Tương lai của truyền thông Trung Quốc sẽ ra sao sau vụ việc của Alibaba?

27 Thg 04

Theo nguồn tin độc quyền của Reuters, Pony Ma – nhà sáng lập Tencent Holdings – công ty game và mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc mới đây vừa có cuộc họp với các nhà chức trách Trung Quốc về vấn đề chống độc quyền cũng như thảo luận về tính tuân thủ của tập đoàn này.

Buổi gặp là chỉ báo rõ ràng cho thấy cuộc thanh trừng sự độc quyền chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc – cuộc chiến vốn được khởi động vào cuối năm ngoái nhắm thẳng vào các đế chế của tỷ phú Jack Ma. Tới thời điểm này, giới chức Trung Quốc đang tiếp tục hướng mục tiêu sang những gã khổng lồ Internet khác như Tencent.

(Ảnh: Nikkeiasia)

Bắc Kinh đã cam kết sẽ thắt chặt kiểm soát với những công ty công nghệ lớn trong nước – đều xếp trong hàng ngũ những doanh nghiệp giá trị nhất, lớn nhất thế giới. Lý do là bởi những lo ngại rằng họ đã xây dựng được sức mạnh thị trường, hủy hoại sự cạnh tranh, lạm dụng dữ liệu khách hàng và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Nhìn vào thực tế ta sẽ thấy, Alibaba hiện đang là nhà bán quảng cáo kỹ thuật số lớn nhất ở Trung Quốc, với doanh thu quảng cáo chiếm hơn 32% thị trường vào năm 2019. Cùng với 2 gã khổng lồ công nghệ khác là Baidu và Tencent (BAT), 3 tên tuổi này đã chiếm hơn 60% tổng thị trường quảng cáo kỹ thuật số ở Trung Quốc. Với việc Tencent bị Chính phủ Trung Quốc “sờ gáy”, người ta không khỏi thắc mắc tương lai của truyền thông ở Trung Quốc sẽ như thế nào nếu như không có sự góp mặt của Tencent.

Theo những nguồn tin mới nhất, Trung Quốc bày tỏ sự nghi ngờ và ngạc nhiên trước việc Alibaba đang nắm giữ nhiều tài sản truyền thông trong một cuộc họp báo diễn ra vào năm ngoái. Các quan chức chính phủ nước này tỏ ra rất không hài lòng với khả năng gây ảnh hưởng của Alibaba lên mạng xã hội Trung Quốc cũng như vai trò của nó trong một vụ bê bối trực tuyến, liên quan đến một trong những giám đốc điều hành của công ty. 

Từ năm ngoái đến nay, Jack Ma, đồng sáng lập của Alibaba đã liên tục gặp vận xui khi phải hứng chịu nhiều động thái gắt gao từ phía chính phủ. Cụ thể, Trung Quốc đã chặn thương vụ IPO đình đám của Ant Group và áp đặt nhiều quy định mạnh tay với những gã khổng lồ công nghệ nước này. Wall Street Journal cũng từng đưa tin về việc Trung Quốc yêu cầu Alibaba từ bỏ ảnh hưởng trong lĩnh vực truyền thông. 

Việc Trung Quốc xem xét cắt giảm quy mô của các tài sản truyền thông của Alibaba sau khi biết được mức độ tiếp cận khổng lồ mà Alibaba đạt được thông qua hoạt động kinh doanh truyền thông của mình có thể khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp độc lập, chẳng hạn như các nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba hoặc nền tảng bên cung ứng, để giúp nhà quảng cáo làm việc với nhiều publishers dễ dàng hơn.

Danh sách các tài sản truyền thông mà Alibaba đang sở hữu và có cổ phần bao gồm tờ báo The South China Morning Post, nền tảng mạng xã hội Weibo, nền tảng phát trực tuyến video Youku Tudou, nhà sản xuất phim Alibaba Pictures và Focus Media, mạng quảng cáo ngoại tuyến lớn nhất Trung Quốc.

