cover

Điểm danh 9 chiến lược Marketing hấp dẫn trong mùa Lễ Hội cuối năm 2023

29 Thg 11
Marketing Executive

Marketing Executive

Chang NT.

Nhu cầu mua sắm tăng cao cùng xu hướng tâm lý tích cực của người tiêu dùng khiến cho mùa Lễ hội cuối năm như Tết Nguyên Đán hay Giáng Sinh luôn là một cơ hội hấp dẫn để các thương hiệu có thể quảng bá và bứt phá doanh thu hiệu quả. Đặc biệt, thời điểm cuối năm 2023, sẽ là một mùa Lễ hội đặc biệt hơn bao giờ hết sau một năm với nhiều biến động. Cùng nắm bắt 13 chiến dịch tiếp thị được đánh giá cao nhất cho mùa Lễ hội 2023-2024 sắp tới nhé!

1. Chiến lược tiếp thị mùa Lễ hội 2023 trên các trang mạng xã hội

Các chiến dịch tiếp thị mùa Lễ hội luôn được khởi động sớm trên các trang mạng xã hội. Theo dữ liệu khảo sát Qúy 3 từ Social Sprout, vào cuối tháng 11, 89% các nhà tiếp thị đã thúc đẩy các chiến dịch marketing mùa Lễ Hội của họ trên mạng xã hội. Như vậy, có thể thấy mạng xã hội là một trong những trụ cột đầu tiên mà thương hiệu cần phải triển khai khi thực hiện các chiến dịch marketing mùa lễ hội. Trong đó, Social Sprout đã chỉ ra một số chiến lược tiếp thị mạng xã hội hữu ích cho các thương hiệu bao gồm:

1. Facebook:

Là trang mạng xã hội có khả năng tương tác với người tiêu dùng lớn nhất hiện nay, việc tối ưu trải nghiệm khách hàng trên Facebook là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt trong mùa Lễ hội khi nhu cầu mua sắm tăng cao. Một số chiến lược Facebook Marketing quan trọng trong mùa lễ 2023 bao gồm:

  1. Ứng dụng các công cụ AI như Chatbot vào hệ thống chăm sóc khách hàng trên Facebook
  2. Tiếp thị nội dung về sản phẩm, khuyến mãi, tips & tricks trong những ngày lễ hội.
  3. Triển khai các chiến dịch quảng cáo qua Messenger - một trong những hình thức quảng cáo hiệu quả nhất khi nhu cầu mua của người tiêu dùng tăng cao trong mùa lễ.
  4. Chú trọng vào các nội dung trên Stories và Reels của Facebook.
Chiến lược tiếp thị mùa Lễ hội 2023 trên các trang mạng xã hội

2. Instagram:

Instagram là một nền tảng quan trọng trong marketing mùa lễ hội vì những lợi thế đặc trưng về mặt hình ảnh, phù hợp với nhu cầu trang trí, làm đẹp trong mùa Lễ.

  1. Sử dụng cả ảnh tính và reels để đăng tải về sản phẩm
  2. Đính kèm các khuyến mãi, sự kiện trên bio Instagram của thương hiệu
  3. Tạo các Shoppable posts - cho phép người dùng mua hàng trên chính bài đăng
  4. Đăng tải các nội dung do chính người dùng tạo ra - UGC
  5. Tạo những nội dung hướng dẫn về quà tặng, hướng dẫn trang trí dịp lễ

3. TikTok:

Bên cạnh nhu cầu giải trí, TikTok còn là công cụ tìm kiếm ưa thích của GenZ hiện nay. Vì vậy, chiến dịch Tik Tok marketing trong mùa lễ hội cũng tập trung nhiều vào việc đáp ứng nhu cầu thông tin của nhóm đối tượng này. Một số tips tiếp thị hiệu quả trên TikTok trong mùa lễ hội:

  1. Hợp tác với content creator
  2. Sử dụng những bản nhạc thịnh hành, mang đặc trưng của mùa lễ
  3. Chia sẻ về các thông tin, kiến thức hữu ích trong ngày lễ hội
  4. Xây dựng trang TikTok Shop

Ngoài ra, khi xây dựng nội dung mùa Lễ hội trên Social Media, đừng quên sử dụng các Hashtag gắn liền với từng chủ đề lễ hội, thương hiệu,... hoặc các nhu cầu, từ khóa có liên quan đến nội dung.

