Trước khi lựa chọn thiết kế cho thương hiệu, bạn cần phải hiểu được tính cách và giọng nói của chính thương hiệu bạn. Nếu bạn quá tập trung vào việc lựa chọn phông chữ, màu sắc, sắp xếp bố cục logo... mà chưa hiểu được chính mình là ai, tính cách thương hiệu là gì? thì sớm muộn, bạn cũng sẽ không hài lòng với các sản phẩm truyền thông thiết kế của mình.
Một cách đơn giản nhất để bắt đầu là tưởng tượng doanh nghiệp của bạn là một con người. Mỗi con người đều sử hữu một cá tính và phong cách để có thể phân biệt mỗi người với nhau. Các doanh nghiệp cũng không khác nhiều, chúng ta có thể coi mỗi doanh nghiệp là mỗi người với cá tính riêng biệt, khi đó hãy trả lời 3 câu hỏi dưới đây để biết được tính cách thương hiệu là gì và có thể hiểu được hành trình tìm kiếm tính cách của mình.
Tính cách thương hiệu là gì?
Tính cách thương hiệu là việc gán các đặc điểm và tính cách của con người cho thương hiệu để tạo nên cá tính riêng và sự khác biệt trong tâm trí khách hàng khi nhắc đến thương hiệu.
Khi các tính từ mô tả đặc điểm và tính cách con người như độc đáo, quan tâm, hài hước, sáng tạo, đáng tin cậy, thẳng thắn, nổi loạn, không trung thực,... được gán cho thương hiệu, sẽ làm nảy sinh tính cách của nó.
Dưới đây là 12 tính cách thương hiệu điển hình mà bạn có thể lựa chọn để xây dựng tính cách cho thương hiệu của mình:
- Người khai phá (Explorer): Độc lập, táo bạo, tiên phong như Redbull, The North Face
- Người quyến rũ (Lover): Thẩm mỹ, đẳng cấp và sự quyến rũ: Victoria's Secret, Chanel
- Hiền nhân (Sage): Trí tuệ, logic và sự đổi mới như Google, BBC
- Người pha trò (Jester): Vui tươi, sảng khoái, tràn ngập tiếng cười như Ben & Jerry's, Bubweiser
- Người lãnh đạo (Ruler): Thống trị, quyền lực, được chú ý và ngưỡng mộ: Rolls Royce, Microsoft
- Người mơ mộng (Magician): Đổi mới, sáng tạo, không bị bó buộc bởi các quy tắc như Disney, Apple
- Người chăm sóc (Caregiver): Vị tha, nhân ái, bao dung như OMO, Unicef
- Người ngây thơ (Innocent): Tử tế, trung thực, tích cực và chân thành như Coca-Cola, Dove
- Người bạn (Everyman): Bình đẳng, thân thiện, thấu hiểu như IKEA, KitKat
- Anh hùng (Hero): Mạnh mẽ, can đảm, gan dạ như Nike, Ariel
- Người sáng tạo (Creator): Tạo ra giá trị, đổi mới, truyền cảm hứng thông qua tầm nhìn độc đáo, biểu hiện nghệ thuật và cá tính cá nhân như Lego, Adobe
- Kẻ nổi loạn (Outlaw): Mạnh mẽ, phá cách, hoang dã và ngạo mạn như Diesel, Virgin
Tầm quan trọng của việc xây dựng tính cách thương hiệu là gì?
Tính cách thương hiệu được xác định rõ ràng và được triển khai hiệu quả sẽ:
Tăng khả năng cạnh tranh và khác biệt hóa so với đối thủ
Tính cách thương hiệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo sự khác biệt cho thương hiệu của bạn so với các đối thủ cạnh tranh. Cùng một sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng có thể được tiếp thị theo những cách khác nhau tùy thuộc vào tính cách mà thương hiệu xây dựng. Chìa khóa là phải nuôi dưỡng tính cách thương hiệu xác thực với tổ chức, nhất quán theo thời gian và phù hợp với khách hàng mục tiêu của bạn.
Ngoài ra, tính cách thương hiệu còn làm rõ nét sự khác biệt, giúp khách hàng phân biệt thương hiệu này với thương hiệu khác. Chẳng hạn, tính “phiêu lưu, nghịch ngợm” của Pepsi không thể nhầm lẫn với tính “mạnh mẽ, ngạo mạn” của Redbull và tính cách này cũng tạo ra những cảm xúc khác nhau khi khách hàng sử dụng sản phẩm, từ đó định hình nhu cầu của họ.