(Ảnh: China Daily)

Động thái của chính phủ Trung Quốc mang nhiều ý nghĩa chính trị, nhưng nó cũng đang thiết lập lại hệ sinh thái truyền thông. Theo các báo cáo, nó diễn ra sau khi Jack Ma lên tiếng chỉ trích các quy định của chính phủ Tập Cận Bình đối với lĩnh vực tài chính nói chung cũng như Ant Group, chi nhánh tài chính của Alibaba nói riêng. Theo đó, Ant Group là một đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính tập trung vào người tiêu dùng, thu thập hàng loạt dữ liệu về thói quen chi tiêu, vay, cho vay và lịch sử giao dịch của người tiêu dùng. 

Những bình luận của Jack Ma khởi đầu cho một loạt các quy định chưa từng có và những động thái quyết liệt nhằm vào lĩnh vực fintech của Trung Quốc, bao gồm cả việc đình chỉ kế hoạch IPO trị giá 35 tỷ USD của Ant Group vào đầu năm 2021, yêu cầu công ty phải quay trở lại hoạt động kinh doanh cốt lõi ban đầu là thanh toán và tập trung khắc phục các vấn đề trong lĩnh vực cho vay cá nhân, quản lý tài sản và bảo hiểm. Đồng thời, nó cũng khởi động cho một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba vào cuối năm 2020 và khơi mào cho sự ra đời của các quy định chống độc quyền mới, được ban hành vào tháng 2 năm 2021 nhằm vào các nền tảng Internet, thắt chặt các hạn chế hiện có mà các gã khổng lồ công nghệ của đất nước này phải đối mặt.

(Ảnh: Reuters)

Cơ quan quản lý cho biết các quy định mới nhất sẽ "ngăn chặn các hành vi độc quyền trong nền kinh tế nền tảng và bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trên thị trường."

Darren Woolley, nhà sáng lập và giám đốc điều hành toàn cầu của TrinityP3, giải thích, mặc dù truyền thông tin tức (media news) theo truyền thống được coi là một trong bốn trụ cột của xã hội và đặc biệt thiết yếu trong một nền dân chủ, nhưng thực tế cho thấy các Chính phủ từ Liên minh Châu Âu đến Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đang phải vật lộn để đạt được thỏa thuận với các tập đoàn truyền thông quy mô siêu lớn này.

“Lý thuyết bốn trụ cột chỉ đúng khi mỗi bên kiểm soát và cân bằng nhau. Nhưng các doanh nghiệp truyền thông lớn này đang trở thành mối đe dọa đối với chính phủ khi cho thấy tầm ảnh hưởng đáng kể của họ lên thị trường toàn cầu”, ông giải thích.

“Ở Mỹ, chính phủ đang xem xét sử dụng luật chống độc quyền để trừng phạt Google và Facebook, cũng như các gã khổng lồ công nghệ khác. Ở EU, họ đang tận dụng những lo ngại về quyền riêng tư của người tiêu dùng để hạn chế phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của doanh nghiệp truyền thông. Ở Úc, họ sử dụng nguồn tài trợ của báo chí công ích làm đòn bẩy để bắt các công ty truyền thông nhận sai về mình. Ở Trung Quốc, cuộc đấu tranh tương tự đang diễn ra và chính phủ đang sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để đạt được kết quả tương tự.”

>> Xem thêm: Google bắt tay Facebook lũng loạn thị trường quảng cáo toàn cầu

Ông tiếp tục: “Một phần của vấn đề là bản thân các tập đoàn không coi mình là doanh nghiệp truyền thông. Nhưng điều trớ trêu đó là bộ phận truyền thông của các doanh nghiệp này lại tạo ra nguồn doanh thu đáng kể cho họ từ các quảng cáo, được đặt trong các nội dung và phần lớn nội dung này có nguồn gốc từ những người khác, có thể là người dùng hoặc các bên doanh nghiệp khác.”

Xiaofeng Wang, nhà phân tích cấp cao của Forrester, chỉ ra rằng, việc Alibaba và Tencent thâu tóm phần lớn dữ liệu của người tiêu dùng và truyền thông ở Trung Quốc đã xảy ra từ lâu. Các công ty lớn khác bao gồm Baidu và gần đây là Bytedance, công ty sở hữu TikTok (Douyin ở Trung Quốc), và công ty tổng hợp tin tức Jinri Toutiao cũng đang ngày càng sở hữu nhiều dữ liệu người tiêu dùng.

“Có rất ít cơ hội dành cho các nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba độc lập và các nhà cung cấp công nghệ quảng cáo ở Trung Quốc có thể phát triển. Lý do thì là bởi vì họ không có SSPs độc lập và các tập đoàn truyền thông lớn như Alibaba và Tencent vẫn sẽ tiếp tục duy trì vị thế thống trị thị trường”, cô giải thích.

