- Hàng loạt người nổi tiếng lao đao vì xử lý khủng hoảng truyền thông kém tinh tế
- Khủng hoảng truyền thông của Han So Hee
- Khủng hoảng truyền thông của Tun Phạm
- Khủng hoảng truyền thông của Jack
- Vì sao Người nổi tiếng dễ “lạc lối” trước khủng hoảng truyền thông?
- Cách xử lý khủng hoảng truyền thông & bảo vệ thương hiệu cá nhân cho người nổi tiếng?
- Tuyệt đối không tranh cãi trực tiếp - Hãy tôn trọng công chúng
- Hãy để công ty chủ quản thay mặt lên tiếng
- Xử lý cần kế hoạch bài bản, nhất quán trong từng hành động
Hàng loạt người nổi tiếng lao đao vì xử lý khủng hoảng truyền thông kém tinh tế
Khủng hoảng truyền thông của Han So Hee
Mới đây, nữ diễn viên Hàn Quốc - Han So Hee đang trở thành tâm điểm chỉ trích khi vướng phải lùm xùm tình cảm tay ba cùng hai diễn viên khác là Ryu Jun Yeol và Hyeri. Đứng trước những nghi vấn làm “người thứ ba”, Han So Hee ngay lập tức lên tiếng phản đối những cáo buộc của công chúng, phủ nhận chuyện tình cảm, và thẳng thừng đăng bài đối kháng với nữ diễn viên Hyeri. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Han So Hee lại bất ngờ đăng bài thừa nhận chuyện tình cảm và gửi lời xin lỗi tới đối phương. Cùng với đó là loạt hành động thờ ơ, thể hiện bản thân không quan tâm tới scandal.
Sự nóng nảy trong ngôn từ, thiếu nhất quán trong phát ngôn và thái độ thách thức với công chúng, nhanh chóng đẩy nữ diễn viên vào tình trạng khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng. Từ nghi vấn về chuyện tình cảm, công chúng bắt đầu chỉ trích Han So Hee về những vấn đề nhân cách, thái độ, hình tượng,.... Và sau màn xử lý khủng hoảng không thể tệ hơn này, nữ diễn viên đã nhận lại hàng loạt cái kết đăng như hàng loạt nhãn hàng hủy hợp đồng quảng cáo, các đối tác gỡ bỏ hình ảnh quảng cáo,... và thậm chí là nguy cơ chấm dứt sự nghiệp diễn xuất.
Khủng hoảng truyền thông của Tun Phạm
TikToker Tun Phạm cũng từng khiến bị cộng đồng mạng Việt Nam chỉ trích gay gắt khi vướng phải loạt lùm xùm đạo nhái, thái độ kém duyên,.... Tương tự như Han So Hee, khủng hoảng của Tun Phạm bị thổi bùng khi TikToker đứng lên tranh cãi tay đôi với cộng đồng mạng, cùng loạt hành động có phần thách thức, phủ nhận lỗi sai.
Đặc biệt, trong trường hợp của Tun Phạm, cách thức xử lý quá nóng nảy đối ngược với hình tượng chữa lành, nhẹ nhàng mà TikToker đã xây dựng trước đó. Sự thiếu nhất quán về hình ảnh thương hiệu cá nhân được xây dựng với cách thức hành xử thực tế đã khiến cho cộng đồng mạng khá thất vọng về Tun Phạm.
>>> Chi tiết: Khủng hoảng của Tun Phạm dưới góc nhìn truyền thông
Khủng hoảng truyền thông của Jack
Khác với cách xử lý có phần vội vàng của Tun Phạm và Han So Hee, nam ca sĩ Jack lại lựa chọn phương thức im lặng khi xảy ra tranh cãi về bản quyền âm nhạc với một ngôi sao khác. Đây không phải là lần đầu tiên ca sĩ này gặp phải khủng hoảng truyền thông, nhưng trong mọi scandal từ trước tới nay Jack vẫn luôn lựa chọn xử lý bằng việc im lặng.
