- Toàn cảnh về DeepSeek
- Deepseek là gì?
- Khả năng vượt trội cùng giá thành rẻ là lợi thế cạnh tranh của DeepSeek
- Điểm khác biệt: Thiết kế logo “Cá voi xanh” - sự phá cách giữa một “đại dương” công nghệ
- 3 Bài học dành cho các nhà tiếp thị từ câu chuyện của DeepSeek
- Bài học 1: Nếu thương hiệu của bạn không phải là người dẫn đầu thị trường, thì hãy trở thành kẻ thách thức bằng cách kể một câu chuyện khác biệt.
- Bài học 2: Trong chiến lược thương hiệu, hiểu rõ cách các nhóm đối tượng khác nhau tiếp nhận và phản ứng với thông tin là rất quan trọng.
- Bài học 3: DeepSeek là một ví dụ rõ ràng cho thấy đôi khi, khó khăn lại là động lực thúc đẩy sự sáng tạo.
Toàn cảnh về DeepSeek
Deepseek là gì?
Xuất phát điểm cũng giống các công ty khởi nghiệp AI khác, DeepSeek đã phát triển và thử nghiệm nhiều mô hình AI khác nhau, nhưng không thực sự gây ấn tượng. Phải đến khi ra mắt mô hình AI mang tên R1 vào cuối năm 2024 và chính thức phát hành đến người dùng từ ngày 20/1/2025 vừa qua, DeepSeek mới tạo nên cơn sốt và ghi tên mình trên bản đồ mô hình AI toàn cầu.
DeepSeek là mô hình ngôn ngữ lớn sử dụng kỹ thuật "tính toán thời gian suy luận" - mô hình chỉ kích hoạt những phần liên quan nhất của hệ thống để đưa ra câu trả lời cho mỗi truy vấn, thay vì truy xuất toàn bộ thông tin từ cơ sở dữ liệu khổng lồ của hệ thống. Chính công nghệ này đã giúp DeepSeek có tốc độ phản hồi nhanh và tiết kiệm chi phí vận hành đáng kể
Sáng lập bởi Lương Văn Phong - người được ví như Sam Altman (nhà sáng lập OpenAI, cha đẻ của ChatGPT) của Trung Quốc, DeepSeek đã vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc để trở thành một công cụ AI nổi tiếng trên toàn cầu. Theo ghi nhận, ứng dụng DeepSeek trên kho ứng dụng App Store dành cho các thiết bị iOS đã có sự nhảy vọt về số lượng tải, vượt qua cả ChatGPT để trở thành ứng dụng AI được tải về nhiều nhất trong thời gian gần đây.
DeepSeek mở ra cơ hội đầu tư AI giá rẻ cho các agency khi cung cấp giải pháp phát triển mô hình ngôn ngữ mạnh mẽ với chi phí thấp hơn đáng kể so với các đối thủ như OpenAI. Ngay cả các tập đoàn quảng cáo lớn cũng đang có những động thái đầu tư mạnh vào AI. Trong năm 2024, WPP, Publicis và Havas đã chi hơn 300 triệu USD để tích hợp AI vào quy trình làm việc. Nhưng thay vì chỉ ứng dụng các nền tảng AI có sẵn, giờ đây họ có thể xem xét phát triển các mô hình chuyên biệt phục vụ khách hàng với mức chi phí hợp lý hơn nhờ DeepSeek.

Mối liên hệ giữa DeepSeek và Chính phủ Trung Quốc khiến Mỹ và thế giới dè chừng
Tuy nhiên, sự nổi lên của DeepSeek đang vấp phải những tranh cãi chưa có hồi kết. DeepSeek đang trở thành mối đe dọa của các “gã khổng lồ” công nghệ, đơn cử như Nvidia. Vào ngày 27/1 vừa qua, cổ phiếu Nvidia giảm gần 17%, tương đương 592,7 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bị "bốc hơi" trong một ngày. Không chỉ Nvidia, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như OpenAI, Microsoft, Google và Meta cũng đang phải xem xét lại chiến lược AI của mình trước sự trỗi dậy của DeepSeek. Như ông Trump đã phát biểu trong chuyến công du đến bang Florida vào ngày 27/1: "Việc một công ty Trung Quốc phát hành DeepSeek AI là lời cảnh tỉnh cho ngành công nghệ của chúng ta, rằng chúng ta cần tập trung cao độ vào việc cạnh tranh".
Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa DeepSeek và Chính phủ Trung Quốc khiến Mỹ và thế giới dè chừng. Trên thực tế, DeepSeek đã đối mặt với nhiều lệnh cấm tại Mỹ và nhiều quốc gia khác. Cụ thể, NASA, Hải quân Mỹ và Hạ viện Mỹ đã cấm nhân viên sử dụng DeepSeek trên các thiết bị công vụ. Thống đốc bang Texas, Greg Abbott, cũng đã ban hành lệnh cấm DeepSeek cùng các ứng dụng khác như RedNote và Lemon8 trên thiết bị của chính quyền bang. Hay vào ngày 3/2/2025, Đài Loan đã chính thức cấm tất cả các cơ quan chính phủ sử dụng dịch vụ AI của DeepSeek, viện dẫn lý do rủi ro an ninh. Hoặc cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Ý (GPDP) cũng đã yêu cầu DeepSeek hạn chế xử lý dữ liệu của người dùng Ý để bảo vệ quyền riêng tư.
Dù những tranh cãi và lo ngại về DeepSeek là hoàn toàn có cơ sở nhưng khó có thể phủ nhận những điểm khác biệt to lớn giúp mô hình AI trở thành một “đối thủ đáng gờm”.
Khả năng vượt trội cùng giá thành rẻ là lợi thế cạnh tranh của DeepSeek
So với các chatbot AI khác như ChatGPT, Gemini, Claude và Meta AI, DeepSeek được chú ý với những đặc điểm nổi bật như:
- Chi phí phát triển và sử dụng: DeepSeek được phát triển với chi phí khoảng 5,5 triệu USD, thấp hơn đáng kể so với các mô hình hàng đầu khác như GPT-4 của OpenAI. Điều này dẫn đến chi phí sử dụng thấp hơn, giúp các công ty công nghệ, đặc biệt là ở châu Âu, có cơ hội cạnh tranh trong lĩnh vực AI.
- Hiệu suất và tốc độ: DeepSeek V3 xử lý thông tin với tốc độ 60 token mỗi giây, nhanh gấp ba lần so với phiên bản trước đó. Mô hình này được đào tạo trên tập dữ liệu khổng lồ gồm 14,8 nghìn tỷ token, vượt qua nhiều mô hình AI hàng đầu khác.
- Kiến trúc "Hỗn hợp chuyên gia" (MoE): DeepSeek áp dụng kiến trúc MoE, bao gồm nhiều mạng nơ-ron chuyên biệt cho các nhiệm vụ cụ thể, giúp hệ thống phản hồi hiệu quả và chính xác hơn.
- Mã nguồn mở: DeepSeek là một mô hình AI mã nguồn mở, cho phép bất kỳ ai cũng có thể truy cập, sửa đổi và phát triển thêm, tạo điều kiện cho sự minh bạch và hợp tác trong cộng đồng công nghệ.
- Hạn chế về chủ đề nhạy cảm: DeepSeek có xu hướng tránh các chủ đề chính trị nhạy cảm, có thể do tuân thủ các quy định kiểm duyệt của Trung Quốc. Điều này có thể hạn chế khả năng thảo luận về một số vấn đề so với các chatbot AI khác.
- Khả năng hỗ trợ lập trình: DeepSeek cung cấp các mô hình ngôn ngữ chuyên biệt cho lập trình, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình và cung cấp trợ giúp trong việc tạo mã, gỡ lỗi và hoàn thành mã.

DeepSeek chỉ mất 5,6 triệu USD để xây dựng và vận hành - một con số khiêm tốn so với nhiều đối thủ
Trong đó, các chuyên gia và người dùng thậm chí còn đánh giá DeepSeek R1 đưa ra câu trả lời thông minh, chính xác và phản hồi nhanh hơn so với các công cụ AI khác như ChatGPT, Gemini hay Llama… Điểm khiến DeepSeek gây kinh ngạc nhất đó là mô hình AI này chỉ mất 5,6 triệu USD để xây dựng và vận hành, trong khi các hãng công nghệ của Mỹ đang chi ra hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đô la để phát triển và vận hành mô hình AI của riêng họ. "DeepSeek R1 là một trong những bước đột phá đáng kinh ngạc và ấn tượng nhất mà tôi từng thấy. Được phát triển mã nguồn mở, DeepSeek sẽ là món quà sâu sắc cho toàn cầu", Marc Andreessen, một nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng, chia sẻ về khả năng vượt trội của DeepSeek.
