1. Phân biệt Solo Campaign và System Campaign
a. Solo Campaign
Solo Campaign chỉ những chiến dịch marketing sử dụng 1 game đơn lẻ trong suốt quá trình triển khai. Với hình thức này, thương hiệu sẽ thường tập trung vào việc tạo ra một minigame với gameplay xuất sắc, đồ họa và phối cảnh đẹp, tức tập trung vào ý tưởng hoặc một sản phẩm cụ thể để phục vụ chiến dịch marketing trong khoảng 1 - 3 tháng. Sau đó, game này sẽ không thể sử dụng lại.
Nhược điểm thường thấy của Solo Campaign là khách hàng sau khi chơi game và nhận phần thưởng sẽ thường quên mất thương hiệu và không còn thường xuyên tương tác.
Khi doanh nghiệp muốn lựa chọn về Solo Campaign, các nhà tiếp thị cũng căn cứ vào điều này và chỉ nói về ý tưởng, sự phù hợp của game. Đặc biệt, chi phí đầu tư để phát triển một game độc lập không hề rẻ, phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và hạn chế về mặt kết nối với bên thứ 3.
Một số thương hiệu áp dụng hình thức Solo Campaign
KFC Nhật Bản với tựa game “KFC's Shrimp Attack”
KFC's Shrimp Attack là tựa game được KFC Nhật Bản ứng dụng Gamification để quảng bá cho dòng sản phẩm mới Puri Ebi (Tôm). Chiến dịch này không chỉ giới thiệu đến sản phẩm mà còn khuyến khích khách hàng dùng thử thông qua các phần thưởng giảm giá.
Chiến dịch thành công đến nỗi dòng sản phẩm này phải “vật lộn” để theo kịp số lượng khách hàng. Gã khổng lồ đồ ăn nhanh này đã phải cắt giảm một nửa thời gian chiến dịch để ổn định nguồn cung và cầu. Những con số ấn tượng mà KFC sở hữu chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện chiến dịch:
- Hơn 85.000 lượt tham gia (trong đó hơn 195.000 người chơi mới).
- Tỷ lệ chuyển đổi mua hàng đạt 22%.
- Tổng doanh thu tại các cửa hàng tăng 106% so với cùng kỳ năm trước.
Baemin với chiến dịch Nuôi Ma Mập – “Halloween năm nay, bạn sợ ma hay sợ mập?”
Baemin được biết đến là ứng dụng giao đồ ăn của Hàn Quốc và chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam năm 2019. Trong dịp Halloween gần đây, Baemin đã sử dụng hình thức Gamification Marketing với trò chơi “Nuôi Ma Mập”.
Với luật chơi rất đơn giản, người chơi chỉ cần mỗi ngày check-in và cho “bé Ma” ăn thật no bằng cách ấn vào màn hình để đồ ăn trên tay tới miệng Ma Mập. Sau đó, khi nuôi bé Ma đủ số cân nặng, khách hàng có thể nhận các voucher khuyến mãi từ thương hiệu.
Chiến dịch này đã mang đến cho người chơi những xúc cảm vui tươi, tích cực để chào đón một mùa Halloween độc đáo cũng như cùng nhau bước vào giai đoạn "bình thường mới" của cuộc sống.
b. System Campaign
Nếu như ở Solo Campaign, nhãn hàng chỉ tiếp cận một tệp khách hàng có hành vi nhất định với một game duy nhất thì System Campaign cho phép nhãn hàng tiếp cận tối đa khách hàng tiềm năng bằng hệ thống game đa dạng phù hợp với hành vi chơi game phong phú của người dùng. Tùy vào nhu cầu của từng nhãn hàng, chiến dịch Gamification marketing này có thể triển khai ở nhiều thời điểm khác nhau, thậm chí duy trì trong cả 1 năm qua các mùa.
Với những ưu điểm này, System Campaign đã tạo ra trải nghiệm độc đáo, thú vị, khách hàng sẽ không còn cảm thấy nhàm chán khi được phép thay đổi liên tục từ game này sang game khác. Đặc biệt, hình thức này còn tạo ra một không gian mở cho các bên thứ tham gia vào (phần thưởng, quà tặng, voucher…) tạo động lực và thu hút nhiều người chơi tham gia.