Tăng mức độ nhận diện thương hiệu
Tính cách thương hiệu riêng biệt làm cho thương hiệu dễ nhận biết và dễ nhớ. Đây là thành phần quan trọng để tăng độ nhận diện thương hiệu. Nhận diện thương hiệu không chỉ là việc để khách hàng tiềm năng biết đến thương hiệu thông qua tiếp thị và quảng cáo mà còn phải nâng cao nhận thức ở khách hàng hiện tại biến sự công nhận thành ưa thích.
Tạo cảm giác thân thiện
Tính cách thương hiệu là kết quả của tất cả trải nghiệm của người tiêu dùng với thương hiệu. Một thương hiệu có tính cách sẽ tạo ra sự gần gũi, thân thiết hơn với người tiêu dùng.
Cách xác định tính cách thương hiệu cho doanh nghiệp
Không có một “công thức” cụ thể để xác định tính cách thương hiệu. Muốn tạo nên tính cách thương hiệu chuẩn xác, bạn cần nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn. Dưới đây là một trong những cách tiếp cận được sử dụng khá phổ biến mà bạn có thể áp dụng.
Nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường là bước đầu tiên và quan trọng nhất khi tiến hành xây dựng tính cách cho thương hiệu.
Trong bước này, bạn cần thực hiện các công việc sau:
- Nghiên cứu khách hàng mục tiêu: Hiểu rõ insight khách hàng. Xây dựng bộ chân dung về khách hàng mục tiêu bao gồm thông tin nhân khẩu học, chuyên môn, những điều trân trọng, mục tiêu & thách thức, họ ở đâu, thông tin tiêu cực.
- Nghiên cứu đối thủ: Đối thủ định vị thương hiệu như thế nào? Vị trí của đối thủ ở đâu? Tính cách thương hiệu của đối thủ là gì? Có điều gì nổi bật? Họ có đang thành công hay không?
- Nghiên cứu xu hướng thị trường: Thị trường đang có những xu hướng nổi bật nào? Những xu hướng nào sẽ xuất hiện trong thời gian tới? Những xu hướng này tác động như thế nào đến việc xây dựng tính cách thương hiệu của bạn?
Định vị thương hiệu
Trong bước này, các doanh nghiệp cần hiểu và xác định rõ những vấn đề nội tại của mình. Hãy bắt đầu bằng cách xác định khách hàng mục tiêu, sau đó xác định sứ mệnh, nhiệm vụ, giá trị và những điều tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ trong ngành. Cuối cùng, xem xét về lời hứa thương hiệu, phân tích những đặc điểm lý tưởng để xây dựng tính cách thương hiệu phù hợp nhất.
Liệt kê và lựa chọn tính cách phù hợp nhất với nghiên cứu
Liệt kê các nét tính cách nhiều nhất có thể tránh trường hợp bỏ sót, dẫn đến lựa chọn sai tính cách thương hiệu. Sau đó, dựa trên những kết quả và thông tin đã được chắt lọc từ hai bước trên để tìm ra loại tính cách phù hợp nhất. Bạn hoàn toàn có thể tự nghĩ ra nhiều tính từ khác để mô tả tính cách thương hiệu, miễn là nó phù hợp và đem lại hiệu quả.
Khi tiến hành chọn lựa tính cách cho thương hiệu, cần chú ý những điều sau:
- Không để cảm xúc cá nhân can thiệp khi tiến hành lựa chọn tính cách
- Tính cách được lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm lý tưởng và mục tiêu của thương hiệu
- Một vài đặc điểm tính cách có thể trùng lặp, nhưng phải tạo ra sự khác biệt với đối thủ.
- Các nét tính cách phải dễ biểu đạt, không nên quá hoa mỹ và có ý nghĩa phức tạp.
Phối hợp các nét tính cách thương hiệu
Không nên sử dụng quá nhiều nét tính cách để xây dựng tính cách thương hiệu, hoàn hảo nhất là kết hợp từ 2 đến 3 nét tính cách vừa đủ để dễ nhớ và bổ trợ cho nhau.
