- 1. KATINAT lên tiếng xin lỗi ngay trong đêm vì nội dung thiếu chuẩn mực trên tem dán ly nước
- 2. "Manifest" được chọn là Từ của Năm 2024
- 3. Từ 25/12/2014, chỉ tài khoản mạng xã hội đã xác thực bằng số điện thoại mới được viết bài, bình luận, livestream
- 4. Youtube chuẩn bị trình làng tính năng tặng quà trực tuyến “Jewels” cho người sáng tạo nội dung
1. KATINAT lên tiếng xin lỗi ngay trong đêm vì nội dung thiếu chuẩn mực trên tem dán ly nước
Mới đây, dân tình dậy sóng trước hình ảnh tem dán đồ uống của thương hiệu KATINAT có nội dung không phù hợp và thiếu chuẩn mực. Cụ thể, yêu cầu của khách hàng là giảm đường và giảm đá, nhưng thay vì ghi giảm đá thì nhân viên cửa hàng lại ghi "giảm an tây". Theo nhiều người dùng mạng xã hội, cụm từ "an tây" trùng với tên một người mẫu nổi tiếng đang bị tạm giữ để điều tra về hành vi trái pháp luật.
Ngay sau khi sự việc diễn ra, KATINAT đã đưa ra thông tin phản hồi chính thức trên trang fanpage của mình. Theo đó, một nhân viên ở cửa hàng KATINAT tại Diamond Residence Lê Văn Lương - Hà Nội đã tự ý ghi thêm nội dung thiếu chuẩn mực lên tem dán thức uống. Sau đó ly nước có dán tem này giao tới tay khách hàng và được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Công ty cổ phần Café Katinat - chủ sở hữu thương hiệu cho biết doanh nghiệp nhận thức rõ đây là một sự việc nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến khách hàng mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín. Trong thông cáo báo chí, KATINAT đã gửi lời xin lỗi và đưa ra các biện pháp xử lý sau:
“1. KATINAT đã thực hiện xử lý kỷ luật nhân viên vi phạm theo hình thức sa thải, xử lý kỷ luật Quản lý cửa hàng theo hình thức nhắc nhở vì đã kiểm soát chưa tốt các hoạt động của cửa hàng.
2. KATINAT đã tiến hành rà soát lại toàn bộ việc tuân thủ quy trình vận hành và chuẩn mực thương hiệu trên toàn hệ thống để hạn chế xảy ra sự việc tương tự.
3. KATINAT đã liên hệ trực tiếp với khách hàng đã nhận sản phẩm có tem dán không phù hợp, gửi lời xin lỗi chân thành đến khách hàng với tinh thần cầu thị, giải thích rõ sự việc và khách hàng đã thấu hiểu, đồng ý hướng xử lý của KATINAT và đã chính thức thông tin lại kết quả xử lý sự việc trên trang cá nhân vì khách hàng cũng hoàn toàn không muốn sự việc bị đẩy đi quá xa.”
Trước đó, hồi tháng 9, Katinat cũng vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận khi tuyên bố chiến dịch truyền thông trích 1.000 đồng/ly nước để ủng hộ miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai hậu siêu bão Yagi. Cách truyền thông không rõ ràng và gây hiểu lầm đã khiến thương hiệu đồ uống này phải lên tiếng xin lỗi sau khi gây nên những ý kiến trái chiều trong hoạt động chung tay cùng Đồng Bào vùng bão lũ.
>>> Xem thêm: Chiến dịch cứu trợ vùng lũ tai tiếng của Katinat
2. "Manifest" được chọn là Từ của Năm 2024
Mới đây, Cambridge Dictionary đã vinh danh “manifest” là Từ của Năm 2024, qua đó cho thấy sự phổ biến vượt bậc của từ này trong các cuộc thảo luận về tư duy tích cực và hiện thực hóa mục tiêu. “Manifest” được hiểu là việc sử dụng các phương pháp như hình dung và khẳng định, để giúp mọi người tưởng tượng mình đã đạt điều mong muốn, với niềm tin rằng việc này sẽ tăng khả năng biến điều đó thành sự thực. Đây là khái niệm xuất phát từ một phong trào triết học tâm linh có lịch sử hơn 100 năm, dù vẫn chưa được chứng minh khoa học. Được biết, "Manifest" có nguồn gốc từ tiếng Latin và tiếng Pháp. Còn trong tiếng Anh, từ này ban đầu có nghĩa là "dễ nhận thấy hoặc hiển nhiên" và sau đó được sử dụng như một động từ có nghĩa là "thể hiện rõ ràng điều gì đó".
