cover

Vietcombank tăng phí & bài học Marketing ngành ngân hàng

02 Thg 03

Theo thông tin chính thức từ Ngân hàng Vietcombank, kể từ ngày 1/3/2018, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt nam Vietcombank tăng phí các dịch vụ. Tuy đã được "hé lộ" từ giữa tháng 2/2018, việc  tăng phí này vẫn khiến phần lớn...

Theo thông tin chính thức từ Ngân hàng Vietcombank, kể từ ngày 1/3/2018, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt nam Vietcombank tăng phí các dịch vụ. Tuy đã được "hé lộ" từ giữa tháng 2/2018, việc  tăng phí này vẫn khiến phần lớn khách hàng của Vietcombank tỏ ra bức xúc, thậm chí muốn chuyển qua các ngân hàng có mức phí dịch vụ rẻ hơn. 

 

Vietcombank tăng phí - chiêu "hút máu" người dùng?

Không chỉ tăng phí dịch vụ SMS Banking từ 8.800 lên 11.000 đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng - VAT), Vietcombank tăng phí dịch vụ đồng thời cho các khách hàng sử dụng ứng dụng Mobile Banking. Theo đó, từ 1/3/2018, mỗi giao dịch qua ứng dụng này sẽ chịu mức phí là 2.200 đồng.

Dịch vụ Internet Banking của Vietcombank cũng có mức biểu phí mới. Cụ thể, phí dịch vụ tăng từ 3.300 đồng lên tới 2.200 đồng cho mỗi giao dịch dưới 50 triệu đồng, và 5.500 đồng cho mỗi giao dịch trên 50 triệu đồng.

Dưới đây là biểu phí dịch vụ của Vietcombank tính từ 1/3/2018, tức là sau khi Vietcombank tăng phí dịch vụ:

vietcombank tăng phí

Biểu phí dịch vụ Vietcombank tính từ ngày 1/3/2018. (Ảnh: Báo Mới)

Rõ ràng là, chỉ với riêng số phí dịch vụ này, Vietcombank có thể dễ dàng "sống khỏe" nhờ phí dịch vụ. Đây được coi là nguồn thu bền vững và ít rủi ro hơn so với cho vay tín dụng.

Với sự thay đổi chóng mặt này, các khách hàng của Vietcombank tỏ ra bức xúc khi phải chi trả thêm quá nhiều khoản phí vô lý. Vậy từ góc nhìn của Vietcombank, chúng ta có thể nhìn thấy những gì?

Tiếng nói nằm trong tay kẻ mạnh

Vietcombank là cái tên quá quen thuộc trong ngành ngân hàng, và có độ phổ biến đến mức 9/10 người xung quanh bạn đều có tài khoản hay thậm chí là khách hàng "ruột" của ngân hàng này.

Về danh tiếng trên thị trường, Vietcombank được bình chọn là ngân hàng uy tín nhất Việt Nam năm 2017 (theo Vietnam Report). Trong số top 5 ngân hàng lớn tại Việt Nam (BIDV, VPBank, VietinBank, Techcombank, Vietcombank), Vietcombank hiện đang là "quán quân" trong ngành ngân hàng tại Việt Nam với mức lãi trước thuế công bố năm 2017 là hơn 11 tỷ đồng, tức là tăng 32,9% so với năm 2016, và hoàn thành 119% kế hoạch của cả năm 2017.

Vietcombank tăng phí & bài học Marketing ngành ngân hàng- Ảnh 2.Năm 2018, Việt Nam sẽ có ngân hàng lợi nhuận "vạn tỷ"? (Ảnh: Vietnam Finance) 

Nhiều người nghi ngờ rằng trước thay đổi này, liệu Vietcombank có mất đi kha khá khách hàng hay không? Liệu ngân hàng này có lo lắng hay tìm biện pháp nào đó để xoa dịu tình hình, và níu chân những khách hàng thịnh nộ hay không?

Câu trả lời là không.

Nhưng vì sao?