Khi thương hiệu cân nhắc System Campaign, sẽ thường tập trung về mục tiêu kinh doanh nhiều hơn. Khi đề xuất loại hình System Campaign, các agency, marketers sẽ thường tập trung nói về mục tiêu kinh doanh để thuyết phục doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, hình thức này chưa được sử dụng rộng rãi.
Các thương hiệu dùng System Campaign
Momo với chiến dịch “Lắc Xì 2023 - Hoàng Thượng du xuân”
Thay vì chỉ làm một game riêng lẻ, trong những chiến dịch Gamification Marketing gần đây, Momo đã hướng tới xây dựng hệ thống game many-in-one, điển hình là chiến dịch Lắc Xì Tết 2023. Chiến dịch được triển khai trong vòng 1 tháng (từ ngày 10/1 đến hết ngày 10/2/2023). Theo đó, MoMo chọn gameplay chính là lắc xúc xắc và di chuyển như bàn cờ tỷ phú, cùng với 3 game phụ (Ủi Ủi, Lanh Chanh và MoMo Jump).
Người chơi sẽ được hóa thân thành Hoàng Thượng Mèo - linh vật của Momo, lắc xúc xắc để du xuân và có cơ hội nhận loạt quà tặng hấp dẫn và giá trị đến từ nhiều thương hiệu lớn như Apple, PNJ, Kinh Đô, KFC, Highlands Coffee, Techcombank…
Chiến dịch đã giúp thương hiệu đứng đầu bảng xếp hạng word-of-mouth, tiếp cận khoảng một phần ba (33,9%) người dùng trong giai đoạn Tết. Đây cũng là một trong những chiến dịch quảng cáo được nhận biết nhiều nhất, đạt 40,1% người tiêu dùng. Chiến dịch Lắc Xì Tết của Momo đã tạo được độ buzz và hot trong nhiều năm trước đó.
Shopee nổi tiếng với các tựa game săn Shopee Xu
Sự bùng nổ của xu hướng Gamification Marketing (game hóa) trên các nền tảng trực tuyến bắt đầu từ các ứng dụng e-commerce của Trung Quốc như Alipay, Taobao của Alibaba. Tại Việt Nam, các ông lớn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… cũng gia nhập đường đua và không ngừng tung ra các trò chơi thú vị và phần thưởng hấp dẫn nhằm thúc đẩy khách hàng tương tác và tái mua hàng nhiều lần trên ứng dụng.
Nổi tiếng nhất có lẽ là các tựa game săn Shopee Xu của gã khổng lồ có trụ sở tại Singapore - Shopee với loạt trò chơi: game bắn bóng, game nông trại, game gắp thú, game đập kẹo… Sau mỗi lần chiến thắng, người dùng sẽ được nhận nhiều phần quà “ảo” hấp dẫn như shopee xu, mã giảm giá, mã freeship. Chiến lược này đã đánh trúng vào tâm lý muốn sở hữu voucher giảm giá khi mua hàng của người dùng.
Solo Campaign | System Campaign |
---|---|
Một game đơn lẻ | Đa dạng game |
Triển khai trong thời gian ngắn | Có thể triển khai trong 1 năm |
Pitching tập trung vào game | Pitching không đi cụ thể vào game, tập trung vào mục tiêu kinh doanh |
Không có sự tham gia của bên thứ 3 | Có sự tham gia của bên thứ 3 |
c. Các lưu ý khi thương hiệu triển khai các game thuộc System Campaign
Game phải cực dễ hiểu: Để đưa các loại game này vào chiến lược marketing, việc đơn giản hoá trò chơi là điều rất cần thiết. Đây cũng là yếu tố giúp thể loại game này dễ dàng viral được nhiều người biết đến. Nếu thể lệ trò chơi quá phức tạp, hình thức gây rối mắt… sẽ khiến người dùng cảm thấy khó chịu, nhanh chán và sớm từ bỏ. Yếu tố cốt lõi mà Gamification cần đem lại cho mỗi người chơi chính là động lực và cảm hứng.
Cho phép nhiều người đồng thời cùng chơi: Điều này sẽ tạo sự gắn kết cùng trải nghiệm của người chơi trong một môi trường ảo, nuôi dưỡng cảm xúc của họ khi có đồng đội và đối thủ chơi cùng. Đây là một trong những cách kích thích sự hứng thú của người chơi.