Mặc dù hướng giải quyết này đã giúp Jack tạm tránh khỏi bão dư luận, nhưng lại khiến cho người hâm mộ của nam ca sĩ khá mệt mỏi khi liên tục phải tranh cãi giúp thần tượng. Việc này khiến một lượng lớn người ủng hộ quay lưng với Jack, khiến cho những sản phẩm âm nhạc về sau của nam ca sĩ ngày càng trở nên mờ nhạt.
Vì sao Người nổi tiếng dễ “lạc lối” trước khủng hoảng truyền thông?
Từ những vụ việc khủng hoảng liên tiếp này, có thể thấy được công chúng ngày nay đã trở nên thông minh, khắt khe hơn rất nhiều đối với người nổi tiếng. Bên cạnh những sản phẩm nghệ thuật, họ cũng đánh giá rất chặt chẽ về hình tượng, đạo đức của các Influencer. Vì vậy, nguy cơ khủng hoảng truyền thông luôn luôn tiềm ẩn và có thể được thổi bùng ngay lập tức chỉ từ những sự việc nhỏ như lời nói, cử chỉ,... Đồng thời, các trường hợp trên cũng cho được thấy sự lúng túng của nhiều KOL, Influencer,... khi đứng trước các cuộc khủng hoảng truyền thông. Trong đó, có 3 lỗi sai đặc biệt quan trọng mà người nổi tiếng thường xuyên gặp phải, khiến cho khủng hoảng bị thổi bùng nghiêm trọng:
- Quá nóng nảy và vội vàng khi xử lý khủng hoảng
- Trực tiếp đối đầu, tranh cãi với công chúng
- Sự thiếu nhất quán trong quá trình xử lý khủng hoảng
Và hơn hết là phần lớn người nổi tiếng dường như chưa có những kế hoạch dự phòng cho khủng hoảng truyền thông, mà chỉ khi nó xảy ra mới đi tìm các biện pháp chữa cháy. Chính cách thức xử lý truyền thông thiếu bài bản, thiếu chuyên nghiệp này khiến cho thương hiệu cá nhân của người nổi tiếng bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy như: Đền bù hợp đồng quảng cáo với nhãn hàng, Người hâm mộ quay lưng, sản phẩm không còn được đón nhận,... và cuối cùng là nguy cơ mất đi sự nghiệp.
Vậy các Influencer, KOL, KOC cần làm gì để bảo vệ thương hiệu cá nhân của mình khi đối diện với khủng hoảng truyền thông?
Cách xử lý khủng hoảng truyền thông & bảo vệ thương hiệu cá nhân cho người nổi tiếng?
Tuyệt đối không tranh cãi trực tiếp - Hãy tôn trọng công chúng
Ở góc độ thương hiệu, sự nổi tiếng của một cá nhân được quyết định bởi mức độ nhận diện và thái độ của công chúng đối với họ. Bởi vậy, việc người nổi tiếng đối đầu với công chúng không khác nào tự đạp đi chén cơm của chính mình. Hơn hết “giận quá sẽ mất khôn”, những lời nói trong thời điểm nóng nảy có thể trở thành con dao hai lưỡi khiến cho hình tượng của nghệ sĩ trở nên xấu xí, thiếu văn minh trong mắt công chúng. Bởi vậy, khi đứng trước khủng hoảng hãy nhìn nhận những lời chỉ trích của công chúng một cách bình tĩnh, để tìm kiếm lý do gì đang khiến cho của công chúng phẫn nộ và đưa ra những lời phản hồi phù hợp nhất.
Ngay cả trong những trường hợp không sai, nhiều người nổi tiếng vẫn lựa chọn xin lỗi công chúng trước tiên. Đây là một nước đi khá hiệu quả để tạm thời xoa dịu sự phẫn nộ và thể hiện sự tôn trọng đối với công chúng, trong thời gian lên kế hoạch bài bản để xử lý khủng hoảng.