  • Các mức phí này so với người dùng tuy có tăng, nhưng không đáng là bao nhiêu.
  • Hạn mức chuyển khoản của khách hàng qua E-banking hiện tại không vượt quá 100 triệu/ngày, nên số lượng người dùng bị ảnh hưởng bởi việc Vietcombank tăng phí là không nhiều.
  • Cách tính mới này có lợi cho phần lớn khách hàng bởi 70% các giao dịch chuyển khoản qua Vietcombank hiện nay đều với giá trị nhỏ (dưới 10 triệu đồng).
  • Các bên đang thực hiện giao dịch mua bán chủ yếu qua Vietcombank đã quá quen thuộc với dịch vụ này, và họ cảm thấy vô cùng bất tiện (phải thông báo với khách hàng, thay đổi thông tin thanh toán ở mọi nơi,...) khi phải chuyển sang một ngân hàng khác.

Như vậy, cho dù có tăng phí và nhận được nhiều phản hồi tiêu cực từ phía người dùng, Vietcombank vẫn khá ung dung vì họ chắc rằng, với vị thế số một trên thị trường, số người dùng vì sự kiện Vietcombank tăng phí mà chuyển qua ngân hàng khác sẽ chẳng đáng bao nhiêu, trong khi số người chấp nhận và tiếp tục sử dụng dịch vụ của Vietcombank vẫn chiếm số đông.

Quay lại góc nhìn của người dùng tức giận, họ sẽ cân nhắc những lựa chọn nào cho riêng mình?

Nhiều lựa chọn thay thế hợp lý hơn

Ngoài Vietcombank, còn có khá nhiều ngân hàng khác có chất lượng dịch vụ vượt trội. Cụ thể, trong bảng tổng kết dưới đây, hãy cùng xem người tiêu dùng trên mạng xã hội nói gì về các ngân hàng:

Vietcombank tăng phí & bài học Marketing ngành ngân hàng- Ảnh 3.

Tỷ lệ các yếu tố được phản hồi tích cực trên các ngân hàng năm 2015 (Ảnh: Younet Media)

Dựa trên bảng tổng kết trên, chúng ta có thể thấy rằng có khá nhiều ngân hàng lớn và nhỏ vượt trội hơn Vietcombank về nhiều mảng, như tính an toàn, dịch vụ e-banking, dịch vụ ATM,...

Hãy cùng xét một số lựa chọn thay thế về dịch vụ ngân hàng trong thời điểm hiện tại.

  Vietcombank tăng phí & bài học Marketing ngành ngân hàng- Ảnh 4.  

Ngân hàng số Timo by VPBank

Vietcombank tăng phí & bài học Marketing ngành ngân hàng- Ảnh 5.

VPBank đưa mô hình ngân hàng điện tử Timo đi vào hoạt động. (Ảnh: timo.vn)

VPBank là ngân hàng đi đầu về triển khai mô hình ngân hàng số tại Việt Nam. Được triển khai từ năm 2016, ngân hàng số hoạt động gần như đầy đủ các dịch vụ của một chi nhánh ngân hàng, chỉ khác ở chỗ là tất cả được điều hành bởi hệ thống máy tính và tự động hóa. Với định dạng ngân hàng số, VPBank xóa nhòa mọi định nghĩa về chi nhánh, phòng giao dịch truyền thống, đồng thời tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc cho người sử dụng.

Ngân hàng số Timo có nhiều điểm cộng hơn so với Vietcombank:

  • Đăng ký và nhận thẻ nhanh chóng
  • Chuyển khoản và nhận tiền 24/7
  • Miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng
  • Bảo mật 3 lớp (mã mật khẩu, mã bảo mật, và OTP)
  • Ứng dụng hoạt động ổn định, linh hoạt
 

Xem thêm bài về marketing ngân hàng:

   

TPBank Live Bank

Khác với Timo, TPBank LiveBank - mô hình dịch vụ ngân hàng 24/7 mơi được TPBank đi vào triển khai thí điểm từ đầu năm 2017. Với mô hình này, người dùng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng mà không phải nơm nớp lo sợ tiền sẽ đến muộn khi gửi tiền sau giờ hành chính hoặc cuối tuần. Mô hình này giúp tiết kiệm đến 40% thời gian so với các loại hình giao dịch ngân hàng truyền thống hiện nay.

Vietcombank tăng phí & bài học Marketing ngành ngân hàng- Ảnh 6.

