cover

Digital Footprint là gì mà có thể đánh sập tương lai người nổi tiếng?

02 Thg 10
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Digital Footprint - Dấu chân kỹ thuật số đang trở thành thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất lúc này. Nguyên do là bởi câu chuyện về quá khứ nhiều vết nhơ của nam rapper Negav mới bị phanh phui. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, các thương hiệu/ người nổi tiếng - vốn đặt nặng việc xây dựng và giữ gìn hình ảnh, cần đặc biệt chú trọng tới “phiên bản số” của mình trên internet và lưu tâm tới khái niệm “digital footprint”

Digital footprint là gì?

Digital footprint (dấu chân điện tử) có thể hiểu một cách đơn giản là những dấu vết dữ liệu mà người dùng Internet chủ động hoặc vô tình tạo ra trong quá trình sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Dấu chân kỹ thuật số được hình thành bởi sự phát triển tất yếu của công nghệ khi mà dữ liệu luôn được số hóa. Mỗi cú click chuột và tìm kiếm của người dùng đều được lưu lại, nói cách khác, mỗi người dùng đều sở hữu một “phiên bản số” của chính mình và mọi hành vi đều đã được lưu trữ.

Digital Footprint là gì

Digital Footprint là dấu vết dữ liệu của người dùng trên Internet

Người dùng internet có thể tạo dấu chân kỹ thuật số của họ bằng vô vàn cách khác nhau. Một số cách mà người dùng thêm vào dấu chân kỹ thuật số bao gồm:

  • Mua sắm trực tuyến: Thực hiện mua hàng từ các trang web thương mại điện tử, Đăng ký phiếu giảm giá hoặc tạo tài khoản, Tải xuống và sử dụng ứng dụng mua sắm,...
  • Ngân hàng trực tuyến: Sử dụng ứng dụng ngân hàng di động, Mua hoặc bán cổ phiếu, Mở tài khoản thẻ tín dụng,...
  • Phương tiện truyền thông xã hội: Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trên máy tính hoặc thiết bị di động, Chia sẻ thông tin, dữ liệu và ảnh với bạn bè trên nền tảng MXH...
  • Sức khỏe và thể hình: Sử dụng máy theo dõi sức khỏe, Sử dụng ứng dụng để nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe,...
Digital Footprint là gì mà có thể đánh sập tương lai người nổi tiếng?- Ảnh 2.

Digital Footprint thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau

Đối với thương hiệu và người nổi tiếng, Digital Footprint rất rộng lớn và được thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau. Với thương hiệu, dấu chân kỹ thuật số bao gồm tất cả các hành động, phát ngôn từ các cấp lãnh đạo đến nhân viên, thậm chí là đối tác,... đều có liên quan tới thương hiệu và là một phần digital footprint của thương hiệu. 

Trong khi đó, người nổi tiếng sẽ để lại dấu chân kỹ thuật số như phát ngôn, bình luận, hình ảnh trong quá khứ, hay các hành động, lời nói từ gia đình, người thân, bạn bè…cũng đều có thể ảnh hưởng tới họ. Dù là vô tình hay chủ đích tạo ra, dấu chân kỹ thuật số cũng có thể là “tấm gương” phản chiếu sở thích, tính cách của một người hoặc khắc họa “bức tranh chân dung” của một thương hiệu.

Vai trò và tầm ảnh hưởng của Digital Footprint với người nổi tiếng

Digital Footprint được nhắc đến nhiều hơn sau khi quá khứ của Negav bị đào lại

Dù xuất hiện từ lâu, nhưng cho tới thời gian gần đây, thuật ngữ Digital Footprint mới thực sự nổi lên và nhận về nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, sau vụ việc của Negav - nam rapper trẻ tuổi mới đây gây sốc với quá khứ phản cảm cùng hàng loạt phát ngôn thô tục, thiếu chuẩn mực. Dân tình được phen dậy sóng và không khỏi phẫn nộ. Từ quá khứ với những “digital footprint” tiêu cực, khán giả đánh giá về nhân cách và nhân thức của nam rapper, từ đó hướng mũi tên chỉ trích và lên án về phía Negav.

