Đối thủ cạnh tranh là gì? Top 5 công cụ hỗ trợ phân tích đối thủ cạnh tranh các marketer nên biết

08 Thg 08

"Cạnh tranh giống như mối quan hệ giữa nước với thuyền, nước có thể đẩy thuyền, nhưng cũng có thể lật thuyền." Xét về mặt lợi, việc học hỏi từ chiến lược thành công của đối thủ cũng giúp chúng...

"Cạnh tranh giống như mối quan hệ giữa nước với thuyền, nước có thể đẩy thuyền, nhưng cũng có thể lật thuyền." Xét về mặt lợi, việc học hỏi từ chiến lược thành công của đối thủ cũng giúp chúng ta cải thiện chính bản thân. Đối thủ sẽ cho chúng ta những bài học, những cơ hội để xây dựng lợi thế cạnh tranh cho riêng mình. Vậy đối thủ cạnh tranh là gì? Cách phân tích đối thủ cạnh tranh chia làm mấy bước? Đâu là công cụ hỗ trợ phân tích đối thủ cạnh tranh hiệu quả trong thời đại digital marketing phát triển?

Đối thủ cạnh tranh là gì?

Đối thủ cạnh tranh là những cá nhân, tổ chức cùng chung phân khúc khách hàng, cung cấp các sản phẩm/dịch vụ tương đồng và có sức mạnh cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường.

Vietjet và Jetstar là hai đối thủ cạnh tranh trên thị trường vé máy bay giá rẻ

Vietjet và Jetstar là hai đối thủ cạnh tranh trên thị trường vé máy bay giá rẻ

Trên thị trường kinh doanh và dịch vụ hiện nay, hầu hết mọi hình thức buôn bán đều phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn như: Trong ngành dịch vụ hàng không, Vietjet và Jetstar là hai đối thủ cạnh tranh trên thị trường vé máy bay giá rẻ.

>>> Xem thêm: Lợi thế cạnh tranh là gì? 4 Cách xây dựng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Phân loại các đối thủ cạnh tranh

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp là những công ty hoặc doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ tương tự như bạn trong cùng khu vực địa lý. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhắm đến cùng một đối tượng khách hàng và phục vụ cùng một nhu cầu. 

Coca-Cola và Pepsi là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau

Coca-Cola và Pepsi là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nhau

Ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ, Apple và Samsung đã có một cuộc đối đầu cạnh tranh trong nhiều năm qua. Trên thị trường nước giải khát, Coca-Cola và Pepsi cũng là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Ở Việt Nam, có thể kể đến những màn đại chiến quảng cáo và cạnh tranh giữa Milo và Ovaltine, hoặc giữa các thương hiệu bột giặt như Omo, Tide và Lix.

Đối thủ cạnh tranh gián tiếp

Không giống như đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đối thủ cạnh tranh gián tiếp là những công ty/ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm tương tự như bạn, nhưng không hoạt động trong cùng khu vực địa lý. Như vậy đối thủ cạnh tranh gián tiếp nhắm đến cùng một đối tượng khách hàng và phục vụ cùng một nhu cầu thông qua các kênh phân phối khác nhau. 

Đối thủ cạnh tranh gián tiếp

Taxi truyền thống và Grab/Uber là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhưng lại là đối thủ cạnh tranh gián tiếp của tàu lửa, xe khách

Ví dụ, một cửa hàng tạp hóa có thể cạnh tranh gián tiếp với một siêu thị trực tuyến trong việc cung cấp các sản phẩm tương tự cho khách hàng. Hay dịch vụ tàu lửa, xe khách và các ứng dụng đặt xe như Grab/Uber/Gojek đều sẽ là đối thủ cạnh tranh gián tiếp của nhau.

Đối thủ tiềm năng/đối thủ tiềm ẩn

Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn là những công ty hoặc doanh nghiệp chưa hoạt động trong cùng lĩnh vực của bạn, nhưng có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh trong tương lai. Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn có thể xuất hiện do sự phát triển của công nghệ, thay đổi trong nhu cầu khách hàng, hoặc mở rộng của các công ty hiện có. Đây được đánh giá là mối đe dọa lớn có thể ảnh hưởng đến thị trường và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.

