Nhận thấy thời trang nhanh đang thúc đẩy hành vi “vứt đi” của người dùng chỉ sau 1-2 lần sử dụng và các sản phẩm may mặc tổng hợp sau khi bị bỏ đi vẫn còn tồn tại qua hàng trăm năm, Woolmark đã bắt tay cùng công ty quảng cáo 20something và công ty sản xuất Park Village, cùng sự thạm gia của các đạo diễn Sil van der Woerd và Jorik Dozy từ Studio Birthplace để sản xuất nên TVC “Wear Wool, Not Waste”.
Lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị The Last of Us, TVC “Wear Wool, Not Waste” đã đưa người xem vào một thế giới giả tưởng, nơi Trái Đất bước vào ngày tận thế. Hình ảnh quần áo làm từ vải tổng hợp bỗng chống biến thành zombie tràn ngập khắp đường phố, tấn công xe cộ đã gây ấn tượng mạnh với khán giả ngay từ những phân cảnh đầu tiên. Sự hoảng loạn và ám ảnh chiếm lấy khi những “sinh vật” zombie này lây lan khắp nơi như một loại virus độc hại. Bộ phim kinh dị của Woolmark kết thúc bằng một cảnh tươi sáng hơn với hình ảnh một người phụ nữ khoác lên mình chiếc váy len trắng, nhẹ nhàng đi dạo giữa bầy cừu.
Thông qua chiến dịch lấy cảm hứng từ ngày tận thế này, Woolmark muốn nhấn mạnh những lợi ích của len Merino như một loại sợi tự nhiên, có khả năng tái tạo, phân hủy sinh học và có tỷ lệ tái chế cao nhất thế giới. Chiến dịch này được Woolmark thực hiện trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực thay đổi luật pháp để hạn chế thời trang nhanh - xu hướng ưa chuộng quần áo làm từ vải tổng hợp giá rẻ đã phát triển trong gần hai thế kỷ qua. Theo ước tính, những bộ quần áo này có thể tồn tại ở các bãi rác thêm khoảng 200 năm nữa trước khi bị phân hủy.
Woolmark là cơ quan độc quyền về len Merino trên toàn cầu
Ông John Roberts - Giám đốc Điều hành của Woolmark chia sẻ. "Len Merino vốn có tính chất tự nhiên, có khả năng tái tạo và có tiềm năng trở thành giải pháp mang tính đột phá cho vấn đề tiêu cực mà ngành thời trang đang tác động đến môi trường. Nó mang đến giải pháp bền bỉ với thời gian, có khả năng phân hủy sinh học, tái chế và phù hợp với thiên nhiên thay vì chống lại tự nhiên".
"Wear Wool, Not Waste” không chỉ là một chiến dịch tiếp thị, mà còn là lời kêu gọi cấp bách tới người tiêu dùng và toàn ngành thời trang về việc đánh giá lại chất liệu vải. Bởi theo nghiên cứu, cứ 3 người thì có 1 người thừa nhận họ hiếm khi kiểm tra thành phần vải khi mua hàng trực tuyến. Giám đốc sáng tạo điều hành công ty quảng cáo 20something Will Thacker cho biết: “Đã gần 90 năm kể từ khi sản phẩm sợi tổng hợp đầu tiên được tạo ra, điều đáng lo ngại là mọi mặt hàng từ vải tổng hợp từng được sản xuất vẫn tồn tại và ám ảnh hành tinh của chúng ta cho đến ngày hôm nay, cho dù trong các bãi chôn lấp hay biểu hiện dưới dạng vi nhựa, chúng có mặt ở khắp mọi nơi".
Chiến dịch “Wear Wool, Not Waste” tiếp tục nối dài sáng kiến “Filter by Fabric” (Tạm dịch Sáng kiến "Lọc Theo Chất Liệu") được Woolmark triển khai vào năm ngoái. Theo đó, thương hiệu kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành ngừng sử dụng ngôn ngữ không rõ ràng trên bao bì sản phẩm. Thay vào đó, các nhãn hàng nên sử dụng mô tả thành phần vải chính xác trong tên sản phẩm và trên các trang thương mại điện tử. Điều này giúp người mua sắm đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn. Kể từ khi ra mắt, sáng kiến đã thu hút hàng nghìn cam kết từ các tổ chức trong ngành như Tuần lễ Thời trang Copenhagen, No More Plastic, Plastic Soup Foundation, cũng như các thương hiệu toàn cầu như Reformation và Benetton.
Được biết, chiến dịch này phù hợp với sứ mệnh rộng lớn hơn của Woolmark đó là định vị len như một giải pháp chính cho những tác động tiêu cực mà ngành thời trang gây ra đối với môi trường. Đây là một tầm nhìn được gói gọn trong Lộ trình Woolmark + mới ra mắt gần đây - một chương trình nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hướng tới một tương lai tích cực với thiên nhiên. Vào tháng 7 vừa qua, công ty Woolmark cũng đã tiết lộ đặc điểm kỹ thuật len tái chế đầu tiên của mình.
>>> Đọc thêm: Shein bị tố chứa chất độc hại trong quần áo giá rẻ
Lời kết:
Với ý tưởng táo bạo, cùng cách thể hiện độc đáo, những thước phim của “Wear Wool, Not Waste” như một hồi chuông cảnh tỉnh người xem về sự xâm lấn của quần áo làm từ sợi tổng hợp lên Trái Đất. Thông qua chiến dịch này, Woolmark đã truyền tải thành công bức thông điệp về lợi ích thiết thực của chất liệu len đối với môi trường, đồng thời lan tỏa sáng kiến “Filter by Fabric” - khi các sản phẩm được mô tả thành phần vải chính xác để người dùng dễ dàng nhận biết và có sự lựa chọn phù hợp.
Bình luận của bạn