Cho người chơi thua được phép quan sát: Cách làm này sẽ giúp giữ chân người chơi lâu hơn: những người có thành tích cao sẽ mang lại cảm giác thỏa mãn, chiến thắng; còn những người có thành tích thấp sẽ cố gắng trong những lần để vươn tầm. Tại đây, bạn có thể níu chân người chơi bằng loạt CTA như nhận quà sau khi trận đấu kết thúc…
Đổi game liên tục để giảm rủi ro bị so sánh: Tạo sự phong phú, đa dạng bằng cách thay đổi game theo từng giai đoạn, điều này sẽ khiến người chơi luôn cảm thấy sự mới mẻ, hào hứng khi tham gia vào các hoạt động của thương hiệu.
Game diễn ra nhanh, không lấy nhiều thời gian của khách hàng: Thiết lập khoảng thời gian phù hợp, tránh trường hợp quá ngắn hoặc quá dài. Thương hiệu có thể cân nhắc xây dựng nhiều phần để người chơi tranh thủ chơi trong những lúc giải lao, tránh lấy quá nhiều thời gian của khách hàng, khiến họ cảm thấy nản. Và không phải khách hàng nào cũng có kiên nhẫn để chơi đến cùng, gia tăng phần thưởng qua các phần sẽ giúp người chơi có động lực.
2. Thương hiệu cần làm gì để lựa chọn hình thức phù hợp với chiến dịch của mình
a. Xác định mục đích của chiến dịch
Để lựa chọn hình thức Gamification phù hợp với chiến dịch của thương hiệu, bước đầu tiên bạn cần làm là xác định mục tiêu. Mục tiêu càng rõ ràng thì kế hoạch triển khai sẽ càng cụ thể và hiệu quả.
Thông thường, một chiến dịch Gamification Marketing sẽ được dựa trên 5 mục tiêu sau:
- Increase Conversion/ Sales: Gia tăng doanh số và tỷ lệ chuyển đổi thông qua hình thức tặng phiếu mua hàng, voucher…
- Lead Generation/ Trial: Marketers có thể lấy thông tin của khách hàng thông qua việc sử dụng quà tặng, mẫu dùng thử…
- Brand Awareness: Tăng mức độ nhận diện thương hiệu thông qua các trải nghiệm kích thích sự tương tác của người chơi với game.
- Rewarding/ Loyalty Program: Tặng quà hoặc tặng điểm với nhóm khách hàng trung thành thông qua các sự kiện tri ân.
- Cross/ Up-sell/ Repeat Purchase: Tạo ra trải nghiệm để người chơi có thể mua sắm và nhận khuyến mãi.
b. Xác định thời gian thực hiện chiến dịch
Dựa trên mục tiêu đã được xác định, bước tiếp theo, thương hiệu cần xác định timeline thực hiện chiến dịch: Chiến dịch này sẽ hoạt động trong bao lâu? Thời gian ngắn hay dài?... Căn cứ vào những thông tin này, thương hiệu sẽ cân nhắc lựa chọn hình thức Solo Campaign hoặc System Campaign cho toàn bộ chiến dịch, điều này cùng giúp ích cho quá trình lên kế hoạch và tạo ra hệ thống game phù hợp với từng nhu cầu.
c. Xác định chi phí, ngân sách đầu tư vào chiến dịch
Cạm bẫy phổ biến khi khởi chạy một chiến dịch game hoá là không xác định ngân sách đầu tư cũng như chi phí rủi ro. Ngân sách này sẽ được xác định dựa trên mục tiêu, kế hoạch và nguồn lực của doanh nghiệp. Giả sử như sau khi bạn đã xác định được ngân sách và chi phí dự trù cho hình thức game A này. Mặc dù khoản đầu tư này sẽ giúp thương hiệu đạt được mục tiêu đề ra theo đúng tiến độ, nhưng nguồn lực của bạn không cho phép. Tại đây, bạn cần phải điều chỉnh lại kế hoạch và ngân sách sao cho tối ưu nhất.
Tạm kết
Tuỳ thuộc vào mục tiêu và nguồn lực của doanh nghiệp, các nhãn hàng có thể đưa ra lựa chọn triển khai Solo Campaign hoặc System Campaign trong các chiến dịch marketing. Đây là hình thức giúp nhãn hàng gia tăng Brand Awareness. Đồng thời, tăng mức độ tương tác cũng như lòng trung thành của khác hàng với thương hiệu.
Thanh Thanh - MarketingAI
Bình luận của bạn