Đối diện với truyền thông bẩn: Hãy là người dùng thông minh!

07 Thg 01

Làm việc, lướt web, giải trí… trở nên dễ dàng kể từ khi có internet. Tuy nhiên, nguồn thông tin đa dạng cũng khiến chúng ta gặp không ít khó khăn trong việc phân biệt đúng sai. Nhiều người chưa kịp tìm hiểu tính xác thực của thông tin đã vội tin ngay vào những gì mình thấy, mình đọc được. Và truyền thông bẩn ra đời, lợi dụng từ chính thói quen vốn không tốt đẹp của chúng ta.

Social Media: Một thế giới mở và cái giá phải trả cho quyền tự do ngôn luận

Năm 2019, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam là 62 triệu người; nhưng tính đến tháng 9/2022, con số đã lên tới 72 triệu. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng internet tại Việt Nam là một số vô cùng ấn tượng. Với số lượng người sử dụng lớn, Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội đã trở thành một kho tàng lưu trữ thông tin vô tận. 

Người dùng có thể dễ dàng truy cập, tải lên, tải xuống và thực hiện nhiều thao tác chỉ bằng một vài thao tác đơn giản. Do đó, tính chính xác của thông tin chúng ta truy cập hàng ngày vẫn là một dấu chấm hỏi, vì không được kiểm duyệt chặt chẽ nên bên cạnh những kiến thức bổ ích, cũng đồng thời chứa đựng những luồng thông tin độc hại.

Rheingold Howard – nhà tiên phong người Mỹ trong lĩnh vực công nghệ mạng (cyber technology) đã vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp về không gian mạng cách đây hơn hai thập kỷ. Ông mô tả không gian mạng là “vùng đất” không thể tồn tại định kiến bởi tại đây cư dân mạng sẽ không thể nhìn thấy ngoại hình, tuổi tác hay nguồn gốc của nhau. 

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, xã hội phát triển nhờ vào mạng xã hội, nhưng cũng chính nó cũng có thể giết chết chúng ta

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, xã hội phát triển nhờ vào mạng xã hội, nhưng cũng chính nó cũng có thể giết chết chúng ta

Nhưng thực tế, không gian mạng ngày nay cho thấy những điều ngược lại. Chúng ta rất dễ bị cuốn vào “vòng xoáy” của dư luận trước những thông tin ác ý, bị cuốn vào những scandal, drama nổi đầy rẫy trên mạng xã hội… Và đơn giản là bị dư luận “dắt mũi” bằng những chiêu trò truyền thông bẩn. 

Theo báo cáo Chỉ số văn minh mạng – Digital Civility Index (DCI) do Microsoft công bố năm 2020, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có mức độ văn minh trực tuyến thấp nhất. Theo đó, sự thiếu trách nhiệm trên các nền tảng đó dường như đã để lại một số hậu quả. Mạng xã hội là nơi chúng ta ẩn mình sau những avatar vô hồn và thoải mái đưa ra bình luận về mọi khía cạnh của cuộc sống mà không phải chịu nhiều trách nhiệm, do đó, truyền thông bẩn là một mối đe dọa.

Vậy truyền thông bẩn là gì?

Hiểu một cách đơn giản, truyền thông bẩn chính là sự lan truyền, trao đổi thông tin một cách sai lệch trên bất cứ nền tảng hoặc phương tiện truyền thông nào, không quan tâm đến danh tiếng, phẩm giá của một người hay doanh nghiệp được nhắc đến. Truyền thông bẩn làm bóp méo các thông tin, là một phiên bản “biến tướng” của truyền thông, ám chỉ hành động của một bộ phận tung tin thiếu tính xác thực nhằm xáo động cộng đồng.

Người dùng khó lòng phân biệt rạch ròi giữa hai khái niệm trên bởi lẽ, một “chiến dịch” truyền thông bẩn vẫn có thể tuân theo những công thức truyền thông thông thường. Điển hình là mô hình AIDA (Attention – Sự chú ý, Interest – Thích thú, Desire – Khát vọng, Action – Hành động) - một chiến thuật marketing nhằm thu hút sự chú ý và quan tâm của người dùng, dẫn đến kết quả là hành động và PAS (Problem – Vấn đề, Agitate – Kích động, Solution – Giải pháp) - một công thức hiệu quả trong các chiến dịch quảng cáo.

Các phương tiện truyền thông dẫn dắt người dùng xã hội và khiến chúng ta trở thành “những chú cá trong ao”

Trong thế giới ảo, một bộ phận giới trẻ sẵn sàng bất chấp, thách thức, phớt lờ những quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa ngoài đời thực. Tất cả những thứ đó để đổi lấy lượt xem, lượt thích và lượt chia sẻ trực tuyến, với mục đích duy nhất là tăng sự ảnh hưởng. Và trong thời đại mà tiền có thể kiếm được từ các nền tảng trực tuyến, ảnh hưởng đồng nghĩa với thu nhập.