Năm 2024, “manifest” xuất hiện trong 130.000 truy cứu trên trang web Cambridge Dictionary, trở thành một trong những từ khóa phổ biến nhất. Sự lan tỏa của từ này không chỉ giới hạn ở cộng đồng tự lực mà còn xuất hiện trong truyền thông chính thống và mạng xã hội, với hàng triệu video trên TikTok sử dụng hashtag #manifest. Ngay cả những người nổi tiếng như ca sĩ Dua Lipa, cũng từng chia sẻ "manifest" đã tạo nên những khoảnh khắc quan trọng trong sự nghiệp của cô chẳng hạn như được biểu diễn tại Lễ hội Glastonbury năm nay.
Wendalyn Nichols, Giám đốc Xuất bản Cambridge Dictionary, giải thích: “Manifest” được chọn vì nó phản ánh xu hướng ngôn ngữ và xã hội, với sự tăng trưởng đột biến trong lượt tra cứu và mở rộng ý nghĩa. Từ này cũng minh chứng cách ngôn ngữ thay đổi theo thời gian.”
Góp mặt trong danh sách đề cử 2024, còn có "brat", lấy cảm hứng từ tiêu đề album năm 2024 của ca sĩ Charli XCX; "ecotarian" - ám chỉ xu hướng sống có ý thức bảo vệ môi trường; và "resilience" - phản ánh sức mạnh và khả năng thích ứng.
3. Từ 25/12/2014, chỉ tài khoản mạng xã hội đã xác thực bằng số điện thoại mới được viết bài, bình luận, livestream
Mới đây, Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về điều kiện đối với trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong nước vừa được Chính phủ ban hành. Theo khoản e khoản 3 Điều 23, điểm b khoản 3 Điều 27, khoản 10 Điều 82 Nghị định 147/2024/NĐ-CP, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì sẽ xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP cũng nêu rõ chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Như vậy kể từ 25/12, người dùng mạng xã hội Việt nam sẽ phải xác thực bằng số điện thoại di động mới có thể thực hiện các hoạt động tương tác trên các nền tảng này.
4. Youtube chuẩn bị trình làng tính năng tặng quà trực tuyến “Jewels” cho người sáng tạo nội dung
Nhà sáng tạo nội dung trên YouTube sẽ chuẩn bị được tặng quà trực tuyến với tính năng mới có tên"Jewels" . Theo đó, tính năng này cho phép người xem mua các sticker kỹ thuật số để sử dụng trong các buổi livestream, và một phần giá mua sticker sẽ được chuyển cho người livestream.
Cụ thể, người xem có thể mua Jewels trong các buổi livestream và sử dụng chúng để mua sticker động. Tính năng này tương tự như các tùy chọn sticker và bình luận Super Chat hiện tại của YouTube, nhưng Jewels mang lại sự linh hoạt hơn trong việc mua hàng. Theo YouTube, Jewels cho phép tương tác thời gian thực thông qua việc mua gói, và người mua sẽ không cần phải mua thêm mỗi khi muốn thể hiện bản thân và gửi quà.
Các nhà sáng tạo nội dung sẽ kiếm tiền dựa trên những sticker mà người xem gửi tặng. Khi người xem sử dụng Jewels, người sáng tạo nội dung sẽ nhận được Rubies, 1 Ruby tương đương 1 cent, nghĩa là cứ 100 Rubies sẽ đổi được 1 USD. Tuy nhiên, số tiền người sáng tạo nội dung sẽ nhận được là không cố định. Số tiền người dùng trả cho Jewels thay đổi tùy theo gói họ mua và các chương trình khuyến mãi đang diễn ra. Do đó, không có tỷ lệ chia doanh thu cố định như các tính năng khác của YouTube. Được biết, Jewels sẽ chỉ giới hạn cho các kênh tại Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu. Tất cả người sáng tạo nội dung đủ điều kiện tại Hoa Kỳ trong Chương trình Đối tác YouTube (YPP) sẽ được cấp quyền truy cập trong vài tuần tới.
>>> Đọc thêm: Công ty mẹ TikTok định giá 300 tỷ USD, tương ớt Chin-su xuất hiện trên Billboard Nhật Bản
Bình luận của bạn