Những bình luận phản cảm của Negav bị phanh phui

Những bình luận phản cảm của Negav bị phanh phui

Có lẽ chính Negav cũng không lường trước được, tuổi trẻ bồng bột của mình đã để lại những “dấu chân kỹ thuật số” tiêu cực trên mạng xã hội. Đến khi bị phanh phui, quá khứ của Negav đã trở thành “vết nhơ” khó xóa khiến hàng loạt người hâm mộ quay xe chỉ trích và lên án nam rapper này. Trường hợp của Negav là một bài học đắt giá để những người nổi tiếng hay các thương hiệu phải xem xét lại về những “dấu vết” để lại trên không gian mạng.

>>> Đọc thêm: Digital media là gì? Ưu nhược điểm của 3 loại Digital media quen thuộc

Các loại Digital Footprints

Digital Footprints được phân loại theo 2 cách chính:

  • Dấu chân điện tử chủ động (Active digital footprint): bao gồm các thông tin người dùng chủ động tạo ra và chia sẻ đi qua các kênh giao tiếp trực tuyến. Ví dụ: các nền tảng MXH (Facebook, Instagram, Tiktok, Twitter,..),bài đăng trên blog, hình ảnh và video đăng tải trên MXH, email, cuộc gọi, tin nhắn, các trang web truy cập và các thông tin gửi đến các dịch vụ trực tuyến
  • Dấu chân điện tử bị/thụ động (Passive digital footprint): là những dữ liệu người dùng bị âm thầm thu nhập, có thể là do cookie lưu lại khi vào một website nào đó.... Loại này thường bao gồm các thông tin như: các trang web bạn thường truy cập; thông tin về thiết bị bạn đang sử dụng; địa chỉ IP của bạn; lịch sử duyệt web của bạn. Đây là một quá trình ẩn mà người dùng có thể không nhận biết được nó đang diễn ra. Ví dụ về dấu chân thụ động bao gồm các nền tảng MXH sử dụng lượt thích, chia sẻ và bình luận để lập hồ sơ về người dùng và nhắm đến họ bằng nội dung cụ thể.

Ngoài ra còn một số cách phân loại khác như:

  • Dấu chân kỹ thuật số công khai: Đây là dữ liệu có sẵn cho công chúng, chẳng hạn như bài đăng trên mạng xã hội hoặc thông tin trên hồ sơ công khai của bạn trên một trang web.
  • Dấu chân kỹ thuật số riêng tư: Dữ liệu chỉ có thể được một nhóm người nhất định truy cập – nhóm chỉ dành cho thành viên trực tuyến hoặc tin nhắn trò chuyện nhóm.
  • Dấu chân kỹ thuật số thương mại: Dữ liệu do doanh nghiệp thu thập cho mục đích thương mại, khi bạn mua sắm trực tuyến, v.v.

Ứng dụng của Digital Footprint

Khắc họa chân dung khách hàng

Thông qua việc thu thập dấu chân kỹ thuật số, thương hiệu có thể “vẽ lại” chân dung khách hàng một cách rõ nét. Từ đó, nghiên cứu hành vi người dùng để tạo ra các chiến dịch mang tính cá nhân hóa, nhắm đúng insight của khách hàng. Ngoài ra, việc sử dụng dấu chân kỹ thuật số còn giúp thương hiệu tiết kiệm tương đối thời gian và công sức để tìm hiểu khách hàng.

Tiết kiệm ngân sách

Đây là một trong những ứng dụng quan trọng nhất của digital footprint. Khi không có dữ liệu data, thường các doanh nghiệp phải triển khai dàn trải hoạt động marketing đa kênh từ Facebook, Google, Instagram…với chi phí cao nhưng hiệu quả không mấy rõ ràng. Trong khi, với digital footprint, doanh nghiệp có thể thu thập được số lượng lớn dữ liệu chỉ với một công cụ, tiết kiệm nhiều khoản chi phí và mang về hiệu quả rõ rệt.