2. Khai thác cảm xúc hoài niệm trong mùa Lễ tết với Nostalgia Marketing

Bên cạnh không khí vui chơi, sum vầy của ngày lễ, cảm xúc hoài niệm cũng là một trong những tâm lý phổ biến của của người tiêu dùng trong những ngày Lễ Tết, đặc biệt đối với nhóm khách hàng Gen Z hay Millennials. Những ký ức tuổi thơ, kỷ niệm ngày Tết xưa giản dị nhưng ấm cúng,... cảm xúc hoài niệm luôn trỗi dậy vào mỗi dịp Lễ Tết và tác động rất lớn tới hành vi mua sắm, thái độ với thương hiệu của người tiêu dùng. Vì vậy, tiếp thị hoài niệm Nostalgia Marketing chắc chắn sẽ là một trong những chiến dịch tiếp thị mùa lễ hội rất hiệu quả, đặc biệt là trong một năm đầy thăng trầm như 2023.

Thông qua Nostalgia Marketing, thương hiệu có thể tiếp cận và làm thân với người tiêu dùng một cách dễ dàng hơn, tập trung chủ yếu và mục tiêu branding và xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Có thể thấy được hiệu quả của Nostalgia Marketing vào mùa Lễ hội cuối năm qua sự thành công của các chiến dịch nổi tiếng như: Chiến dịch Tết thường niên “Thấy Kinh Đô Là Thấy Tết” của Kinh Đô, hay “Tết Dẫu Đổi Thay, Diệu Kỳ Vẫn Ở Đây” - Coca-Cola,...

Bên cạnh các campaign lớn, thương hiệu có thể khai thác Nostalgia Marketing từ những yếu tố rất nhỏ bé như những mẩu chuyện về ngày Tết xưa, chia sẻ những hình ảnh của Tết truyền thống, hay đơn giản là sử dụng những font chữ, kiểu thiết kế cũ, những bức ảnh đen trắng, những bản nhạc xưa,...

3. Tiềm năng tiếp thị mùa lễ hội qua SMS và Mobile Marketing

Theo một khảo sát của Adobe, hơn 88 tỷ USD doanh thu được thực hiện thông qua thiết bị di động trong kỳ nghỉ lễ năm 2021. Và chỉ trong 6 ngày xoay quanh Lễ Giáng sinh, hơn một nửa tổng doanh số bán hàng trực tuyến đã được thực hiện trên thiết bị di động. Vì vậy, tiếp thị qua SMS nói riêng và Mobile Marketing nói chung là một trong những hình thức marketing không thể bỏ qua trong dịp Lễ Hội cuối năm. Ưu điểm của các chiến dịch này là khả năng tiếp cận tức thì, có khả năng cá nhân hóa thông điệp và cập nhật theo thời gian thực, đáp ứng nhu cầu mua sắm lớn và dịp Lễ.

Một số tips giúp tối ưu chiến dịch SMS & Mobile Marketing trong dịp Lễ hội 2023 phải kể đến như:

  1. Đính kèm liên kết trực tiếp đến trang mua hàng trong tin nhắn SMS.
  2. Xây dựng và phân loại danh sách thuê bao theo từng đặc điểm khách hàng và mục tiêu cụ thể.
  3. Xây dựng nội dung, hình ảnh quảng cáo đậm chất lễ hội.
  4. Lưu ý về thời gian nhắn tin, không gửi quá nhiều để tránh gây mệt mỏi cho khách hàng.
  5. Cá nhân hóa nội dung như lời chào theo tên tuổi, cung cấp đề xuất sản phẩm dựa trên hành vi của khách hàng, ưu đãi theo khu vực địa lý,...
Tiềm năng tiếp thị mùa lễ hội qua SMS và Mobile Marketing

4. Truyền tải trọn vẹn thông điệp với Video Marketing

Cùng với sự phát triển của các nền trang video như Tik Tok, Youtube và các định dạng video ngắn như Reels trên Facebook và Instagram,... có thể thấy video marketing là một kênh tiếp thị quan trọng hàng đầu hiện nay. Một thống kê từ WebFx đã chỉ ra rằng 1 phút tiếp thị bằng video tương đương với 8 triệu từ khi tiếp thị bằng nội dung thường. Đặc biệt trong những mùa Lễ hội khi mà nhu cầu xem và giải trí của người tiêu dùng tăng cao, vai trò của Video Marketing lại càng quan trọng hơn hết.

Lưu ý, với các chiến dịch Video Marketing mùa Lễ, thương hiệu cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố cảm xúc thay vì quảng cáo quá nhiều về sản phẩm. Một số chủ đề video marketing mà thương hiệu có thể khai thác bao gồm: Các nội dung mang tính chất hoài niệm, Video Tips & Tricks cho ngày Lễ hội, Video “hậu trường” bên trong doanh nghiệp, chia sẻ đến từ đội ngũ nhân viên,...

