cover

Sự bùng nổ của Escapism Marketing - Nắm bắt tâm lý "trốn chạy" khỏi thực tại để chinh phục người tiêu dùng

05 Thg 04

Đi ngược lại với xu hướng chân thực trong marketing, Escapism Marketing đã bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Khi cuộc sống trở nên căng thẳng, người tiêu dùng khao khát những trải nghiệm thoát ly, giúp họ tạm rời xa thực tại. Do đó, thay vì chỉ quảng bá sản phẩm, các thương hiệu giờ đây tạo ra những thế giới đầy mộng mơ, mang đến cho khách hàng những khoảnh khắc thư giãn và kết nối cảm xúc sâu sắc. Cùng khám phá Escapism Marketing và những chiến lược để thương hiệu dễ dàng nắm bắt xu hướng này trong thời gian tới!

Xu hướng mới của năm 2025 - Escapism Marketing

  • 91% người trên toàn cầu cảm thấy họ cần phải dành thời gian để thoát ly khỏi cuộc sống hàng ngày, trong đó 86% chủ động tìm kiếm các hoạt động khiến họ phân tâm để đối phó với căng thẳng trong cuộc sống. 
  • 60% người tham gia khảo sát thừa nhận họ khao khát sự phân tâm nhiều hơn so với trước đây.
  • 35% người được hỏi muốn thoát khỏi chính tâm trí, suy nghĩ của họ, cho thấy nhu cầu tìm kiếm sự giải thoát không chỉ từ môi trường bên ngoài mà còn từ nội tâm.
  • 1 trong 2 người trên toàn cầu sử dụng internet như một phương tiện để thoát khỏi thực tại.

Những con số từ khảo sát mới nhất của McCann đã cho thấy rằng xu hướng Escapism - Thoát ly khỏi thực tại đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trong đời sống hiện đại. Trên thực tế, sự bùng nổ của Chủ nghĩa thoát ly chính là tấm gương phản chiếu cho xu hướng tâm lý của người tiêu dùng toàn cầu hiện nay. Hậu đại dịch, người tiêu dùng liên tục phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng nổi tiếp nhau, từ suy thoái kinh tế, bất ổn định chính trị, và cho tới sự bão hòa của các nền tảng số. Họ liên tục bị bao vây giữa hàng chục nền tảng mạng xã hội, báo chí và hàng ngàn luông thông tin mỗi ngày, khiến họ ngày càng cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi hơn. Vì thế, người tiêu dùng bắt đầu tìm cách trốn chạy khỏi thực tế đầy mệt mỏi đó, họ muốn tìm đến một vùng đất tinh thần mới, nơi họ được kéo ra khỏi những áp lực trong cuộc sống.

Xu hướng Escapism Marketing

Sự phát triển của chủ nghĩa thoát ly đó đã thúc đẩy xu hướng Escapism Marketing được ra đời và bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Khác với những chiến dịch truyền thống, nhấn mạnh tính chân thực, các thương hiệu giờ đây hướng tới việc xây dựng những trải nghiệm siêu thực, mộng mị, đưa khán giả bước vào những thế giới mới mẻ và hấp dẫn. Trong Escapism Marketing, thương hiệu có thể phối hợp nhiều hoạt động như thiết kế chương trình trải nghiệm nhập vai, AI, AR, VR,... mở ra một không gian ảo sống động như thực tại.

Một ví dụ nổi bật của Escapism Marketing là Gucci với chiến dịch Gucci Garden Archetypes, kết hợp triển lãm ảo và VR, tạo ra không gian siêu thực không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn đưa người xem vào hành trình cảm xúc đầy thẩm mỹ. Tương tự, Louis Vuitton hợp tác với trò chơi Final Fantasy, đưa nhân vật ảo Lightning vào chiến dịch quảng bá, tạo cảm giác như thương hiệu tồn tại trong một vũ trụ kỳ ảo. Một ví dụ khác là chiến dịch Dream Big Princess của Disney, kết hợp giữa câu chuyện cổ tích và đời thực để khơi dậy trí tưởng tượng của người tiêu dùng về các sản phẩm của Disney một cách sống động hơn.

Xu hướng Escapism Marketing

Một số lợi ích của Escapism Marketing

Tạo không gian trải nghiệm độc đáo, kéo người tiêu dùng đến gần hơn với thương hiệu

Thay vì chỉ xem một quảng cáo, người tiêu dùng được tham gia vào một thế giới mà thương hiệu tạo ra – có thể là một không gian ảo đầy mê hoặc, một chiến dịch gamified tương tác, hay một trải nghiệm AR cho phép họ thử sản phẩm ngay trong ngôi nhà của mình,... Chính điều này khiến khách hàng cảm thấy không đơn thuần là người xem, họ là một phần của câu chuyện. Và khi đã “bước vào thế giới đó”, họ dễ dàng lưu giữ hình ảnh thương hiệu trong tâm trí lâu hơn.