Dự đoán thị trường

Với khả năng cung cấp một lượng dữ liệu lớn, doanh nghiệp có thể bắt tay vào nghiên cứu và phân tích hành vi khách hàng. Chính điều này sẽ giúp họ nhận biết tình hình thị trường và xây dựng một chiến lược hoàn chỉnh. Ngoài ra, digital footprint cũng có thể là một công cụ dùng để phân tích thị trường nếu doanh nghiệp muốn ra mắt sản phẩm mới.

Những thách thức của Digital Footprint

Mối đe dọa đối với quyền riêng tư của người dùng

Việc dữ liệu cá nhân của người dùng dễ dàng bị thu thập và phân tích có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến quyền riêng tư trên không gian mạng. Dấu chân tiêu cực có thể đem đến cái nhìn sai lệch, không mấy thiện cảm dành cho chủ nhân của nó, hoặc tiết lộ những bí mật riêng tư mà cá nhân không muốn công khai. 

Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, dấu chân kỹ thuật số của người dùng có thể bị rao bán với mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến danh tiếng và cuộc sống của nạn nhân. Đơn cử, nhiều nhà tuyển dụng có thói quen tìm hiểu đời tư ứng viên thông qua các bài viết, bình luận, thông tin trên các nền tảng MXH để đánh giá ứng viên đó. Tuy nhiên, không phải ai cũng xuất hiện trên MXh với sự chỉn chu, chuyên nghiệp, mà phần đông coi đó là nơi để giải trí, xả stress nên nhà tuyển dụng có thể có cái nhìn chưa chính xác về ứng viên.

Mối đe dọa đối với danh tiếng của thương hiệu/người nổi tiếng

Những đánh giá công khai của khách hàng có thể góp phần tạo nên danh tiếng trên không gian số cho thương hiệu. Việc các nội dung đó mang góc nhìn tích cực sẽ giúp doanh nghiệp ấy sở hữu dấu chân kỹ thuật số tích cực. Điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh mới, vì nhiều khách hàng tiềm năng có xu hướng nghiên cứu công ty trực tuyến trước khi quyết định mua sản phẩm. Ngược lại, dấu chân tiêu cực có thể khiến doanh nghiệp đánh mất uy tín, làm giảm brand love thông qua những feedback mà khách hàng chia sẻ trên các trang MXH về thương hiệu.

Sơn Tùng M-TP nhận về lời khen bởi các phát ngôn trong quá khứ

Sơn Tùng M-TP nhận về lời khen bởi các phát ngôn trong quá khứ

Tuy nhiên, digital footprint không hoàn toàn u ám như một mối đe dọa. Cùng thời điểm quá khứ của Negav bị phanh phui, cộng đồng mạng cũng đào lại hàng loạt những post từ chục năm về trước của Sơn Tùng M-TP. Trước khi trở thành một ngôi sao giải trí lớn như hiện tại, giọng ca gốc Thái Bình cũng là một chàng thanh niên với những suy nghĩ vô tư, hồn nhiên nhưng những phát ngôn, bài post trên MXH lại thể hiện sự chín chắn và đầy trách nhiệm. Nhờ digital footprint, dân tình mới biết được Sơn Tùng M-TP của hiện tại đã trưởng thành qua thời gian như thế nào. Rõ ràng, nếu digital footprint đủ tích cực, nó sẽ giống như một “nhân chứng” bảo vệ cho danh tiếng của cá nhân/ thương hiệu trong tương lai dài hạn.

Thương hiệu/người nổi tiếng cần làm gì để tạo dựng và bảo vệ Digital Footprint "sạch"?

Sự việc của Negav không chỉ làm sống dậy thuật ngữ “digital footprint” mà còn khiến công chúng tiếp tục khắt khe hơn với với quá khứ của người nổi tiếng nói riêng và thương hiệu nói chung.

Vậy làm thế nào để thương hiệu để bảo vệ digital footprint sạch?