Điểm khác biệt: Thiết kế logo “Cá voi xanh” - sự phá cách giữa một “đại dương” công nghệ
Không chỉ khuynh đảo với sản phẩm mạnh mẽ, DeepSeek còn gây ấn tượng với nhận diện thương hiệu khác biệt. Logo của DeepSeek là hình ảnh một chú cá voi xanh thân thiện, như đang quẫy đạp giữa đại dương. Kèm theo đó là tên thương hiệu được thiết kế bằng phông chữ sans-serif bo tròn với các nét đứt gãy độc đáo. Trong khi hầu hết các công ty AI theo đuổi hình ảnh trừu tượng, tối giản hoặc lấy cảm hứng từ robot, DeepSeek lại chọn một linh vật mang cảm giác gần gũi và ấm áp. Đây có thể coi là một bước đi táo bạo, thách thức xu hướng thiết kế đang chiếm lĩnh ngành công nghệ hiện nay.

Logo của DeepSeek là hình ảnh một chú cá voi xanh thân thiện, như đang quẫy đạp giữa đại dương
Nhà thiết kế Martin Grasser- “cha đẻ” của logo chú chim xanh Twitter - nhận định rằng ngành công nghệ đã dần đánh mất “tính cách và niềm vui” trong nhận diện thương hiệu. Các công ty AI lớn như OpenAI, DeepMind hay Stability AI đều sử dụng biểu tượng xoáy trừu tượng, trong khi những cái tên như Replika hay Jasper AI lại chọn thiết kế mang dáng dấp robot. Giữa một thị trường AI đồng nhất và thiếu vắng sự sáng tạo, DeepSeek đã “lội ngược dòng” với hình ảnh một chú cá voi mũm mĩm đầy thiện cảm, tạo nên dấu ấn riêng độc đáo.
Trong khi đó, theo Teemu Suviala, Giám đốc Sáng tạo của Landor, hình ảnh cá voi mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. “Nhiều nền văn hóa coi cá voi là biểu tượng của sự thông thái, sức mạnh và thịnh vượng. Trong một số nền văn hóa, việc nhìn thấy cá voi được xem là điềm báo về những điều tốt đẹp sắp đến.” Suviala cũng cho rằng hình ảnh cá voi bơi lội giữa đại dương là một phép ẩn dụ mạnh mẽ cho người dùng DeepSeek. “Khái niệm điều hướng có thể gắn liền với bản chất mã nguồn mở của DeepSeek, điều khiến nó khác biệt so với các đối thủ,”. Tuy nhiên, logo của DeepSeek vẫn còn một số điểm cần cải thiện, như chi tiết mắt cá voi bị mất khi thu nhỏ hay kiểu chữ chưa thực sự hòa hợp với phong cách thương hiệu.

Trong khi hầu hết các công ty AI theo đuổi hình ảnh trừu tượng, tối giản, DeepSeek lại chọn một linh vật mang cảm giác gần gũi và ấm áp.
Việc lựa chọn một chú cá voi dễ thương làm logo là một chiến lược đầy tính toán và hợp lý của DeepSeek. Thay vì mang dáng vẻ quyền lực, bí ẩn hay đầy tham vọng, DeepSeek chọn một hình ảnh truyền cảm hứng và gợi lên trí tưởng tượng - một cách tiếp cận có thể giúp DeepSeek định vị mình khác biệt trong ngành AI đầy cạnh tranh.
3 Bài học dành cho các nhà tiếp thị từ câu chuyện của DeepSeek
DeepSeek - dù sinh sau đẻ muộn, nhưng với sản phẩm vượt trội và chiến lược đầy tính toán, vẫn đủ sức vươn mình và khiến giới công nghệ chao đảo. Câu chuyện của mô hình AI này không chỉ khiến giới chuyên môn trầm trồ mà còn để lại những bài học đáng giá cho các nhà tiếp thị.
Bài học 1: Nếu thương hiệu của bạn không phải là người dẫn đầu thị trường, thì hãy trở thành kẻ thách thức bằng cách kể một câu chuyện khác biệt.
