Từ startup thời trang online, Shein hiện đã trở thành "gã khổng lồ" thời trang nhanh toàn cầu, phục vụ khách hàng tại hơn 150 quốc gia và sở hữu đội ngữ hơn 11.000 nhân viên. Chỉ trong vòng 5 năm, doanh thu của Shein đã tăng gấp gần 30 lần từ 0.61 tỷ USD (năm 2016) lên 15.7 tỷ USD (năm 2021). Bất chấp dịch Covid 19, doanh thu của hãng vẫn tăng trưởng thần tốc trong bối cảnh các đợt phong tỏa khắp nơi trên thế giới khiến thương mại điện tử lên ngôi. Theo Financial Times, doanh thu của Shein có thể đạt 53 tỷ euro (58 tỷ USD) vào năm 2025.
Tuy nhiên, mới đây Shein đã vấp phải về chỉ trích dữ dội khi bị phát hiện chứa hóa chất độc hại quá mức cho phép trong các sản phẩm của mình. Theo báo cáo mới nhất của tạp chí Oekotest (Đức), 2/3 trong tổng số 21 sản phẩm may mặc lựa chọn ngẫu nhiên của Shein được kiểm tra đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Trong đó, một chiếc váy in hình kỳ lân dành cho bé gái được phát hiện chứa antimon - chất gây hại cho da và ảnh hưởng đến sức khỏe. Người ta cũng phát hiện một lượng lớn chì và cadmium trong một đôi dép xăng đan của hãng này - những kim loại nặng tích tụ lâu ngày có thể gây tổn thương thận và xương.
Đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của Shein bán ra bị cáo buộc chứa chất độc hại khi trước đó, vào hồi tháng 5/2024, các nhà chức trách Hàn Quốc báo cáo rằng lượng phthalate trong một đôi giày của Shein cao gấp 428 lần ngưỡng cho phép - cao nhất trong các cuộc thanh tra của Seoul đến nay. Được biết, phthalate là một loại hóa chất dùng để làm mềm nhựa, đồng thời cũng là nguyên nhân gây rối loạn nội tiết tố, có liên quan đến bệnh béo phì, tim mạch, một số loại ung thư và các vấn đề sinh sản.
Với khả năng cung cấp tới 1,3 triệu kiểu dáng, mẫu mã khác nhau trong một năm, tốc độ sản xuất chóng mặt của Shein khiến chất lượng của các sản phẩm không được đảm bảo. Chưa kể, trụ sở chính đặt tại Singapore nhưng các sản phẩm của Shein lại được sản xuất tại hơn 5.000 nhà máy ở Trung Quốc. Việc thiếu giám sát, kiểm soát kỹ càng có thể sẽ là một "kẽ hở" dẫn đến tình trạng sản phẩm chứa chất độc hại
Thời trang nhanh: Tăng trưởng thần tốc - Hệ lụy khôn lường
Sức hấp dẫn của quần áo mẫu mã hợp thời với mức giá cực rẻ khiến thời trang nhanh ngày càng "được lòng" người tiêu dùng. Sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này là vô cùng ấn tượng. Trong quý đầu tiên của năm tài chính 2024, Inditex - nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới đã báo cáo doanh số bán hàng tăng trưởng 7,1% đạt 8,2 tỷ euro. Hay công ty mẹ của hãng thời trang đường phố khổng lồ Uniqlo của Nhật Bản mới đây đã điều chỉnh dự báo lợi nhuận ròng cả năm lên mức kỷ lục, với lý do doanh số toàn cầu tăng mạnh.
Trong một báo cáo của The State of Fashion 2024 do Business of Fashion và McKinsey phát hành, có tới 40% người tiêu dùng Mỹ và 26% người tiêu dùng Anh đã mua hàng tại các ông lớn thời trang nhanh Shein hoặc Temu trong năm qua. Và con số này hẳn sẽ cao hơn nếu tính cả các nhà bán lẻ thời trang nhanh khác.
>>>Chi tiết: Cách Shein chinh phục thị trường thời trang phương Tây
Tuy nhiên, "cái giá" phải trả cho những con số tăng trưởng ngoạn mực trên cũng đắt đỏ không kém. Theo một số nghiên cứu, người tiêu dùng thời trang nhanh có xu hướng bỏ đi quần áo sau khi mặc vài lần. Cụ thể với những sản phẩm may mặc rẻ tiền, họ sẽ mặc khoảng 7 lần rồi vứt đi. Cứ 5 sản phẩm may mặc được sản xuất thì có 3 sản phẩm bị chôn lấp hoặc thiêu hủy mỗi năm. Ước tính, ngành dệt may thải ra 1.2 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm - cao hơn tổng lượng khí thải từ tất cả các phương tiện hàng không và đường biển.
Số lượng quần áo được sản xuất ngày nay đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng tăng và để giữ chi phí sản xuất ở mức thấp, các sản phẩm thời trang thưởng được làm từ polyester - một loại sợi tổng hợp và rẻ làm từ dầu mỏ và có thể mất khoảng 200 năm để phân hủy.
Liệu "thời trang bền vững" có phải giải pháp cứu cánh khả thi?
"Thời trang bền vững" - khái niệm để chỉ các sản phẩm được thiết kế thân thiện với môi trường, ví dụ như quần áo làm từ sợi tự nhiên. Những ưu tiên mà ngành công nghiệp cần hướng tới đó là thay đổi mô hình sản xuất, sử dụng nguyên liệu tái chế nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường.
Cùng với các thương hiệu, người tiêu dùng có thể tự thực hiện một số bước để giảm lượng khí thải carbon của chính mình bằng cách giảm tiêu thụ thời trang nhanh. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của thời trang nhanh vẫn rất khó để chối từ với giá cả rẻ và mẫu mã cập nhật. GenZ là thế hệ được kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng bền vững nhưng nhiều người trẻ vẫn ngả nghiêng giữa 2 lựa chọn giữa thời trang xanh và nhanh. Trong khảo sát về GenZ năm 2023 của Deloitte chỉ ra rằng vấn đề môi trường là một trong những mối lo ngại hàng đầu của thế hệ này. Song, cũng theo khảo sát này, chỉ 33% genZ đã giảm thiểu chi tiêu cho thời trang nhanh và 25% Gen Z dự tính làm điều đó.
>>> Đọc thêm: GenZ khai mở cuộc cách mạng về xu hướng thời trang bền vững
Lời kết:
Từ vụ việc sản phẩm của Shein bị tố chứa chất độc hại, thương hiệu và người dùng cần nhìn nhận nghiêm túc về cách tiêu thụ thời trang nhanh và những hệ lụy khôn lường mà nó mang lại. "Thời trang xanh" hay "thời trang bền vững" sẽ là mục tiêu hướng tới trong tương lai, nhưng trước khi hiện thực hóa điều đó, thời trang nhanh cần "chậm lại" và người tiêu dùng cần tỉnh táo để điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ thời trang nhanh.
Bình luận của bạn