Những thương hiệu đã phải chia tay thị trường Trung Quốc trong năm 2021

04 Thg 01

Thị trường tỷ dân Trung Quốc là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn với bất cứ công ty nước ngoài nào. Năm 2021, không ít thương hiệu đã buộc phải rời khỏi đây bởi nhiều lý do khác nhau. Nhiều cái tên nổi tiếng đã phải rời bỏ thị trường Trung Quốc trong năm 2021 Nhiều cái tên nổi tiếng đã phải rời bỏ thị trường Trung Quốc trong năm 2021

Trong đó, ảnh hưởng của dịch bệnh, trào lưu “guochao”, các quy định khắt khe của Chính phủ hay những biến động trong giới giải trí được xem là những nguyên nhân nổi bật. 

Hãy cùng MarketingAi điểm qua những cái tên nổi tiếng đã phải ngậm ngùi ra đi trong năm qua! 

Etude House 

Đầu tháng 3/2021, thương hiệu mỹ phẩm đình đám Etude House của Hàn Quốc đã thông báo đóng cửa tất cả các cửa hàng kinh doanh tại Trung Quốc sau bảy năm hoạt động.   

Những cửa hàng mỹ phẩm lung linh như lâu đài cổ tích, có nội thất màu hồng mộng mơ cùng ánh đèn chùm lấp lánh giờ đây chỉ còn là dĩ vãng với nhiều khách hàng. 

Cửa hàng của Etude House trong một trung tâm thương mại tại Trung Quốc. Cửa hàng của Etude House trong một trung tâm thương mại tại Trung Quốc.

Nhìn lại thời kỳ đỉnh cao, Etude House từng có đến 85 cửa hàng tại 25 thành phố ở Trung Quốc. Mặc dù hãng vẫn duy trì việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Tmall hay Little Red Book, nhưng điều đó đã cho thấy bước đi lùi đáng kể của thương hiệu đình đám này. 

Dưới tác động của đại dịch COVID-19, người dân Trung Quốc ngày càng giảm bớt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu như quần áo hay mỹ phẩm. 

Bên cạnh đó là sự bứt phá mạnh mẽ của các thương hiệu nội địa Trung, điển hình như Perfect Diary và Florasis. 

Tất cả đã khiến Etude House phải cay đắng chịu thất bại tại Trung Quốc, nơi mà họ đã từng rất thành công trong quá khứ. 

Innisfree

Giống như Etude House, Innisfree cũng là một trong các hãng mỹ phẩm nổi tiếng thuộc tập đoàn Amorepacific. 

Nếu như Etude House hướng đến phong cách công chúa, ngọt ngào, thì Innisfree lại được xây dựng với hình ảnh mỹ phẩm thiên nhiên từ quần đảo Jeju trong lành.

Dẫu vậy, trong năm 2021 vừa qua Innisfree cũng chịu chung số phận như Etude House, phải đóng cửa hàng loạt cơ sở kinh doanh tại thị trường Trung Quốc.

Cửa hàng flagship của Innisfree tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên Cửa hàng flagship của Innisfree tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, hãng đã đóng cửa 140 cửa hàng tại các thành phố lớn, nhỏ. Tháng 5/2021, hãng tiếp tục thông báo sẽ đóng cửa thêm 170 cửa hàng. 

Sự rút lui của hai “chị em” Etude House và Innisfree trong năm qua đã khiến nhiều người cho rằng đây chính là hồi kết cho xu hướng K-Beauty tại Trung Quốc. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược Marketing của Innisfree – Thương hiệu mỹ phẩm xanh toàn cầu

Everlane 

Từng được mệnh danh là “UNIQLO của Mỹ”, nhưng chỉ sau hai năm ngắn ngủi bước chân vào thị trường Trung Quốc, thương hiệu thời trang tối giản Everlane đã phải rời đi. 

Tháng 9/2021, Everlane thông báo ngừng bán hàng trên sàn thương mại điện tử TMall và đóng cửa các dịch vụ hậu mãi khách hàng từ tháng 10/2021. 