Đối thử cạnh tranh của Vinamilk là TH True Milk

Đối thử cạnh tranh của Vinamilk là TH True Milk

Tuy nhiên, đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn thường bị ngăn chặn bởi những rào cản liên quan đến chi phí, quy mô. Ví dụ như các doanh nghiệp sữa như Vinamilk và TH TrueMilk có tiềm lực về kinh tế, kinh nghiệm, quy mô sản xuất và các kênh phân phối nên có khả năng dễ dàng mở rộng và tham gia vào thị trường nước giải khát trong tương lai. Tương lai, những doanh nghiệp này có thể trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn của Tân Hiệp Phát hay Suntory Pepsico…

Tại sao cần phải phân tích đối thủ cạnh tranh?

Việc tìm hiểu và nghiên cứu đối thủ cạnh tranh cho doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Cụ thể:

#1. Giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường

Phân tích đối thủ cạnh tranh giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về thị trường mà chúng ta hoạt động. Bằng cách nắm bắt thông tin về các đối thủ cạnh tranh, chúng ta có thể đánh giá được kích cỡ và tiềm năng của thị trường, hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng, các xu hướng phát triển của ngành. Điều này giúp chúng ta đưa ra các quyết định chiến lược một cách thông minh và hiệu quả.

#2. Xác định điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp

Bằng cách so sánh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, chúng ta có thể nhận ra những điểm mạnh và cơ hội cạnh tranh mà chúng ta có, từ đó tìm cách tận dụng và phát triển thế mạnh của mình. Đồng thời, việc nhận ra những yếu điểm và thách thức mà chúng ta đang đối mặt sẽ giúp chúng ta đưa ra các biện pháp cải thiện kịp thời để tránh rủi ro không đáng có.

Xác định điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp

Doanh nghiệp xác định những điểm mạnh để tận dụng tối đa hiệu quả trong kế hoạch triển khai

#3. Nâng cao năng lực cạnh tranh

Bằng cách hiểu rõ về đối thủ và cách họ hoạt động, chúng ta có thể học hỏi từ những điểm mạnh và chiến lược thành công của đối thủ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể phát hiện ra những hạn chế và sai lầm của đối thủ để tránh mắc phải. Điều này giúp chúng ta phát triển năng lực cạnh tranh của mình và đạt được sự ưu thế trong thị trường.

#4. Tối ưu hoá chiến lược marketing

Việc phân tích đối thủ cạnh tranh cũng giúp chúng ta tối ưu hoá chiến lược marketing (các hoạt động về giá, PR, chiến lược sản phẩm…), đồng thời, tìm ra những lỗ hổng và cơ hội trong thị trường mà chúng ta có cơ hội khai thác để tăng cường hiệu quả chiến dịch marketing.

Các bước phân tích đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh

Bước 1: Lập danh sách các đối thủ cạnh tranh

Để tạo một danh sách đa dạng các đối thủ cạnh tranh, bạn cần tạo một danh sách có từ 7 đến 10 đối thủ có liên quan, trước khi quyết định lựa chọn những đối thủ bạn muốn phân tích. Việc lựa chọn có thể dựa trên các tiêu chí sau:

  • Tương đồng về loại sản phẩm, dịch vụ: Tìm các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực kinh doanh và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tương tự như của bạn.
  • Tương đồng về mô hình kinh doanh: Tìm các doanh nghiệp có cùng mô hình hoạt động và phương thức kinh doanh như ví dụ như cửa hàng trực tuyến, chuỗi cửa hàng, hoặc mô hình thương mại điện tử.
  • Tương đồng về đối tượng khách hàng, phân khúc giá cả: Xác định nhóm khách hàng mà bạn và các đối thủ đều nhắm đến và phục vụ. Các đối thủ cạnh tranh nằm trong cùng phân khúc về giá hoặc trùng tệp đối tượng khách hàng đối với doanh nghiệp bạn.
  • Tương đồng về thời gian tham gia thị trường: Tìm các doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành của bạn trong khoảng thời gian tương đương để có cái nhìn tổng quan nhất.
Thu thập, theo dõi và đánh giá các chỉ số truyền thông, tương tác của đối thủ là điều cần thiết