Những câu hỏi giúp bạn hiểu hơn về tính cách thương hiệu của doanh nghiệp
Bên cạnh việc tìm hiểu tính cách thương hiệu là gì cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra giải đáp cho các doanh nghiệp hiểu hơn và áp dụng tốt nhất
1. Doanh nghiệp của bạn “cảm thấy” như thế nào?
Nếu bạn đang coi doanh nghiệp của mình như một con người, thì “cảm giác” về doanh nghiệp chính là việc tóm tắt tính cách của họ trong một vài từ. Để xác định cảm giác của bạn, hãy giả sử mô tả doanh nghiệp như thể là một ai đó bạn quen biết, và bạn phải lên một cuộc hẹn hò 'blind date' cho 2 người bạn của mình. Bạn phải giới thiệu 2 người đó cho nhau trong càng ít từ càng tốt. Và đương nhiên, việc mô tả họ ăn mặc như thế nào sẽ không đem lại nhiều cảm giác cho đối phương, mà hãy tập trung nói về sự vui vẻ, hài hước hoặc sự thông minh, hiểu biết của họ sẽ cung cấp cho đối phương một cái nhìn tổng quan về người mình sẽ hẹn hò sắp tới. Cũng tương tự, đừng cố mô tả doanh nghiệp theo cách bạn nghĩ rằng doanh nghiệp sẽ trông như thế nào.
Ví dụ về tính cách thương hiệu, nếu mô tả thương hiệu NASA như một con người, chúng ta sẽ không hình dung về một người trong bộ phi hành gia hay một nhân viên chính phủ trong bộ vest. Vì nếu bạn không biết gì về NASA thì những mô tả đó sẽ không cho bạn hiểu biết nhiều về tổ chức. Thay vào đó, chúng ta hãy sử dụng các từ mang ý nghĩa rõ ràng về tính cách thương hiệu của NASA. Nếu NASA là một người, ta có thể mô tả NASA như một nhà thám hiểm không gian và hàng không dũng cảm.
Hãy suy nghĩ về tính cách mà bạn muốn doanh nghiệp của bạn sở hữu, và sử dụng những từ ngắn gọn để mô tả tính cách đó. Tính cách đó có phải là thân thiện, hay thể hiện tính cạnh tranh, hoặc cũng có thể là sang trọng, là hợp lý, tiết kiệm, nam tính hay tiện lợi....
2. Làm thế nào để nói xin chào?
Thương hiệu của bạn sẽ là tương tác đầu tiên mà khách hàng có với công ty. Bạn sẽ chào họ một cách trang trọng, lịch sự hay thoải mái, vui vẻ?
Tiếp tục giữ suy nghĩ coi doanh nghiệp như một người, thì lời chào thương hiệu của bạn sẽ giống như cái bắt tay cá nhân. Nó có thể cứng rắn hoặc nhẹ nhàng, hoặc có thể bỏ qua bắt tay mà thay vào đó là ôm hoặc đập tay. Bất cứ điều gì bạn chọn, đây sẽ là ấn tượng đầu tiên bạn thực hiện. Nếu bạn không thể quyết định mình muốn chào hỏi như thế nào, hãy xem xét các từ cá tính mà bạn đã suy nghĩ về “cảm nhận” thương hiệu ở phần trên và sử dụng chúng để tưởng tượng thương hiệu của bạn sẽ tự giới thiệu về mình như thế nào.
Nếu bạn có một cá tính sang trọng, bạn có thể muốn gửi một lời chào thanh lịch. Đối với một cá tính gần gũi, lời chào đầu tiên của bạn có thể thoải mái và thân mật hơn. Tương tự như vậy, nếu có một tính cách nam tính, lời chào của bạn có thể mạnh mẽ, táo bạo và nhẹ nhàng, ngọt ngào với tính cách nữ tính.
3. Bạn đang "làm đẹp" cho ai?
Thương hiệu của bạn cuối cùng vẫn là hướng về khách hàng. Do đó, bước thứ ba trong việc hiểu tính cách của doanh nghiệp, dịch vụ, sản phẩm là phải điều chỉnh tính cách thương hiệu của mình phù hợp với tính cách của khách hàng.
Bạn biết bạn là ai và bạn muốn làm gì (như NASA - các nhà thám hiểm dũng cảm muốn mở khóa những bí ẩn của không gian). Điều đó thật tuyệt vời nhưng để thành công như một doanh nghiệp, bạn cũng cần đảm bảo rằng mình có thể thu hút khách hàng lý tưởng.
Nếu doanh nghiệp của bạn đang lên kế hoạch cho các sự kiện black-tie (bữa tiệc sang trọng, đàn ông mặc tuxedo), bạn có thể nhắm mục tiêu một khách hàng cao cấp mà cần sự chuyên nghiệp từ bạn. Điều đó có nghĩa là bạn không thể mặc một bộ trang phục chú hề màu mè tới buổi họp đầu tiên được. Tương tự, logo gồm phông chữ lớn và nhiều màu sắc sẽ phản trực giác với tính cách kinh doanh của bạn. Một khi bạn hiểu thương hiệu, tính cách thương hiệu là gì, bạn sẽ bắt đầu có một bức tranh rõ ràng hơn về giá trị thương hiệu, từ đó sẽ chuyển thành cảm giác thẩm mỹ.
