- Temu là gì? Tổng quan về sàn thương mại điện tử đến từ Trung Quốc
- Những lý do khiến Temu có thể thay đổi thế trận Thương mại điện tử tại Việt Nam
- #1. Nguồn lực tài chính khổng lồ từ công ty mẹ giúp Temu không ngại đốt tiền vào quảng cáo
- #2. Khả năng tối ưu trải nghiệm người dùng ấn tượng
- #3. Chiến thuật giá rẻ đáng gờm, khiến cả người mua và người bán đều khó rời sàn
Temu là gì? Tổng quan về sàn thương mại điện tử đến từ Trung Quốc
Temu là sàn thương mại điện tử được tạo nên bởi công ty PDD Holdings - gã khổng lồ của thị trường Thương mại điện tử Trung Quốc. Đây vốn là phiên bản quốc tế được phát triển từ một sàn thương mại điện tử rất nổi tiếng tại Trung Quốc - Pinduoduo. Thương hiệu này được chính thức ra mắt tại thị trường Mỹ vào tháng 9 năm 2022, “sinh sau đẻ muộn” hơn rất nhiều so với các ông lớn trên thị trường như Amazon hay Alibaba.
Từ Tân Binh tới đối thủ đáng gờm của Amazon tại chính quê nhà Mỹ
Tuy nhiên tân binh này chỉ mất 2 năm để trở thành một hiện tượng thương mại điện tử càn quét trên khắp nước Mỹ, đe dọa với hàng loạt ông lớn trong ngành. Temu khiến người tiêu dùng tại Mỹ mê mẩn ngay từ những ngày đầu tiên gia nhập thị trường bởi mức giá quá rẻ trong một thời điểm lạm phát tăng cao, kết hợp với hàng loạt sản phẩm hot theo xu hướng liên tục được đề xuất chính xác. Chỉ riêng Quý 4/2022, khi mới chân ướt chân ráo đặt chân vào nước Mỹ, số lượng cài đặt của Temu đã vượt xa cả Amazon, Walmart và Target.
Bệ phóng từ sự thành công vượt bậc tại một thị trường lớn và rất khó nhằn như Mỹ giúp cho Temu nhanh chóng bành trướng sự ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới. Tính đến tháng 10 năm nay tân binh này đã phủ sóng trên khắp 83 quốc gia và vùng lãnh thổ một tốc độ tăng trưởng có thể nói là chưa từng có trong ngành.
Temu sẽ biến cuộc đua thương mại điện tử tại Việt Nam trở nên nóng hơn bao giờ hết
Tại thị trường Đông Nam Á, năm 2023 Temu đã có những động thái đầu tiên khi gia nhập vào một số quốc gia như Philippines và Malaysia. Đến tháng 7 năm nay Temu đã bắt đầu giao hàng tại thị trường Thái Lan. Vì vậy không khó để dự đoán trước rằng cơn lốc thương mại điện tử này sẽ sớm đặt chân vào thị trường Việt Nam - Một trong những quốc gia có tốc độ phát triển về thương mại điện tử nhanh nhất trong khu vực. Và tới ngày 10/10, Temu đã chính thức ra mắt tại Việt Nam.
Bức tranh toàn cảnh thị trường Thương mại điện tử Việt Nam đang rất sôi động với quy mô 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và tốc độ tăng trưởng GMV theo năm lên tới gần 53%. Và chịu sự thống trị của 3 ông lớn sau đây:
- Shopee 71,4% thị phần GMV
- TikTok Shop chiếm 22,0% thị phần GMV.
- Lazada với 5,9% thị phần GMV
Sự xuất hiện của Temu dự kiến sẽ khiến cho bộ ba Shopee, TikTok Shop và Lazada rất căng thẳng trong thời gian tới. Và những tên tuổi kém nổi bật như TiKi có lẽ lại càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, có không ít ý kiến dự đoán rằng, Tiki sẽ sớm bị Temu mua lại và trở thành bệ đỡ của thương hiệu này tại Việt Nam.
Những lý do khiến Temu có thể thay đổi thế trận Thương mại điện tử tại Việt Nam
#1. Nguồn lực tài chính khổng lồ từ công ty mẹ giúp Temu không ngại đốt tiền vào quảng cáo
Phía sau sự phát triển thần tốc của Temu là một bệ đỡ rất hùng mạnh đến từ tập đoàn PDD Holdings. Đây là một đơn vị sở hữu tiềm lực tài chính rất lớn đến từ Trung Quốc, vì vậy Temu có được một nguồn lực vô cùng dồi dào để phát triển.