Thu thập, theo dõi và đánh giá các chỉ số truyền thông, tương tác của đối thủ là điều cần thiết

Bạn có thể tìm thông tin về đối thủ cạnh tranh thông qua các kênh sau:

  • Sử dụng công cụ tìm kiếm: Ví dụ như Google để tìm hiểu thông tin chung về các đối thủ cạnh tranh, bao gồm tên và thương hiệu của họ.
  • Quảng cáo trực tuyến: Theo dõi các quảng cáo hiển thị khi bạn sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm thông tin về đối thủ cạnh tranh.
  • Thu thập thông tin từ khách hàng: Sử dụng các phương pháp như khảo sát, phỏng vấn để thu thập ý kiến và thông tin từ khách hàng về đối thủ của bạn.
  • Theo dõi các ấn phẩm thương mại: Quan sát các trang web, mạng xã hội, trung tâm thương mại để theo dõi hoạt động và quảng cáo của đối thủ cạnh tranh.
  • Tham gia truyền thông xã hội và diễn đàn: Theo dõi các diễn đàn, nhóm trên mạng xã hội để thu thập thông tin và ý kiến từ người dùng.

Bước 2: Phân loại đối thủ cạnh tranh

Dựa vào danh sách các đối thủ cạnh tranh đã lập, bước tiếp theo là phân loại chúng vào các nhóm đối thủ cạnh tranh phù hợp để có thể lên được chiến lược cạnh tranh phù hợp cho từng nhóm cụ thể. 

Ví dụ, với đối thủ cạnh tranh trực tiếp, bạn có thể tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường dịch vụ khách hàng và xây dựng hình ảnh thương hiệu để tạo sự khác biệt. Với đối thủ cạnh tranh gián tiếp, bạn có thể tìm cách tăng cường giá trị cung cấp và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng. Và với nhóm đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn, bạn có thể theo dõi và nghiên cứu sự phát triển của họ để chuẩn bị cho các biện pháp cạnh tranh trong tương lai.

Bước 3: Thu thập thông tin đối thủ cạnh tranh

Để hiểu rõ và phân tích đối thủ cạnh tranh, bạn cần lên kế hoạch để thu thập các nhóm thông tin cơ bản bao gồm:

#1. Tổng quan về doanh nghiệp: Thu thập thông tin chung về đối thủ như cấu trúc, quy mô và phương thức hoạt động của họ.

#2. Sản phẩm/ Dịch vụ và giá cả: Tìm hiểu về bao bì, thiết kế, công dụng, cách sử dụng và đặc tính của sản phẩm của đối thủ. Sau đó, so sánh giá cả của sản phẩm và phân khúc giá mà đối thủ đang nhắm đến.

Bạn cũng nên xem xét xem sản phẩm của đối thủ có những điểm bán hàng độc đáo (USP) nào hơn sản phẩm của bạn không. Đồng thời, nghiên cứu từ khóa mà đối thủ đang sử dụng để mô tả sản phẩm của họ.

Tìm hiểu về các kênh mà đối thủ đang sử dụng để quảng bá sản phẩm

Tìm hiểu về các kênh mà đối thủ đang sử dụng để quảng bá sản phẩm

#3. Kênh phân phối: Tìm hiểu về các kênh mà đối thủ sử dụng để quảng bá sản phẩm: Xem đối thủ có sử dụng mạng xã hội không, nếu có, họ triển khai nội dung như thế nào, số lượng người theo dõi và mức độ tương tác là bao nhiêu.

Nghiên cứu cấu trúc kênh phân phối, hoạt động của kênh và nền tảng mà trang web của đối thủ được xây dựng. Đánh giá tốc độ trang web của đối thủ và xem xét những trang web khác đang liên kết với đối thủ mà không liên kết với bạn.

