cover

Từ cơn sốt của Bảo tàng Lịch sử Quân sự: Những địa điểm lịch sử đang trẻ hóa cách tiếp cận Gen Z

06 Thg 11

Từ cơn sốt Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Nhà tù Hỏa Lò, Dinh Độc Lập hay Hoàng thành Thăng Long,... trong những năm gần đây dường như các địa điểm lịch sử, di tích, bảo tàng đang dần trở nên gần gũi hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Với những cách tiếp cận trẻ trung, mới mẻ, các địa điểm này khiến cho tình yêu, lòng tự hào và sự quan tâm của người trẻ đối với lịch sử, văn hóa quốc gia ngày càng rõ nét hơn, góp phần quảng bá giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Dưới góc nhìn của người làm truyền thông, cùng nhìn lại những chiến lược truyền thông, tiếp cận khéo léo của các địa điểm lịch sử văn hóa Việt Nam tới Gen Z trong thời gian vừa qua!

Sau nhà tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp tục gây sốt với người trẻ

Trong những ngày vừa qua, không phải người nổi tiếng hay chương trình giải trí, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới là cái tên đang phủ sóng trên khắp các trang mạng xã hội, nhận về hàng nghìn cuộc thảo luận của người dùng trẻ. Được xây dựng tại Nam Từ Liêm, Hà Nội, Bảo tàng là nơi lưu giữ hơn 150000 hiện vật, với 4 bảo vật quốc gia: 2 máy bay MiG-21 số hiệu 4324 và 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Kể từ khi chính thức mở cửa vào ngày 1/11, Bảo tàng nhanh chóng trở thành điểm đến yêu thích của đông đảo bà con thủ đô. Thống kê sơ bộ, tới trưa 2-11, số lượng khách tham quan bảo tàng đã lên tới 12.000 người.

Cùng với đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt hình ảnh, video triệu view đến từ các du khách trẻ tới tham quan tại bảo tàng, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người trẻ. Những góc quay ấn tượng, khung bình bắt mắt, thể hiện sự quan tâm, yêu thích và đầy tự hào của người trẻ với những giá trị lịch sử, công ơn giữ nước của thế hệ trước. 

Cơn sốt của Bảo tàng Lịch sử Quân sự

Mạng xã hội xuất hiện hàng loạt hình ảnh, video triệu view đến từ các du khách trẻ tới tham quan tại bảo tàng

Không chỉ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trong 1 2 năm trở lại đây, các địa điểm lịch sử như di tích, bảo tàng,... đã không còn vắng bóng người như trước. Đặc biệt là nhóm du khách trẻ đang ngày càng thể hiện sự yêu thích với những địa điểm này hơn. Những di tích lịch sử như Nhà Tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Dinh Độc Lập,... dần trở thành điểm đến yêu thích của người trẻ. Kéo theo đó, sự yêu mến và mong muốn tìm hiểu về lịch sử của các bạn trẻ cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Để có được sự thay đổi tích cực này, phải kể đến nỗ lực trong việc đổi mới truyền thông của các địa điểm lịch sử, văn hóa trong thời gian vừa qua.

Khi địa điểm lịch sử, văn hóa nỗ lực trẻ hóa cách truyền thông, tiếp cận tới Gen Z

#1. Đa dạng hóa kênh truyền thông, mở rộng những điểm chạm tới người trẻ

Nếu như trước đây, các địa điểm lịch sử, danh lam thắng cảnh như bảo tàng, khu di tích lịch sử,... gần như chỉ xuất hiện trên các mặt báo. Thì tới nay, người dùng đã dễ dàng bắt gặp sự hiện diện của những địa điểm này trên các kênh truyền thông trẻ trung hơn như Mạng xã hội. Từ Facebook, Youtube, TikTok, cho tới Website, Spotify và Apple Podcasts,... những điểm chạm trẻ trung này đã giúp những địa danh lịch sử được đến gần hơn, thân thiết hơn với người trẻ Việt Nam.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò gây sốt trên nền tảng Facebook với Fanpage lên tới hơn 400 nghìn lượt theo dõi, phát triển thêm các kênh Spotify và Apple Podcasts. Hoàng thành Thăng Long, Dinh Độc Lập cũng đang phát triển những trang Fanpage 15 nghìn - 20 nghìn lượt theo dõi, đồng thời sở hữu những trang website đầy chuyên nghiệp, giao diện mượt mà cùng đồ họa bắt mắt, không kém cạnh các thương hiệu trẻ.

Việc mở rộng và đẩy mạnh phát triển mạng lưới kênh truyền thông trẻ trung này không chỉ đưa các địa danh lịch sử đến gần hơn với người trẻ. Mà còn là những nguồn thông tin quý giá, tạo cơ hội cho giới trẻ được hiểu sâu hơn về các thông tin, câu chuyện hào hùng phía sau những địa danh lịch sử. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy người trẻ tới thăm quan và tìm hiểu nhiều hơn. Mặt khác, những kênh thông tin này cũng là phương tiện để các địa danh trên dễ dàng tiếp cận hơn với du khách quốc tế.