Bởi nếu chỉ tạo ra sản phẩm tốt hơn thì chưa đủ. Để thu hút sự chú ý, thương hiệu cần được định vị như một “kẻ phá vỡ” quy tắc, thách thức những gì đang có hoặc tạo ra một xu hướng mới. DeepSeek không chỉ gây chú ý nhờ công nghệ tiên tiến, mà còn vì nó xuất hiện đúng lúc khi mọi người đang lo ngại về cuộc đua AI, chi phí tăng cao và vấn đề tiếp cận AI mã nguồn mở.
=> Bài học rút ra: Một sản phẩm dù tốt đến đâu cũng khó thành công nếu không được đặt vào một câu chuyện hấp dẫn và ý nghĩa. Người dùng không chỉ quan tâm đến công nghệ mà còn phản ứng mạnh với những thay đổi về quyền lực, giá cả và sự cạnh tranh trong ngành.
Bài học 2: Trong chiến lược thương hiệu, hiểu rõ cách các nhóm đối tượng khác nhau tiếp nhận và phản ứng với thông tin là rất quan trọng.
Đối với DeepSeek, các nhà nghiên cứu AI và những người trong ngành đã dự đoán sự thành công của mô hình AI này trong khi các nhà đầu tư lại bị bất ngờ, dẫn đến phản ứng thị trường chậm nhưng bùng nổ. Do đó, thương hiệu cần dự đáo và truyền tải thông điệp đúng lúc để có lợi thế và có khả năng đạt thành công cao hơn.
Bên cạnh đó, việc tạo ra sự chú ý trong nhóm người dùng yêu thích và trung thành là cần thiết, nhưng thành công lâu dài lại đến từ việc kết nối nhóm này với đông đảo công chúng. Giống như DeepSeek, tác động của nó trong ngành AI ban đầu đã gây tiếng vang lớn đối với các nhà nghiên cứu trước khi lan rộng ra các nhà đầu tư và thị trường. Những câu chuyện thương hiệu thành công là khi họ biết cách mở rộng tầm ảnh hưởng mà vẫn giữ được bản sắc ban đầu.
Bài học 3: DeepSeek là một ví dụ rõ ràng cho thấy đôi khi, khó khăn lại là động lực thúc đẩy sự sáng tạo.
Dù không có lợi thế về công nghệ do bị Mỹ cấm xuất khẩu chip AI tiên tiến, DeepSeek vẫn tìm ra cách tối ưu hóa quá trình huấn luyện để đạt hiệu suất cao với phần cứng yếu hơn. "Cái khó ló cái khôn" - nhiều phát minh vĩ đại không đến từ nguồn lực dồi dào mà từ việc tận dụng tối đa những gì sẵn có. Bài học này không chỉ đúng với lĩnh vực AI mà còn áp dụng trong marketing. Thay vì xem hạn chế là trở ngại, hãy coi đó là cơ hội để suy nghĩ khác biệt.
Ví dụ, không phải thương hiệu nào cũng đủ tiền để chi trả cho người nổi tiếng hay chạy quảng cáo lớn đa kênh trong chiến dịch của mình. Nhưng họ vẫn có thể gây chú ý bằng cách sáng tạo nội dung hài hước hoặc tận dụng mạng xã hội. Thay vì chi một khoản tiền khổng lồ cho quảng cáo Super Bowl, một số thương hiệu đã thành công khi tạo ra quảng cáo chế vui nhộn (như Amazon Prime với The Boys năm ngoái) hoặc tham gia vào các xu hướng nóng để thu hút sự quan tâm của công chúng.
>>> Đọc thêm: Brands làm gì với AI?
Lời kết:
Câu chuyện của DeepSeek là minh chứng rõ ràng cho thấy một thương hiệu không nhất thiết phải có nguồn lực khổng lồ để tạo ra sức ảnh hưởng lớn. Đối với các Marketer, DeepSeek không chỉ là một hiện tượng công nghệ mà còn là một bài học thực tế về cách tạo ra sự khác biệt và bứt phá trong thị trường cạnh tranh. Dù là một startup non trẻ hay doanh nghiệp lâu năm, việc hiểu rõ bối cảnh, xây dựng chiến lược tiếp cận đúng đối tượng và biết cách nắm bắt cơ hội sẽ là chìa khóa để tạo nên dấu ấn mạnh mẽ.
Bình luận của bạn