5. Tổ chức các sự kiện tại cửa hàng

Mặc dù mua sắm trực tuyến đang là một xu hướng chiếm ưu thế, tuy nhiên vào những mùa Lễ Hội người tiêu dùng vẫn ưa chuộng việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng hơn để có thể tận hưởng không khí Lễ Hội trọn vẹn nhất. Theo nghiên cứu từ Mintel vào năm ngoái, có tới 94% người tiêu dùng cho biết có nhiều khả năng họ sẽ mua sắm trực tiếp trong mùa Lễ. Vì vậy, đừng quên tổ chức những sự kiện đặc biệt để thu hút khách đến với cửa hàng của bạn trong mùa Lễ hội này. Điển hình như các chương trình khuyến mãi, quà tặng đặc biệt, trang trí cửa hàng theo ngày Lễ, kết hợp các hoạt động giải trí như âm nhạc, bốc thăm trúng thưởng,...

6. Khai thác sức mạnh của email marketing trong mùa Lễ

Với nhu cầu mua sắm tăng cao, người tiêu dùng cũng chú ý nhiều hơn tới các thông tin về sản phẩm, chương trình ưu đãi,... thông qua các kênh như Email marketing. Vì vậy, tỷ lệ mở Mail trong những dịp Lễ Hội là rất lớn và khả năng chuyển đổi cũng tương đối cao. Một số lưu ý giúp tối ưu chiến lược Email Marketing của thương hiệu trong mùa lễ phải kể đến như:

  • Khởi tạo các chiến dịch email tự động: Nhắc nhở về sản phẩm trong giỏ hàng, Email chúc mừng theo từng dịp Lễ đặc biệt,...
  • Cá nhân hóa Email Marketing: Cá nhân hóa Email theo tên tuổi, đề xuất danh mục sản phẩm yêu thích phù hợp với từng khách hàng,...
  • Tối ưu tiêu đề Email: Khai thác tâm lý FOMO, sử dụng các biểu tượng cảm xúc, cá nhân hóa tiêu đề email theo tên khách hàng,...

7. Chú trọng vào các chương trình Loyalty marketing

Mặc dù nhu cầu mua sắm trong dịp lễ rất cao, nhưng đây cũng là thời điểm mà người tiêu dùng thường bàn luận với nhau về việc mua sắm gì, ở đâu và dễ dàng thay đổi thương hiệu khi gặp phải các yếu tố tác động xung quanh. Ngay cả những khách hàng trung thành của bạn cũng có thể sẽ chuyển sang các thương hiệu đối thủ bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, dữ liệu từ Clarus Commerce cũng chỉ ra rằng 81% người tiêu dùng lựa chọn các thương hiệu cụ thể trong kỳ nghỉ lễ năm 2021 vì các chương trình Loyalty của họ. Vì vậy, bên cạnh các chiến dịch quảng bá thương hiệu hay push sale, đừng quên các chương trình loyalty marketing để giữ chân và khai thác nhóm khách hàng cũ của thương hiệu.

Đối với các chiến dịch loyalty marketing trong dịp cuối năm, chủ đề về “lòng biết ơn, sự tri ân” đến khách hàng luôn là một hướng đi tiềm năng cho mọi nhãn hàng. Qua đó, khách hàng có thể cảm thấy được tôn trọng từ doanh nghiệp, làm cho hành động mua hàng của họ trở nên ý nghĩa và giá trị hơn. Đây cũng là chủ đề mà nhiều thương hiệu đã ứng dụng thành công trong những năm vừa qua như: Vinfast cùng chiến dịch "Cảm ơn đã tin yêu", Honda cùng “Triệu lời cảm ơn”, … hoặc lồng ghép sự biết ơn vào các chiến dịch mở rộng hơn như “Tết biết ơn” của OMO,...

Chú trọng vào các chương trình Loyalty marketing

Bên cạnh đó, thương hiệu cũng có thể tri ân khách hàng quan những hoạt động nhỏ lẻ hơn như gửi Email, Tặng thiệp giấy cảm ơn trong các sản phẩm, ưu đãi đặc biệt ... dành riêng cho những khách hàng cũ.

