Tencent vượt mặt cả SoftBank trong đầu tư vào các kỳ lân công nghệ

28 Thg 10

Từ lâu người ta đã biết tới Softbank là tập đoàn tài chính đầu tư lớn nhất Nhật Bản với rất nhiều thương vụ đầu tư mạnh tay. Trong đó điển hình là thương vụ với startup WeWork đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của truyền thông, và ngoài WeWork thì Softbank còn đầu tư cho rất nhiều startup được mệnh danh là kỳ lân công nghệ. Thế nhưng ai ngờ rằng tập đoàn đầu tư tài chính lớn nhất Nhật Bản lại có ngày bị vượt mặt bởi ông lớn Tencent trong việc đầu tư vào các công ty kỳ lân.

Nước đi âm thầm của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent

Tencent, công ty công nghệ Trung Quốc nổi tiếng với ứng dụng nhắn tin WeChat, đã âm thầm nhưng tích cực, đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trên toàn cầu trong 5 năm qua. Những nỗ lực đó đã dần mang lại thành quả, đưa Tencent dần vươn lên phía trước, trở thành một trong những công ty đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới.

Cụ thể, Tencent đã đầu tư vào 46 công ty kỳ lân (Startup kỳ lân là cụm từ nhằm ám chỉ những công ty mới lớn mạnh được định giá trên 1 tỷ USD) trên toàn cầu. Con số này vượt hơn 42 công ty của Tập đoàn đầu tư tài chính Nhật Bản SoftBank. Theo báo cáo từ Hurun Global Unicorn List 2019, lần đầu tiên Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về số lượng công ty kỳ lân. Tencent và SoftBank đã lọt vào danh sách 10 nhà đầu tư hàng đầu, xếp thứ hai và thứ ba, chỉ sau Sequoia Capital, quỹ đầu tư có trụ sở tại Mỹ với 92 công ty kỳ lân.

>>> Xem thêm: Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ về số lượng “Startup Kỳ lân”
Danh sách các công ty đầu tư vào khởi nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới (Nguồn: qz.com)

Xu thế đầu tư vào các công ty mới nổi, có tiềm năng trong giới công nghệ từ lâu đã được các tập đoàn lớn theo đuổi. SoftBank chính là gương mặt nổi bật nhất trong số đó, với các khoản đầu tư lớn và rất sớm vào Uber, cùng một loạt các công ty khởi nghiệp thành công khác ở nhiều quốc gia như Slack, WeWork và Flipkart. Trong khi đó, Tencent tập trung vào ủng hộ các công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc, như dịch vụ vận chuyển Didi Chuxing và ngân hàng kỹ thuật số WeBank, bên cạnh một số startup ở Ấn Độ. Nhìn chung, các công ty từ Trung Quốc và Mỹ thống trị danh sách các nhà đầu tư kỳ lân hàng đầu thế giới. Năm đơn vị đến từ Mỹ, bao gồm Tiger Fund, IDG, Goldman Sachs và công ty cổ phần tư nhân Andreessen Horowitz, trong khi ba gương mặt đến từ Trung Quốc, là Tencent, Alibaba và GGV.

Tuy nhiên, về khối lượng đầu tư tuyệt đối, SoftBank có thể vẫn sẽ dẫn đầu. Từ 2015 đến 2017, trong khi Tencent mới chi khoảng 30 tỷ USD thì quỹ Vision Fund của Softbank đã chi ra khoảng 80 tỷ USD. Dẫu vậy, nó cũng đủ để tại Trung Quốc hiện nay, Tencent đã được gọi là "SoftBank của Trung Quốc". Nhưng đây chỉ là ước đoán, bởi rất khó để đưa ra một con số chính xác về tổng số tiền đầu tư của Tencent, bởi thông thường số liệu chỉ được thu thập từ các vòng đầu tư được các đơn vị này tự tiết lộ.

(Nguồn: greenmangaming.com)

Tencent thường đầu tư vào các công ty có vẻ liên quan với các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, như game và truyền thông xã hội. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã bỏ tiền vào các hoạt động như ứng dụng vận chuyển, bán lẻ, truyền thông trực tuyến và cả các nhà sản xuất ô tô điện ở trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm 5% cổ phần của Tesla và 7,5% cổ phần của Spotify. Năm nay, nó đã đầu tư vào ít nhất 11 công ty, bao gồm AI Prowler có trụ sở tại Anh và nền tảng gây quỹ cộng đồng tại Trung Quốc mang tên Shuidi. Sau nhiều năm đầu tư mạnh mẽ, Tencent đang gặt hái những trái ngọt. Công ty đã tạo ra 27% lợi nhuận ròng trong quý thứ II vừa qua từ các công ty mà họ đã đầu tư, so với 22% của cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, SoftBank đang chịu áp lực trước các nhà đầu tư trong bối cảnh một loạt các công ty mà họ đã bỏ vốn như Uber và Slack phát triển chậm chạp, WeWork thất bại trong việc IPO đồng thời đang phải cắt giảm nhân sự hàng loạt.

Tạm kết

Nhìn vào biểu đồ có thể thấy Trung Quốc với đại diện là gã khổng lồ công nghệ Tencent đã vươn lên vị trí số hai trong việc đầu tư vào các kỳ lân công nghệ. Trung Quốc đang dần chứng tỏ được vị thế của mình khi không chỉ có số lượng startup kỳ lân rất lớn mà ngay cả việc đầu tư cũng rất mạnh tay. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên gay gắt hơn không chỉ ở mặt trận chính trị mà tới cả thương trường. Dẫu vậy Softbank vẫn không vì vậy mà sẽ nằm ngoài cuộc chơi đầu tư. Hãy cùng đón chờ những động thái mới từ phía đại diện Nhật Bản này trong tương lai.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Vneconomy

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.