó nhắm đúng đến nhóm đối tượng mà doanh nghiệp muốn hướng tới và có tác động sâu rộng với nhóm này. Do vậy, khi sáng tạo key message bạn cần xác định rõ đối tượng mục tiêu là ai, họ có đặc điểm gì, ở trong nhóm độ tuổi nào và dễ bị thu hút bởi những thông điệp ra sao,....

#3. Xác định các vấn đề đang tồn tại

Để key message đánh đúng vào “nỗi đau” của khách hàng và khơi dậy sự đồng cảm ở họ, bạn cần phải đi sâu tìm hiểu những vấn đề mà thị trường và bản thân khách hàng đang phải đối mặt. Ví dụ, doanh nghiệp của bạn đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, bạn cần tìm hiểu: Khách hàng của bạn đang gặp phải vấn đề gì khi mua nhà? Liệu dự án của bạn có giải quyết được vấn đề đó hay không,....

#4. Đưa ra giải pháp cho vấn đề

Sau khi đã xác định và làm rõ các vấn đề còn tồn đọng trong thị trường, việc tiếp theo bạn cần làm là đưa ra các giải pháp và xác định rõ những lợi ích mà giải pháp đó mang lại là gì. Từ đó, bạn tiến hành tổng hợp, cô đọng tất cả những giá trị mà doanh nghiệp mang đến trong tuyên bố duy nhất là key message. Đây chính là cách để bạn xây dựng nên những thông điệp truyền thông đầy đủ và hiệu quả nhất.

#5. Giải thích kỹ lưỡng về giải pháp

Key message bạn đưa ra không thể thuyết phục công chúng mục tiêu nếu bạn chỉ tập trung vào những lợi ích mà doanh nghiệp đem lại. Do đó, để key message phát huy hết tất cả các công dụng, bạn cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể thông qua việc sử dụng người thật, việc thật, các con số thống kê,....

#6. Chỉ rõ sự khác biệt với thị trường

Trên thị trường có vô số đối thủ với rất nhiều những thông điệp truyền thông ấn tượng. Do đó, bạn cần phải đưa ra những dẫn chứng, chứng minh sự khác biệt của thông điệp mình tạo ra. Ví dụ như cách truyền tải thông điệp, cách giao tiếp với khách hàng, lối sử dụng ngôn từ, khả năng tác động vào cảm xúc,... Key message càng độc đáo, khách hàng càng ghi nhớ thương hiệu lâu bền hơn.

Cách viết key message siêu hay và ý nghĩa với chỉ 3 bước

Key message ấn tượng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến thương hiệu/doanh nghiệp và nêu rõ mục tiêu mà thương hiệu/doanh nghiệp đang theo đuổi. Do đó, để sáng tạo nên những key message “chuẩn chỉnh” nhất, bạn nên thực hiện theo các bước sau:

1. Xác định chính xác đối tượng mục tiêu

Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong quy trình xây dựng key message, bạn cần đi sâu tìm hiểu và xác định rõ đối tượng mục tiêu của mình là ai, những chủ đề mà nhóm tượng này đang quan tâm. Từ đó, khai thác các dữ liệu này để sáng tạo nên những key message ấn tượng nhất.

2. Xác định mục tiêu truyền thông

Sau khi đã xác định được nhóm khách hàng mục tiêu doanh nghiệp muốn hướng tới, việc tiếp theo bạn cần làm là tìm hiểu và xác định chính xác mục tiêu truyền thông của mình. Bạn có thể thực hiện thông qua việc tìm câu trả lời cho những vấn đề sau:

  • Nội dung doanh nghiệp muốn truyền thông đến khách hàng là gì?
  • Nội dung đó có thực sự quan trọng đối với khách hàng hay không?

  • Nội dung đó có đủ ấn tượng? Đâu là điểm gây tượng, tạo sự khác biệt của nội dung đó?

  • Nội dung đó mang đến những lợi ích gì cho khách hàng,....

Khi đã xác định chính xác mục tiêu truyền thông là gì, hãy bắt tay vào việc sáng tạo key message. Trong đó, cần đảm bảo rằng key message do bạn tạo ra phải bám sát các mục tiêu truyền thông đã đề ra, nhắm đúng đối tượng mà doanh nghiệp hướng tới.

Chỉnh sửa và hoàn thiện key message

Chỉnh sửa và hoàn thiện key message

Mỗi ý tưởng được nêu ra hãy triển khai thành 1 key message. Cùng với đó, hãy thực hiện đối chiếu, đánh giá xem key message đó có phù hợp với mục tiêu truyền thông đã đề ra hay không. Từ đó, tiến hành điều chỉnh lại key message sao cho hoàn thiện nhất. Các tiêu chí bạn không thể bỏ qua để đánh giá key message như sau:

  • Tính tương thích với thương hiệu/doanh nghiệp: Có thể áp dụng được hay không?
  • Tính cô đọng, súc tích: Key message có ngắn gọn, súc tích, có thể cô đọng hơn được nữa không.
  • Khả năng thúc đẩy hành động: Key message có đủ khả năng thúc đẩy các hành vi của khách hàng hay không?
  • …..

>>> Xem thêm: 9 Bước xây dựng 1 chiến dịch quảng cáo hiệu quả nhất 2024

Tạm kết:

Trên đây là những chia sẻ của Marketing AI về khái niệm key message là gì và cách để xây dựng những key message ấn tượng, thu hút. Hãy tìm hiểu rõ các khía cạnh, điểm mạnh mà doanh nghiệp của mình đang sở hữu và những “nỗi đau” thị trường mục tiêu đang phải đối mặt. Từ đó, bạn mới có thể sáng tạo nên những thông điệp truyền thông sâu sắc, có sức tác động lớn đến nhóm đối tượng mà doanh nghiệp đang nhắm đến. Chúc bạn sớm “bật” lên những key message hay ho, thu hút, gây dựng tiếng vang cho thương hiệu của mình.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.