#4. Truyền thông: Đối thủ đang sử dụng cách thức tiếp thị trực tuyến hay ngoại tuyến, nội dung tương tác và hiệu quả trên các phương tiện truyền thông như thế nào. Hãy nghiên cứu các kiểu nội dung mà đối thủ đang sử dụng và học hỏi từ những nội dung đó. Ngoài ra, bạn cũng cần đánh giá mức độ nhận diện và phản hồi của khách hàng đối với đối thủ.

Bước 4: Lập bảng phân tích đối thủ cạnh tranh

Sang đến bước tiếp theo, lập báo cáo phân tích chi tiết. Để thực hiện việc này, bạn cần sắp xếp thông tin một cách khoa học trong một bảng để dễ dàng chia sẻ và cập nhật theo thời gian.

Trong bảng phân tích này, bạn có thể phân nhóm các đối thủ theo các tiêu chí khác nhau để so sánh và đối chiếu. Đồng thời, cần phân nhỏ và định lượng các tiêu chí đánh giá cho từng nhóm. Dưới đây là một số tiêu chí mà bạn có thể sử dụng:

#1. Tổng quan về doanh nghiệp: Bao gồm số lượng nhân viên, năm thành lập, quỹ tài chính, các nhà đầu tư, số lượng khách hàng, điểm mạnh/điểm yếu của doanh nghiệp đối thủ và các thông tin liên quan khác.

#2. Khách hàng: Bao gồm sản phẩm hoặc dịch vụ, yếu tố quyết định mua hàng của khách hàng, đặc điểm của đối tượng khách hàng, thông điệp truyền thông mà đối thủ sử dụng…

#3. Sản phẩm: Bao gồm đặc điểm của sản phẩm, giá cả, điểm mạnh/điểm yếu của sản phẩm, đánh giá của khách hàng về sản phẩm, và các thông tin liên quan khác.

#4. Đánh giá: mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp của bạn so với đối thủ, cơ hội và thách thức mà đối thủ mang lại.

Xây dựng bảng phân tích đối thủ cạnh tranh cho doanh nghiệp

Xây dựng bảng phân tích đối thủ cạnh tranh cho doanh nghiệp

Bằng cách sử dụng bảng phân tích này, bạn có thể có cái nhìn tổng quan về đối thủ cạnh tranh và dễ dàng so sánh các tiêu chí quan trọng. Điều này giúp bạn xác định được chiến lược cạnh tranh phù hợp và định hình kế hoạch hoạt động cho doanh nghiệp của mình.

Bước 5: Ứng dụng các mô hình phân tích đối thủ cạnh tranh

Dựa trên mục đích phân tích, bạn cần lựa chọn hoặc kết hợp các mô hình phân tích đối thủ cạnh tranh để có thể hiện hoá kế hoạch của mình. Cụ thể:

#1. Mô hình SWOT: Là công cụ hữu ích để phân tích điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và thách thức (Threats) trong một dự án hoặc tổ chức kinh doanh.

#2. Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Michael Porter: Là công cụ giúp xác định và phân tích năm lực lượng cạnh tranh khác nhau, áp dụng trong mọi ngành công nghiệp.

#3. Ma trận hình ảnh cạnh tranh CPM (Competitive Profile Matrix): Là một mô hình giúp xác định các đối thủ cạnh tranh chính của công ty, sau đó, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của công ty trong tương quan với vị thế chiến lược của công ty cạnh tranh.

Ứng dụng các mô hình phân tích đối thủ cạnh tranh

Mô hình SWOT

#4. Mô hình đa giác cạnh tranh: Là một mô hình sử dụng đồ thị đa giác để mô tả khả năng của một doanh nghiệp trong mối quan hệ với đối thủ hoặc nhóm các đối thủ.

#5. Phân tích nhóm chiến lược: Là một khung phân tích cạnh tranh cho phép bạn phân tích các doanh nghiệp đối thủ theo từng nhóm dựa trên sự tương đồng của chiến lược.

Bước 6: Lập báo cáo phân tích đối thủ cạnh tranh

Sau khi tìm hiểu các thông tin cần thiết, việc trình bày rõ ràng và cụ thể cho cấp trên trở nên quan trọng. Bạn cần tổng hợp thông tin và phân tích thành một bản báo cáo phân tích đối thủ cạnh tranh hoàn chỉnh, không chỉ về nội dung mà còn về trình bày.