8. Influencer Marketing - Nhóm Micro & KOC được chú trọng nhiều hơn

Influencer Marketing vẫn luôn là một hình thức marketing phổ biến được các thương hiệu vận dụng quanh năm, bao gồm của mùa Lễ Hội. Trong mùa Lễ hội cuối năm 2023, Influencer Marketing có xu hướng chuyển dịch nhiều hơn sang nhóm Micro Influencer (phạm vi ảnh hưởng nhỏ từ 10000 - 100.000 người) đặc biệt là nhóm KOC. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng không lớn như các ngôi sao nổi tiếng, nhưng nhóm KOC lại có khả năng tác động lớn hơn tới niềm tin của người tiêu dùng và mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao hơn.

Tuy nhiên, nhóm Macro Influencer có sức ảnh hưởng lớn vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong các chiến dịch branding, tăng độ phủ rộng cho thương hiệu vào mùa cuối năm. Vì vậy, nếu hướng tới mục tiêu push sale cuối năm thương hiệu nên cân nhắc sử dụng các KOC, Micro Influencer có sức ảnh hưởng sâu sắc trong ngành, còn đối với các chiến dịch branding, viral marketing thì những Ngôi sao nổi tiếng, Macro Influencer lại là lựa chọn phù hợp hơn.

Thương hiệu cũng có thể kết hợp giữa hai nhóm người nổi tiếng này để tối ưu hiệu quả chiến dịch. Điển hình như cách làm của Trà Ô Long Tea+ trong chiến dịch #TetNoLo với Macro Influencer là ca sĩ nổi tiếng Bích Phương, cùng loạt TikToker có sức ảnh hưởng lớn như Lê Bống, Trà Đặng,... Bên cạnh đó, thương hiệu cũng hợp tác với hàng loạt KOL, KOC có sức ảnh hưởng nhỏ hơn để lan tỏa chiến dịch tới đông đảo người dùng.

Influencer Marketing - Nhóm Micro & KOC được chú trọng nhiều hơn

9. Triển khai các chiến dịch Marketing cảm xúc

Mùa Lễ Hội cuối năm luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt cho người tiêu dùng, không chỉ là cảm xúc tích cực như tình cảm gia đình, mong muốn sum vầy, đoàn viên, biết ơn,... mà đôi khi còn là những áp lực tài chính ngày Tết, hay nỗi buồn xa quê,... Vì vậy, các chiến dịch Marketing cảm xúc luôn được nhiều thương hiệu chú trọng trong mùa Lễ hội cuối năm, để có thể đồng cảm và chạm tới trái tim khách hàng. Đặc biệt, sau một năm với nhiều biến động như 2023, chắc chắn sẽ còn có nhiều khía cạnh cảm xúc mà thương hiệu có thể khai thác để tiếp cận khách hàng.

Nói đến các chiến lược Marketing cảm xúc, Coca-Cola là một trong số những thương hiệu khai thác rất hiệu quả hình thức này vào các mùa lễ hội. Tiêu biểu như chiến dịch marketing mùa Giáng sinh 2020 "The Letter", hay năm 2021 với “Real Magic at Christmas”,... năm 2023, Coca-Cola vẫn tiếp tục khai thác yếu tố cảm xúc bằng chiến dịch mới mang tên "The World Needs More Santas" với thông điệp ý nghĩa về lòng tốt và sự biết ơn. 

Một số hình thức Marketing cảm xúc có thể kể đến như Storytelling Marketing, TVC, Phim ngắn,... Ngoài ra còn có những ứng dụng công nghệ mới như AI, 3D tưởng chừng như khá vô cảm nhưng thực tế lại có thể tạo nên những trải nghiệm cảm xúc đa dạng hơn cho khách hàng. Ví dụ như cách mà Kinh Đô ứng dụng CGI để giúp người tiêu dùng làm sống động lại những bức ảnh xưa cũ của người thân trong dịp lễ Trung Thu 2021. 

>>> Xem thêm: Chiến lược marketing và phân chia thị trường của “Biểu tượng quần jean” toàn cầu Levi’s giúp thương hiệu tồn tại gần 200 năm

Tạm kết:

Mùa Lễ hội 2023 đã tới rất gần với hai dịp Lễ lớn là Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, cũng là mùa "chạy nước rút" để các thương hiệu có thể bứt phá doanh thu và tăng cường kết nối với khách hàng. Rất nhiều thương hiệu lớn đã "nhập tiệc" với những chiến dịch tiếp thị ấn tượng, đa dạng từ những thông điệp cảm xúc, ứng dụng AI, cho tới các hoạt động thường niên như khuyến mãi, TVC quảng cáo,.... Vì vậy, hãy mau chóng khởi động chiến dịch tiếp thị của bạn để đón một mùa Lễ hội bội thu sắp tới nhé!

Khánh Huyền - Marketing Ai

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.