Thị trường quảng cáo Việt Nam đang ở giữa sự thay đổi lớn từ truyền thống sang kỹ thuật số, đặc biệt khi điện thoại di động đã thay đổi lối sống của người tiêu dùng, họ sẽ dành nhiều thời gian hơn mỗi ngày để lướt mạng. Vào tháng 8 năm nay, Q&Me đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 135 doanh nghiệp (102 thương hiệu, 20 agency, 13 công ty truyền thông), nhằm thấu hiểu được hoạt động Marketing của họ, mối quan hệ giữa Brand và Agency, đồng thời tìm ra được vấn đề hiện hành của thị trường Digital Marketing tại Việt Nam.
Tổng quan hoạt động Digital Marketing tại doanh nghiệp Việt Nam
Hoạt động Digital Marketing có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo mục đích của mình thì các doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức phù hợp. Trong số các hoạt động Digital Marketing hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào quảng cáo trên mạng xã hội là nhiều nhất.
Biểu đồ trên là phản ánh độ phổ biến của các hoạt động Digital Marketing mà doanh nghiệp Việt Nam sử dụng. Dẫn đầu là quảng cáo trên mạng xã hội với 84% doanh nghiệp sử dụng hình thức này. Theo sau là hình thức quảng cáo tìm kiếm (SEM) và quảng cáo hiển thị (GDN) với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 52% và 46%. Có thể nói, quảng cáo trên mạng xã hội là hình thức phổ biến với mọi loại hình và quy mô của công ty. Theo thống kê, có tới 94% doanh nghiệp vừa/lớn chi tiêu cho loại hình này, ngoài ra 79% doanh nghiệp nhỏ cũng thực hiện điều tương tự. Trong đó, những hoạt động Digital Marketing còn lại thường được doanh nghiệp vừa/lớn sử dụng. Đó là lý do Influencer Marketing không được sử dụng nhiều, bởi lẽ có tới 35% doanh nghiệp vừa/lớn sử dụng loại hình này trong khi con số chỉ là 11% với doanh nghiệp nhỏ.
Để có cái nhìn tổng quan hơn, hãy so sánh xu hướng sử dụng các hoạt động Digital Marketing trong 2 năm: 2017 và 2019
Nhìn vào biểu đồ, có thể nhận thấy các thương hiệu đang chuyển hướng sang sử dụng Digital Marketing nhiều hơn, khi mà hình thức SEM hay Influencer Marketing trở nên phổ biến hơn, còn quảng cáo trên mạng xã hội vẫn giữ vững mức số 1 như trước.
Thực trạng sử dụng Digital Marketing tại Việt Nam
Thực trạng
Facebook đang là kênh truyền thông phổ biến nhất khi hầu hết doanh nghiệp đều sở hữu riêng tài khoản trên nền tảng này. Nhìn vào biểu đồ ta thấy, 96% doanh nghiệp hiện nay sử dụng Facebook, theo sau là Youtube với 75%. Trong khi Instagram và Zalo chỉ có 49% và 32% doanh nghiệp sử dụng, mặc dù Zalo là một kênh mạng xã hội thuần Việt, tuy nhiên chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam tin dùng. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp của Facebook lên thị trường Digital Marketing tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khi chuyển sang nội dung là video thì mọi chuyện lại khác. Video trực tuyến hiện được coi là một trong những hoạt động Digital Marketing phổ biến nhất tại Việt Nam, với hơn 83% doanh nghiệp sử dụng nó. Với định dạng này, không ngạc nhiên Youtube đã vượt Facebook để trở thành nền tảng phổ biến nhất cho video trực tuyến (95%).
Mục tiêu trong chiến lược Digital Marketing
Như đã đề cập ở trên, Facebook là kênh Digital được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất. Vậy nên ở phần này, chúng ta sẽ đi sâu vào mục tiêu của doanh nghiệp khi sử dụng Facebook để truyền thông và quảng cáo.
Có thể thấy Facebook được sử dụng để phục vụ mục đích Branding và hỗ trợ khách hàng là chủ yếu với lần lượt tỷ lệ là 90% và 73%. Ngoài ra, những mục tiêu phổ biến khác mà doanh nghiệp sử dụng Facebook là: PR, Quảng bá chiến dịch, Tăng lượng truy cập.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sử dụng quảng cáo trên Facebook với mục đích chính là gia tăng số lượng tìm kiếm với 84% doanh nghiệp sử dụng. Những mục đích phổ biến khác là tăng lượng truy cập vào trang web, gia tăng lượng Thích/Theo dõi cho trang Facebook. Có thể hiểu, doanh nghiệp sử dụng quảng cáo để tăng tỷ lệ chuyển đổi như: lượt tra cứu, lượng truy cập website, số lượt thích, theo dõi cho trang. Trong khi những hoạt động Branding thì sẽ sử dụng các hoạt động Content Marketing thông thường.
