- FPT Polytechnic thừa nhận nóng vội trong vụ “Giảng viên đầu tiên ở Việt Nam bị mất việc bởi AI”
- Vinacafe “thay áo mới” sau hơn 4 thập kỷ đồng hành cùng người tiêu dùng Việt
- Không chỉ là “vũ trụ GenZ”, Threads giờ còn là “thế giới GenY” với lượng người dùng tăng vọt: Thời tới cho các thương hiệu
- Maybelline làm “sống lại” thông điệp “Maybe it's Maybelline” từ năm 1991
FPT Polytechnic thừa nhận nóng vội trong vụ “Giảng viên đầu tiên ở Việt Nam bị mất việc bởi AI”
Mới đây, câu chuyện về việc sinh viên của trường Cao đẳng FPT Polytechnic bị “bêu rếu” vì dùng AI đang khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, sự việc xảy ra vào ngày 10/8 vừa qua tại cơ sở TP. HCM khi một sinh viên ngành Thiết kế đồ họa nhận về điểm 0 từ giảng viên với lý do "sử dụng AI, không có khả năng chỉnh sửa bài theo hướng dẫn của giảng viên, dẫn đến chất lượng bài thi không khác chất lượng bài thi trước đó”. Đáng chú ý, khi sinh viên thắc mắc về điểm số trong nhóm chat, giảng viên đã có những tin nhắn phê bình cách thức làm bài này.
Trước phản ánh phụ huynh của sinh viên yêu cầu nhà trường thẩm định lại, kết quả sau phúc khảo bài thi của em đạt 5 điểm, giảng viên cũng đã gặp và xin lỗi sinh viên. Điều đáng nói là sau đó, trường Phổ thông Cao đẳng FPT đã quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên này, kể từ ngày 28/8. Được biết đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam, một giảng viên bị mất việc bởi AI.
Thông tin nhanh chóng lan truyền và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Trước làn sóng dư luận, trong thông báo mới nhất, FPT Polytechnic thừa nhận đã có cách xử lý chưa thỏa đáng trong vụ việc này. Ngày 3/9 vừa qua, tức 7 ngày sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên trên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic chỉ đạo: "Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trước đó theo thỏa thuận giữa Nhà trường và giảng viên là nóng vội, chưa đáp ứng cơ sở pháp lý, đồng thời thiếu tính học thuật".
Sau khi trao đổi, nhà trường quyết định cho giảng viên tiếp tục quay trở lại giảng dạy tại trường, đồng thời gửi lời xin lỗi đến các bên liên quan và cộng đồng vì đã tạo ra những thông tin tiêu cực. Câu chuyện của FPT Polytechnic là một bài học xác đáng cho việc xử lý những sự vụ liên quan đến AI, nhất là trong môi trường mô phạm, để AI là “người bạn đồng hành” với giảng viên và sinh viên, thay vì là nỗi lo bị điểm kém hay buộc thôi việc.
Vinacafe “thay áo mới” sau hơn 4 thập kỷ đồng hành cùng người tiêu dùng Việt
Là một trong những “ông lớn” của ngành cà phê Việt Nam, Vinacafe đã có quá khứ vàng son khi quen mặt quen tên với nhiều thế hệ người tiêu dùng. Không từ chối guồng quay của sự phát triển, thương hiệu mới đây đã ra mắt bộ nhận diện mới cho cà phê chế biến Vietnam Coffee - thương hiệu chủ lực của Vinacafe.
Đây được coi là bước ngoặt trong hành trình phát triển thương hiệu, mang niềm tự hào với di sản, nông nghiệp của đất nước vào từng sản phẩm. Theo đó, thiết kế mới của Vietnam Coffee nổi bật với hình ảnh ngôi sao đỏ biểu tượng cho tinh thần Việt Nam, cùng khát vọng vươn xa trên trường quốc tế. Gam màu được chọn cho tên thương hiệu là màu xanh tượng trưng cho cao nguyên đại ngàn - nơi sản sinh ra những hạt cà phê, phản ánh bản sắc thiên nhiên và nguồn gốc của sản phẩm.
Kết hợp cùng dải ruy băng đỏ mang thông điệp "Ngôi sao cà phê Việt" như một lời khẳng định vị thế của thương hiệu. Phông chữ đậm được thiết kế với sự cứng cỏi pha chút mềm mại là biểu trưng cho cốt cách của con người Việt Nam.
Ông Đặng Hồng Tuấn, Tổng giám đốc Vinacafe chia sẻ: "Mỗi sản phẩm Vietnam Coffee luôn chứa đựng những câu chuyện về đất nước, con người và văn hóa Việt". Trên tinh thần phát triển sản phẩm song hành kết nối những giá trị văn hóa, "đây là những câu chuyện và nguồn cảm hứng để sáng tạo nên các sản phẩm của Vietnam Coffee - những điều chúng tôi muốn lan tỏa thông qua nhận diện thương hiệu mới này".
Không chỉ là “vũ trụ GenZ”, Threads giờ còn là “thế giới GenY” với lượng người dùng tăng vọt: Thời tới cho các thương hiệu
Trong "The Connected Consumer" quý II/2024 của Công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab vừa được công bố, báo cáo ghi nhận sự chuyển dịch đáng kể trong thói quen sử dụng MXH của người Việt. Theo đó, Meta - “tân binh khủng long” mới chào sân hổi tháng 7/2023 đang cho thấy bước phát triển thần tốc. MXH này nhanh chóng mở rộng tệp người dùng của mình, không chỉ gói gọn trong genZ (sinh từ năm 1997 - 2012) mà còn chào đón một số lượng đông đảo người dùng genY (sinh từ năm 1981 - 1996).
