Tờ Wall Street Journal mới đây đã đưa tin, Verizon đã ký một thỏa thuận bán phần lớn mảng kinh doanh truyền thông kỹ thuật số của mình - Verizon Media - cho công ty cổ phần tư nhân Apollo Global Management với giá 5 tỷ USD. Theo thỏa thuận, Verizon sẽ giữ 10% cổ phần trong nhóm sở hữu Yahoo, AOL, TechCrunch và một loạt các dịch vụ xuất bản và công nghệ quảng cáo khác.
Sau khi kết thúc giao dịch, dự kiến vào nửa cuối năm nay, Verizon Media sẽ được đổi tên thành Yahoo và tiếp tục được dẫn dắt bởi giám đốc điều hành hiện tại là Guru Gowrappan. Theo ước tính, các tài sản thuộc sở hữu của Verizon Media đang tiếp cận tới khoảng 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và Yahoo cũng đã đưa ra những đặt cược mới vào các ứng dụng như TikTok để thu hút khán giả Thế hệ Z.
Trên thực tế, các dấu hiệu cho thấy sự cố này sẽ xảy ra đã xuất hiện từ lâu ở Verizon Media và vô cùng rõ ràng. Vậy nên, gần như không có quá nhiều người ngạc nhiên về kết quả này. Verizon trước đó cũng đã bán bớt đi các thương hiệu khác, bao gồm cả trang mạng xã hội Tumblr vào năm 2019 và HuffPost, được BuzzFeed mua lại vào năm ngoái.
Bloomberg cho biết cả hai vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng và Verizon hoàn toàn có thể lựa chọn giữ lại “những đứa con” của mình.
Trong quá khứ, gã khổng lồ viễn thông Verizon đã nhìn thấy cơ hội tạo ra dấu ấn độc quyền trong ngành quảng cáo kỹ thuật số bằng cách kết hợp sức mạnh của mình trong không gian di động với phạm vi tiếp cận và danh tiếng của các nhà xuất bản như AOL và Yahoo. Vì thế, năm 2015, Verizon đã mua lại AOL với giá 4,4 tỷ USD và dành ra 4,8 tỷ USD cho Yahoo chỉ 2 năm sau đó, để hợp nhất hai thương hiệu đó lại với nhau dưới một công ty con có tên "Oath", với mục tiêu là giúp Verizon cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn trong làng công nghệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm chật vật chống chọi lại các đối thủ lớn như Facebook và Google, Oath không những không cạnh tranh nổi, mà còn tăng trưởng rất chậm chạp, trái ngược hoàn toàn với sự tăng vọt trong doanh số bán quảng cáo của các đối thủ nặng ký khác. Đứng trước tình cảnh đó, Verizon không còn cách nào khác đành phải bán đứt đi mảng kinh doanh truyền thông kỹ thuật số của mình.
Cuối năm 2018, Verizon ghi nhận giá trị của Oath giảm tới 4,6 tỷ USD. Mọi thứ lên đến đỉnh điểm khi Oath “đã trải qua áp lực thị trường và cạnh tranh gia tăng suốt năm 2018, dẫn đến doanh thu thấp hơn mong đợi”, vì vậy, Verizon đã quyết định đổi tên thương hiệu từ Oath thành Verizon Media vào cuối năm 2018. Đơn vị này gần đây đã tập trung vào phát triển các sản phẩm quảng cáo tương tác, giải pháp thương mại điện tử và cung cấp cá cược thể thao, bao gồm một concept thực tế ảo được tạo ra bởi sự hợp tác của Verizon và nhà điều hành trò chơi Entain. Vào tháng 4, Verizon Media đã cho ra mắt một giải pháp nhắm mục tiêu mới có vai trò giống như một giải pháp thay thế cho cookie của bên thứ ba. Giải pháp Next-Gen dựa vào thông tin theo ngữ cảnh và thời gian thực như thời tiết, vị trí và loại thiết bị để phân phát quảng cáo cho người dùng.
Tim Armstrong từ chức Giám đốc điều hành của Oath sau sự thất bại của công ty này vào cuối 2018 (Ảnh: Business Insider)
Giờ đây, Verizon chủ yếu khai thác mảng kinh doanh truyền thông, chỉ giữ lại một cổ phần nhỏ trong Verizon Media. Quyết định này được đưa ra sau khi chứng kiến Verizon Media phải trải qua một giai đoạn tương đối khó khăn. Doanh thu của Verizon Media trong quý đầu tiên của năm 2021 tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,9 tỷ USD, đồng thời cũng là quý thứ hai liên tiếp công ty này đạt mức tăng trưởng hai con số. Thế nhưng, những con số này vẫn là chưa đủ để Verizon Media có thể đánh bại các đối thủ sừng sỏ khác. Cụ thể, Facebook vừa ghi nhận doanh thu 25,44 tỷ USD trong Q1 trong khi Alphabet, chủ sở hữu của Google, đạt 55,31 tỷ USD trong giai đoạn này.
Phương tiện truyền thông kỹ thuật số (digital media) đã trở nên đặc biệt phổ biến hơn nhờ những tác động của đại dịch. Điều này đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng hơn đến với các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) và mạng xã hội (social media) trong trường hợp không có các sự kiện trực tiếp. Mới gần đây, Yahoo News cũng đã tuyên bố chính thức trở thành tổ chức tin tức phát triển nhanh nhất trên TikTok, chứng minh rằng việc thử nghiệm với các kênh mới có thể mang lại lợi nhuận cho các nhà xuất bản.
Cùng lúc đó, không gian kỹ thuật số cũng ngày càng trở nên phức tạp và khó có thể điều hướng hơn với sự xuất hiện của những nhiệm vụ thay đổi xung quanh dữ liệu và việc ngừng sử dụng các công cụ nhắm mục tiêu nền tảng như cookie. Apple vào cuối tháng trước cũng đã cập nhật các chính sách theo dõi của mình theo cách được cho là sẽ mang tới một “cú vả” thật mạnh vào doanh thu của các nền tảng bao gồm cả Facebook.
Apple vừa phát hành phiên bản vá lỗi iOS 14.5.1 chỉ vài ngày sau khi tung ra bản cập nhật iOS 14.5, tập trung vào vá lỗi cho tính năng minh bạch theo dõi ứng dụng (App Tracking Transparency), được cho là sẽ gây khó khăn cho các mạng xã hội.
Kết
Không chỉ Verizon mà các hãng viễn thông khác cũng đã có những bước ngoặt trong việc nỗ lực xây dựng doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp truyền thông kỹ thuật số. AT&T đã thành lập một nhóm quảng cáo có tên Xandr vào năm 2018 để mở ra tương lai của quảng cáo truyền hình và tận dụng tốt hơn từ việc mua lại WarnerMedia trị giá 85 tỷ đô la vào thời điểm đó. Tuy nhiên, các báo cáo vào cuối năm ngoái cho thấy AT&T cũng đang tìm cách bán Xandr nếu có một thỏa thuận tiềm năng.
Tô Linh - MarketingAI
Theo Marketingdive
>> Có thể bạn quan tâm: NielsenIQ: Việc định giá sản phẩm của các thương hiệu CPG sắp gặp khó khăn
Bình luận của bạn