Gamification Marketing: Liệu sử dụng game trong marketing có còn thu hút khách hàng?

14 Thg 11

Nhờ khả năng tương tác hai chiều, mang lại những trải nghiệm thú vị, Gamification Marketing được kỳ vọng sẽ tạo nên những kết nối sâu sắc hơn giữa thương hiệu và khách hàng. Từ các nhãn hàng quốc tế như Pepsi, Baemin, Casper,... cho đến các nhãn hàng trong nước như: Momo, VP Bank, VIB,... đều đang gia nhập vào xu hướng này. Tuy nhiên, trong số đó có rất ít chiến lược thực sự gây ấn tượng với khách hàng. Vậy Gamification Marketing có thực sự hiệu quả?

Bối cảnh thị trường Gamification Marketing 2023 - 2024

Gamification - Trò chơi điện tử ứng dụng hóa, được hiểu là việc ứng dụng những cơ thế của game vào trong các hoạt động khác như marketing, quản lý, giáo dục,... nhằm tạo thu hút, tạo động lực và tăng cường trải nghiệm cho người tham gia.

Quy mô thị trường Gamification toàn cầu được định giá 13,44 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ cán mốc 123,87 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng CAGR đáng kinh ngạc - 27,99% - Theo ResearchAndMarkets. Trong năm 2024, xu hướng Gamification được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển khi mà thị trường game đang dần mở rộng hơn với sự thúc đẩy của làn sóng eSport, cùng sức ảnh hưởng của các streamer.

Không nằm ngoài cơn sốt đó, các thương hiệu trên toàn cầu cũng bắt đầu gia nhập làn sóng Gamification Marketing. Từ những thương hiệu bình dân như: Pepsi, Subway,... các nhãn hàng oto như Huyndai, điện tử điện lạnh như Casper,.... cho đến các nhãn hàng xa xỉ như Gucci,... Gamification Marketing gần như đã gia nhập vào hầu hết các mặt hàng tiêu dùng hiện nay. Tại thị trường Việt Nam, rất nhiều nhãn hàng đã sử dụng hình thức marketing này, trong đó phải kể đến: Momo, VP Bank, VIB,... và các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada.

Bối cảnh thị trường Gamification Marketing 2023 - 2024

Những dạng game được các brand ưa dùng trong marketing?

Về hình thức triển khai, có 2 loại hình Gamification được sử dụng phổ biến nhất bao gồm:

1. Sử dụng những mô hình game sẵn có:

Đây là một hình thức Gamification được khá nhiều thương hiệu sử dụng bởi mức đầu tư không quá lớn. Các mô hình game được sử dụng phổ biến nhất phải kể đến như: Vòng quay may mắn, Quiz Game,... Loại hình này có ưu điểm là dễ dàng triển khai, đơn giản và dễ hiểu đối với người chơi mà đặc biệt là mức chi phí không quá lớn. Tuy nhiên, cũng vì thế mà hình thức Gamification được khá nhiều thương hiệu sử dụng, khiến cho mức độ hấp dẫn đối với người tiêu dùng cũng giảm đi đáng kể. Đối với những mô hình game đơn giản như vậy sức hút đối với khách hàng phần lớn nằm ở giải thưởng và chỉ mang lại hiệu quả trong thời gian rất ngắn.

Những dạng game được các brand ưa dùng trong marketing?