Giao diện website ấn tượng của Hoàng Thành Thăng Long

Giao diện website ấn tượng của Hoàng Thành Thăng Long

#2. Ứng dụng công nghệ VR, 3D, Robot... mang trải nghiệm lịch sử sống động đến với người trẻ

Sự ra mắt của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong những ngày qua khiến chúng ta một lần nữa phải trầm trồ về những nỗ lực trẻ hóa, update công nghệ hiện đại của các địa danh, địa điểm lịch sử. Sau khi gây sốt với công trình đồ sộ đầy ấn tượng trên Đại lộ Thăng Long, mới đây Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam lại tiếp tục khiến cộng đồng mạng dậy sóng với một nền tảng “ảo hóa”, cho phép khách hàng ở một số khu vực trải nghiệm bảo tàng ngay trên kênh online.

Trải nghiệm thực tế AR/VR của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trải nghiệm thực tế AR/VR của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Trên nền tảng này, người dùng có thể “đi” tới mọi khu vực bên trong bảo tàng như khi trải nghiệm offline. Từ vị trí cổng vào, các khu vực trưng bày,... người dùng có thể lựa chọn hướng tham quan theo mũi tên chỉ hướng một cách dễ dàng. Tại mỗi khu vực đều được hiện diện sống động thông qua hình ảnh 360 độ, cho phép khách online theo dõi toàn cảnh, chi tiết như đời thực. Mặt khác, bảo tàng online cũng bao gồm đầy đủ các thông tin chú thích về những hiện vật trong bảo tàng. Người dùng có thể truy cập nhanh vào các hiện vật này để theo dõi hình ảnh và đọc những câu chuyện lịch sử ý nghĩa phía sau đó.

Ngay sau khi ra mắt, nền tảng trải nghiệm online của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã thu hút đông đảo người trẻ tham gia và thảo luận trên các trang mạng xã hội. Phần đông là những nhận xét rất tích cực dành cho nền tảng công nghệ mới của Bảo tàng.

Trước Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, rất nhiều địa điểm lịch sử khác đã được ứng dụng các công nghệ mới mẻ để nâng cao trải nghiệm cho khách tham quan từ online đến offline. Ví dụ như:

  • Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ứng dụng công nghệ 3D để trưng bày Bảo vật quốc gia. 
  • Hoàng thành Thăng Long sử dụng công nghệ 3D Mapping để tái hiện hình ảnh nguyên bản từ màu sắc tới họa tiết của nhiều hiện vật cổ. 
  • Công nghệ chiếu sáng tạo chuyển động 3D cũng được ứng dụng tại nhiều sự kiện, công trình lớn của Hà Nội như Đền Ngọc Sơn. 
  • Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh đưa “nhân viên mới” Robot Batalis phục vụ du khách thăm quan bảo tàng với những tính năng thú vị như làm hướng dẫn viên, tương tác, nhảy múa,... thậm chí là đặt câu hỏi cho du khách. 
  • Văn Miếu Quốc Tử Giám sử dụng kính thực tế ảo VR, công nghệ trình chiếu kết hợp với sử dụng ứng dụng trí tuệ thông minh nhân tạo A.I mang Cụ rùa tại bia Tiến sĩ “sống lại”.

Mặc dù hình ảnh 360 hay công nghệ 3D, Robot thông minh,... đã xuất hiện từ lâu trên thị trường. Tuy nhiên, đối với các địa điểm lịch sử như bảo tàng thì đây vẫn là một trải nghiệm rất thú vị và mới mẻ, góp phần đưa những địa điểm lịch sử đến gần hơn với người dùng hiện đại, đặc biệt là người trẻ.

#3. Trẻ hóa nội dung truyền thông, kết hợp các hình thức marketing mới mẻ như Meme Marketing

Không chỉ làm mới những điểm chạm, chiến lược truyền thông của các Bảo tàng, Di tích lịch sử tại Việt Nam cũng trẻ hóa qua từng nội dung, hình thức truyền thông mới. Các hình thức marketing đậm chất Gen Z, gần gũi mật thiết với giới trẻ như Meme Marketing bắt đầu được một số địa điểm sử dụng trên các kênh truyền thông. Nổi bật trong số đó không thể không kể đến Nhà Tù Hỏa Lò.