Bản báo cáo đối thủ cạnh tranh đầy đủ thông tin sẽ giúp doanh nghiệp của bạn đưa ra các chiến lược tiếp thị và kinh doanh hiệu quả. Nó cung cấp cho cấp trên một cái nhìn tổng quan về đối thủ, giúp củng cố vị thế của doanh nghiệp trên thị trường và mở rộng thị phần kinh doanh.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách phân tích đối thủ cạnh tranh chi tiết

Các công cụ hỗ trợ phân tích đối thủ cạnh tranh

Google Alert – Công cụ kiểm soát lượng Mentions

Google Alert là một công cụ mạnh mẽ giúp bạn kiểm soát lượng mentions (đề cập) về từ khóa hoặc chủ đề quan tâm trên Internet. Được cung cấp bởi Google, công cụ này giúp bạn theo dõi và nhận thông báo tự động về các thông tin mới liên quan đến từ khóa bạn đã đăng ký.

Việc sử dụng Google Alert rất đơn giản. Bạn chỉ cần tạo các cài đặt cho từ khóa hoặc cụm từ mà bạn muốn theo dõi, sau đó Google Alert sẽ tự động quét và tìm kiếm trên Internet các nội dung mới liên quan đến từ khóa đó. Bạn có thể đặt các tùy chọn để chỉ nhận thông báo về nội dung mới nhất, hoặc nhận thông báo hàng ngày, hàng tuần hoặc theo tần suất khác.

Google Alert sẽ cung cấp cho bạn các kết quả tìm kiếm liên quan đến từ khóa bạn theo dõi, bao gồm tin tức, bài viết trên blog, diễn đàn, trang web và nhiều nguồn thông tin khác trên Internet. Bạn có thể sử dụng công cụ này để kiểm tra sự đề cập đến tên công ty của bạn, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, hay thậm chí đối thủ cạnh tranh.

SimilarWeb – Tool phân tích website của đối thủ

SimilarWeb là một công cụ phân tích website mạnh mẽ, cho phép bạn nghiên cứu và so sánh các trang web dựa trên nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Với các tính năng của SimilarWeb, bạn có thể thu thập thông tin quan trọng về đối thủ của mình, bao gồm: Nguồn traffic cụ thể, phân tích từ khoá, traffic và cam kết người dùng…

SimilarWeb – Tool phân tích website của đối thủ

SimilarWeb – Công cụ phân tích website của đối thủ

Social Mention – Công cụ phân tích mạng xã hội

Social Mention là một công cụ nổi tiếng và hữu ích giúp bạn theo dõi xu hướng và thông tin liên quan đến từ khóa mà bạn nhập vào. Với Social Mention, bạn chỉ cần nhập từ khóa mong muốn và công cụ này sẽ tạo ra một báo cáo đơn giản chứa tất cả các thông tin liên quan về bạn và cả đối thủ . Điểm nổi bật của công cụ này là khả năng thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như mạng xã hội, blog, diễn đàn… Sau đó, bạn sẽ nhận được thông tin về tần suất xuất hiện của từ khóa trong các nền tảng này, các bài viết, bình luận hoặc đề cập đến từ khóa đó.

SEMrush - Công cụ SEO hàng đầu

SEMrush là một công cụ SEO hàng đầu được sử dụng rộng rãi bởi các chuyên gia tiếp thị số và nhà quản lý website để nâng cao hiệu quả tìm kiếm và tăng cường sự hiện diện trực tuyến của doanh nghiệp. Bạn có thể xem được thông tin về lượng truy cập hàng tháng, nguồn traffic và thậm chí các từ khóa mà đối thủ đang xếp hạng trên Google. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về mức độ tương tác và sự phát triển của đối thủ trên mạng.

