- 1. Phá vỡ bức tường thứ 4 - “phương tiện” nổi tiếng trong điện ảnh
- 2. Livestream - hình thức “phá vỡ bức tường thứ 4” được lòng các nhãn hàng
- 3. “Phá vỡ bức tường thứ 4” trong livestream như thế nào cho hiệu quả?
- “Trao quyền” cho người xem tham gia vào phiên live
- Truyền tải review chân thực chinh phục lòng tin khách hàng
- Nắm bắt xu hướng, đu trend để giữ chân người xem
- Gương mặt đại diện livestream quyết định những “khoảnh khắc vàng” trong phiên live
1. Phá vỡ bức tường thứ 4 - “phương tiện” nổi tiếng trong điện ảnh
“Bức tường thứ 4” - thuật ngữ bắt nguồn từ nghệ thuật sân khấu dùng để chỉ “bức tường” tưởng tượng ngăn cách câu chuyện trong tác phẩm với thế giới thật. Trong biểu diễn, sân khấu được bao quanh bởi ba bức tường (phía sau và hai bên cánh), và một “bức tường thứ 4” vô hình được để lộ trước mặt khán giả. Còn trong điện ảnh, “bức tường thứ 4” chính là màn ảnh trước mắt người xem.
“Phá vỡ bức tường thứ 4” là thủ pháp cho phép nhân vật nhận thức về sự hiện diện của mình trong bộ phim và giao tiếp với khán giả (thông qua hướng nhìn, lời thoại, hành động…) “Phá vỡ bức tường thứ 4” xóa nhòa đi ranh giới giữa thế giới phim ảnh và thế giới đời thực. Nhân vật trong phim cũng có thể tương tác với người xem về những vấn đề đang xảy ra ở thời điểm hiện tại bên ngoài đời thật.
Gần đây nhất, cơn sốt phòng vé Deadpool cũng đã sử dụng khéo léo thủ pháp này, khiến cho người xem không khỏi bật cười với những tình tiết “cà khịa” không thương tiếc đối thủ của mình - DC. Ở một cảnh, khán giả phấn khích trước hình ảnh Henry Cavill biến thành một phiên bản Wolverine. Henry vốn gắn liền với hình tượng Superman, nhân vật chủ chốt của Vũ trụ mở rộng DC. Gặp Henry Cavill trong hình dạng dị nhân, Deadpool nói đùa Marvel kiếm được nhiều tiền hơn DC, ám chỉ đa số tác phẩm của DC bị giới phê bình ghẻ lạnh và thất bại doanh thu. “Phá vỡ bức tường thứ 4” giúp nhân vật trong phim sống thêm cả cuộc đời ngoài đời thật, và mang họ tới gần hơn với khán giả sau màn ảnh.
Từ lĩnh vực nghệ thuật, “phá vỡ bức tường thứ 4” giờ đã không chỉ nằm trên màn ảnh. Với sự phát triển không ngừng nghỉ của livestream đa nền tảng, có thể coi đây cũng là một hình thức “phá vỡ bức tường thứ 4” - nơi host livestream có thể tương tác trực tiếp với người xem ngoài đời thực.
>>>Đọc thêm: Heinz "thao túng tâm lý" khách hàng khi biến Deadpool & Wolverine thành hai chai tương cà và mù tạt
2. Livestream - hình thức “phá vỡ bức tường thứ 4” được lòng các nhãn hàng
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người dùng, xu hướng tiếp thị đang dần chuyển dịch từ video review sang hình thức livestream trực tuyến. Thực tế chứng minh thị trường livestream giờ chẳng khác gì “chiến trường” khi các livestreamer xuất hiện như “nấm sau mưa”. Những phiên livestream bạc tỷ xuất hiện ngày một nhiều.
Dân tình từng xôn xao trước giá trị phiên live đạt 150 tỷ đồng của gia đình Quyền Leo Daily dù tài khoản này cũng đã cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng trước đó không lâu. Chưa kể những livestreamer “tay ngang” như chị đẹp Diệp Lâm Anh cũng kiếm tới 35 tỷ đồng chỉ sau một phiên livestream.
Theo thông tin từ AccessTrade Việt Nam, bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng - một con số không hề nhỏ cho thấy sự nở rộ của hình thức livestream này tại Việt Nam. Tiềm năng thúc đẩy của việc mua sắm qua livestream có thể lên tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026 càng là minh chứng cho sự “màu mỡ” của lĩnh vực này.
Sự tương tác trực tiếp giữa người bán và người mua trên livestream là yếu tố then chốt để livestream thúc đẩy hành vi “chốt đơn” của khách hàng. Thay vì chỉ tìm kiếm thông tin khi có nhu cầu, khách hàng có thể tương tác trực tiếp để có thông tin chi tiết hơn về sản phẩm. Chính điều đó đã giúp quá trình cung cấp thông tin diễn ra tự nhiên và chân thật. Khách hàng được dịp trải nghiệm, chia sẻ trực tiếp về sản phẩm và được giải đáp thắc mắc bởi những “chuyên gia” là Influencer hoặc từ chính nhãn hàng.
Theo báo cáo "Beyond Influence", 56% người xem phát trực tiếp đánh giá việc giao tiếp và kết nối với những người livestream dễ dàng hơn so với những người sáng tạo nội dung video không phát trực tiếp. Cũng theo báo cáo này, 89% người xem phát trực tiếp cho biết họ tham gia vào các hoạt động trên livestream để thể hiện sự ủng hộ đối với nhà sáng tạo yêu thích hoặc nhãn hàng.