“Nếu mảng kinh doanh truyền thông của Alibaba bị chia cắt, bức tường bảo mật bao quanh các doanh nghiệp công nghệ lớn này sẽ thấp hơn và các nhà tiếp thị và quảng cáo sẽ cần phải làm việc với nhiều đối tác truyền thông hơn thay vì chỉ là Alibaba hay Tencent.”

Woolley đồng ý với ý kiến này của Wang và lưu ý rằng trong thời gian ngắn sắp tới, sự gián đoạn của việc Alibaba thoái vốn hoạt động truyền thông có thể tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh củng cố thị phần và tầm ảnh hưởng của họ.

Tuy nhiên, về lâu dài, ông nói rằng hành động này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng đến tất cả các chủ sở hữu phương tiện truyền thông ở Trung Quốc và trên toàn cầu, rằng sức ảnh hưởng và sức mạnh phi thường ngày càng tăng của họ sẽ luôn phải đi kèm với trách nhiệm lớn lao và chính phủ sẽ có vai trò trong tất cả các xã hội để buộc tất cả mọi người phải đem đến “lợi ích tốt hơn” cho người dùng.

“Thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng của bản thân một cách rõ ràng ở bất kỳ thị trường nào hoặc bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ thu hút sự chú ý của mọi người và dễ dẫn đến việc buộc phải điều chỉnh những điều không mong muốn. Mặc dù bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ cũng đều có thể gây ra phản ứng thị trường (sự đảo chiều dư luận), nhưng sự thật là bất kỳ sự mất cân bằng quyền lực nào cũng nên được điều chỉnh và luôn luôn xảy ra vì lợi ích lớn hơn cho cộng đồng. Trong trường hợp này, sau một thời gian bất ổn trong bối cảnh truyền thông, thị trường sẽ sớm ổn định và quay trở lại hoạt động kinh doanh. như thường lệ”, ông giải thích.

“Tại Mỹ, Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng như Facebook / Instagram / WhatsApp thường xuyên bị đe dọa sẽ bị “thanh trừng” bởi chính phủ vì chính phủ này ''lo ngại'' rằng, quy mô của hiện tượng chống cạnh tranh và tầm ảnh hưởng của các công ty đáng kể này lên thị trường sẽ gây ra những hệ lụy đáng ngờ."

“Nhưng như chúng ta đã thấy với vụ việc chống độc quyền của Microsoft đã từng gây ầm ĩ trong quá khứ, sau những tác động ban đầu, các công ty mới sau này đều đã có cơ hội để phát triển và lớn mạnh", ông nói thêm.

Wang nói: “Tương lai của truyền thông ở Trung Quốc, kể cả khi việc bị ảnh hưởng bởi các gã khổng lồ công nghệ bị phá vỡ, vẫn sẽ có những “bức tường bảo mật” bao quanh, nhưng những bức tường này sẽ không còn cao như trước nữa vì người tiêu dùng và nhà quảng cáo sẽ có nhiều lựa chọn hơn, trong khi giới truyền thông và hệ sinh thái công nghệ quảng cáo sẽ phát triển đa dạng hơn hiện tại.”

(Ảnh: Top Business Adv)

“Bài học cho tất cả các thị trường hiện nay đó là việc củng cố tầm ảnh hưởng của truyền thông ở bất kỳ thị trường nào đều không tốt cho xã hội, kể cả quảng cáo. Sự cạnh tranh được thể hiện qua sự đa dạng sẽ đóng vai trò quan trọng như một bài kiểm tra và cân bằng khi nói đến sức mạnh và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông”, Woolley cho biết,.

“Chúng ta đều đang chứng kiến điều này diễn ra trên khắp thế giới khi các công ty công nghệ đều đang xây dựng cho mình các nhánh doanh nghiệp truyền thông mạnh mẽ bên trong, đe dọa đến sự cân bằng trong xã hội dù ở bất kỳ loại hình nào”.

Tô Linh - MarketingAI

Theo The Drum

>> Có thể bạn quan tâm: Kế hoạch chinh phục Đông Nam Á của các “đại gia giải trí” tại Trung Quốc
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.