Bức tranh ngành FMCG Việt Nam năm 2021 có gì nổi bật? Sự xuất hiện của Covid-19 đang làm thay đổi ngành FMCG nói chung và thị trường mì ăn liền Việt Nam như thế nào?
Tổng quan thị trường FMCG Việt Nam 2021
Báo cáo cập nhật thị trường FMCG Việt Nam (tháng 6/2021) của Kantar cho thấy mức tăng trở lại của FMCG cả về giá trị và sản lượng tiêu thụ so với giai đoạn trước Covid-19. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng giảm chi tiêu cho FMCG so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mức độ mua vẫn cao hơn so với thời điểm trước Covid-19, tăng hơn 10% so với năm 2019.
Việc giảm chi tiêu được nhìn thấy rõ nhất trong ngành hàng sữa và thực phẩm đóng gói. Ngược lại, ngành hành thức uống quay trở lại mức tăng trưởng tích cực tại khu vực thành thị 4 thành phố trọng điểm (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ). Cụ thể:
Các chỉ số kinh tế
Trong 5 tháng đầu năm 2021, các chỉ số kinh tế tiếp tục cho thấy dấu hiệu phục hồi. Trong đó, xuất nhập khẩu và doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng ghi nhận sự phục hồi tích cực cùng với chỉ số giá tiêu dùng được duy trì ở mức thấp.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh và đầu tư nước ngoài vẫn chịu ảnh hưởng của đại dịch. Về tổng thể, ngành FMCG vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi tác động của Covid-19.
Trước làn sóng dịch thứ 4 với mức độ lây lan nguy hiểm hơn, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức trong nửa cuối năm 2021.
Bức tranh FMCG
Thị trường FMCG quay trở lại đà tăng trưởng trước Covid-19 cả về giá trị và khối lượng tiêu thụ.
Trong ngắn hạn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho hàng tiêu dùng nhanh so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên vẫn cao hơn thời điểm trước Covid-19, với mức tăng hơn 10%
>>>Xem thêm: Những thương hiệu FMCG được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhấtTăng trưởng theo ngành hàng
Tại khu vực thành thị (4 thành phố chính), chi tiêu mua sắm giảm ở ngành sữa và thực phẩm đóng gói, nhưng ngành hàng thức uống đã ghi nhận mức tăng trưởng dương trở lại (+6%).
Xét về tổng thể, tốc độ tăng trưởng theo ngành hàng tại khu vực nông thôn ổn định hơn so với khu vực thành thị. Thực phẩm đóng gói (-2%) và sản phẩm chăm sóc gia đình (-1%) là hai ngành hàng duy nhất ghi nhận mức giảm chi tiêu mua sắm, nhưng không đáng kể. Trái ngược với thành thị, chi tiêu cho thức uống tại nông thôn “dậm chân tại chỗ”. Sản phẩm chăm sóc cá nhân là ngành hàng có mức độ chi tiêu tăng trưởng cao nhất, với mức tăng +10%.
Với tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, chi tiêu cho FMCG dự kiến sẽ tăng trở lại trong thời gian tới nhưng có thể sẽ không đạt mức “đột biến” như năm ngoái.
Ngành hàng tiêu biểu
Ngành hàng Sữa trái cây “tỏa sáng” với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ ở cả khu vực thành thị (4 thành phố chính) và nông thôn. Kết quả này đạt được chủ yếu nhờ việc mở rộng mạng lưới người tiêu dùng cũng như khối lượng tiêu thụ.
Với quy mô còn nhỏ, ngành hàng này có tiềm năng tốt để phát triển hơn nữa nhờ nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao về sức khỏe và các sản phẩm dinh dưỡng của người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn.
Toàn cảnh thị trường bán lẻ/Kênh mua sắm
Nhìn chung, tổng thị trường bán lẻ trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận mức giảm nhẹ (-2%) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét từng kênh riêng lẻ lại có sự đột phá mạnh mẽ.
Mua sắm FMCG online không có dấu hiệu chậm lại và là kênh mua sắm đạt tốc độ tăng trưởng hai chữ số duy nhất sau một năm chịu tác động từ Covid-19.
Khi nhiều biện pháp phòng dịch tiếp tục duy trì, giá trị thị phần của kênh Online và Siêu thị mini sẽ sớm bắt kịp chợ - kênh mua sắm truyền thống và rất phổ biến tại Việt Nam.