Một ví dụ điển hình cho nguồn tài chính khổng lồ của Temu đó chính là quảng cáo của thương hiệu này khi mới gia nhập thị trường Mỹ. Thương hiệu mạnh tay chi tới 21 triệu USD cho 3 quảng cáo phát sóng tại thiên đường tiếp thị của Mỹ - Super Bowl vào khung giờ vàng tối Chủ Nhật. Bên cạnh đó, theo Goldman Sachs, Temu cũng đã chi một số tiền khổng lồ khoảng 1,2 tỉ USD chỉ dành cho quảng cáo trên Meta trong năm 2023. Nhờ đó, thông điệp “Mua sắm như một tỷ phú” của tân binh này nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng Mỹ.
Với nguồn lực quảng bá lớn như vậy, khả năng các chiến dịch quảng bá sắp tới của Temu tại thị trường Việt Nam sẽ rất đáng gờm. Đồng thời, Temu đã có được tiếng vang từ thị trường Mỹ cùng hàng chục thị trường khác trên thế giới, do đó ngay từ ngày đầu tiên ra nhập Việt Nam, thương hiệu này đã phủ sóng trên khắp các mặt báo và mạng xã hội. Chưa cần chi tiền khủng cho quảng cáo, Temu đã có được tầm ảnh hưởng nhất định trên thị trường. Vì vậy, việc tạo ấn tượng với người tiêu dùng Việt trong thời gian đầu có lẽ sẽ không quá khó khăn với những gì Temu đang có.
#2. Khả năng tối ưu trải nghiệm người dùng ấn tượng
Phiên bản gốc của Temu tại thị trường Trung Quốc là sàn thương mại điện tử Pindoudou đã có một khoảng thời gian rất dài phát triển trước tại thị trường Trung Quốc. Thị trường tỷ dân của Trung Quốc là một môi trường tuyệt vời để thương hiệu này có thể phát triển và bước đầu thử nghiệm các tính năng của mình với những hành vi sở thích của người tiêu dùng. Từ đó Temu đã có một thời gian dài để tối ưu hóa các công cụ, mô hình AI trước khi vươn mình ra thế giới. Đó chính là lý do ngay khi mới đặt chân tới thị trường Mỹ Temu đã khiến người tiêu dùng mê mẩn bởi trải nghiệm người dùng quá đỗi ấn tượng.
Điểm qua một số trải nghiệm mua hàng nổi bật mà Temu đã mang lại cho người tiêu dùng phải kể đến như: Miễn phí vận chuyển, Thời hạn hoàn trả hàng lên tới 90 ngày, Áp dụng mô hình mua sắm theo nhóm độc đáo với mức chiết khấu cao,... Đây cũng sẽ là những trải nghiệm rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng Việt Nam, giúp họ tối ưu chi phí nhất có thể khi mua sắm trên TMDT. Ngoài ra, Ứng dụng cũng được tối ưu trải nghiệm với giao diện khá thân thiện, kết hợp cùng các game giải trí, thư giãn cho người dùng.
Lợi thế khi tối ưu trải nghiệm người tiêu dùng Việt Nam
Đối với thị trường Việt Nam, nằm trong cùng một khu vực Châu Á cùng với Trung Quốc, vì vậy đặc điểm hành vi của người tiêu dùng cũng sẽ có một số điểm tương đồng. Điều này càng thuận lợi hơn cho Temu trong việc hiểu hành vi của người dùng và đưa ra những trải nghiệm tối ưu nhất. Mặt khác, người tiêu dùng luôn mong muốn trải nghiệm những điều mới mẻ. Nên có lẽ Temu sẽ dễ dàng thu hút người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới với những ưu điểm khác biệt trên.
Hiện tại Temu Việt Nam vẫn còn khá sơ sài, chỉ sử dụng tiếng Anh và hợp tác với hai nhà vận chuyển Ninja Van và Best Express. Thanh toán cũng khá khó khăn khi chưa tích hợp các loại ví điện tử. Tuy nhiên, với phong cách và cường độ làm việc của Temu có lẽ những hạn chế này sẽ sớm được khắc phục trong thời gian tới.
#3. Chiến thuật giá rẻ đáng gờm, khiến cả người mua và người bán đều khó rời sàn
Lý do chính khiến Temu chinh phục được một thị trường khó nhằn như Mỹ là bởi mức giá quá đỗi hấp dẫn. Temu có một chiến lược giá rất đặc biệt, khiến cho giá của các sản phẩm luôn được duy trì ở mức thấp nhất có thể. Trong một bối cảnh hậu lạm phát như hiện nay, mức giá thấp là điều trở nên hấp dẫn hơn cả với người tiêu dùng trên toàn thế giới, trong đó bao gồm cả người tiêu dùng Việt Nam.