  • Theo dõi dấu chân kỹ thuật số: Doanh nghiệp có thể theo dõi digital footprint mình tạo ra bằng cách thiết lập Cảnh báo của Google hoặc thông báo của các công cụ tìm kiếm khác cho công ty. Điều này cho phép doanh nghiệp luôn cập nhật tin tức, kiểm soát và đánh giá nội dung có thể ảnh hưởng đến “danh tiếng số” của doanh nghiệp.
Digital Footprint là gì mà có thể đánh sập tương lai người nổi tiếng?- Ảnh 6.

Doanh nghiệp cần tăng cường bảo mật để quản lý dữ liệu

  • Triển khai phần mềm bảo mật: Phần mềm quản lý tấn công mạng có thể trở thành trợ thủ đắc lực giúp giám sát và bảo mật các thông tin, dữ liệu kỹ thuật số. Các giải pháp quản lý sự kiện và thông tin bảo mật (SIEM) có thể phát hiện hoạt động bất thường và có khả năng gây hại trên toàn bộ digital footprint. Các giải pháp phát hiện và phản hồi khi có vấn đề xảy ra có thể bảo vệ các tài sản mà tin tặc nhắm đến.
  • Đào tạo nhân viên: Bên cạnh, nâng cấp về mặt công nghệ, kỹ thuật, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức về bảo mật và đào tạo nhân viên cách bảo vệ danh tính kỹ thuật số của họ vì lợi ích của chính họ và công ty. Tin tặc có ít thông tin hơn để nhắm đến khi nhân viên biết cách chia sẻ thông tin có chọn lọc và cài đặt quyền riêng tư mạnh.

Người nổi tiếng cần làm gì để tạo dựng digital footprint sạch?

  • Thận trọng trước khi đăng hoặc chia sẻ bất cứ nội dung nào: vì một khi đã đăng tải, nội dung đó sẽ được lưu trữ trên nền tảng đó mãi mãi, kể cả khi người dùng đã xóa đi. Nhất là với người nổi tiếng, công chúng không chỉ đánh giá họ ở phiên bản hiện tại mà còn luôn tò mò về quá khứ. Bởi vậy, không ngoài khả năng, mọi động thái, phát ngôn trên mạng đều có thể bị đào lại bất cứ lúc nào. Vì vậy, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng hoặc chia sẻ thông tin sẽ giúp tránh rủi ro có thể phát sinh.
Digital Footprint là gì mà có thể đánh sập tương lai người nổi tiếng?- Ảnh 7.

Người dùng cần tỉnh thức với những thông tin chia sẻ trên không gian mạng

  • Không nên đăng quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội: Điều này sẽ cung cấp dữ liệu của bản thân cho người dùng khác và nền tảng. Do đó, người dùng chỉ nên chia sẻ thông tin trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, với các nội dung cá nhân, người dùng có thể thiết lập sang chế độ “Private” (riêng tư) để người lạ không thể tiếp cận dễ dàng.
  • Cẩn trọng với việc sử dụng Internet ngoài mạng xã hội, như truy cập trang web phạm luật, nhấp vào liên kết kỳ lạ có thể chứa hệ thống theo dõi thông tin, cũng như thu thập thông tin cá nhân mà người dùng không muốn tiết lộ.

>>> Có thể bạn quan tâm: Lý giải sự thành công của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai theo mô hình 4P trong 

Kết luận

Nagav và bài học đắt giá từ hậu quả của Digital Footprint tiêu cực trở thành hồi chuông cảnh tỉnh để người nổi tiếng và các thương hiệu nhìn nhận lại về những “dấu chân kỹ thuật số” mà mình đã tạo ra. Từ việc nhận thức được sự quan trọng và tầm ảnh hưởng sâu sắc của những “dấu chân” này đến danh tiếng và danh tính chủ nhân của nó, mỗi người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong bất cứ động thái nào trên không gian mạng. Qua đó, nâng cao nhận thức về việc tạo dựng những “dấu chân kỹ thuật số” sạch và bảo vệ an toàn thông tin trước những mối đe dọa từ việc rò rỉ những dữ liệu này.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.