Escapism Marketing tạo không gian trải nghiệm độc đáo

Tạo kết nối cảm xúc sâu sắc

Thoát ly là một nhu cầu tâm lý đang gia tăng trong xã hội hiện đại. Escapism marketing đáp ứng chính xác nhu cầu đó bằng cách tạo ra những thế giới riêng, nơi họ được tạm rời xa áp lực của cuộc sống. Thương hiệu có thể trở thành “nơi trú ẩn cảm xúc" và dần dần trở thành điểm tựa đáng tin tưởng của người tiêu dùng, thúc đẩy họ trung thành hơn với thương hiệu. 

Truyền tải câu chuyện của thương hiệu một cách sống động hơn 

Escapism marketing cho phép thương hiệu được truyền tải những câu chuyện, thông điệp của mình một cách độc đáo và khác biệt hơn. Thay vì truyền đạt thông tin một chiều, thương hiệu có thể xây dựng những câu chuyện giàu chất điện ảnh, pha lẫn yếu tố tưởng tượng, kỳ ảo – khiến người xem vừa được giải trí, vừa dễ đồng cảm với tinh thần thương hiệu. Nhờ đó, những giá trị cốt lõi hay định vị thương hiệu không còn nằm trên lý thuyết, mà được thể hiện một cách gần gũi, gợi cảm hứng và khó quên hơn. 

Escapism marketing cho phép thương hiệu được truyền tải những câu chuyện

Các loại Escapism Marketing phổ biến

Để nắm bắt xu hướng Escapism Marketing, trước tiên, thương hiệu cần nắm được người tiêu dùng đang cố gắng “thoát ly” theo những cách thức nào. Theo McCann, chủ nghĩa thoát ly được chia thành 4 nhóm nhu cầu chính:

  • Micro Relief (Niềm vui nhỏ): Những khoảnh khắc nhỏ giúp giảm căng thẳng tạm thời, ví dụ như việc thưởng thức danh sách phát nhạc yêu thích vào buổi sáng.
  • Macro Relief (Những chuyến đi xa): Các hoạt động lớn hơn giúp người tiêu dùng rời xa thực tại, như nghỉ dưỡng tại những khu nghỉ sang trọng.
  • Little Innovations (Những tia lửa phát triển nhỏ): Những thay đổi nhỏ trong cuộc sống, chẳng hạn như việc bắt đầu một sở thích mới, tạo ra những sự đổi mới và nguồn cảm hứng.
  • Big Innovations (Đổi mới vĩ mô): Những thay đổi sâu sắc, như chuyển đổi nghề nghiệp, mang lại sự biến đổi lớn trong cuộc sống.

Dựa trên 4 nhu cầu cơ bản đó, thương hiệu có thể tạo ra những trải nghiệm thoát ly phù hợp nhất với người tiêu dùng. Trong đó, thương hiệu có thể tham khảo một số cách thức đơn giản sau:

1. Tận dụng công nghệ AR/VR tạo trải nghiệm ảo 

Công nghệ AR và VR cho phép khách hàng “bước vào” thế giới của riêng thương hiệu. Từ trải nghiệm thử đồ ảo cho đến những tour trải nghiệm sản phẩm 360 độ, phòng giới thiệu thương hiệu online,.... các công nghệ hiện đại giúp thương hiệu tạo ra cảm giác phiêu lưu và khám phá cho khách hàng. Khi khách hàng tự mình trải nghiệm không gian ảo, họ không chỉ tương tác với sản phẩm mà còn có cảm giác như đang sống trong một thế giới khác – nơi chỉ có khách hàng và thương hiệu, góp phần tạo nên sự khác biệt và ấn tượng sâu sắc.

Ví dụ: KFC Hồng Kông với trò chơi "Bucketverse VR": KFC tại Hồng Kông đã ra mắt trò chơi thực tế ảo "Bucketverse VR" trong chiến dịch "Indulge in a Krispy Break". Người tham gia sẽ được bước vào một buồng VR mô phỏng hình dạng của xô gà rán KFC, khám phá không gian ảo đầy màu sắc của Hồng Kông và bắt những miếng gà rán ảo để nhận phần thưởng thực tế. Chiến dịch này tạo ra một trải nghiệm mới mẻ, kết nối người tiêu dùng với thương hiệu theo cách phiêu lưu và sáng tạo.

