Xây dựng thương hiệu cá nhân khiến Marketers rơi vào “vũng lầy” FOBO?

12 Thg 12

Trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội lên ngôi, dù đi bất kỳ đâu, làm bất kỳ một việc gì mọi người luôn có xu hướng update tình hình của bản thân lên các nền tảng social media như Instagram, Facebook, TikTok,... Đặc biệt là đối với những ai làm trong ngành Truyền thông - Marketing. Chính vì vậy, có một thuật ngữ đang dần trở nên phổ biến và chiếm phần quan trọng không thể thiếu trên con đường gây dựng sự nghiệp của giới trẻ đặc biệt là đối với genZ. Đó là xây dựng thương hiệu cá nhân.

Tuy nhiên, bất cứ một vấn đề hay xu hướng nào cũng có mặt tốt và mặt xấu. Một bộ phận cho rằng việc xây dựng cá nhân khiến bản thân không còn được là chính mình, quá đánh bóng tên tuổi. Từ những luồng ý kiến, các thông tin được phổ cập khiến cho họ dễ để bản thân rơi vào trạng thái FOBO lúc nào không hay.

Vậy xây dựng thương hiệu cá nhân là gì? Vì sao xây dựng thương hiệu cá nhân khiến Marketers rơi vào hiệu ứng FOBO? Hãy cùng nhau khám phá qua bài phân tích dưới đây!

Hội chứng FOBO ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào?
Hội chứng FOBO ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào?

Cội nguồn của hiệu ứng FOBO

Patrick J. McGinnis là nhà văn, diễn giả, nhà đầu tư mạo hiểm, đồng thời là nhà sáng lập kiêm người dẫn chương trình của podcast FOMO sapiens. Ông là cha đẻ của thuật ngữ FOMO và trong “Đừng sợ lỡ cuộc chơi”, Patrick còn giới thiệu FOBO, nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn.

Hiệu ứng FOBO (fear of better options) - chứng sợ bỏ lỡ điều tốt hơn. Người mắc phải hội chứng này thường không kiên định với một lựa chọn cụ thể vì nghĩ rằng "luôn có một lựa chọn khác tốt hơn". Họ dành nhiều thời gian ôm ấp các chọn lựa khả thi, đau đáu về "một phương án tốt nhất chưa xảy đến".

"Cha đẻ" của thuật ngữ FOBO - fear of better options

Trong bài phỏng vấn, người tạo ra cụm từ này - Patrick McGinnis nói rằng, khi ông còn theo học ở Viện Thương mại, Đại học Havard, ông để ý thấy mình và các bạn luôn cố gắng tối ưu hoá những lựa chọn. Theo quan điểm của ông, chúng ta sống trong một thế giới vô cùng bận rộn - nơi mà mọi thứ có quan hệ mật thiết với nhau. Trong một thế giới như vậy, dường như tất cả đều có thể xảy ra. Kết quả là chúng ta bơi trong vô số các "khả năng" ấy, lúc nào cũng lo lắng lựa chọn mình đưa ra chưa phải là hoàn hảo nhất, dẫn đến việc chúng ta không thể nào đưa ra quyết định cuối cùng.

Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là "tối đa hoá". Họ cho rằng có thể chia con người ra thành hai loại: "Người tối đa hoá" và "Người dễ thoả mãn". "Người dễ thoả mãn" thì có xu hướng chấp nhận những lựa chọn "tạm được" hơn, dù cho đó không phải là lựa chọn tốt nhất. Kể cả sau đó một lựa chọn tốt hơn xuất hiện đi nữa, thì họ cũng ít có cảm giác hối tiếc. Ngược lại, những "Người tối đa hoá" có khả năng sẽ hối tiếc hơn và bị tổn thương lòng tự trọng. Họ có xu hướng thuộc về những người theo chủ nghĩa hoàn hảo.

Hình ảnh minh hoạ
Hình ảnh minh hoạ "Người tối đa hoá" và "Người dễ thoả mãn"

Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những sinh viên mới tốt nghiệp đại học thuộc nhóm "Người tối đa hoá" dễ dàng tìm được một công việc có mức lương khởi điểm cao hơn 20% so với những sinh viên thuộc nhóm "Người dễ thoả mãn". Thế nhưng, độ hài lòng của họ đối với công việc mình tìm được lại thấp hơn so với "Người dễ thoả mãn". Điều này là là bởi dù họ đã quyết định rồi đi chăng nữa, họ cũng sẽ lo lắng rằng vẫn còn có những lựa chọn tốt hơn.