(Ảnh: báo Sài Gòn Giải Phóng)

Không chỉ LiveBank, TPBank hiện đang là ngân hàng dẫn đầu về mặt công nghệ và độ tiện dụng, cũng như chi phí hợp lý. Cụ thể, tất cả các giao dịch trên 16.000 máy ATM đều được miễn phí (kể cả rút tiền ở cây ATM của ngân hàng khác). Hơn nữa, TPBank còn có các ưu đãi khác cho người sử dụng như miễn phí thường niên, chuyển khoản, in sao kê, kiểm tra số dư tài khoản,...

 

Techcombank và "0 đồng E-Banking"

 
Vietcombank tăng phí & bài học Marketing ngành ngân hàng- Ảnh 7.

(Ảnh: Vietnam Finance)

Nếu như TPBank có nhiều ưu đãi dành cho người sử dụng, Techcombank lại khá táo bạo với slogan "0 đồng E-Banking" được áp dụng từ ngày 27/9/2016, nhân dịp kỷ niệm 23 năm thành lập của ngân hàng này. Theo đó, mọi giao dịch trên hệ thống F@st i-bank và F@st Mobile của Techcombank sẽ được miễn phí hoàn toàn.

Được biết đến trên thị trường là ngân hàng đi đầu về các cải tiến công nghệ cho người sử dụng, Techcombank, Đặc biệt, cập nhật lớn này từ Techcombank làm một động thái khuyến khích người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam hòa nhập với xu hướng ngân hàng điện tử trên thế giới.

 

Bài học Marketing ngân hàng tại Việt Nam

Từ sự việc Vietcombank tăng phí dịch vụ, marketer có thể rút ra một số bài học về marketing ngân hàng tại Việt Nam:

Chất lượng dịch vụ

Chất lượng dịch vụ là yếu tố cốt lõi quyết định xem khách hàng có sử dụng dịch vụ của ngân hàng hay không. Chất lượng dịch vụ thể hiện không chỉ ở mặt online, mà còn ở mặt offline.

  • Online: dịch vụ chăm sóc khách hàng, hỏi đáp, phản hồi thắc mắc, hỗ trợ online trên ứng dụng, các ứng dụng hỗ trợ giao dịch (e-banking, mobile banking, ứng dụng e-token,...)
  • Offline: chăm sóc khách hàng ở các chi nhánh, điểm giao dịch, hội sở

Sự hài lòng của khách hàng là tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của một ngân hàng. Nếu thực hiện tốt về chất lượng dịch vụ, bạn thậm chí có thể dùng chính những khách hàng hiện tại để làm marketing cho ngân hàng. Cụ thể, khách hàng sẽ phản hồi hay đề cập đến ngân hàng của bạn trong các cuộc trò chuyện với đồng nghiệp, bạn bè, người thân của họ. Như vậy, chính khách hàng cũ đã giúp bạn kéo thêm khách hàng mới mà không cần quá nhiều chi phí cho quảng cáo, truyền thông. Chiến lược marketing truyền miệng này tuy không còn quá mới, nhưng vẫn mang lại hiệu quả khá lớn trong marketing ngân hàng.

Chi phí hợp lý

Sau cùng, giá cả là điều mà người sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam quan tâm hơn cả (không chỉ trong ngành ngân hàng, mà còn khá nhiều lĩnh vực khác). Để giữ chân khách hàng, các ngân hàng tại Việt Nam nên có chính sách giá cả dịch vụ hợp lý, ưu đãi dành cho từng nhóm khách hàng để duy trì độ trung thành của họ.

Kết luận

Qua sự kiện Vietcombank tăng phí dịch vụ, có thể thấy rõ ràng rằng việc nâng cao chất lượng phải đi đôi với cân đối chi phí dịch vụ cho hợp lý. Hơn nữa, giữa rất nhiều lựa chọn khác nhau trên thị trường, khách hàng hẳn sẽ có sự cân nhắc sử dụng một dịch vụ không "hút máu" nhưng không kém phần thuận tiện cho họ. Giữa thị trường mang tính cạnh tranh khá cao này, chính sự kết hợp giữa dịch vụ thuận tiện, nhanh chóng và chi phí hợp lý là hai yếu tố lôi kéo khách hàng mới, và giữ chân các khách hàng trung thành cho ngân hàng.

 

Trang Tran - Marketing AI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.