8 xu hướng trên Instagram mà mọi Marketer cần chú ý trong năm 2020

03 Thg 08

Cũng giống như nhiều xu hướng trên mạng xã hội khác, xu hướng trên Instagram đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Chưa kể năm 2020 hiện nay được xem là một năm đáng nhớ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khiến cho mọi thứ trong xã hội biến đổi khôn lường. Dù mọi thứ đang diễn ra có phần mất kiểm soát, tuy nhiên nó không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dẹp bỏ toàn bộ các kế hoạch nội dung trên mạng xã hội mà thay vào đó, hãy chuẩn bị cho mọi thứ và luôn trong trạng thái linh hoạt. Để luôn duy trì được độ nhận diện của mình trên Instagram là điều không hề đơn giản khi nó yêu cầu rất nhiều thứ. Trong bài viết này, MarketingAI sẽ giới thiệu cho các bạn những xu hướng trên Instagram cực kỳ quan trọng mà ai làm Marketer đều cần phải biết, từ những xu hướng Instagram Story cho đến Live Shopping, Instagram Shops,...

8 xu hướng quan trọng nhất trên Instagram trong năm 2020

1. Các thương hiệu và Influencer giải quyết vấn đề về bất bình đẳng chủng tộc

Vào hồi đầu tháng 6 vừa rồi, trên Instagram tràn ngập những bài đăng màu đen nhằm ủng hộ chiến dịch Blackout Tuesday. Nguyên gốc ban đầu của ý tưởng này có tên là “The Show Must Be Paused”, được tạo ra bởi giám đốc điều hành âm nhạc Brianna Agyemang và Jamila Thomas. Tuy nhiên các bức hình màu đen kịt như này đã trở thành biểu tượng của sự đồng lòng trong xã hội. Các bài đăng đã vô tình nhấn chìm hashtag #BlackLivesMatter và đây chính là một kênh để các nhà hoạt động có thể truyền tải các thông tin quan trọng. Việc các thương hiệu và Influencer tham gia vào sự kiện này đều bị coi là hành động đạo đức giả hay để quảng bá cho chính bản thân, bị cộng đồng yêu cầu cung cấp những sự minh bạch và hành động thiết thực.

Nhà thiết kế Aurora James đã tạo ra chiến dịch #15PercentPledge nhắm tới các nhà bán lẻ lớn, mục đích là để kêu gọi họ dành ra 15% diện tích gian hàng cho các sản phẩm từ những doanh nghiệp sở hữu bởi người da màu. Các thương hiệu bao gồm Sephora, Rent the Runway, Cupcakes và Cashmere đều đã hưởng ứng chiến dịch này. Nhà sáng lập của UOMA Beaty là Sharon Chuter cũng đã kêu gọi thử thách có tên gọi #PullUpOrShutUp để thách thức các thương hiệu với việc cung cấp các số liệu về sự đa dạng hóa trong hàng ngũ nhân viên. 

Instagram cũng đã dự kiến việc xác định lại các chính sách, công cụ và các quy trình của mình tác động tới người da màu và những cộng đồng đại diện khác trên nền tảng này. Phía Instagram cũng cam kết sẽ tập trung vào việc giảm thiểu các vấn đề như quấy rối, xác thực tài khoản, phân bố nội dung và thuật toán thiên vị.

Nhiều người làm nội dung và các chuyên gia da màu cũng đã lên tiếng về chuyện Token-hóa, sự chênh lệch trong thu nhập và bị bỏ mặc. Rất nhiều ngôi sao, người nổi tiếng, Influencer cũng đã có những động thái phản hồi với vấn đề chênh lệch trong thu nhập thông qua việc chia sẻ những nội dung, doanh nghiệp do người da màu nắm quyền. Nhờ vậy, đã có rất nhiều tài khoản người làm nội dung là da màu đã tăng được lượng người theo dõi lên gấp đôi chỉ trong một đem.