Với những hiệu quả vượt trội của hình thức bán hàng này, livestream giờ cũng là cả một nghệ thuật. “Phá vỡ bức tường thứ 4” trong livestream cũng cần cả một sự tính toán. Vậy làm sao để livestreamer thu hút sự chú ý của người xem và giữ chân họ? Bản sắc cá nhân và trải nghiệm độc đáo mang tới khán giả trong phiên live liệu có phải chìa khóa để thành công?
3. “Phá vỡ bức tường thứ 4” trong livestream như thế nào cho hiệu quả?
“Trao quyền” cho người xem tham gia vào phiên live
Là hình thức kết nối đề cao sự tương tác, nhãn hàng cần tận dụng lợi thế này của livestream để tối ưu hóa các hoạt động trao đổi giữa người bán - người mua trong phiên live. Việc liên tục cập nhật các hoạt động bên ngoài màn hình giúp host và nhãn hàng kết nối với người xem.
Thương hiệu có thể sử dụng các tính năng như thăm dò ý kiến, bỏ phiếu và trò chuyện trực tiếp kết hợp với tổ chức các trò chơi, thử thách để mang đến cho người xem quyền ảnh hưởng đến nội dung sáng tạo. Khi nhãn hàng “trao quyền” cho người dùng tham gia vào phiên live, họ sẽ có cơ hội thể hiện lòng tin và tình yêu với thương hiệu một cách sâu sắc. Đồng thời việc trở thành một phần của phiên live cũng giúp phá vỡ rào cản giữa đôi bên và thúc đẩy tâm lý “rút hầu bao” một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Truyền tải review chân thực chinh phục lòng tin khách hàng
Không phô trương những thứ bóng bẩy, nhãn hàng livestream để “phơi bày” tính chân thực của sản phẩm và tạo dựng lòng tin nơi khách hàng. Trong một môi trường ngập tràn những hình ảnh được chỉnh sửa sao cho hấp dẫn cùng những lời review “có cánh”, người dùng trở nên cảnh giác hơn với nội dung và sản phẩm trên không gian mạng. Nhưng livestream có thể là “liều thuốc” cứu cánh nhằm vực dậy lòng tin nơi khách hàng. Thông qua những phần trực tiếp trải nghiệm ngay trên livestream, người dùng sẽ có một cái nhìn trực quan hơn về sản phẩm.
Đơn cử như các mặt hàng như quần áo, hay đồ ăn, nếu chỉ nghe review hay xem video mô tả, người mua sẽ khó hình dung ra trải nghiệm khi ăn thử, mặc thử sẽ như thế nào. Tuy nhiên, thông qua livestream, sản phẩm sẽ trở nên sống động và chân thực còn người mua có thể hình dung rõ rệt hơn về chất lượng khi sử dụng.
Nắm bắt xu hướng, đu trend để giữ chân người xem
Bên cạnh đó, yếu tố không thể thiếu để “phá vỡ bức tường thứ 4” chính là bắt trend. Những xu hướng đang rầm rộ nhất trên mạng xã hội, những câu nói viral nhất mà ai cũng quan tâm đều có thể mang vào phiên live để thu hút người xem. Với tính chất phát sóng trực tiếp, không chịu sự ràng buộc về chỉnh sửa, livestream có lợi thế dễ dàng cập nhật liên tục những thông tin hot, xu hướng hay đang diễn ra ngay tại thời điểm phát sóng. Đây cũng có thể coi là những “khoảnh khắc vàng” để giữ chân và chiếm trọn cảm tình của khán giả.
Gương mặt đại diện livestream quyết định những “khoảnh khắc vàng” trong phiên live
Sự trọn vẹn và thành công của một phiên live còn được quyết định bởi một nhân tố chủ chốt - người cầm trịch livestream. Chọn gương mặt đại diện xuất hiện trên phiên live cũng cần cả một sự tính toán của nhãn hàng. Một trong những yếu tố giúp “phá vỡ bức tường thứ 4” trong điện ảnh hiệu quả chính là những “moment” đầy tinh tế, hài hước được đặt để thông minh mà không gây khó chịu hay phản cảm. Vì thấy người đại diện livestream không chỉ cần có hiểu biết sâu sắc về nhãn hàng mà cần có khả năng hoạt ngôn để tăng tương tác và tạo ra những khoảnh khắc kết nối sâu sắc giữa thương hiệu và người dùng.
Trên thị trường hiện nay, các livestreamer đang phải dè chừng trước một cái tên sừng sỏ - Hằng Du Mục. Thành tích của “chiến thần livestream” này với 22 tấn sầu riêng bán ra chỉ trong 5 phút hay tổng kết phiên live với tổng 103 tấn gạo được chốt đơn là những con số đủ sức làm choáng mình. Lý giải về độ hot của các phiên live này, nhiều người phải trầm trồ khi ngoài khả năng ăn nói, am hiểu sản phẩm thì những khoảnh khắc tương tác chân thực, có phần hài hước và đáng yêu của Hằng Du Mục chính là thứ giữ chân người xem và thuyết phục người xem chốt deal.
>>> Bạn có thể quan tâm: 04 bài học Marketing từ màn livestream "đỉnh chóp" giúp "chiến thần" Võ Hà Linh bán sạch 3 nhà máy
Lời kết:
Từ định nghĩa phổ biến trong phim ảnh, giờ “phá vỡ bức tường thứ 4” đã hiện hữu ngay trong chính những hoạt động thường nhật, gần gũi như livestream. Tăng cường sự tương tác trong thời gian thực, “trao quyền” cho người xem tham gia vào nội dung phiên live hay chinh phục lòng tin bằng những review trải nghiệm chân thực chính là những cách để “phá vỡ bức tường thứ 4” trên livestream hiệu quả. Nhãn hàng cần bắt trọn khoảnh khắc để lấy lòng khách hàng, từ đó thúc đẩy quyết định chốt đơn của họ ngay trên phiên livestream.
Bình luận của bạn