Mức độ hài lòng với các kênh Digital
Với việc Facebook được đa số doanh nghiệp sử dụng, không ngạc nhiên khi Facebook sở hữu mức độ hài lòng cao nhất, chiếm tỷ lệ 64%. Theo sau là Youtube và Instagram với 44% và 29%. Trong khi Zalo chỉ có 14%, chứng tỏ nền tảng này chưa chiếm được cảm tình của doanh nghiệp Việt Nam, đó cũng là minh chứng cho lý do vì sao Zalo chưa được nhiều doanh nghiệp tin dùng hiện nay.
Thực trạng vận hành các kênh Digital Marketing tại Việt Nam
Tỷ lệ giữa vận hành nội bộ và thuê ngoài
Như đã đề cập ở trên, hầu hết doanh nghiệp đều sử dụng Facebook cho hoạt động Marketing của họ, tuy nhiên ai mới là người đứng đằng sau thực hiện các công việc này?
Câu trả lời đã có trong kết quả khảo sát. Với 135 doanh nghiệp tham gia trả lời, có 74% trong số họ tự vận hành mọi hoạt động truyền thông trên Facebook, trong khi 26% còn lại sẽ thuê ngoài, nhờ một bên Agency khác để thực hiện công việc. Sự khác biệt này chủ yếu đến từ sự khác biệt về quy mô công ty. Cụ thể, có tới 91% doanh nghiệp nhỏ tự thực hiện công việc vận hành trên Facebook, con số đã giảm xuống 55% với doanh nghiệp vừa/lớn.
Để hiểu kỹ hơn lý do vì sao có sự khác biệt lớn như vậy, hãy theo dõi biểu đồ dưới đây:
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc doanh nghiệp cần thuê ngoài là vì tính chuyên môn, các agency thuê ngoài thường sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chạy quảng cáo. Ngoài ra, việc thuê ngoài agency giúp doanh nghiệp thu được các báo cáo dữ liệu tốt hơn. Thú vị thay, lý do hàng đầu dẫn đến việc doanh nghiệp tự mình vận hành các kênh Digital Marketing cũng chính là vì yếu tố chuyên môn. Có tới 82% doanh nghiệp khẳng định bản thân họ có đủ khả năng để tự quản lý, lên nội dung và vận hành quảng cáo trên các kênh Digital. Một lý do đáng lưu ý khác là vì họ muốn tiết kiệm chi phí, không muốn mất thêm tiền để chi trả cho các agency thuê ngoài.
Các vấn đề về Digital Marketing tại Việt Nam
Mức độ hài lòng
Các doanh nghiệp đánh giá như nào về mức độ hài lòng với thực trạng hiện tại của ngành Digital Marketing Việt Nam?
Xét về các khía cạnh của Digital Marketing, các doanh nghiệp khá hài lòng với “tính hiệu suất (44%)” (lượt click, lượt xem) và "mức độ tiếp cận khách hàng (43%)". Mặt khác, “chi phí” và “mức độ ảnh hưởng đến doanh thu” là hai khía cạnh nhận được ít sự hài lòng nhất, tương đương 29% và 31% mức độ hài lòng của doanh nghiệp.
Ưu điểm/Nhược điểm của Digital Marketing
Doanh nghiệp nhìn nhận như nào về ưu điểm và nhược điểm của Digital Marketing tại Việt Nam?
Nhìn vào biểu đồ, có thể thấy những ưu điểm lớn nhất mà Digital Marketing mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam chính là “tiếp cận khách hàng chính xác hơn (88%)”, “đo lường hiệu suất dễ dàng (82%)” và “quản lý nội dung dễ dàng (81%)”. Mặt khác, những nhược điểm chủ yếu của Digital Marketing hiện nay chính là khả năng tiếp cận. Cụ thể, hai yếu tố “khó lòng tiếp cận nhóm khách hàng lớn tuổi” và “khó tiếp cận khu vực nông thôn” là hai nhược điểm lớn nhất. Điều này là do Internet chưa thực sự phổ biến với hai nhóm khách hàng này. Cuộc sống tại vùng nông thôn của Việt Nam vẫn còn khó khăn dẫn đến người dân tiếp nhận thông tin chủ yếu vẫn qua các kênh truyền thống (TV, báo đài) chứ không phải kênh Digital. Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2018, ta có thể thấy các nhược điểm của Digital Marketing đang có dấu hiệu cải thiện. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp dần biết cách tận dụng ưu điểm của nó, cải thiện được nhược điểm chung của Digital Marketing, từ đó sử dụng một cách hiệu quả hơn.