Tận dụng công nghệ AR/VR tạo trải nghiệm ảo

2. Kết hợp với tiếp thị hoài niệm

Con người luôn có xu hướng nhớ và yêu mến những kỷ niệm quá khứ hoặc những câu chuyện huyền ảo. Việc khai thác các yếu tố hoài cổ như phong cách thập niên 80, đưa khách hàng trở lại với những ký ức tươi đẹp trong quá khứ, khiến họ cảm nhận được sự kết nối đặc biệt, từ đó thương hiệu trở nên gần gũi và đáng tin cậy hơn.

Ví dụ - McDonald's với "Collector's Meal" (2024): McDonald's đã ra mắt bữa ăn "Collector's Meal", kèm theo những cốc sưu tập với thiết kế hoài cổ, gợi nhớ đến các nhân vật như Grimace, Shrek hay Barbie. Chiến dịch này không chỉ mang đến những bữa ăn ngon mà còn giúp khách hàng trở lại với ký ức về thương hiệu, tạo ra sự kết nối cảm xúc và nâng cao giá trị thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Kết hợp với tiếp thị hoài niệm

>>> Tìm hiểu thêm: Nostalgia Marketing - Con đường kết nối cảm xúc với thế hệ trẻ thông qua insight "hoài niệm"

3. Kích thích sự tương tác qua gamification

Bằng cách tích hợp gamification vào chiến dịch marketing, thương hiệu không chỉ thúc đẩy tương tác với người tiêu dùng mà còn tạo ra cảm xúc vui vẻ, tích cực hơn cho họ. Từ đó khiến người tiêu dùng có cái nhìn tích cực, thân thiện về thương hiệu hơn.

Ứng dụng Nike Run Club: Nike Run Club đã ứng dụng gamification trong chiến lược marketing của mình. Người dùng tham gia ứng dụng có thể tham gia các thử thách chạy, kiếm huy hiệu khi hoàn thành các mục tiêu và chia sẻ thành tích với bạn bè. Cách tiếp cận này không chỉ thúc đẩy hoạt động thể chất mà còn tạo ra một cộng đồng gắn kết xung quanh thương hiệu, làm tăng sự yêu thích và lòng trung thành của khách hàng

4. Tổ chức sự kiện trải nghiệm (Experiential Marketing Events)

Sự kiện trải nghiệm mang lại cảm xúc chân thực nhất, cho phép người tiêu dùng tương tác thực tế và gắn kết sâu hơn với thương hiệu và sản phẩm. Ví dụ như Netflix khi quảng cáo phim thường xuyên tổ chức sự kiện trải nghiệm, giúp người dùng chìm đắm trong không gian của phim, làm cho bộ phim trở nên sống động hơn trong mắt họ. Tiêu biểu như khi quảng cáo Squid Game, Netflix tổ chức hàng loạt sự kiện game nhập vai, xây các mô hình khổng lồ trôi trên mặt nước để tái hiện không gian bộ phim.

Tổ chức sự kiện trải nghiệm

5. Sử dụng sensory branding để tạo trải nghiệm đa giác quan

Thay vì chỉ tập trung vào hình ảnh, thương hiệu có thể khai thác âm thanh, mùi hương và cảm giác để tạo ra một trải nghiệm toàn diện. Ví dụ, một cửa hàng thời trang cao cấp có thể sử dụng mùi hương đặc trưng kết hợp với nhạc nền và ánh sáng ấm áp, giúp khách hàng không chỉ nhìn mà còn cảm nhận được “bầu không khí” riêng biệt của thương hiệu.

6. Biến mạng xã hội thành “khu vực thoát ly”

Thay vì chỉ đăng tải sản phẩm, thương hiệu nên tạo ra nội dung sống động, hấp dẫn trên các nền tảng như TikTok và Instagram. Những bài đăng có hình ảnh bắt mắt, câu chuyện tương tác hoặc trải nghiệm gamified sẽ đưa khách hàng vào một không gian “trốn” khỏi cuộc sống thường nhật, giúp họ tạm thời quên đi áp lực và mệt mỏi.

>>> Đọc thêm: Unhinged Marketing: Khi thương hiệu trở nên nổi loạn trong quảng cáo

Lời kết: 

Xu hướng thoát ly thực tế xuất phát từ những vấn đề về sức khỏe tinh thần của người tiêu dùng đang ngày một yếu đi do phải chịu quá nhiều áp lực về kinh tế, môi trường sống. Đây là một cơ hội vàng để các thương hiệu có thể trở thành người bạn đồng hành của người tiêu dùng, mang tới cho họ những cơ hội, không gian để "thoát ly" khỏi bộn bề công việc. 

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.