Vietjet là thương hiệu dẫn đầu về thị phần trong ngành hàng không giá rẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, danh tiếng nhiều thì thị phi cũng bủa vây hãng với hàng loạt bê bối trong nhiều năm qua. Gần đây, hãng đang có ý định mở sàn thương mại điện tử riêng cho mình, và thứ người ta quan tâm hơn cả là liệu dịch vụ của Vietjet sẽ như thế nào với loại hình kinh doanh mới này. Hãy cùng MarketingAI đi tìm hiểu những thông tin quan trọng được Vietjet thông báo nhé!
Vietjet có tham vọng gì trong việc mở sàn TMĐT của riêng mình?
Theo những thông tin mà Nikkei thông báo thì Vietjet có kế hoạch ra mắt dịch vụ TMĐT của mình trong vòng 2 năm tới. Hãng sẽ hợp tác với các ngân hàng, khách sạn, và các công ty khác để cung cấp những dịch vụ cần thiết liên quan đến hàng không, dịch vụ du lịch. Hiện tại chưa rõ Vietjet sẽ đầu tư bao nhiêu cho lĩnh vực mới này, nhưng hãng sẽ cố gắng rất nhiều để cải thiện dịch vụ trong mắt khách hàng, trước những sự cố không đáng có đợt giữa năm vừa qua.
Trả lời Nikkei, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, cho biết sàn TMĐT không chỉ phục vụ vé máy bay mà bất cứ những gì khách hàng cần. Mọi đối tác, nhà cung ứng có thể tham gia để bán hàng cho hàng trăm triệu người dùng Việt Nam và toàn cầu.
Vietjet sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là Blockchain, hãng sẽ có đối tác để chia sẻ giao dịch với nhau một cách thuận tiện nhất. Nền tảng thương mại điện tử này của hãng sẽ bao gồm nhiều ngành hàng như: tài chính, bảo hiểm, ngân hàng cũng như khách sạn, du lịch... Hãng cùng cho biết thêm, mục tiêu hiện tại là bán hàng cho khách hàng của Vietjet, dự kiến chạm mốc 30 triệu trong năm 2019, tăng 30% so với năm 2018. Sau hai năm, bà tin rằng hành khách không phải đối tượng duy nhất sử dụng nền tảng.
Vietjet ủ mưu trong bối cảnh các hãng đối thủ tiềm năng mới đang dần hiện hình, đây sẽ là một thương trường khá khốc liệt trong tương lai. Cho nên, hãng đang phải gia nhập xu hướng tìm cách tận dụng dữ liệu khách hàng lớn để mở rộng kinh doanh tiếp cận nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.
Như vậy, chiến lược phát triển thương mại điện tử của Vietjet cũng khá tương đồng với các hãng bay giá rẻ trong khu vực như AirAsia, Nok Air... Ngoài bán vé máy bay, website của Air Asia còn cung cấp nhiều dịch vụ khác như đặt phòng khách sạn, tour du lịch trọn gói, bán sản phẩm từ nước hoa, rượu đến thời trang... Hãng bay giá rẻ này cho biết, đang đầu tư 20 triệu USD một năm cho nỗ lực đa dạng hóa dịch vụ ngoài vận tải.
Cái mà Vietjet cần cải thiện là tái Branding
Điều đầu tiên, vấn đề mà hãng đã gặp phải từ trước tới nay chính là vấn đề thương hiệu. Trong mắt khách hàng, khi nhắc tới Vietjet, người ta thường hay nghĩ tới "Delay", "chất lượng tệ", "dịch vụ kém".... Đây sẽ là điều cản trở lớn nhất với hãng hàng không này trong tương lai, nếu muốn mở ra cho khách hàng một sàn thương mại điện tử tốt, và tối ưu trải nghiệm người dùng.
Vietjet có đầu tư đến mấy, tiền nhiều đến mấy, mà chất lượng dịch vụ lại tệ hại, thì cũng bằng thừa. Mặc dù độ phổ biến của hãng ở tầm quốc dân, nhưng định vị thương hiệu trong đầu khác hàng lại khá tiêu cực. Chính vì thế, hãng cần chú trọng trong việc tái nhận diện lại thương hiệu của mình một cách chuyên nghiệp hơn. Đã rất lâu rồi Vietjet chưa đem tới cho thị trường thứ gì "ra hồn", những chiến dịch luôn gây tranh cãi, hãng hàng không cũng chưa có nhiều thay đổi về thương hiệu kể từ khi ra mắt tới giờ. Thiết nghĩ, nếu chơi lớn thì Vietjet nên làm cuộc cách mạng thật sự đầu tư về thương hiệu để gây dựng lại niềm tin bao lâu nay bị giảm sút trong mắt khách hàng. Trong bối cảnh mà các thương hiệu giá rẻ khác đang chuẩn bị gia nhập ngành hàng không, thì Vietjet cần cẩn trọng, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"!
Xem thêm: Chất lượng dịch vụ của Vietjet Air có đáng báo động?
Thắng Nguyễn - MarketingAI
Bình luận của bạn