Động cơ xã hội đằng sau chiến dịch Black Lives Matter đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tuy nhiên giống như những gì mà #PullUpOrShutUp đã minh chứng, các thương hiệu cần phân biệt được sự khác nhau giữa xu hướng trên mạng xã hội và chuyển biến trong xã hội. Việc chống nạn phân biệt chủng tộc, bình đẳng trong thu nhập và cơ hội đều không phải các xu hướng. Chúng là những tiêu chuẩn thông thường mới và là những gì tối thiểu mà người tiêu dùng hy vọng ở các thương hiệu thực hiện.

2. Phát trực tiếp trên Instagram

Việc ra lệnh phải ở nhà và hủy bỏ các sự kiện đã giúp nền tảng Instagram Live trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Chỉ trong khoảng giữa tháng 2 và tháng 3, số lượng người dùng tìm đến các kênh phát trực tiếp đã tăng 70%. Tính đến nay, có hơn 800 triệu người đang ngồi xem các video trực tiếp trên Instagram và Facebook mỗi ngày.

Khi mọi người đang tìm đến nhiều cách khác nhau để thay thế cho các hoạt động truyền thống, các thương hiệu và người làm nội dung cũng đã thích ứng kịp để chuyển hướng làm các nội dung phát trực tiếp. Thực tế, 80% số người làm phát sóng trực tiếp sở hữu ít hơn 1,000 người theo dõi. Các nội dung trên Instagram Live cực kỳ đa dạng và phong phú, từ những chương trình hài cho đến các lớp học Yoga, học vẽ hay thậm chí là biểu tình ảo. Vào tháng 4 vừa qua, Instagram đã bổ sung tính năng này trên máy tính, giúp việc xem các nội dung trên đây càng trở nên dễ dàng hơn. Cũng giống như Instagram Stories, các video trực tiếp thường sẽ có xu hướng nhẹ nhàng, ngẫu hứng hơn là các bài đăng thông thường. Về phía người dẫn chương trình cũng có thể phản hồi các câu hỏi và bình luận theo thời gian thực, chính vì vậy mà các video phát trực tiếp có thể thu về lượng tương tác cao gấp 6 lần so với trên Facebook.

Hiện vẫn còn quá sớm để biết được sức mạnh của Instagram Live với cộng đồng người dùng sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Cho đến nay, Instagram hiện đang bổ sung thêm nhiều tính năng và công cụ mới cho nền tảng này, điển hình là cho phép người dùng có thể lưu các video trực tiếp về IGTV và gây quỹ. Ngoài ra, các tính năng như Live Shopping và Badges còn cho phép những người làm nội dung có thể kiếm tiền từ chính các video livestream. 

3. Người làm nội dung giờ đây có thể kiếm tiền trực tiếp trên Instagram

Kể từ thời điểm ra mắt vào hồi 2010, những người làm nội dung trên Instagram chủ yếu kiếm tiền từ khán giả của mình thông qua affiliate marketing hoặc hợp tác với các thương hiệu. Ngày nay, Instagram đã giới thiệu thêm những tính năng mới và cho phép họ có thể kiếm tiền một cách trực tiếp. Cụ thể, Instagram đang thử nghiệm tính năng Badges với một nhóm nhỏ các nhà làm nội dung và doanh nghiệp. Trong lúc phát sóng video trực tiếp, người xem có thể bỏ ra 99 cent đến 4,99 đô để mua các huy hiệu trái tim để trở nên nổi bật trong phần bình luận và mở khóa các tính năng mới. Trong suốt giai đoạn thử nghiệm, các nhà sáng tạo sẽ được hưởng 100% doanh thu từ những huy hiệu này.

Những thử nghiệm mới cho quảng cáo trên IGTV cũng đang được tiến hành. Những quảng cáo này có thể kéo dài tối đa 15 giây và sẽ xuất hiện sau khi người dùng nhấp để xem toàn bộ video trên IGTV. Cũng giống với YouTube, 55% doanh thu từ quảng cáo sẽ được chia sẻ với những người làm nội dung. Ngoài những quảng cáo, công cụ Live Shopping giờ đây cũng cho phép những người làm nội dung và các thương hiệu gắn thẻ sản phẩm của mình trong suốt thời gian livestream.

