Mới đây, trong một thông cáo báo chí được gửi tới toàn thể cộng đồng, gã khổng lồ ngành tiêu dùng nhanh Unilever đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng trên phạm vi lớn với mục tiêu nâng cao các tiêu chuẩn về tính đa dạng và hòa nhập nội bộ (D&I: Diversity & Inclusive - một thuật ngữ đã trở nên khá phổ biến với các tổ chức và doanh nghiệp trong quản trị nhân lực), cũng như chống lại 2 vấn đề mà họ coi là mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội, đó là biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội.
Theo đó, Unilever sẽ ưu tiên làm việc với 3 đối tượng chính là các đối tác bên ngoài, các nhà cung cấp và lực lượng lao động của chính mình. Ngoài ra, Unilever cũng cam kết sẽ đưa những người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau xuất hiện trong quảng cáo của họ, bao gồm cả trước và sau máy quay. Những cam kết này có thể giúp Unilever tạo ra tiếng vang lớn hơn trong ngành marketing trong nhiều năm tới.
Các đối tác bên ngoài
Đầu tiên, đối với các đối tác bên ngoài, Unilever cam kết sẽ cung cấp một mức lương đủ sống cho tất cả các nhân viên của họ trong khoảng thời gian khó khăn vì COVID-19, góp phần giảm thiểu tối đa bất bình đẳng kinh tế đang xảy ra trên toàn cầu. Ngoài ra, trước sự bùng nổ của các phong trào xã hội khác trên thế giới, điển hình là cuộc biểu tình hàng loạt đòi công bằng chủng tộc diễn ra vào tháng 7 năm ngoái, Unilever đã đặt sự đa dạng và hòa nhập (D&I) lên thành vấn đề trọng tâm của thương hiệu, đồng thời thực hiện thay đổi cách tiếp thị đến người tiêu dùng. Việc Unilever nâng mức lương tối thiểu mà một nhân viên có thể nhận được trong 1 giờ làm việc tại Mỹ cũng đã trở thành một vấn đề chính trị nổi bật tại quốc gia này, một trong những thị trường lớn nhất của Unilever trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành của Unilever - Alan Jope đã chia sẻ trên báo chí như sau: "Năm 2020 đã khiến cho tình trạng phân hóa giàu nghèo diễn ra ngày càng nghiêm trọng trong xã hội hiện nay. Điều đó đòi hỏi các thương hiệu cần phải mau chóng có các hành động quyết đoán, kêu gọi tập thể cùng nhau xây dựng nên một xã hội vững mạnh, công bằng, cải thiện kế sinh nhai, đón nhận sự đa dạng, nuôi dưỡng tài năng và mang lại cơ hội cho tất cả mọi người”, đồng thời khẳng định tuyên bố, “Trong một xã hội không lành mạnh sẽ không thể có một doanh nghiệp lành mạnh."
Các nhà cung cấp
Tiếp theo, đối với các nhà cung cấp, bên cạnh việc tuyên bố đã trả cho tất cả nhân viên của mình mức lương "ít nhất là đủ sống" trong thời gian dịch bệnh vừa qua, gã khổng lồ ngành FMCG này hiện còn đang tìm cách đảm bảo cho tất cả các nhà cung cấp hàng hóa và dịch vụ của mình đều có thể làm được như họ vào năm 2030. Về mặt D&I, công ty đặt mục tiêu chi ra nhiều hơn 2 tỷ đô la mỗi năm để đầu tư cho các nhà cung cấp đa dạng vào năm 2025, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ, người khuyết tật, LGBT và những người thuộc các nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số đại diện làm chủ và điều hành.
Unilever cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường số lượng quảng cáo có sự tham gia của các nhóm người và tầng lớp xã hội khác nhau. Họ có thể đảm nhận vai trò là diễn viên trong quảng cáo hoặc là nhân viên sản xuất đứng sau máy quay. Chúng tôi sẽ giúp xóa bỏ đi những định kiến đã tồn tại từ lâu trong xã hội này thông qua các quảng cáo và thúc đẩy sự hiện diện toàn diện hơn nữa cho tất cả tầng lớp trong xã hội.”