Nam diễn viên hài Mạc Văn Khoa từng nhận được nhiều lời khen về cách ứng xử với cộng đồng mạng, khi gặp phải khủng hoảng truyền thông về giá bán tại nhà hàng mà anh đang quản lý quá cao. Không phải đối hay cãi tay đôi với công chúng, Mạc Văn Khoa thừa nhận những ý kiến, nhận định của công chúng, và đi kèm với đó là lời giải thích rõ ràng về lý do giá đắt là do nguyên liệu chất lượng được nhập từ quê.
Trong một số trường hợp khác, việc im lặng cũng là một hướng giải quyết để xoa dịu khủng hoảng. Điển hình như trường hợp của ca sĩ Sơn Tùng M-TP và loạt tin đồn tình cảm tay ba, cách giải quyết của nam ca sĩ là giữ im lặng tuyệt đối. Cách xử lý này khá phù hợp với trường hợp khủng hoảng của Sơn Tùng M-TP bởi vụ việc này chưa có những chứng cứ xác thực, không ảnh hưởng tới lợi ích của các bên khác và không có những vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức.
Đặc biệt, người hâm mộ chính là vòng bảo vệ quan trọng nhất đối với mọi Influencer, KOL hay KOC khi xảy ra các cuộc khủng hoảng truyền thông. Vì vậy, cách ứng xử với người hâm mộ khi xảy ra khủng hoảng cũng là điều mà người nổi tiếng cần phải quan tâm trước tiên. Đối với nhiều người nổi tiếng, việc xin lỗi người hâm mộ luôn là nước đi đầu tiên trong chiến lược xử lý khủng hoảng truyền thông, nhằm củng cố cảm tình và giữ chân người hâm mộ, đồng thời thể hiện trách nghiệm và sự tôn trọng đối với họ.
Hãy để công ty chủ quản thay mặt lên tiếng
Thông thường các Influencer, KOL, KOC hay nghệ sĩ sẽ hoạt động dưới trướng của một công ty chủ quản, chịu trách nhiệm đại diện cho các cá nhân đó. Vì vậy, ở một số trường hợp khi xảy ra khủng hoảng, người nổi tiếng sẽ không trực tiếp lên tiếng mà công ty sẽ đại diện đưa ra những phát ngôn chính thức với công chúng. Đây là một phương án xử lý khá thông minh, trong trường hợp nghệ sĩ không giữ được bình tĩnh trước khủng hoảng. Bởi những phát ngôn từ bên thứ 3 như công ty quản lý sẽ không bị soi xét nhiều như lời nói trực tiếp của nghệ sĩ.
Xử lý cần kế hoạch bài bản, nhất quán trong từng hành động
Bình tĩnh nhìn nhận chỉ trích của cộng đồng, nắm bắt điểm mấu chốt khiến cho công chúng phẫn nộ,... đó là những yếu tố đầu tiên mà người nổi tiếng cần lưu ý khi xây dựng kế hoạch xử lý khủng hoảng truyền thông. Thông thường một kế hoạch xử lý khủng hoảng truyền thông sẽ bao gồm 3 giai đoạn chính: Xác nhận thông tin với công chúng, giải thích cho thông tin và đưa ra hướng giải quyết hậu quả rõ ràng.
Đặc biệt, chiến lược xử lý khủng hoảng truyền thông bắt buộc phải đảm bảo sự nhất quán. Những phát ngôn bất nhất sẽ biến người nổi tiếng thành kẻ thiếu trung thực trong mắt công chúng và từ đó mọi nỗ lực giải thích gần như đều trở thành những lời nói dối không đáng tin cậy. Vụ việc của Han So Hee chính là một minh chứng tiêu biểu cho lỗi sai này.
>>> Xem thêm: Khủng hoảng truyền thông là gì? Những vụ khủng hoảng truyền thông ở Việt Nam
Lời kết:
Nhìn chung, đứng trước khủng hoảng truyền thông, các Influencer, KOL, KOC cần giữ được cái đầu lạnh và thể hiện được trách nghiệm, sự tôn trọng đối với công chúng. Và cũng giống như xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, người nổi tiếng nên có những phương án dự phòng cho khủng hoảng truyền thông, để có sự chủ động khi nó thực sự xảy ra.
Bình luận của bạn