2. Sáng tạo game mới dành riêng cho thương hiệu:

Bên cạnh việc sử dụng các mô hình game sẵn có, thương hiệu cũng có thể sáng tạo nên những game mới dành riêng cho mình. Để thực hiện hình thức này đòi hỏi tính sáng tạo cùng khả năng phân tích trải nghiệm người dùng, lập trình game tốt. Do đó mức chi phí của loại hình Gamification này là tương đối lớn, phù hợp với những thương hiệu có nguồn ngân sách cao. Thay vào đó loại hình game này có sự khác biệt, mang đậm dấu ấn thương hiệu hơn và có khả năng thu hút người tiêu dùng. Một số loại game được các thương hiệu xây dựng để làm marketing phải kể đến như:

  • Game thực tế ảo (VR Game): Ví dụ như game AR đến từ thương hiệu rượu Patrón - Patrón Pop-up Series được xây dựng trên một Metaverse, cho phép người dùng thực hiện các nhiệm vụ để đổi thưởng. Hay Metaverse của thương hiệu Toonies - Một không gian dành riêng cho khách hàng Toonies được tích hợp hàng loạt game hấp dẫn, cùng các bảng xếp hạng gay cấn.
  • “All-in-one” game: Đây là loại hình kết hợp nhiều game trên cùng một platform game, cho phép người dùng có thể trải nghiệm đa dạng các loại game khác nhau mà không bị nhàm chán. Điển hình như game “Lắc Xì 2023 - Hoàng Thượng du xuân” của Momo được kết hợp từ 3 mini game: Ủi Ủi, Lanh Chanh và MoMo Jump.
  • Game tích điểm: Đây là loại minigame được các thương hiệu sử dụng thường xuyên cả năm bằng cách đưa ra những nhiệm vụ cho người tiêu dùng như mua hàng, chuyển tiền, đánh giá,... để tích điểm và đổi quà. Một số ví dụ của hình thức game tích điểm này phải kể đến Nông Trại Shopee, Heo đất Momo.

Các loại hình game này có thể được tích hợp trên ứng dụng (Momo, Shopee,...) hoặc xây dựng một website riêng (Toonies, Patrón,...).

Sáng tạo game mới dành riêng cho thương hiệu

Gamification Marketing - Hướng đi hiệu quả trong thời đại của Shoppertainment

Gamification Marketing là một trong những công cụ quan trọng trong xu hướng Shoppertainment (Mua sắm kết hợp giải trí) hiện nay. Bằng việc cung cấp những trải nghiệm mới mẻ trong quá trình tiếp xúc giữa thương hiệu và khách hàng, Gamification Marketing có thể mang lại những lợi ích sau:

#1. Thu hút sự chú ý và tạo sự gắn kết với khách hàng

Gamification Marketing thu hút sự chú ý của khách hàng nhờ vào khả năng tác động tới tâm lý và hành vi của khách hàng. Trước hết, các trò chơi mang lại trải nghiệm mới lạ, thú vị và niềm vui trên hành trình mua hàng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những giải thưởng hấp dẫn cùng tính cạnh tranh trong nhiều trò chơi cũng là yếu tố quan trọng thôi thúc khách hàng tham gia nhiều hơn để giành được chiến thắng. Từ đó tạo nên nhiều tương tác hơn giữa thương hiệu và khách hàng. Khi có hứng thú với game người tiêu dùng cũng có xu hướng giới thiệu cho người thân bạn bè cùng tham gia, tạo nên một mạng lưới khách hàng bền vững.

Vì vậy, với Gamification Marketing thương hiệu sẽ dễ dàng tiếp cận và dễ dàng kết nối thân thiết với người tiêu dùng nhiều hơn là những thông điệp quảng cáo mang tính một chiều. Những cảm xúc tích cực từ game cũng có thể cải thiện thái độ của thương hiệu đối với khách hàng.

#2. Phù hợp với Gen Z

Gen Z là một thế hệ vàng của thế giới game. Với sự phát triển mạnh mẽ của eSport, các streamer,... sức ảnh hưởng của game đối với Gen Z đang ngày một gia tăng. Ngoài ra, GenZ cũng là một nhóm đối tượng có hành vi mua hàng phức tạp, họ luôn mong muốn những trải nghiệm mua hàng độc đáo, đột phá hơn. Vì vậy Gamification Marketing là một phương pháp tiếp cận Gen Z rất hiệu quả.