Bên cạnh đó, SEMrush cung cấp cảnh báo từ khóa cho biết danh mục từ khóa nào đang tăng trưởng nhanh và có tiềm năng cạnh tranh trong thị trường. Bạn có thể sử dụng thông tin này để tìm kiếm các cơ hội mới, điều chỉnh chiến lược từ khóa và định hình lại nội dung của mình để tăng cường vị thế cạnh tranh.

SEMrush - Công cụ SEO hàng đầu

SEMrush - Công cụ phân tích SEO hàng đầu

Không chỉ dừng lại ở SEO, SEMrush cũng cung cấp thông tin quảng cáo PPC, cho phép bạn xem và phân tích các chiến dịch quảng cáo của đối thủ trên các nền tảng như Google Ads và Facebook Ads. Bạn có thể xem thông tin về từ khóa quảng cáo, ngân sách quảng cáo, lượng truy cập và đánh giá hiệu quả quảng cáo của đối thủ.

Infinigraph – Công cụ mạng xã hội thăm dò kết nối người dùng

Với Infinigraph, bạn có thể tìm hiểu về sự phổ biến và tương tác của nội dung liên quan đến thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và nhiều nền tảng khác. Công cụ này giúp bạn thu thập và phân tích dữ liệu từ các bài đăng, bình luận, chia sẻ và lượt thích, từ đó hiểu rõ hơn về cách người dùng tương tác với nội dung của bạn.

Những tính năng điển hình: Content trend, Brand Map…

>>> Xem thêm: 4 công cụ miễn phí giúp phân tích đối thủ cạnh tranh hàng đầu cho marketer

Những lưu ý khi thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh

Những lưu ý quan trọng cần lưu tâm trong quá trình triển khai phân tích đối thủ cạnh tranh, có thể kể đến:

  • Phân tích đối thủ cạnh tranh là một quá trình liên tục: Thông tin về đối thủ luôn thay đổi theo thời gian và doanh nghiệp đối thủ cũng không ngừng phát triển. Do đó, việc thu thập dữ liệu và phân tích đối thủ cần được thực hiện đều đặn và liên tục, không chỉ là một công việc một lần duy nhất.
  • Chú ý đến thời gian và thời điểm phân tích: Khi xem xét dữ liệu đối thủ, hãy xem xét sự phát triển và tiến bộ của các công ty theo thời gian, thay vì chỉ xem xét phương pháp và chiến lược của họ tại một thời điểm cố định. Điều này giúp bạn có cái nhìn tổng quan về sự thay đổi và phát triển của đối thủ.
  • Xác định định hướng ngay từ đầu: Trước khi bắt đầu phân tích, hãy xác định rõ mục tiêu và những gì bạn muốn tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh. Điều này giúp bạn tập trung vào việc thu thập thông tin quan trọng và tránh mất thời gian trong việc tìm kiếm thông tin không liên quan.
  • Dựa trên dữ liệu để phân tích và đưa ra quyết định: Trong quá trình phân tích, quan trọng là dựa trên dữ liệu chính xác và khách quan thay vì dựa vào các thành kiến cá nhân hoặc giả định. Hãy đảm bảo kiểm tra kỹ lưỡng và xác minh dữ liệu trước khi đưa ra bất kỳ kết luận hay quyết định nào.
  • Đầu tư để có thông tin chất lượng: Để thu thập thông tin chất lượng và đáng tin cậy, hãy sẵn sàng đầu tư thời gian, công sức và tài nguyên. Điều này giúp đơn giản hóa quá trình thu thập dữ liệu và đảm bảo rằng bạn có cơ sở thông tin đáng tin cậy để đưa ra những kết luận và quyết định chính xác.

Tạm kết

Trong kinh doanh, việc nắm bắt thông tin về đối thủ cạnh tranh không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ, mà còn là một cơ hội để phát triển và tiến bộ. Bằng cách theo dõi và phân tích đối thủ, chúng ta có thể khám phá những điểm mạnh và điểm yếu của họ, từ đó xác định được những lỗ hổng trong thị trường và tìm ra cách tận dụng chúng. Hy vọng bài viết trên đã cho bạn cái nhìn tổng quan xoay quanh khái niệm “Đối thủ cạnh tranh là gì”.

Thanh Thanh - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.