Bên trong một cửa hàng của Everlane tại Trung Quốc Bên trong một cửa hàng của Everlane tại Trung Quốc

Điều an ủi duy nhất là những khách hàng yêu mến Everlane vẫn có thể mua các sản phẩm của hãng qua trang web quốc tế. 

Tuy nhiên, động thái này đã cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại khi các công ty bán lẻ toàn cầu đang dần dần rút lui khỏi thị trường Trung Quốc. 

Trước Everlane, những cái tên như Asos, Topshop, Old Navy, New Look… cũng đã chọn cách “dứt áo ra đi”. 

LinkedIn

Ngày 14/10/2021, mạng xã hội việc làm lớn nhất thế giới - LinkedIn, đã ra thông báo rút khỏi Trung Quốc, sau bảy năm hoạt động. 

Thuộc sở hữu của Microsoft, LinkedIn từng là một trong những mạng xã hội của phương Tây hiếm hoi còn tồn tại ở Trung Quốc đại lục. Nhưng cuối cùng, cái kết của nó vẫn không khác mấy so với Google, Facebook hay Youtube.

Logo được “bản địa hóa” của Linkedin tại Trung Quốc Logo được “bản địa hóa” của Linkedin tại Trung Quốc

Nguyên nhân được cho là những bất đồng kéo dài giữa yêu cầu kiểm duyệt ngày càng cao từ phía Trung Quốc và việc ủng hộ tự do ngôn luận từ phía LinkedIn. 

Trong phát biểu được đưa ra, hãng cho biết: "Dù chúng tôi đã thành công trong việc giúp các thành viên Trung Quốc tìm được việc làm và cơ hội kinh tế, nhưng chúng tôi không có được sự thành công như vậy trong khía cạnh chia sẻ và cập nhật thông tin". 

Không giống như các quốc gia khác, phiên bản "bản địa hóa" của LinkedIn có bộ quy tắc riêng. Chúng được thiết lập theo các yêu cầu của chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực Internet.

>>> Có thể bạn quan tâm: LinkedIn sẽ ngừng hoạt động ở Trung Quốc vào cuối năm nay 

Yahoo

Tiếp bước LinkedIn, tháng 11/2021, Yahoo cũng đã thông báo sẽ rút lui khỏi thị trường Trung Quốc.

Đây được coi là động thái không sớm thì muộn sẽ có lúc xảy ra. Trên thực tế, quyền truy cập vào nhiều tính năng của Yahoo tại Trung Quốc như Email hay Tin tức đã không còn tồn tại kể từ năm 2013. Năm 2015, Yahoo cũng đã đóng cửa văn phòng ở Bắc Kinh và sa thải 300 nhân viên. 

Quảng cáo của Yahoo! Trên đường phố Bắc Kinh vào năm 2007 - thời kỳ đỉnh cao của thương hiệu này Quảng cáo của Yahoo! Trên đường phố Bắc Kinh vào năm 2007 - thời kỳ đỉnh cao của thương hiệu này

Yahoo từng là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, tuy nhiên ảnh hưởng của thương hiệu này đã giảm đi đáng kể trong thập kỷ qua. 

Công ty đã thay đổi nhiều giám đốc điều hành nhằm xoay chuyển tình thế, tuy nhiên cuối cùng vẫn không thể giành lại thị phần tìm kiếm cũng như thị trường quảng cáo mà Yahoo từng thống trị một thời.

Trung Quốc, với dân số đứng hạng một, kinh tế đứng hạng hai thế giới, vẫn luôn là nơi mọi thương hiệu khao khát chinh phục, từ những gã khổng lồ cho tới các công ty khởi nghiệp. 

Tuy nhiên, những ví dụ trên, từ ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, cho đến những nền tảng công nghệ, đã một lần nữa chứng minh sự cạnh tranh khắc nghiệt trong kinh doanh tại quốc gia này, đặc biệt là với các công ty ngoại. 

>>> Có thể bạn quan tâm: Thất bại của Etude House và hồi kết cho K-Beauty tại Trung Quốc

Trang Trịnh – MarketingAI

(Theo JingDaily)

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.