Gamification Marketing - Hướng đi hiệu quả trong thời đại của Shoppertainment

#3. Tăng thời lượng tương tác của khách hàng trên website, Mobile App

Hình thức Gamification Marketing tích hợp trên website hoặc ứng dụng di động sẽ giúp thương hiệu có thể níu chân khách hàng hiệu quả trên nền tảng này. Thông qua việc chơi game, thời gian người tiêu dùng ở lại trên ứng dụng, website sẽ được kéo dài. Đây là những thời điểm vàng để thương hiệu có thể kết hợp với các quảng cáo, gắn các nút CTA hay đơn giản là tăng traffic cho website.

#4. Thúc đẩy doanh số nhờ kết hợp voucher, giải thưởng

Phần lớn Gamification thường tích hợp các giải thưởng hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng. Trong số đó, đa phần là các voucher sử dụng sản phẩm, dịch vụ, mã giảm giá,... từ đó kích thích khách hàng sử dụng những khuyến mãi này để mua hàng và tăng doanh số cho doanh nghiệp.

Để thấy được hiệu quả của Gamification Marketing, hãy nhìn vào những chiến lược của Momo. Điển hình như chương trình minigame "Vòng quay ‘deal’ luyện" của Momo được tổ chức vào ngày hội siêu sale 11/11/2021, mặc dù chỉ là một chiến dịch nhỏ nhưng chương trình đã giúp thương hiệu này tăng số lượng giao dịch tới 10 lần. Nắm bắt nhu cầu săn sale và mã giảm giá ngày 11/11, Momo đã tặng deal cho người dùng dưới một hình thức hấp dẫn hơn là Vòng quay may mắn. Theo thống kê, đã có tới 9 triệu lượt quay săn deal mỗi ngày được thực hiện trên ứng dụng Momo, tổng lượng truy cập ứng dụng trong 11 ngày triển khai đã tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm trước sự kiện.

Thúc đẩy doanh số nhờ kết hợp voucher, giải thưởng

Điều gì khiến Gamification Marketing của các thương hiệu chưa hiệu quả

Mặc dù được sử dụng phổ biến là vậy, nhưng các phần đông các chiến dịch Gamification hiện nay lại chưa tạo được ấn tượng thực sự với người tiêu dùng. Ngoài một số ít thương hiệu thành công như Shopee hay Momo, rất nhiều chiến dịch Gamification Marketing tại Việt Nam bị người tiêu dùng ngó lơ dù có sự đầu tư rất lớn. Bởi một số nguyên nhân sau:

  • Kỹ thuật game còn nhiều hạn chế: Phần lớn những game chưa thu hút được khách hàng do những hạn chế về tính năng, lỗi kỹ thuật khiến người dùng nhanh chóng cảm thấy nhàm chán. Đặc biệt khi ngày càng nhiều thương hiệu ứng dụng Gamification như hiện nay, thì những hạn chế về kỹ thuật này sẽ khiến chiến dịch của thương hiệu khó lòng giữ chân khách hàng.
  • Gameplay quá phức tạp hoặc quá đơn điệu: Nếu như những game quá đơn điệu khiến người dùng không cảm thấy được tính cạnh tranh, nhanh chóng chán nản, thì những game quá phức tạp sẽ khiến họ cảm thấy khó hiểu và dễ nản lòng.
  • Game Mechanic không hấp dẫn: Game Mechanic được hiểu là cơ chế trò chơi, bao gồm các quy tắc, hướng dẫn hành động của người chơi và phản ứng của game trước những hành động đó. Có rất nhiều ý tưởng game dù khá hấp dẫn, nhưng Game Mechanic lại quá đơn điệu, nhàm chán hoặc quá phức tạp khiến cho trải nghiệm của người dùng khi chơi game không được tốt.
  • Game thiếu tính cập nhật, đổi mới: Đối với những game mang tính dài hạn, dạng system campaign (bao gồm nhiều game kết hợp), nếu thiếu sự đổi mới, cập nhật sẽ khiến người tiêu dùng nhanh chóng chán nản và không thể khai thác hiệu quả của game lâu dài.

