cover

Chiến lược truyền thông giúp Đường Lên Đỉnh Olympia giữ nhiệt suốt hai thập kỷ

16 Thg 10

Không phải những "hot trend" trên mạng xã hội hay các drama của người nổi tiếng trong thời gian gần đây, tin tức được quan tâm nhiều nhất lại là vòng chung kết năm của cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia. Đã 24 năm kể từ khi số đầu tiên của chương trình này được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhưng sức hút của Đường Lên Đỉnh Olympia đối với khán giả dường như vẫn chưa hạ nhiệt. Vậy, chương trình đặc biệt này đã truyền thông như thế nào để duy trì sức ảnh hưởng của mình với từng thế hệ học sinh trong suốt hơn 2 thập kỷ qua?

Mới đây, vào ngày 13/10, Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24 đã chính thức khép lại với ngôi vị quán quân thuộc về thí sinh Võ Quang Phú Đức, học sinh trường THPT chuyên Quốc Học, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay sau khi tìm ra nhà vô địch mới, các thông tin về Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia, tên tuổi của Võ Quang Phú Đức cùng các thí sinh trong đêm chung kết, cũng như bầu không khí cổ vũ sôi động tại các điểm cầu truyền hình,.... đã trở thành chủ đề nóng, phủ sóng trên khắp các mặt báo và mạng xã hội. Chương trình lọt Top 3 show truyền hình hot trong tuần (Theo YouNet), vượt mặt hàng loạt gameshow hot với sự tham dự của người nổi tiếng. Một lần nữa cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của chương trình đặc biệt này vẫn luôn được duy trì sau 24 năm phát sóng, đồng hành cùng nhiều thế hệ khán giả.

Chiến lược truyền thông giúp Đường Lên Đỉnh Olympia

Chương trình lọt Top 3 show truyền hình hot trong tuần

Đường Lên Đỉnh Olympia - Gameshow 22 năm tuổi đứng giữa hàng loạt hotshow mới

Phát sóng tập đầu tiên vào tháng 3 năm 1999, Đường Lên Đỉnh Olympia là một trong những chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Đây cũng là sân chơi đầu tiên dành cho đối tượng là học sinh trên sóng truyền hình. Chương trình được tổ chức theo dạng một cuộc thi kiến thức tổ chức định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, và cuối cùng là chung kết năm để chọn ra nhà vô địch. Các kiến thức trong cuộc thi rất đa dạng, gắn liền với những môn học của học sinh Việt Nam từ Toán, Lịch sử, Tiếng Anh,..... Người chiến thắng không chỉ nhận được vòng nguyệt quế danh giá, giải thưởng tiền mặt, mà còn có cơ hội du học tại Úc. Vì vậy, ngay từ những năm đầu phát sóng, Đường Lên Đỉnh Olympia đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của học sinh, thầy cô giáo, phụ huynh, cũng như toàn thể người xem trên cả nước, trở thành ước mơ của đông đảo thế hệ học sinh Việt Nam.

Ngày nay, sự bùng nổ của mạng internet mang lại cho cho người dân nhiều nền tảng giải trí mới, khiến cho các show truyền hình khó tiếp cận người xem hơn. Ngay cả trên mặt trận truyền hình, cũng có hàng loạt gameshow mới với format hấp dẫn và thú vị, lôi cuốn người xem bởi đông đảo người nổi tiếng tham dự,... Vì vậy, các chương trình truyền hình nổi tiếng cùng thời với Đường Lên Đỉnh Olympia như Hãy Chọn Giá Đúng, Chiếc Nón Kỳ Diệu,... đều đã phải chịu chung cái kết ngừng phát sóng.

Bất chấp những thách thức đó, Đường Lên Đỉnh Olympia vẫn phát triển ổn định trong suốt hai thập kỷ qua và trở thành một trong số ít các gameshow đời đầu của VTV vẫn còn tồn tại đến thời điểm hiện tại. Màn đấu trí căng thẳng của các thí sinh để giành lấy những chiếc vòng nguyệt quế danh giá vẫn có một sức hút mạnh mẽ đối với phía người dân Việt Nam. Các thông tin về cuộc thi vẫn luôn phủ sóng trên các kênh truyền thông, thu hút được sự chú ý của nhiều thế hệ khán giả, từ những học sinh 8X, 9X của 10, 20 năm trước - nay đã trở thành các bậc phụ huynh, cho đến thế hệ học sinh 10X của hiện tại.

Chiến lược truyền thông phía sau sức hút kéo dài hai thập kỷ của Đường lên đỉnh Olympia

Phía Sau sự thành công như kéo dài suốt hơn hai Thập kỷ của Đường Lên Đỉnh Olympia là những bài học khá thú vị dành cho giới truyền thông và Marketing.