Những thay đổi này nhằm mục đích cạnh tranh với những nền tảng mạng xã hội khác và níu chân những người làm nội dung, cũng như tạo thêm động lực cho họ. Các tính năng này cũng nhằm để phục vụ nhóm người làm nội dung “chuyên biệt” - những người kiếm tiền từ khán giả của họ thông qua việc cung cấp những nội dung giá trị, thay vì việc cố lồng ghép vào đó những sản phẩm giá trị hay trải nghiệm trong nội dung của họ. Đó cũng là lý do vì sao nhiều thương hiệu giờ đây đang tránh sử dụng các Influencer nhãn hàng và chuyển hướng sang khái niệm người làm nội dung hay thậm chí là đại sứ thương hiệu.

4. Instagram Shops giúp cho các thương hiệu dễ dàng kiếm tiền khi chuyển đổi

Tính năng Instagram Shops hứa hẹn sẽ giúp các thương hiệu kiếm tiền một cách dễ dàng hơn. Cụ thể, tính năng này sẽ cho phép doanh nghiệp tạo ra một cửa hàng trực tiếp ngay trong ứng dụng, qua đó người dùng có thể mua sắm mà không cần phải ghé thăm một trang web bên ngoài. Bằng cách loại bớt được một thao tác khi mua sắm, các thương hiệu có thể tăng được tỷ lệ chuyển đổi và doanh thu của mình. Trong tháng 5 vừa rồi, cả Instagram và Facebook đều đã cho ra mắt giai đoạn thử nghiệm tính năng này trên quy mô doanh nghiệp toàn cầu. Mục tiêu là để trải nghiệm mua sắm có thể tích hợp trên TẤT CẢ ứng dụng thuộc hệ sinh thái của Facebook. Một khi đã hoàn thành, điều này đồng nghĩa với việc khi có ai đó đưa một sản phẩm vào giỏ hàng trên Facebook, họ có thể thanh toán sau đó trên Instagram bằng cách sử dụng thông tin thẻ tín dụng đã được lưu từ trước hoặc thông qua Facebook Pay.

Để nâng cao khả năng tìm kiếm và khám phá, Instagram dự kiến sẽ cho ra mắt một mục riêng có tên là Shopping (Mua sắm), tương tự như mục Explore (Khám phá). Với những tài khoản mở cửa hàng trên đây, họ sẽ có riêng một nút View Shop trên hồ sơ của mình, cũng như một mục mua sắm riêng. Các doanh nghiệp có thể tùy chỉnh hình thức hiển thị các danh mục sản phẩm, liên kết với chương trình khách hàng thân thiết và hưởng lợi từ hệ thống AI được xây dựng sẵn để tạo ra các trải nghiệm mua sắm cá nhân hóa. 

Không chỉ vậy, người dùng Instagram ngày nay còn có thêm nhiều cách để tiêu tiền trong nền tảng Stories. Ngoài các thẻ sản phẩm, doanh nghiệp giờ đây còn có thể chia sẻ các thẻ quà tặng, đơn đặt đồ ăn và sticker quyên góp.

5. Việc mua sắm và quảng cáo nay đã được trợ giúp bởi công nghệ AI

Ngày càng có nhiều người mua sắm trên Instagram và Facebook đồng nghĩa dữ liệu cũng ngày một nhiều lên. Nhiều dữ liệu hơn giúp doanh nghiệp tiến thêm một bước đến với tầm nhìn của họ “khiến mọi thứ đều có thể mua sắm được trong khi cá nhân hóa mọi thứ để phù hợp với nhu cầu mỗi người”. Để có thể khiến mọi thứ đều có thể mua sắm được, các kỹ sư của Facebook đã phát triển một AI có tên gọi là GrokNet - nó có thể tự động gắn thẻ các sản phẩm trong một catalog của doanh nghiệp chỉ trong vài giây. GrokNet hiện đã được sử dụng cho Facebook Marketplace và nó có thể quét ảnh, nhận diện các tính năng sản phẩm như là màu sắc, kiểu cách, độ tương thích với những sản phẩm và đưa ra các đề xuất mô tả. Mặt khác, dữ liệu này được sử dụng để cung cấp kết quả tìm kiếm và quảng cáo được nhắm mục tiêu tốt hơn cho người dùng.