Học được gì từ những chiến dịch Gamification Marketing thành công?

1. Xác định mục tiêu của Game:

Khi sử dụng Gamification Marketing nhãn hàng cần lưu ý về việc xác định các mục tiêu của game như: Mục tiêu tăng trưởng doanh thu hay tăng lượng traffic, hay tăng nhận diện thương hiệu. Đối với các mục tiêu tăng trưởng doanh thu, game nên mang tới cho người dùng những voucher giảm giá, khuyến mãi, quyền lợi mua hàng hấp dẫn,... kết hợp các nút CTA, quảng cáo Popup để thu hút người dùng đến trang mua hàng. Nhưng đối với việc tăng lượng traffic và tăng cường tương tác với thương hiệu thì chiến lược Gamification của bạn cần tập trung nhiều hơn vào những tính năng game và trải nghiệm người dùng.

Học được gì từ những chiến dịch Gamification Marketing thành công?

Ngoài ra, thương hiệu cũng cần xác định rõ về thời gian triển khai để lựa chọn mô hình Gamification Marketing. Đối với các chiến dịch ngắn hạn, thương hiệu nên khai thác mô hình Solo Campaign - Chiến dịch gồm 1 game đơn lẻ, phù hợp với thời gian triển khai ngắn. Ngược lại với các chiến dịch mang tính dài hạn, thương hiệu nên tích hợp vào ứng dụng hoặc xây dựng một microsite riêng và triển khai theo dạng System Campaign - Chiến dịch bao gồm nhiều game khác nhau.

Bên cạnh đó, thương hiệu cũng cần xác định rõ đối tượng mục tiêu của game là ai, họ có xu hướng yêu thích những loại game nào. Quá trình nghiên cứu cũng giúp thương hiệu tránh thực hiện những tính năng gây khó chịu, không phù hợp với khách hàng mục tiêu, nhằm mang lại trải nghiệm game tốt hơn.

2. Tối ưu trải nghiệm và quyền lợi của người tiêu dùng:

Bản chất của game là tạo cho người dùng sự thoải mái, vui vẻ, hứng thú khi chơi game. Vì vậy, yếu tố quan trọng nhất của game cũng như Gamification Marketing là làm thế nào để tối ưu trải nghiệm của khách hàng. Không chỉ là những trải nghiệm về tính năng, giao diện game, thương hiệu cũng cần cho khách hàng thấy được những quyền lợi nhất định khi chơi game, thông qua những giải thưởng hấp dẫn, kết hợp với voucher khuyến mãi,... Đồng thời kích thích tính cạnh tranh của mỗi người dùng bằng các bảng xếp hạng, các chương trình trao thưởng, leo rank,...

3. Không quên cải tiến và truyền thông liên tục cho game:

Đối với những game được triển khai trong dài hạn, thương hiệu cần liên tục có sự cải tiến, làm mới để mang lại những trải nghiệm mới cho người dùng, tránh bị nhàm chán. Bên cạnh đó, việc truyền thông về game cũng cần được diễn ra liên tục, không ngừng nhắc nhở khách hàng.

>>> Xem thêm: Solo Campaign và System Campaign: Đâu là lựa chọn phù hợp cho chiến dịch Gamification Marketing?

Lời kết:

Nhìn chung, Gamification Marketing vẫn là một hình thức tiếp thị tiềm năng và mang lại nhiều lợi ích cho thương hiệu, đặc biệt là khi xu hướng game và làn sóng Shoppertainment ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, để Gamification Marketing thực sự hiệu quả đòi hỏi các thương hiệu cần đầu tư rất lớn vào việc nghiên cứu trải nghiệm khách hàng, tối ưu kỹ thuật, tính năng game cũng như giải thưởng hấp dẫn.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.