Chiến thuật giá của Temu: Người mua bị mê hoặc bởi giá rẻ, Người bán không thể rời khỏi vì lượng cầu lớn, chương trình hỗ trợ bán tốt
Chiến thuật chim mồi của Temu được thực hiện rất tinh vi. Ban đầu, sàn TMĐT này thu hút người bán bằng cách quảng cáo liên tục những sản phẩm có doanh thu lên tới chục nghìn đơn hàng mỗi tháng. Ngay lập tức, người bán bị thu hút, chuyển từ các sàn khác qua Temu. Đồng thời, thương hiệu này bắt đầu đốt tiền cho các chương trình ưu đãi nhằm thu hút cả người mua và bán.
Tuy nhiên, Temu không chỉ đốt tiền để thu hút khách hàng ban đầu, sàn TMDT này có rất nhiều cách thức tinh vi để giữ chân cả người bán lẫn người mua. Khi lượng lớn người mua hàng, Temu bắt đầu tận dụng lợi thế về lượng người mua lớn để khiến người bán không thể rời bỏ sàn dù mức giá bị ép thấp hơn rất nhiều. Kết hợp với cách tối giản chi phí vận hành quá tốt, giúp cho mức giá của Temu hoàn toàn nổi bật hơn hẳn so với thị trường.
Người bán cũng nhận được nhiều ưu đãi khi toàn bộ sản phẩm chỉ cần được đưa tới kho của Temu và sàn này sẽ xử lý mọi lần còn lại, giúp người bán chỉ cần tập trung vào sản xuất. Từ đây mức giá càng trở nên rẻ hơn và khiến người mua và cả người bán đều yêu thích sàn hơn.
Ngoài ra, App Temu có một nguyên lý hoạt động rất đặc biệt là chỉ hiển thị nổi bật các sản phẩm có giá rẻ nhất. Tức nếu nhà bán hàng không sở hữu mức giá thấp nhất, cơ hội tiếp cận khách hàng của họ rất hạn chế. App cũng liên tục thông báo thúc giục người bán hạ giá để được lên nổi bật.
Đối với người tiêu dùng Việt Nam
Sau suy thoái kinh tế, mức giá rẻ vẫn luôn là điều hấp dẫn đối với người tiêu dùng Việt. Trong báo cáo về thị trường TMDT Việt Nam nửa đầu 2024 mà Marketing AI đã phân tích trong một bài viết trước đây, cũng đã chỉ ra rằng người tiêu dùng vẫn luôn ưa chuộng các sản phẩm nằm trong phân khúc giá rẻ, đặc biệt với một số mặt hàng như Gia dụng, Thời trang,... - Những thị trường thế mạnh của các nhà sản xuất từ Trung Quốc. Vì vậy, ưu thế về giá của Temu sẽ là một mối đe dọa rất lớn đối với Shopee, Lazada và các sàn TMDT khác tại Việt Nam.
Hiện tại, TikTok Shop đang có lợi thế từ các phiên Livestream triệu view cùng KOC. Trong khi đó, Shopee vẫn chiếm ưu thế bởi mức giá rẻ và các tính năng đa dạng trên ứng dụng, sản phẩm mới Shopee Choice của sàn TMDT này đang nhận được đánh giá tương đối tốt nhờ mức giá rẻ vượt trội cho cả người mua và người bán. Như vậy, có lẽ vị thế áp đảo của Shopee có thể bị ảnh hưởng khá nhiều khi Temu bước chân vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, các sàn ít nổi bật hơn như Lazada hay đặc biệt là Tiki có lẽ sẽ là những cái tên mong manh nhất trong cuộc chiến TMDT sắp tới.
Mặt khác, các sản phẩm từ Trung Quốc trên Temu sẽ rất dễ dàng để tiếp cận người tiêu dùng Việt. Bởi trong nhiều năm qua, các sản phẩm của Trung Quốc đã được bán rất nhiều từ các sàn TMDT tới các kênh offline tại Việt Nam. Do đó, người tiêu dùng đã không còn xa lạ với các nhà sản xuất tới từ thị trường này.
Lời kết:
Hiện tại, Temu vẫn chưa có nhiều động thái nổi bật tại Việt Nam, thương hiệu mới chỉ ra mắt ứng dụng cơ bản với một số nhà vận chuyển nhưng đã khiến thị trường xôn xao trong suốt nhiều ngày qua. Danh tiếng kết hợp cùng một nguồn lực tài chính khủng, kinh nghiệm vận hành tốt, tối giản và trải nghiệm người dùng ấn tượng, Temu sẽ trở thành một cái tên mà Shopee, TikTok Shop và Lazada đều phải dè chừng trong thời gian tới. Để đối mặt với những ưu điểm của Temu, các sàn này sẽ phải nỗ lực rất nhiều trong việc tối ưu về giá cả, hoặc tìm kiếm một định vị khác biệt hơn, đồng thời duy trì nhận diện của thương hiệu đối với người tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh mới.
Bình luận của bạn