Threads chứng kiến 5% tăng trưởng về tỷ lệ người dùng tại Việt Nam chỉ riêng trong quý II vừa qua, trong đó Gen Z tăng 6% tỷ lệ sử dụng còn Gen Y sở hữu mức tăng ấn tượng 7%.
Decision Lab nhận định mức tăng trưởng đáng kể ở Gen Y cho thấy phạm vi người dùng chủ chốt của Threads đã không chỉ còn là Gen Z và mà đang “lấn sân” sang chinh phục các nhóm đối tượng khác. “Sự phát triển của Threads sang Gen Y cũng có thể một phần xuất phát từ bản chất của nền tảng này như một trang mạng xã hội microblogging (viết blog ngắn gọn). Gen Y là những người đầu tiên sử dụng internet và rất quen thuộc với các nền tảng blog trực tuyến. Sự thân thuộc này khiến Threads, với tính chất của một mạng xã hội dựa trên văn bản, trở nên dễ tiếp cận hơn với họ", Decision Lab phân tích.
GenZ vốn được biết đến là thế hệ tiên phong trong việc đón nhận và sử dụng các nền tảng MXH mới. Sự xuất hiện của Threads được coi là “mảnh đất màu mỡ” để các thương hiệu chinh phục genZ. Tuy nhiên, với những con số “biết nói” trên, các nhà tiếp thị cần có cái nhìn khác đi về mạng xã hội này. Việc Threads trở thành “thế giới của genY” mở ra cơ hội cho các thương hiệu trong việc kết nối với đa dạng người dùng trên không gian số. Trong bối cảnh các nền tảng khác đang liên tục phát triển để “níu chân” người dùng, Threads cũng cần mở rộng tính năng và dịch vụ để “chạm” tới nhiều đối tượng hơn và đáp ứng những nhu cầu ngày càng khắt khe của người dùng.
Được biết, sự bùng nổ của Threads trong thời gian gần đây là không thể chối cãi. Theo báo cáo AppFigures, MXH này đã vượt mặt nhiều “gã khổng lồ” như Instagram hay Youtube để lọt top 3 những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên iOS App Store vào tháng 7 vừa qua. Trước đó trong nửa đầu năm 2024, Threads giữ vững phong độ khi liên tục nằm trong top 10 ứng dụng có lượt tải về nhiều nhất trên các nền tảng.
Maybelline làm “sống lại” thông điệp “Maybe it's Maybelline” từ năm 1991
Xu hướng hoài niệm, làm mới những giá trị cũ đang trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều chiến dịch của các thương hiệu lâu năm. Maybelline - “cái tên” thuộc sở hữu của tập đoàn mỹ phẩm đình đám L’Oréal cũng không phải ngoại lệ. Mới đây, thương hiệu này đã tái hiện lại tinh thần "Maybe It’s Maybelline" - bức thông điệp ra mắt lần đầu vào năm 1991 với khẩu hiệu "Maybe she’s born with it, maybe it’s Maybelline". Đây được coi là thành công vang dội của Maybelline khi câu khẩu hiệu này nhanh chóng “viral” trong giới tiếp thị ngày ấy. Sau đó khẩu hiệu này đã bị ngừng sử dụng vào năm 2015, thay thế bằng "Make It Happen", nhưng tương đối mờ nhạt và không để lại nhiều ấn tượng.
Với lần “hồi sinh” này, "Maybe It’s Maybelline" được làm mới trên nền tảng TikTok - nơi các xu hướng mỹ phẩm lên ngôi với những video không chỉ review đơn thuần mà còn tạo trend bằng âm nhạc nhạc bắt tai. Được biết, chiến dịch mới này của Maybelline được hỗ trợ bởi Gotham - công ty sáng tạo nổi tiếng toàn cầu và âm nhạc trong đó được chắp bút bởi công ty Sixième Son chuyên về âm thanh thương hiệu.
Trisha Ayyagari, chủ tịch thương hiệu toàn cầu của Maybelline New York, cho biết: "Giai điệu của chúng tôi nắm bắt được tinh thần của thương hiệu, thể hiện sự tự tin, tính chân thật và sức mạnh." Bà cũng nhấn mạnh rằng giai điệu này đã vượt qua những cuộc trò chuyện trong văn hóa đại chúng suốt nhiều thập kỷ và bày tỏ sự hào hứng khi giới thiệu lại một phiên bản hiện đại và thú vị hơn cho thế hệ người dùng mới của Maybelline.
Maybelline cũng quên tận dụng làn sóng của những influencers để lan tỏa thông điệp mạnh mẽ cho lần trở lại này. Theo đó, các gương mặt đình đám như Hadid, Reid, Gou và Mitchell góp mặt trong một TVC được quay theo phong cách video call, khi họ cùng nhau thảo luận về chủ đề "maybe it’s..." để chia sẻ về cách họ sở hữu vẻ ngoài như hiện tại. Mặc dù "Maybe It’s Maybelline" đã có tuổi đời hơn 30 năm nhưng mức độ nhận diện thương hiệu cho thông điệp này vẫn ở mức ngất ngưởng với 84%, theo Ayyagari. Điều đó cho thấy khẩu hiệu này đã thấm sâu vào văn hóa đại chúng và ghim sâu vào tâm trí khách hàng.
Động thái mới này của Maybelline diễn ra trong bối cảnh cảnh doanh số của L’Oréal tăng 5,3% trong quý 2 năm nay. Trong đó, phải kể đến sự tăng trưởng hai con số trong phân khúc trang điểm được cho là nhờ vào các sản phẩm mới ra mắt, bao gồm phấn má Sunkisser của Maybelline.
>>> Đọc thêm: Techcombank & ClickMedia dùng AI viết nên bài hát ước mơ; Chuỗi hoạt động S-Camp tại 30 trường Đại học của CellphoneS
Bình luận của bạn