Quả chuối dán băng keo “Comedian” giá gần 160 tỷ đồng
Những ngày vừa qua, quả chuối dán băng keo - tác phẩm có tên “Comedian” chỉ đơn giản là một quả chuối màu vàng, được dán lên tường bằng băng keo đang nổi lên như một hiện tượng. Được tạo ra bởi Maurizio Cattelan vào năm 2019, “Comedian” khi ấy được bán với giá khiêm tốn khoảng 120.000 USD.
Độ hot của quả chuối dán băng keo thực sự lên tới đỉnh điểm sau khi nó mang về cho tác giả 6,2 triệu USD (hơn 157,6 tỷ đồng) trong phiên đấu giá ở New York, Mỹ vào ngày 20/11 vừa qua. Vượt qua 6 đối thủ tham gia đấu giá, tác phẩm triệu đô này cuối cùng đã thuộc về Justin Sun - một doanh nhân sáng lập nền tảng tiền điện tử có tiếng người Trung Quốc. Anh được nhận một quả chuối, cuộn băng keo, giấy chứng nhận và hướng dẫn sắp đặt để thay thế mỗi khi chuối bị hỏng.
Lý do đằng sau khiến “quả chuối dán băng keo” có mức giá điên rồ như vậy là bởi theo tạp chí Art De Vivre, người mua không sở hữu quả chuối mà là một ý tưởng. Khi trái cây bị hỏng, họ chỉ cần thay thế, dán lại như hướng dẫn và nó vẫn được coi như nguyên bản. T
Tận dụng hiệu ứng lan tỏa từ vụ đấu giá đình đám, nhiều thương hiệu đã biến tấu ý tưởng “quả chuối dán băng keo” để đưa vào trong quảng cáo của mình.
Liquid Death
Liquid Death - thương hiệu nước đóng lon nổi tiếng với phong cách tiếp thị táo bạo và hài hước, đã không bỏ lỡ cơ hội tận dụng sức hút của phiên đấu giá và đem nó vào trong chiến dịch tiếp thị đầy sáng tạo và gây chú ý.
Họ "tái hiện" ý tưởng của Cattelan bằng cách dán lon nước của mình lên tường, đồng thời công bố rằng đây là một tác phẩm nghệ thuật. Liquid Death quyết định đưa loại nước có gas vị dưa gang của mình lên kệ với giá 5,2 triệu USD. Sản phẩm mang tên “Can of Art” (Lon Nghệ Thuật), được bán trên trang web của hãng, đi kèm giấy chứng nhận tính xác thực, một cuộn băng dính và 10 năm sử dụng nước có gas vị Mango Chainsaw.
Theo một bài đăng trên LinkedIn quảng bá cho sản phẩm này cho biết: “Mức giá này là hoàn toàn hợp lý, bởi một lon nước có gas hương vị của chúng tôi dung tích 19,2 oz còn có giá trị cao gấp đôi một quả chuối trong cửa hàng tiện lợi gần nhà bạn,”. Sự hài hước trong việc “biến lon nước thành nghệ thuật cao cấp” thu hút sự chú ý của giới trẻ, đồng thời phù hợp với phong cách “nổi loạn” và khác biệt mà Liquid Death theo đuổi.
Cheetos
Lấy cảm hứng từ tinh thần của buổi đấu giá, Cheetos - thương hiệu snack nổi tiếng đã tạo nên phiên bản của riêng mình: một chiếc Cheetos được dán bằng băng keo lên tường. Họ gọi đây là “The Cheetos Comedian”, biến một mẩu snack bình thường thành một "tác phẩm nghệ thuật". Phiên đấu giá đã nhanh chóng đạt mức 1.026 USD với 49 lượt đặt giá và dự kiến kết thúc vào 8:17 sáng thứ Năm (giờ ET). Người thắng cuộc không chỉ nhận được món đồ đặc biệt này mà còn được tặng thêm một lượng Cheetos tương đương với số tiền họ đã đấu giá.
Được biết, trước đó, Cheetos đã từng nổi tiếng với việc đấu giá hoặc giới thiệu những mẩu snack có hình dạng độc đáo (như chiếc Cheetos có hình giống con vật hoặc nhân vật nổi tiếng).
Walmart
Không bán với tác phẩm của mình với giá triệu đô như cách Cattelan đã làm với quả chuối gắn băng keo, gã khổng lồ bán lẻ Walmart đã đăng một hình ảnh một chú gà quay được dán băng dính lên trên nền tảng X, với tên gọi “The Essence of a Rotisserie Chicken Captured Forever by the Stickiness of Duct Tape” (Tinh hoa của gà quay được lưu giữ mãi mãi nhờ độ dính của băng dính).