Thị trường mì ăn liền Việt Nam
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã tác động thế nào đến thị trường mì ăn liền tại Việt Nam?
Việt Nam là quốc gia tiêu thụ mì ăn liền đứng thứ ba thế giới
Khi nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh tiếp tục được thắt chặt, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang nấu ăn tại nhà hoặc dự trữ thực phẩm khô. Theo đó, nhu cầu tích trữ và tiêu thụ mì cũng tăng cao.
Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), châu Á là thị trường có sức tiêu thụ mì lớn nhất. Trong tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020, khu vực Đông Bắc Á (Nhận Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) chiếm 56,45%, đứng thứ hai là Đông Nam Á (tính riêng 5 thị trường chính: Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia) với 25,24%.
Cũng theo WINA, Trung Quốc đứng đầu thế giới về nhu cầu mì ăn liền, nhưng tốc độ tăng trưởng về tiêu thụ lại không cao như Việt Nam. Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về nhu cầu mì ăn liền với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019.
Ngoài ra, theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền tại thị trường nội địa đã tăng 67% trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến: Acecook (mì Hảo Hảo), Masan (mì Kokomi, Omachi), Uniben (mì 3 miền), Asia Food (mì Gấu đỏ), Vifon (mì, phở Vifon) và huyền thoại Colusa Miliket. Ngoài ra, nhiều thương hiệu quốc tế cũng đang thâm nhập vào thị trường mì ăn liền Việt Nam.
Dưới tác động của dịch Covid-19, nhu cầu về tích trữ, tiêu dùng mì ăn liền sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Facts and Factors, doanh thu của mặt hàng mì ăn liền toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021-2026.
Từ vụ mì Hảo Hảo bị thu hồi ở châu Âu đến tương lai của thị trường mì ăn liền
Theo bảng xếp hạng Brand Footprint Việt Nam 2021 của Kantar, trong ngành hàng thực phẩm, Hảo Hảo giữ vị trí đầu bảng trong top thương hiệu được chọn mua nhiều nhất tại khu vực thành thị (4 thành phố chính). Với tỷ lệ 3/4 hộ gia đình tin dùng, Hảo Hảo xuất sắc thu hút thêm gần 95,000 hộ gia đình mới tại khu vực thành thị trong năm 2020. Đây là kết quả của một chuỗi nỗ lực quảng bá không ngừng của Acecook nói chung và Hảo Hảo nói riêng, đặc biệt là hoạt động từ thiện của toàn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vào ngày 28.8 vừa qua, Hảo Hảo bất ngờ bị cơ quan quản lý châu Âu thu hồi vì có chứa chất Ethylene Oxide. Ngay lập tức, thông tin này trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều người tiêu dùng bắt đầu lo lắng và nghi ngờ về chất lượng sản phẩm mì ăn liền nói chung và Hảo Hảo nói riêng. Mặc dù đại diện Acecook đã đưa ra văn bản thông báo chính thức về vụ việc, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều trong cộng đồng người tiêu dùng.
Sau đó, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin sản phẩm và yêu cầu ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chuẩn và giới hạn những chất thuộc diện hạn chế sử dụng, chất cấm… trong sản xuất thực phẩm.
Trong năm 2020 và 2021, ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Cá biệt, có công ty của Việt Nam xuất khẩu mì tăng 300%. Hiện, phở ăn liền và mì ăn liền của Việt Nam đã và đang xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới.
Để tận dụng tiềm năng xuất khẩu mở rộng này, các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền cần sát sao hơn trong việc kiểm nghiệm chất lượng phù hợp với từng thị trường, tránh đi theo vết xe không đáng có như Hảo Hảo.
Kết
Nhìn chung, trong nửa cuối năm 2021, ngành FMCG nói chung và thị trường mì ăn liền Việt Nam nói riêng tiếp tục nhận được tín hiệu phục hồi tích cực, mặc dù có thể không tạo nhiều “đột phá” như những năm trước nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.
Hơn nữa, sự nở rộ của hoạt động thương mại điện tử cũng mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp FMCG đang tìm cách tiếp cận và mở rộng tệp khách hàng của mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng sản phẩm khi người tiêu dùng hiện nay ngày càng quan tâm đến các tiêu chuẩn về sức khỏe.
Lương Hạnh - MarketingAI
Theo Kantar
>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng nổi bật ngành F&B Việt Nam năm 2021
Bình luận của bạn