Không rõ kế hoạch của Unilever sẽ tạo ra ảnh hưởng đáng kể như thế nào đến hoạt động kinh doanh của họ cũng như các agency đối tác trên toàn cầu, nhưng theo báo cáo từ trang Campaignlive, công ty có thể sẽ ban hành riêng một bản đánh giá về các hoạt động mua phương tiện truyền thông (buying media) để có thể thiết lập lại quan hệ đối tác với các agency. Hiện tại, phát ngôn viên của Unilever vẫn từ chối đưa ra bình luận về những phỏng đoán này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Unilever sẽ không thực hiện thay đổi gì. Nhiều khả năng “ông lớn” FMCG này sẽ đưa ra một bản đánh giá riêng giống như cách mà Coca-Cola đang làm với các agency đối tác của mình trên toàn cầu.
>> Xem thêm: Coca-Cola triển khai đánh giá quy mô lớn đối với các agency toàn cầu, bước đầu chuyển đổi toàn bộ hoạt động marketing
Đội ngũ nhân viên của công ty
Cuối cùng, những cam kết về việc nâng cao kỹ năng của nhân viên nhằm phục vụ cho công việc trong tương lai cũng có thể ảnh hưởng đến chiến lược marketing của Unilever. Trong một cuộc gọi hội nghị gần đây, Giám đốc điều hành của Unilever - Jope đã tuyên bố rằng Unilever sẽ đầu tư vào "thế giới tiếp thị sử dụng nhân lực có nhiều kỹ năng chuyên sâu hơn, nơi các chương trình kỹ thuật số là thành phần chính."
Các tiêu chuẩn mà Unilever đưa ra về sự công bằng và hòa nhập trên toàn cầu phản ánh chính xác những tiêu chuẩn mà một số đối thủ cạnh tranh chính của họ, chẳng hạn như Procter & Gamble đưa ra trong thời gian trước. Tháng 6 năm ngoái, khi phong trào phản đối phân biệt chủng tộc đang ở mức đỉnh điểm, Marc Pritchard, giám đốc thương hiệu của P&G đã đưa ra kế hoạch 4 điểm với mục tiêu xóa bỏ bất bình đẳng chủng tộc trong xã hội hiện nay. Kế hoạch bao gồm việc tăng tốc đầu tư vào các doanh nghiệp truyền thông, agency và nhà cung cấp dịch vụ marketing do người da đen sở hữu và điều hành, cũng như tăng lượng nhân viên đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trong nội bộ thị trường Hoa Kỳ lên 40%.
Kết
Hoạt động nhân sự và chuỗi cung ứng lao động của các công ty đa quốc gia hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) đã bắt đầu được đẩy mạnh trong một vài năm gần đây, đặc biệt liên quan đến việc tìm nguồn cung ứng dầu cọ bền vững.
*Dầu cọ là mặt hàng quan trọng và là nguyên liệu linh hoạt cho cả ngành công nghiệp thực phẩm và phi thực phẩm. Được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu, trong vài thập kỷ qua đã chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng của sản xuất và canh tác dầu cọ dẫn đến suy thoái đất, nước và các tác động sinh thái. Điều này dẫn đến sự hình thành sáng kiến Hội nghị Bàn tròn về Dầu cọ Bền vững (RSPO) trên toàn cầu.
Một báo cáo điều tra của Associated Press năm ngoái cho thấy những phụ nữ làm việc trong các mỏ dầu cọ ở các nước như Malaysia và Thái Lan đã bị lạm dụng nghiêm trọng, bao gồm cả việc bị cưỡng hiếp và nhận mức lương nghèo nàn quá thể đáng. AP mô tả Unilever là "một trong những công ty mua dầu cọ lớn nhất để sản xuất hàng tiêu dùng ", nhằm cung cấp thành phần này cho một số thương hiệu làm đẹp hàng đầu. Chính vì thế, bản thân Unilever cũng nên là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đi đầu trong việc chống lại bất bình đẳng xã hội, cũng như ủng hộ sự đa dạng và hòa nhập trên toàn cầu.
Tô Linh - MarketingAI
Theo Marketingdive
>> Có thể bạn quan tâm: Từ Unilever, Coca-Cola đến P&G: Đâu là động thái đáng chú ý trước thềm năm 2021 đang đến gần?
Bình luận của bạn