Rotating View sẽ là một dự án AI khác nhằm hướng tới việc cải thiện trải nghiệm mua sắm trên mạng xã hội. Tính năng của nó sẽ là cho phép mọi người tạo ra những hình ảnh 3D - hiện đang được thử nghiệm trên Marketplace và rất có thể sẽ sớm xuất hiện trên Instagram. Với Instagram, nền tảng này sẽ sớm giới thiệu dạng quảng cáo tích hợp công nghệ AR, cho phép người dùng có thể “thử đồ” với những sản phẩm làm đẹp hay xem trước hình ảnh nội thất trong nhà của mình. Hiện nay Facebook đã cung cấp định dạng quảng cáo AR này.

6. Các hướng dẫn trên Instagram đi kèm với sự gia tăng của “Info-social”

Các thương hiệu hay Influencer thường được xem là nguồn để người dùng tìm đến và xin lời khuyên, từ những câu hỏi như “Nên đi ăn ở đâu khi tới Marrakech?” cho tới “Nên giải thích cho con trẻ về việc biến đổi khí hậu như nào?”. Trong quá khứ, những nhu cầu này sẽ được xử lý bằng cách hướng người dùng Instagram tìm đến các bài đăng trên Blog hoặc mục highlights trên Story. Giờ đây, những chỉ dẫn này có thể tạo trực tiếp trên Instagram.

Theo như giám đốc của Instagram là ông Adam Mosseri, các chỉ dẫn này ban đầu được phát triển cho mục đích du lịch là chính, tuy nhiên ý tưởng này sau đó đã bị hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thay vào đó, họ tung ra tính năng này dưới chủ đề trấn an và dự kiến sẽ còn cho ra mắt thêm nhiều chủ đề mới. Instagram gần đây cũng đã tập hợp một hướng dẫn tài nguyên công lý chủng tộc.

Các chỉ dẫn này sẽ có một mục riêng trên hồ sơ người dùng và nó có thể chia sẻ lên Stories hay xuất hiện trong mục Explore (Khám phá). Ngoài ra chúng có thể đính kèm các bài đăng và video với những ghi chú, lời khuyên bổ sung. Hiện nay người dùng Instagram nói riêng đang có một nhu cầu với về những nội dung cung cấp thông tin trên mạng xã hội. Trên TikTok, các video giáo dục đang trở nên thịnh hành với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là tại Trung Quốc khi một báo cáo mới đây cho thấy, có tới 14 triệu bài đăng về nội dung cung cấp kiến thức được tạo ra trong năm vừa rồi. Tại Hoa Kỳ, các nội dung về hướng nghiệp, tư vấn tài chính cá nhân hay lời khuyên từ chuyên gia sức khỏe cũng trở nên cực kỳ phổ biến. Với Instagram, mọi thứ từ những tài khoản thực tiễn, cho tới những tài khoản micro và nano Influencer là các bác sĩ và y tá đang trở nên cực kỳ phổ biến, minh chứng cho một điều: Các cộng đồng tham gia có giá trị hơn nhiều so với số lượng người theo dõi cao. 

7. Các giá trị trở thành trọng tâm

Tính xác thực là một từ thông dụng lớn trong ngành công nghiệp Influencer. Tuy nhiên nó không chỉ là một xu hướng Influencer. Người tiêu dùng ngày nay ngày càng đòi hỏi sự xác thực nhiều hơn từ các thương hiệu, đặc biệt là dưới hình thức minh bạch. Khi mà các thương hiệu hay Influencer sử dụng nền tảng của họ để đứng lên, quảng bá giá trị, ủng hộ các sự kiện thì tính minh bạch càng trở nên cần thiết để duy trì tính xác thực. Lấy ví dụ, thương hiệu làm đẹp bền vững là Elate Cosmetics đã đi vào chi tiết để giải thích các yếu tố thân thiện môi trường trong sản phẩm và thực tiễn của họ.