Những người làm truyền thông “bẩn” khai thác các đặc điểm tâm lý để thu hút sự chú ý nhiều nhất. Đằng sau họ là một chiến lược được sắp xếp và tính toán cực kỳ bài bản. Bằng cách tạo ra những scandal và drama gây tranh cãi, nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng, họ có thể dễ dàng khiến ai đó/thứ gì đó trở nên nổi tiếng. Phương pháp này đã giúp nhiều người có được tầm ảnh hưởng đích thực, thậm chí có người trở thành người nổi tiếng mà không cần phải có tài năng gì.

Chúng ta thường dễ dàng tin vào những gì mình thấy, mình đọc và bỏ lơ về tính xác thực của thông tin

Chúng ta thường dễ dàng tin vào những gì mình thấy, mình đọc và bỏ lơ về tính xác thực của thông tin

Theo đó, người dùng mạng xã hội cũng giống như những “con cá trong ao”, dễ bị mắc bẫy bởi những thứ giả tạo. Chính những cư dân mạng thiếu hiểu biết đã vô tình rơi vào bẫy truyền thông bẩn vì không quan tâm đến những lời lăng mạ trên không gian mạng sau khi đã thực hiện các hợp đồng quảng cáo nhờ tương tác. Rõ ràng, người dùng đang bị dẫn dắt mà không hề hay biết.

“Content bẩn” – nhận diện và tác động đến hoạt động truyền thông

Truyền thông bẩn ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

Truyền thông bẩn để lại những hệ quả đáng quan ngại cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân người dùng và các bên liên quan. Trên thực tế, truyền thông bẩn luôn trộn lẫn trong truyền thông chính thống và xem đó là bàn đạp để phát triển.

Xét về góc độ người tiêu dùng, tin vào một chiến dịch truyền thông bẩn, bạn hẳn sẽ tốn không ít thì nhiều khoảng thời gian vô bổ để tiếp nhận những thông tin không đáng có. Ở mức độ cao hơn, những luồng thông tin tiêu cực còn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người dùng…

Fake news cũng tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Trong muôn vàn cách tăng nhận thức, nếu doanh nghiệp chọn cách đi theo hướng truyền thông bẩn, về lâu về dài, khi niềm tin của người dùng biến mất, họ sẽ rời bỏ doanh nghiệp.

Truyền thông bẩn có sức mạnh lớn cỡ nào?

Truyền thông bẩn có sức mạnh lớn cỡ nào?

Sự bình tĩnh trước những cơn bão

Tò mò thuộc về bản chất con người. Chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi những điều mới mẻ. Do đó, tiếp cận những sự kiện đang nổi cộm trên mạng xã hội, hãy giữ một trái tim ấm áp và một cái đầu lạnh. Cân nhắc kỹ lưỡng mọi khía cạnh có thể xảy ra của câu chuyện, giữ thái độ trung lập trong mọi hoàn cảnh để tránh bị truyền thông dẫn dắt. 

Gần đây, vụ việc bé Hạo Nam rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Bên cạnh những sự đồng cảm, xót thương cho sự việc đáng thương tâm này, cộng đồng mạng cũng dấy lên vấn đề "Truyền thông bẩn đang cố gắng đổ tội hết cho nhà thầu, công nhân và bảo vệ". Khi một ý kiến được đưa ra, thường sẽ có hai luồng ý kiến được đem ra bàn luận. Người cho rằng mọi lỗi lầm đều do sự thiếu an toàn của bên nhà thầu, người khác lại cho rằng trách nhiệm phần lớn là do cha mẹ của bé…

Vậy ai đúng, ai sai? Cái nghèo có phải lý do? Chúng ta có nên đổ hoàn toàn trách nhiệm nên người mà chúng ta cảm thấy là nên phải chịu trách nhiệm hay không? Có lẽ việc giải quyết vấn đề này thuộc về trách nhiệm của nhà nước, của các cơ quan chính quyền...

Tạm kết

Bất kể bạn là người tiêu dùng hay thương hiệu, thì truyền thông cũng được coi là một phương tiện hữu dụng. Tuy nhiên, chúng ta cần làm chủ truyền thông, chứ đừng để truyền thông điều khiển chúng ta. Đứng trước một thông tin chưa được chứng thực, đừng để truyền thông bẩn lợi dụng bạn. Hãy nhìn sự việc ở góc nhìn đa chiều.

Thanh Thanh - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.