#1. Làm mới hình ảnh & chiến lược truyền thông theo sự chuyển giao của các thế hệ

Số tuổi phát sóng của chương trình đang lớn lên từng ngày nhưng cách truyền thông của Đường Lên Đỉnh Olympia thì lại luôn trẻ theo từng thế hệ. Chính sự đổi mới không ngừng từ cách thức triển khai hình ảnh chương trình với các hoạt động truyền thông đã giúp cho Đường Lên Đỉnh Olympia thích nghi với sự chuyển giao của từng thế hệ học sinh và khán giả tại Việt Nam trong suốt hai thập kỷ qua và không bị lỗi thời như những gameshow “đồng trang lứa”.

Ngày nay chương trình phát sóng trong thời đại của thế hệ học sinh 10x - những bạn trẻ GenZ năng động sáng tạo, nhưng cũng không kém phần cá tính. Vì vậy màu sắc truyền thống của Đường Lên Đỉnh Olympia cũng đã trở nên đa dạng và độc đáo hơn rất nhiều. Một ví dụ điển hình như trên kênh Fanpage của Đường Lên Đỉnh Olympia, bên cạnh các tuyến nội dung cập nhập về thông tin như thường lệ, đội ngũ truyền thông của chương trình cũng không ngại sử dụng những hình thức marketing mới đậm chất Gen Z như Meme marketing để phù hợp hơn với tệp khán giả mới này. Ngay cả luật chơi của Đường Lên Đỉnh Olympia cũng đã được làm mới nhiều lần, nhằm mang lại một sân chơi kịch tính, hấp dẫn hơn, phù hợp với tính cách năng động và sáng tạo của thế hệ trẻ.

Cùng với đó, hình ảnh của chương trình cũng được trẻ hóa khi thay đổi đội ngũ MC mới với gương mặt rất gần gũi với Gen Z - Khánh Vy. Chương trình cũng rất khéo léo chiều lòng các bạn trẻ khi sẵn sàng mời những thần tượng mà họ yêu quý đến với chương trình. Đêm chung kết 13/10 vừa qua là một ví dụ điển hình, chương trình đã mời DJ nổi tiếng thế giới Alan Walker - Thần tượng của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam trực tiếp tham gia đặt câu hỏi cho phần thi tiếng Anh trong chương trình. Thậm chí, để dành tặng một món quà đặc biệt cho thí sinh, đội ngũ của Đường Lên Đỉnh Olympia đã sẵn sàng sang tận trụ sở của CLB bóng đá nổi tiếng thế giới Manchester United để mời các ngôi sao ở đây gửi lời chúc và tặng áo cho thí sinh Nhật Minh - Một fan hâm mộ của MU.

Đây không chỉ là những món quà đặc biệt dành cho các bạn thí sinh mà còn là một nước đi kép, một cách thức để chương trình vừa nâng cao giá trị, vừa thúc đẩy tinh thần tham dự của các bạn học sinh trên cả nước từ đó nâng cao chất lượng thí sinh. Và đặc biệt đây cũng là cách thức hiệu quả để tạo sự chú ý trên truyền thông đối với đông đảo khán giả.

#2. Chiến lược truyền thông địa phương thông minh

Một trong những "đặc sản" không thể thiếu trong các trận chung kết nảy lửa của Đường Lên Đỉnh Olympia chính là sự cổ vũ nhiệt tình từ các điểm cầu truyền hình của các tỉnh, thành phố nơi có thí sinh góp mặt. Việc tường thuật trực tiếp hoạt động cổ vũ từ các trường học, địa phương giúp cuộc thi vượt qua quy mô cuộc thi cá nhân, trở thành một cuộc thi có tầm ảnh hưởng tới cả một tập thể, một tỉnh thành.

Sau 24 năm phát sóng, những hoạt động cổ vũ này đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của chương trình, trở thành một cách thức để các địa phương thể hiện tinh thần đoàn kết, niềm tự hào, hiếu học. Vì vậy, hoạt động cổ vũ ngày càng được tổ chức với quy mô lớn hơn, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương. Điển hình như trong trận chung kết diễn ra vào ngày 13/10 vừa qua, để cổ vũ cho thí sinh Phú Đức đến từ Huế, 8.000 học sinh tại đây đã cùng hội ngộ tại Quảng trường Ngọ Môn, xếp thành hình nón lá khổng lồ và khoác trên mình những bộ áo dài truyền thống, tạo nên một màn cổ vũ không kém cạnh các chương trình thể thao quốc gia..