Đây chính là điểm mâu thuẫn của FOBO: Dù "Người tối đa hoá" có thể đã đưa ra một quyết định rất tốt, trong lòng họ vẫn không thể nào cảm thấy hài lòng. Mục tiêu cuối cùng của họ không thể trở thành hiện thực được, bởi vì trước khi đưa ra quyết định, chúng ta không bao giờ có thể nắm chắc được tất cả các lựa chọn cũng như kết quả mà mỗi lựa chọn đó mang lại.

Bên cạnh đó, trong môi trường làm việc, ta có thể dễ dàng nhận ra đồng nghiệp mình mắc chứng FOBO khi họ thường nói "có lẽ", thay vì cam kết với một phương án cụ thể. Vì thế, nhiều cơ hội thường vụt khỏi tầm tay chỉ vì họ chần chừ, không quyết định dứt khoát.

Giải đáp định nghĩa FOBO là gì?
Giải đáp định nghĩa FOBO là gì?

Xây dựng thuơng hiệu cá nhân là gì?

Thương hiệu cá nhân (Personal Branding) được hiểu là tổng hợp tất cả những ấn tượng, niềm tin và tri giác mà con người ta nhìn nhận về một cá nhân nào đó. Nói một cách cụ thể, thương hiệu cá nhân là tất cả những gì mà mọi người nhìn nhận được ở bạn về ngoại hình, lối sống, tính cách, các giá trị mà bạn đã đóng góp cho xã hội. Cách bạn ăn mặc, giao tiếp, đi đứng… dần hình thành nên thương hiệu cá nhân của bạn trong suy nghĩ của người khác.

Sống trong thời đại công nghệ thông tin, bạn không chỉ phải xây dựng thương hiệu cá nhân ở góc nhìn đời thực mà thậm chí các nền tảng mạng xã hội bạn sử dụng cũng phải được xây dựng một cách chuyên nghiệp, chỉn chu nhất có thể.

Hiện nay các nền tảng được người dùng lựa chọn để xây dựng thương hiệu cá nhân nổi bật nhất là Facebook, Linkedin, Behance,... Bạn càng thể hiện sự chuyên nghiệp bởi học vấn, kỹ năng, kiến thức, hoạt động xã hội năng nổ bao nhiêu bạn sẽ càng thu hút được nhiều cơ hội tuyển dụng lớn về cho bản thân mình.

Các nền tảng giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân dễ dàng
Các nền tảng giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân dễ dàng

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân cũng tương tự như xây dựng thương hiệu của một doanh nghiệp, nó là cách để bạn khẳng định mình về các giá trị cốt lõi bên trong và bên ngoài. Giá trị này được xây dựng bởi năng lực và tính cách đặc biệt của bản thân những người xung quanh chấp nhận và nhìn nhận ra bạn. Muốn xây dựng thương hiệu cá nhân thành công, bạn cần nắm được giá trị cá tính riêng, những điểm mạnh riêng của bản thân và điều gì mà bạn muốn mọi người công nhận về bạn.

Tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu cá nhân đối với các thế hệ, đặc biệt là genZ

Ngày trước, việc xây dựng thương hiệu cá nhân chỉ được chú trọng bởi những người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội mà thôi. Thế nhưng ngày nay, thương hiệu cá nhân đã dần trở thành yếu tố thiết yếu để đạt đến một sự thành công chuyên nghiệp. Chính vì vậy, xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ mang lại những lợi ích như:

  • Tạo nên sự khác biệt: Thương hiệu cá nhân trở thành một công cụ hữu hiệu giúp phân biệt bạn với các đồng nghiệp hay các đối thủ cạnh tranh khác. Thương hiệu cá nhân giúp cho người khác thấy được điểm nổi bật về bạn, điểm khác biệt giữa bạn và họ.
  • Nâng cao giá trị bản thân: Khi xây dựng được hình ảnh, thương hiệu cá nhân thành công sẽ tạo được ấn tượng trong mắt người khác. Điều này giúp nâng cao giá trị bản thân, mang đến cho bạn những cơ hội trong kinh doanh và thăng tiến trong công việc.
  • Mang lại nhiều lợi ích ngắn hạn và dài hạn: Xây dựng được thương hiệu cá nhân tốt, bạn sẽ có cơ hội có công việc ổn định, tốt hơn, thu nhập tăng hơn hoặc có thể giúp bạn mở rộng được lĩnh vực kinh doanh… Và mục tiêu cuối cùng, dài hạn sau khi tạo dựng được thương hiệu cá nhân chính là sự phát triển bền vững và nguồn lợi nhuận tốt.
Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân đối với genZ
Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân đối với genZ

Hiệu ứng FOBO đã gây ảnh hưởng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân như thế nào?

Có quá nhiều lợi ích trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Vậy tại sao vẫn có nhiều ý kiến trái chiều trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân? 

Bản chất của việc xây dựng thương hiệu cá nhân được coi là “đánh bóng tên tuổi”. Nhìn vào định nghĩa của thương hiệu cá nhân, chúng ta dễ dàng nhận thấy mặt trái của nó. Điều bạn “chọn” để thế giới thấy đã hàm ý rằng:

  • Xây dựng thương hiệu cá nhân không phản ánh con người bạn hoặc chỉ phản ánh một phần con người bạn
  • Bạn phải nói dối (ở một mức độ nào đó) về con người mình (thường xuyên)

Phần con người mà bạn giấu đi, nhiều khi không phải vì nó xấu xí, mà chỉ vì đó không phải điều xã hội kỳ vọng. Không chỉ vậy, để giữ gìn một lời nói dối tốn nhiều công sức hơn rất nhiều đồng thời dễ gây nhiều vấn đề về tâm lý với những người không quá quen với việc đó.

Muốn biết mình đang muốn cho xã hội thấy hình ảnh gì, bạn có thể thử suy nghĩ lại về cách bản thân đang dùng mạng xã hội, nhất là mạng xã hội phổ biến như Facebook. “Trang cá nhân” đã không thật sự còn cá nhân mà bị vô hình kiểm soát bởi đám đông. Mỗi dòng trạng thái, mỗi tấm ảnh không đơn thuần là chia sẻ về cuộc sống nữa mà cũng cần tính toán chiến thuật để đảm bảo hình ảnh bạn cho người khác thấy là đồng nhất. Nhiều công ty hiện nay còn bắt nhân viên phải thay ava theo phong trào công ty, phải like cái gì share cái gì.

Mặt trái của việc xây dựng thương hiệu cá nhân
Mặt trái của việc xây dựng thương hiệu cá nhân

Và hơn nữa, nếu bắt đầu định lượng giá trị bản thân bằng số lượt “like” mình nhận được, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy thất vọng. Sự công nhận đến từ người ngoài vốn không tồn tại lâu dài. Hào quang của nó sẽ nhanh chóng phai nhạt và bạn sẽ sớm vội vã tìm kiếm sự công nhận tiếp theo, hệt như một con nghiện đi tìm thuốc cho lần hút kế tiếp.

Chính những ý kiến trái chiều này đã gây ra sự hoang mang “không hề nhẹ” với những người mắc hội chứng FOBO. Họ sẽ phải phân vân giữa việc chọn làm chính mình hay xây dựng một bản ngã khác không phải “hoàn toàn” là chính mình trên phương tiện truyền thông. Họ không biết liệu rằng xây dựng thương hiệu cá nhân có phải là một phương án tốt nhất hay không? Đây quả là một bàn cân khó đong đếm được. Trừ phi họ trở nên quyết đoán hơn trong cả một hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân dài hơi. Thậm chí điều này ảnh hưởng nhiều hơn đáng kể đối với những Marketers, những người sử dụng nền tảng mạng xã hội nhiều hơn cả thời gian họ “thở” trong vòng một ngày.

Cách thoát khỏi “cái bẫy” của FOBO

Patrick McGinnis đã viết: "Bạn không nên chìm đắm vào những điều đã bỏ lỡ, trái lại, bạn nên tập trung vào những điều thật sự quan trọng của hiện tại".

