The Body Shop nộp đơn phá sản: “Đạo đức trong kinh doanh” không còn là USP nổi bật cho thương hiệu

13 Thg 03

Theo thông tin từ hãng CNN, thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng The Body Shop đã chính thức nộp đơn xin phá sản và đóng cửa hàng loạt chi nhánh tại hai thị trường lớn là Mỹ và Canada.

The Body Shop chính thức nộp đơn xin phá sản tại Mỹ

Trang CNN mới đây đã đưa ra công bố chính thức về sự việc phá sản của thương hiệu mỹ phẩm The Body Shop. Cụ thể, sau khi The body shop nộp đơn phá sản, toàn bộ hệ thống kinh doanh của The Body Shop tại Mỹ sẽ ngừng hoạt động từ tháng 3. Đồng thời, 33/105 chi nhánh của The Body Shop tại thị trường Canada cũng sẽ ngừng hoạt động và được rao bán ngay lập tức và toàn bộ mạng lưới thương mại điện tử chính thức của The Body Shop tại thị trường này cũng chính thức dừng hoạt động.

The Body Shop chính thức nộp đơn xin phá sản tại Mỹ

Chia sẻ về lý do The Body Shop nộp đơn phá sản, CNN nhận định rằng làn sóng lạm phát và suy thoái kinh tế nặng nề trong thời gian vừa qua là một đòn đánh kinh tế quá lớn tới các nhà bán lẻ mỹ phẩm. Đặc biệt, tệp khách hàng của The Body Shop là nhóm khách hàng trung lưu - nhóm đối tượng có xu hướng thắt chặt chi tiêu nhiều nhất trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, hoạt động của The Body Shop tại các thị trường Mỹ và Canada cũng khá đặc thù. Thương hiệu này phân phối sản phẩm theo chiến lược mở cửa hàng riêng, không tập trung quá nhiều tại các trung tâm thương mại, khiến cho áp lực về chi phí thuê mặt bằng, cơ sở vật chất tăng cao.

Trước đó, tại thị trường Anh - nơi đặt trụ sở của công ty mẹ, The Body Shop cũng thông báo đóng cửa 75 cửa hàng và sa thải gần 800 nhân sự. Ở một số thị trường khác như Bỉ, Đan Mạch và Ireland, The Body Shop cũng đã đưa ra tuyên bố ngừng hoạt động. Đặc biệt, những nhân viên tại Ireland đã tuyên bố đình công với lý do thương hiệu này nợ lương tới 3 tuần. Những thông tin này cho thấy, tình hình tài chính rất đáng báo động của The Body Shop trước khi đi tới kết cục phá sản như hiện nay.

Trên thực tế, hoạt động của The Body Shop đã có khá nhiều tín hiệu xấu trong một vài năm gần đây. Thương hiệu này từng trải qua rất nhiều lần đổi chủ, từ L’Oréal, Natura và đến cuối năm 2023 được bán lại cho tập đoàn quản lý tài sản Aurelius. Bản thân Natura từng nhận định rằng, The Body Shop đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn từ năm 2022 khi doanh số liên tục giảm.

Tại một số thị trường khác như Malaysia, Việt Nam và Campuchia, các cửa hàng The Body Shop vẫn sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. Bởi toàn bộ cửa hàng The Body Shop tại các khu vực này được hoạt động theo hình thức kinh doanh nhượng quyền và trực thuộc tập đoàn InNature Berhad, do đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình hình tài chính của công ty mẹ The Body Shop.

Từng là một biểu tượng của “đạo đức kinh doanh” trong ngành Mỹ phẩm toàn cầu

Được thành lập từ năm 1979 bởi nhà vận động môi trường Anita Roddick, The Body Shop từng là một trong những tên tuổi đáng gờm của ngành mỹ phẩm với định vị độc đáo về tính bền vững và nhân văn trong hoạt động kinh doanh. Ngay từ những ngày đầu thành lập, thương hiệu này đã thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng trên toàn bởi tuyên bố về việc không thử nghiệm trên động vật, đi ngược lại với số đông hãng mỹ phẩm bấy giờ.

Trong suốt 48 năm phát triển, các sản phẩm của The Body Shop nhận được khá nhiều đánh giá tích cực từ phía người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ có ý thức về bảo vệ môi trường. Trước khi rơi vào tình trạng như hiện nay, The Body Shop từng có tới 2500 điểm bán lẻ, góp mặt tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới.

Bên cạnh những lí do về mặt tài chính của The Body Shop, các chuyên gia cũng đưa ra một số lý do như:

  1. USP về “Đạo đức kinh doanh” của thương hiệu không còn độc đáo như trước:

Tính nhân văn, đạo đức trong kinh doanh của The Body Shop từng là một USP khá độc đáo, dẫn đầu thị trường trong thời điểm mới ra mắt. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, những yếu tố về phát triển bền vững, đạo đức kinh doanh đã trở thành một vấn đề khá phổ biến, bão hòa khi mà rất nhiều thương hiệu đều nhắm tới. Hơn hết, việc đổi chủ cũng là lý do niềm tin của người tiêu dùng vào đạo đức kinh doanh của thương hiệu bị giảm bớt, bởi chủ cũ của thương hiệu - L'Oreal là một doanh nghiệp có thử nghiệm trên động vật. Dan Pratt, Giám đốc giải pháp tại Wolfenden Agency nhận xét rằng “Việc bán cho L'Oreal vào năm 2006 là khởi đầu cho sự xói mòn mục đích của thương hiệu. “Điểm mấu chốt là L'Oreal đã thử nghiệm sản phẩm của họ trên động vật, một sự thỏa hiệp rõ ràng với quan điểm đạo đức lâu đời của Body Shop.”

2. Thương hiệu quá thiếu sự sáng tạo

Một số ý kiến khác cho rằng, The Body Shop đã quá trì trệ trong việc tiếp cận và thích ứng với sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời bỏ lỡ quá nhiều xu hướng quan trọng. Từ việc phát triển sản phẩm, cho tới cách tiếp cận người tiêu dùng trên các kênh kỹ thuật số của The Body Shop đều khá lỗi thời so với sự thay đổi mỗi ngày của thị trường. Paul Dodd (Chief innovation officer at e-commerce fulfilment partner Huboo) đã nhận định rằng cách tiếp cận người tiêu dùng kém hiệu quả và “chậm chạp” của The Body Shop là một trong những nguyên nhân khiến thương hiệu này bị bỏ lại phía sau: “Tất cả các thương hiệu bán lẻ cần phải phát triển theo thời gian và người tiêu dùng ngày nay - đặc biệt là khán giả trẻ - mua sắm theo cách khác, mua nhiều sản phẩm trực tuyến hơn và sử dụng đường phố lớn làm phòng trưng bày”.

>>> Xem thêm: Chiến lược Marketing của Cocoon: Hành trình "phá kén" của thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Việt Nam

Nguồn: CNN, Retail Insight & CafeBiz

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.