>>> Có thể bạn quan tâm: Những thương hiệu đã phải chia tay thị trường Trung QuốcCác ví dụ về tính cách thương hiệu
Tính cách thương hiệu của Apple
Một ví dụ về tính cách thương hiệu của Apple là sự đơn giản, loại bỏ những điều phức tạp ra khỏi cuộc sống, các sản phẩm công nghệ đều tập chung vào người dùng, hướng đến lối sống, trí tưởng tượng, giành lại tự do, cải tiến, đam mê, hi vọng, sức mạnh mang đến cho mọi người thông qua công nghệ.
Tính cách thương hiệu của apple
Tính cách thương hiệu của Pepsi
Mục tiêu của Pepsi là hướng tới những người trẻ tuổi, với mong muốn cho họ cảm giác sảng khoái, mát lạnh và tràn đầy sức sống mỗi khi thưởng thức những lon nước ngọt này. Chính vì vậy mà tính ví dụ về cách thương hiệu của Pepsi thể hiện sự năng động, sôi động, tràn đầy năng lượng của những người trẻ. Những bức hình quảng cáo của hãng này thường xoay quanh thể thao, âm nhạc và tuổi trẻ sôi đông, kết hợp màu xanh nước biển quen thuộc
Tính cách thương hiệu pepsi
Tính cách thương hiệu của Vinamilk
Tính cách thương hiệu của Vinamilk là sự quan tâm, cân cần, chu đáo. Điều này được thể hiện rõ dàng qua Logo của Vinamilk gồm hai màu xanh dương và trắng, đây là hai màu sắc nhẹ nhàng và thuần nhất. Màu xanh thường biểu hiện cho niềm hi vọng, sự vững chãi, còn màu trắng là màu thuần khiết và tinh khôi- màu của sữa, màu của sức sống và sự tinh túy. Bên ngoài là hình tròn như sự bảo vệ, và che chở. Bên trong là dòng chữ Vinamilk viết cách điệu nối liền nhau tạo thành dòng sữa. Thông điệp mà logo mang lại đó là sự cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng tốt nhất chất lượng nhất bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm của mình với cuộc sống con người và xã hội của Vinamilk
Tính cách thương hiệu của Vinamilk
Tính cách thương hiệu của Samsung
Tính cách thương hiệu của samsung thể hiện là một người thích sự đổi mới, khám phá và trải nghiệm. Cùng với đó đây cũng là một người mà bạn có thể đặt trọn niềm tin của mình. Tất cả điều này đều được thể hiện rõ dàng thông qua bộ nhận diện thương hiệu của Samsung, với logo màu xanh da trời là màu biểu tượng của Samsung kể từ năm 1993, đại diện cho các giá trị của công nghệ và sự đổi mới. Màu xanh dương được sử dụng trong các sản phẩm và thông tin của Samsung để tạo dựng niềm tin vững chắc với người tiêu dùng. Sự kết hợp giữa Samsung Blue với bộ màu đen, trắng, rực rỡ và năng động. Những màu sắc này kể câu chuyện với khách hàng bằng trải nghiệm sâu sắc và sống động.
Tính cách thương hiệu samsung
Tính cách thương hiệu của Viettel
Tính cách thương hiệu của Viettel của Viettel thể hiện sự quan tâm, lắng nghe, tôn trọng và đáp ứng từng nhu cầu cá nhân (của khách hàng) được biểu hiện rõ dàng thông qua câu slogan nổi tiếng “Say it your way” (Hãy nói theo cách của bạn).
Tính cách thương hiệu viettel
Kết luận
Hy vọng rằng, qua bài viết trên các bạn đã hiểu được tính cách thương hiệu là gì và cách hiểu được doanh nghiệp của mình hơn. Có thể thấy để xác định tính cách của doanh nghiệp, bạn nên bắt đầu xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình như một con người. Hình ảnh đó rất quan trọng để đặt nền móng cho việc chọn các yếu tố phong cách cho thương hiệu. Giống như cá tính của bạn sẽ ảnh hưởng tới quần áo bạn mặc, phong cách bạn chọn lựa, tính cách doanh nghiệp cũng giúp bạn hình thành quyết định về các khía cạnh của bản sắc thương hiệu.
Theo 99designs
>>> Xem thêm: Cẩm nang toàn tập về xây dựng thương hiệu cho sản phẩm
Bình luận của bạn