Lời khuyên của Patrick McGinnis giúp bạn thoát khỏi
Lời khuyên của Patrick McGinnis giúp bạn thoát khỏi "cái bẫy" FOBO

Thay vì cố gắng đạt những chuẩn mực xã hội, bạn nên đặt mục tiêu phù hợp với tiềm lực của mình. Đối diện với các lựa chọn, người đọc nên tỉnh táo, tự hỏi: "Liệu mình có thật sự muốn làm điều này, hay chỉ bắt chước người khác". Patrick McGinnis cho rằng "đừng mãi đuổi theo bóng của người khác", mà cần thấu hiểu giá trị cốt lõi của bản thân, xác định rõ đam mê.

Để thoát khỏi cái bẫy của FOBO, bạn buộc phải trở nên quyết đoán, hoặc là bạn phải lựa chọn những thứ bạn thật sự muốn, hoặc là bạn phải loại bỏ những thứ dư thừa. Sắp xếp thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của bạn với ba nhóm: giá trị cao, giá trị thấp và không có giá trị, để thúc đẩy nhanh hơn quá trình đưa ra quyết định của bạn và tránh xa khỏi FOBO.

Như người sáng lập Apple – Steve Jobs là một điển hình. Trong khi mọi người sẵn sàng dành cả tiếng đồng hồ mỗi ngày cho việc chọn lựa trang phục, Steve luôn xuất hiện với chiếc áo cổ lọ màu đen, với chiếc quần jeans xanh và đôi giày thể thao. Đó là vì “đối với một số người, việc chọn trang phục mỗi ngày là một cách thể hiện bản thân, nhưng với Steve Jobs, đó chỉ là chuyện vặt”.

Người sáng lập Apple – Steve Jobs trong chiếc áo
Người sáng lập Apple – Steve Jobs trong chiếc áo "đỡ phải nghĩ" của ông

Hay không xa lạ với chúng ta, VJ Thuỳ Minh, một nhà báo và người dẫn chương trình. Cô là MC, VJ, người viết kịch bản và sách. Hiện tại, cô được biết đến nhiều với cương vị là Host trong các số podcast nổi tiếng của Vietcetera. Cô tối giản hoá việc xây dựng thương hiệu cá nhân, biến trang cá nhân Facebook thành một nơi để chia sẻ, để truyền cảm hứng đến người hâm mộ. Hào nhoáng vừa đủ mà vẫn luôn là chính bản thân mình, chứ không phải một Thuỳ Minh nào khác.

VJ Thuỳ Minh - người truyền cảm hứng nổi tiếng trong cộng đồng genZ
VJ Thuỳ Minh - người truyền cảm hứng nổi tiếng trong cộng đồng genZ

Phải công nhận rằng việc xây dựng thương hiệu cá nhân ngày càng được giới trẻ, đặc biệt là GenZ quan tâm. Cũng đúng thôi, đây là một việc rất quan trọng để có thể định hình xem bản thân bạn xuất hiện trước mắt mọi người như thế nào, bạn cho người ta thấy bạn là người ra sao. Từ đó đưa ra được hệ giá trị của bản thân mình.

Tuy nhiên, khi việc xây dựng thương hiệu cá nhân trở thành một trào lưu thì chưa chắc bản thân các bạn đã biết được rằng làm thế nào có thể xây dựng thương hiệu cá nhân một cách tốt nhất, đúng đắn nhất. 

Bước đầu trong việc xây dựng cá nhân là phải định vị được bản thân mình là ai? Và những hình ảnh chuyên nghiệp mình cho mọi người thấy chính là những nỗ lực, những cố gắng không ngừng của bản thân chứ không phải là sự hào nhoáng điêu thuyền. Khi bạn xây dựng được những nội dung có giá trị, có chọn lọc bạn hoàn toàn có thể để bản thân toả sáng theo một cách riêng mà vẫn luôn là chính mình, chứ không phải là một ai khác.

Kết luận

Hãy cố gắng xuất hiện với một phiên bản hoàn hảo nhất nhưng vẫn đúng là bản thân mình nhất không chỉ là trên mạng xã hội mà còn cả ở ngoài đời. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân thực sự khó, nó cần có đủ 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng và sự tinh tế. Thiếu một chút thì bạn trở nên nhạt nhoà. Nhưng thêm một chút thì có thể sẽ trở nên lố bịch. 

Thảo Triệu - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.