Đội ngũ truyền thông của Nhà Tù Hỏa Lò khéo léo biến tấu những câu chuyện hào hùng xưa của cha ông, tinh thần kháng chiến kiên cường, những lần vượt ngục,... với những ngôn ngữ trẻ trung, tự hào xen lẫn sự hài hước, vui vẻ. Kết hợp với các Meme hài hước, được người trẻ thường xuyên sử dụng, giúp cho Nhà Tù Hỏa Lò trong những năm gần đây đã trở thành một địa điểm yêu thích của người trẻ. Từ lượng tương tác tự nhiên khổng lồ trên kênh Fanpage cho tới những lượt khách thăm quan đông đúc mỗi ngày, chiến lược truyền thông trẻ hóa đã giúp cho Nhà Tù Hỏa Lò rút ngắn khoảng cách với thế hệ trẻ, không còn là một địa điểm lịch sử xa lạ mà dần trở thành một điểm đến yêu thích.

Nhà Tù Hỏa Lò đang trẻ hóa cách tiếp cận Gen Z

Kết hợp với các Meme hài hước, Nhà Tù Hỏa Lò đã trở thành một địa điểm yêu thích của người trẻ

Tuy nhiên, bên cạnh những hình thức hài hước, dễ viral như Meme Marketing, đội ngũ truyền thông của các địa điểm lịch sử, bảo tàng vẫn luôn giữ vững những nội dung chính xoay quanh những giá trị lịch sử, truyền thống mà nơi đây mạng lại. Đồng thời, bổ sung thêm những cách truyền tải đa dạng hơn như Podcast, Photo Quotes,...

Những câu chuyện lịch sử từng khô khan với nhiều bạn trẻ, nay đã được thể hiện dưới những lăng kính mới, thông điệp mới, đầy trẻ trung, hài hướng nhưng vẫn giữ trọn những giá trị của lịch sử.

#4. Phát triển các sản phẩm bổ sung, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trẻ

Việc thăm quan đơn thuần như trước đây có thể khiến du khách cảm thấy nhàm chán bởi các hoạt động chỉ bao gồm ngắm nhìn và đọc các thông tin về di tích, hiện vật. Nhưng hiện nay, khi tới các địa điểm như bảo tàng, di tích lịch sử, khách hàng có thể trải nghiệm rất nhiều sản phẩm, dịch vụ bổ sung. Tiêu biểu như: Ẩm thực, Trò chơi giải trí, Trình diễn nghệ thuật,... Những sản phẩm, dịch vụ mới không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của du khách, mà còn góp phần truyền tải thông tin, câu chuyện lịch sử dưới những con đường mới, khía cạnh mới.

Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam khiến du khách thích thú với booth chơi game có một không hai ngay bên trong không gian bảo tàng. Tại đây, khách tham quan sẽ được ngồi trong một khoang xe tăng giả lập và trải nghiệm cảm giác khi chiếc xe tăng lịch sử mang số hiệu 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1945. Game trải nghiệm vừa mang lại một trải nghiệm mới, vừa khơi gợi niềm tự hào và cả sự biết ơn của người trẻ với những chiến thắng lịch sử của cha ông.

Người trẻ thích thú với Game giải trí thú vị tại Bảo Tàng Lịch Sử Quân Sự Việt Nam

Người trẻ thích thú với Game giải trí thú vị tại Bảo Tàng Lịch Sử Quân Sự Việt Nam

Một số địa điểm khác như Nhà Tù Hỏa Lò cũng phát triển thêm các sản phẩm mới như: Tai nghe thuyết minh tự động với 7 ngôn ngữ và 35 câu chuyện lịch sử ấn tượng, Các món ăn hấp dẫn như trà sữa, bánh lá bàng… được lấy cảm hứng từ những cây bàng gắn liền với nhiều thế hệ tù chính trị tại đây. Ngoài ra, Nhà Tù Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu,... còn tổ chức các tour trải nghiệm về đêm, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm mới lạ và xu hướng giải trí về đêm của người trẻ.

>>> Đọc thêm: Miniso đẩy mạnh chiến lược Super IP & Super Store

Lời kết: 

Từ việc ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa trải nghiệm, sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ và các kênh & hình thức truyền thông trẻ trung, cho tới việc đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm... Có thể thấy, những nỗ lực truyền thông và tiếp người trẻ của các địa điểm văn hóa lịch sử trong thời gian vừa qua đã tạo nên những thay đổi rõ rệt. Các địa điểm này dần trở thành điểm đến yêu thích của giới trẻ, họ cũng tích cực chia sẻ, sáng tạo các nội dung trên mạng xã hội xoay quanh những địa điểm lịch sử. 

Từ đó, góp phần quảng bá, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa về các điểm đến như bảo tàng, di tích lịch sử,... đến với du khách trong và ngoài nước. Hơn hết, sự thay đổi trong cách thức truyền thông của những điểm đến lịch sử văn hóa như bảo tàng, di tích không chỉ giúp nơi đây thu hút du khách, mà còn góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người dân cả nước. 

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.