Mối quan hệ giữa Brand và Agency
Mức độ hài lòng với Agency
Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, có những bên đến từ các Brand. Họ đã được hỏi để đánh giá mức độ hài lòng với những bên Agency đã hợp tác, thang điểm là từ 1 đến 10.
Kết quả cho thấy, chỉ 13% đạt số điểm 8 hoặc cao hơn, trong khi mức điểm 6 hoặc thấp hơn chiếm tới 49%. Chứng tỏ đa phần Brand chưa thực sự hài lòng với Agency của mình, và lý do chủ yếu đến từ hai yếu tố “kết quả đưa ra không đúng so với ban đầu (58%)” và “thiếu sự linh hoạt (54%)”
Vấn đề giữa Brand và Agency
Vậy những lý do gì khiến cho Brand chưa thực sự hài lòng với Agency của mình? Tất cả sẽ được giải đáp thông qua biểu đồ dưới đây
Về phía Brand, họ chưa cảm thấy hài lòng với Agency là vì yếu tố chi phí, mức giá mà Agency đưa ra cho Brand là quá cao. Nhìn vào biểu đồ, vấn đề này càng trở nên phổ biến hơn vào năm 2019. Ngoài ra, một vấn đề khác chính là Agency còn hạn chế trong việc thấu hiểu chiến lược, lịch sử hoạt động của Brand. Điều này dẫn đến những sai sót trong việc định hình và thực thi công việc.
Ngược lại về phía Agency, làm việc với những Brand “thường xuyên thay đổi định hướng” là yếu tố đầu tiên dẫn đến mâu thuẫn của hai bên. Có thể hiểu vấn đề này chính là khi Brand đổi Brief thường xuyên khiến Agency khó lòng nắm bắt được công việc, từ đó dẫn đến việc hiệu suất bị giảm sút. Thậm chí vấn đề này càng trở nên phổ biến hơn trong năm 2019 và đó là một vấn đề cần lưu ý. Ngoài ra, việc “hạn chế ngân sách” cũng là một lý do khác dẫn đến mâu thuẫn giữa Agency và Brand. Dù vậy, vấn đề này cũng đã được cải thiện phần nào trong năm 2019.
Khoảng cách giữa Brand và Agency
Có những khoảng cách về cách mà Brand và Agency nhận ra trong việc liên lạc giữa hai bên, chủ yếu nằm ở hai khía cạnh - chất lượng Brief và chất lượng Proposal.
Khi nói về chất lượng Brief, 43% số Brand nghĩ rằng brief của họ đủ chi tiết trong khi con số này sụt mạnh chỉ còn 12% đối với Agency. Đây chính là mâu thuẫn giữa hai bên khi rất nhiều Brand nghĩ rằng brief của họ đã đầy đủ và chi tiết, trong khi Agency lại không hề nghĩ như vậy.
Điều này cũng tương tự khi nói về chất lượng Proposal, 53% số Agency nghĩ rằng Proposal của mình đạt chất lượng tốt trong khi mức độ hài lòng của phía Brand chỉ khoảng 17%. Lý do vì sao cũng đã được lý giải ở trên, chính là do thiếu sự hiểu biết về lĩnh vực và công ty. Có thể thấy chính những khác biệt về suy nghĩ đã khiến cho khoảng cách, mâu thuẫn giữa Brand và Agency ngày càng lớn. Thậm chí, mâu thuẫn này còn nằm ở yếu tố định giá chi phí.
Trong khi có tới 79% Brand nghĩ rằng mức giá mà Agency đưa ra thường cao hoặc rất cao, thì 45% Agency nghĩ rằng mức ngân sách của phía Brand lại quá hạn chế. Ngoài yếu tố chất lượng Brief thì mâu thuẫn về định giá vẫn còn quá lớn giữa Brand và Agency.
>>> Có thể bạn quan tâm: Báo cáo mới nhất về sự tăng trưởng của Influencer Marketing trên Instagram
Tạm kết
Vừa rồi là toàn bộ báo cáo của Q&Me về bức tranh thị trường Digital Marketing tại Việt Nam vào năm 2019. Có thể thấy Internet và mạng xã hội là hai tác nhân chủ yếu, gây ra sự biến động cho thị trường Digital Marketing tại Việt Nam. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube,.. và chắc chắn xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong tương lai.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo Q&Me
Bình luận của bạn