Walmart miêu tả miếng gà “nóng hổi, giòn tan và được tẩm gia vị hoàn hảo” này là vô giá - như cách tôn vinh giá trị của nghệ thuật đời thường trong tác phẩm “Comedian”. Trong bài đăng, hãng bán lẻ này còn hỏi người theo dõi của mình sẵn sàng chi bao nhiêu để mua miếng gà quay đặc biệt này và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng mạng.
Charity: Water
Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu Charity: Water có lẽ đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật gợi nhiều suy ngẫm nhất bằng cách dán một can dầu diesel màu vàng lên tường bằng băng dính. Chiếc can nhựa màu vàng không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Ở nhiều khu vực đang phát triển, người dân thường dùng những chiếc can này để chứa nước, thường là nước không đảm bảo an toàn để uống.
Bằng cách thay thế quả chuối bằng chiếc can nhựa, Charity: Water đã kể một câu chuyện ý nghĩa về cuộc khủng hoảng nước sạch toàn cầu. Không nhằm mục đích bán bất cứ thứ gì, tổ chức này đã đăng tải hình ảnh tác phẩm với chú thích: “1 triệu USD mang lại nước sạch cho 25.000 người” như một cách so sánh chi phí khổng lồ của một tác phẩm nghệ thuật như “Comedian” với chi phí khiêm tốn để mang nước sạch đến cho hàng ngàn người.
Savannah Bananas
Đội bóng chày biểu diễn Savannah Bananas đã nhanh chóng thiết kế áo thun với logo của đội được dán bằng băng dính, lấy cảm hứng từ vụ bán đấu giá tác phẩm “Comedian.” Chỉ trong 6 phút, toàn bộ 62 món đồ sưu tập này, mỗi chiếc được định giá 62,40 USD, đã được bán hết.
Jesse Cole, chủ sở hữu đội bóng nổi tiếng với bộ tuxedo màu vàng, chia sẻ trong một bài đăng trên LinkedIn: “Đây không phải là một phần trong kế hoạch bán hàng hay chiến lược truyền thông xã hội của chúng tôi. Nhưng đội ngũ của chúng tôi đủ linh hoạt để nhanh chóng biến ý tưởng này thành hiện thực và thử nghiệm một cách thú vị.”
E.l.f. Cosmetics
E.l.f. Cosmetics - thương hiệu mỹ phẩm được biết đến với chất lượng và giá cả phải chăng đã nhanh chóng “bắt trend” buổi đấu giá “Comedian” bằng việc dán sản phẩm Power Grip Primer của mình lên một bức tường trắng bằng băng keo và đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội. Sản phẩm được quảng bá với tên gọi "e.l.f.ing bananas" này có giá 10 USD, không bao gồm cuộn băng dính. Qua đó, thương hiệu nhấn mạnh: ngay cả những sản phẩm trang điểm bình dân cũng có thể trở thành “nghệ thuật” khi được trưng bày đúng cách.
Mailchimp
Mailchimp, nền tảng tiếp thị qua email sử dụng ý tưởng đơn giản của “Comedian” để nhấn mạnh tính sáng tạo, sự hài hước, và giá trị thiết thực trong cách tiếp cận tiếp thị. Mailchimp đã dán linh vật của mình - Freddie, lên tường bằng băng dính và ví chiến dịch của mình như một kiệt tác trị giá “6 triệu đô la.”. Qua đó, nền tảng đã khéo léo sử dụng tính hài hước và sáng tạo để tôn vinh các nhà tiếp thị, nhắc nhở rằng việc gửi email, thiết kế chiến dịch, hay sáng tạo nội dung đều có giá trị nghệ thuật riêng.
>>> Xem thêm: Bông Biêng vướng chỉ trích "đạo nhái" từ thương hiệu trà sữa Trung Quốc
Lời kết:
Có thể nói, sự phi lý của tác phẩm “Comedian” tạo ra cơ hội để các thương hiệu khai thác yếu tố hài hước và châm biếm, vốn là cách hiệu quả để thu hút khách hàng và tạo cảm giác gần gũi. Việc thương hiệu biết cách biến xu hướng văn hóa thành chiến dịch sáng tạo đã giúp ghi điểm trong mắt công chúng, xây dựng hình ảnh thương hiệu và kết nối với khách hàng đặc biệt là thế hệ trẻ vốn yêu thích các trào lưu trên nền tảng số.
Bình luận của bạn