Điểm cầu Huế trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24

Điểm cầu Huế trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24

Chiến thuật đặc biệt này đã giúp Đường Lên Đỉnh Olympia có được một lực lượng “truyền thông” hùng hậu tại từng tỉnh thành trên cả nước, củng cố tầm ảnh hưởng của chương trình đối với khán giả tại từng địa phương. Đồng thời, màn đấu ngầm của các “hậu phương” cũng khiến cho quy mô cổ vũ ngày càng lớn hơn, khẳng định cho tầm ảnh hưởng và vị thế của chương trình ngày một tăng cao. Hoạt động này cũng làm cho các cuộc thảo luận xoay quanh cuộc thi trở nên rầm rộ hơn.

#3. Định vị giá trị hoàn toàn khác biệt với thị trường gameshow

Bên cạnh hai yếu tố truyền thông nổi bật, chiến lược định vị độc đáo cũng là một trong những lý do quan trọng giúp Đường Lên Đỉnh Olympia có được vị thế riêng biệt trong lòng khán giả Việt Nam. Chương trình hướng đến một tệp người chơi mà các gameshow khác thường bỏ quên đó là thế hệ học sinh. Đi cùng với thị trường ngách này, thương hiệu còn lựa chọn một định vị rất độc đáo, đó là tập trung vào giá trị của tri thức.

Trong suốt hơn hai thập kỷ phát sóng, mỗi tập của Đường Lên Đỉnh Olympia đều mang đến những kiến thức giá trị và thực tiễn cho học sinh và khán giả nói chung. Vì vậy, đối với các bạn học sinh, đây không chỉ là một sân chơi đáng mơ ước mà còn là một kênh học tập và trau dồi kiến thức thông qua những góc nhìn thú vị, hấp dẫn và đầy kịch tính.Các hoạt động truyền thông của chương trình cũng nhấn mạnh định vị là một sân chơi trí thức, nơi sàng lọc những học sinh hàng đầu từ các trường THPT trên toàn quốc. Các kênh truyền thông của chương trình cũng tập trung vào các nội dung xoay quanh kiến thức, thi cử, học đường,....

Tới nay, dù có nhiều thay đổi về mặt hình ảnh, nhưng chương trình vẫn giữ được giá trị cốt lõi về tính tri thức. Đặc biệt, chất lượng thí sinh luôn được đảm bảo thông qua những hình thức như: Quà tặng khủng, đặc biệt để thu hút các thí sinh chất lượng tham dự, các hoạt động tôn vinh thí sinh rầm rộ trên các kênh truyền thông,... Vì vậy, đối với mỗi thế hệ học sinh Việt Nam, Đường Lên Đỉnh Olympia đã trở thành một sân chơi tri thức đáng mơ ước, và cũng là một món ăn tinh thần quen thuộc, đồng hành trên hành trình trưởng thành.

Một số hình thức truyền thông khác

Bên cạnh các yếu tố trên, Đường Lên Đỉnh Olympia cũng không ít dậy sóng vì gặp phải những tranh cãi xoay quanh cuộc thi, đặc biệt là những câu hỏi mẹo, hóc búa với nhiều đáp án khó lường khiến cộng đồng mạng xôn xao bàn luận. Đây cũng có thể là một hình thức Controversial marketing (Tiếp thị gây tranh cãi) mà Đường Lên Đỉnh Olympia đã sử dụng để duy trì mức độ thảo luận của chương trình, lôi cuốn cộng đồng mạng cùng tham gia vào tìm kiếm lời giải. Ngoài ra, chương trình cũng chú trọng vào việc truyền thông trên đa nền tảng, từ các tuyến bài PR báo chí để củng cố uy tín, đặc biệt là tiếp cận nhóm phụ huynh, thầy cô, cho tới các kênh truyền thông mới như TikTok để tiếp cận tới người trẻ.

>>> Bạn có thể quan tâm: Góc nhìn truyền thông sau Miss Universe Vietnam 2024

Lời kết:

Nhìn chung, sự chuyển mình linh động là yếu tố quan trọng nhất để giúp cho Đường Lên Đỉnh Olympia thích nghi với sự chuyển giao thế hệ người xem trong suốt 22 năm qua. Từ hình ảnh, format và đặc biệt là chiến lược truyền thông đều được làm mới để đáp ứng insight của thế hệ trẻ. Ngoài ra, chương trình cũng có những chiến lược truyền thông tại địa phương hiệu quả, kích thích các cuộc thảo luận trên mạng xã hội thông qua Controversial marketing, truyền thông đa kênh,... Kết hợp với một định vị khác biệt giúp cho Đường Lên Đỉnh Olympia vẫn luôn có được một vị thế khó có thể thay đổi trong lòng khán giả Việt. 

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.