Influencer sẽ chia sẻ nhiều hơn về việc ra quyết định nói chung và thẳng thắn hơn về lý do tại sao họ hợp tác với các thương hiệu cụ thể. Để duy trì sự tin tưởng, từ chối trách nhiệm và ghi nhãn rõ ràng giữa nội dung tài trợ và các bài đăng thông thường sẽ là cần thiết, đặc biệt là trong Stories.

Với sự vận động xã hội ngày càng tăng, Instagram đã bổ sung một số công cụ gây quỹ, bao gồm gây quỹ trực tiếp và sticker quyên góp. Doanh nghiệp này cũng đang thử nghiệm thêm tính năng để bổ sung việc gây quỹ cho các tài khoản. Hiện nay các tổ chức phi lợi nhuận đã có quyền truy cập vào nút Quyên góp trên tài khoản. 

Ngoài ra, Instagram cũng đã bổ sung ngữ cảnh cho những bài đăng từ các tài khoản có lượng tiếp cận lớn. Trong tháng 4 vừa qua, Instagram bắt đầu thử nghiệm một tính năng hiển thị vị trí và nơi người theo dõi dựa trên các bài đăng từ các tài khoản này.

8. TikTok, Twitter và Giphy xâm nhập Instagram

Cái ngày mà Instagram chỉ là những bài đăng với những bức ảnh được chỉnh sửa công phu đã đi qua rất lâu. Nếu bạn lướt Instagram ngày nay, bạn sẽ thấy rất nhiều nội dung bài đăng từ các bức hình Meme cho tới bài trên Twitter hay các video thử thách TikTok với những hiệu ứng đặc biệt, lồng ghép âm nhạc và hơn thế nữa.

Để có thể duy trì sự cạnh tranh với TikTok và Snapchat, Instagram hiện đang bổ sung rất nhiều tính năng cho nền tảng Stories của mình. Việc sát nhập với Giphy mới đây - nơi chiếm tới 25% lượng truy cập từ Instagram sẽ là một sự bổ sung đắc lực cho các tính năng tương tác trên Stories, ngoài các Sticker, bộ lọc hay các hiệu ứng đặc biệt khác. 

Mặc dù có nhiều nội dung hơn trên bảng tin, tính thẩm mỹ của Instagram vẫn không ngừng tăng lên. Minh chứng là những bài đăng với các phông chữ đậm, các hình vẽ bằng tay luôn chứng tỏ được sự phổ biến của mình, một phần là nhờ cộng đồng thiết kế cực kỳ lớn mạnh trên Instagram. Ngoài ra, những định dạng nội dung như Infographics hay kể chuyện bằng hình ảnh (Visual Storytelling) cũng đang len lỏi vào kho tàng nội dung trên Instagram.

Hầu hết việc chia sẻ đa nền tảng đều phụ thuộc vào người dùng, ngoại trừ với nhóm hệ sinh thái ứng dụng của Facebook. Việc tích hợp sau này giữa Instagram, Facebook, WhatsApp và Messenger (cả front và back-end) đều đang nở rộ. Ngoài một trải nghiệm mua sắm tích hợp hoàn toàn, Facebook cũng đang phát triển một tính năng cho phép người dùng có thể xem và phản hồi Stories trên Instagram từ Facebook.

Facebook cũng đang lên kế hoạch hợp nhất việc nhắn tin trên các ứng dụng của mình vào cuối năm nay. Sau khi hoàn tất, người dùng Instagram sẽ có thể nhắn tin cho bạn bè trên WhatsApp và Messenger, ngay cả khi họ không có tài khoản Instagram. Mức độ tích hợp này sẽ hệ sinh thái ứng dụng của Facebook có thể so sánh với WeChat, siêu ứng dụng thống trị tại Trung Quốc.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Blog Hootsuite

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.