Ngày 13/3/2018, cộng đồng yêu âm nhạc trong nước sục sôi bởi tin tức dịch vụ nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới Spotify tới Việt Nam với hàng chục triệu bài hát. Với những thành tích nổi trội trong việc chiếm lấy trái tim người nghe nhạc toàn thế giới, liệu Spotify có lặp lại chiến tích vẻ vang tại Việt Nam, hay gây áp lực lên những trang nhạc trực tuyến trong nước như Zing MP3 hay Nhaccuatui?
Spotify - Ứng dụng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới
Spotify là dịch vụ âm nhạc trực tuyến có số lượng người dùng đứng đầu trên thế giới với hơn 60 triệu người dùng trả phí trong tổng số 140 triệu người dùng (theo nghiên cứu của Spotify). Con số này hoàn toàn vượt xa đối thủ cạnh tranh trực tiếp chính là Apple Music khiêm tốn với - khoảng 27 triệu người dùng trả phí.
>> Tham khảo: 15 Website nhạc không bản quyền | Link tải nhạc EDM (NCS)
Thấu hiểu người dùng
Đây là một trong những tính năng nổi bật và được ưa chuộng nhất của người dẫn đầu dịch vụ âm nhạc trực tuyến. Với công nghệ machine-learning, Spotify có thể phân tích sở thích và thói quen nghe nhạc của người sử dụng giúp họ có trải nghiệm nghe nhạc tiện lợi và thu hút hơn. Bắt đầu từ phương pháp tạo playlist “thủ công” như lựa chọn nghệ sĩ yêu thích, ấn like/unlike, Spotify sẽ tự động theo dõi hoạt động của bạn, từ đó gợi ý và cập nhật những list nhạc phù hợp như Daily Mixes (danh nhạc được tổng hợp và cập nhật mỗi ngày dựa trên thói quen nghe nhạc của bạn) hay Discover Weekly (gợi ý bản nhạc mới mỗi tuần mà bạn có thể thích dù chưa nghe bao giờ).
Tốc độ đi đôi với chất lượng
Spotify sở hữu kho nhạc với số lượng hơn 40 triệu bài hát các thể loại, ở mọi quốc gia đã tấn công đến. Chỉ vừa mới bước vào thị trường Việt Nam, Spotify đã nhanh chóng cập nhật những bài hát thịnh hành trong nước và đặc biệt có cả album mới của Mỹ Tâm - vốn không xuất hiện trên các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến trong nước vì lý do bản quyền.
Spotify sẽ đem tới những bài hát có bản quyền với chất lượng cao dành cho các tay ghiền nhạc (320 Kpbs hay thậm chí là Lossless). Dù không phải chất lượng tốt nhất nhưng sự đồng đều trong phần lớn các bài hát là ưu thế vượt trội. Tuy nhiên, đây là tính năng chỉ có ở gói Premium (gói người dùng phải trả phí 59,000đ/tháng hoặc 708,000đ/năm tại Việt Nam). Đây là mức giá khá hợp lý so với trải nghiệm âm nhạc tuyệt đỉnh của Spotify tới Việt Nam.
Đầy đủ bản quyền nhạc
Spotify tới Việt Nam với mục đích thay đổi suy nghĩ và thói quen của người dùng về bản quyền nhạc. Hợp tác với những hãng thu âm lớn trên thế giới, các bài hát trên dịch vụ nhạc số này đều có bản quyền đầy đủ. Không chỉ đem lại sự tôn trọng cũng như thu nhập cho ca sĩ, nhạc sĩ, nghe nhạc có bản quyền giúp người dùng có trải nghiệm thoải mái và chất lượng hơn.
Zing MP3 & Nhaccuatui - Bá chủ thị trường nhạc trực tuyến tại Việt Nam
Hiểu rõ thị hiếu người Việt
Đương nhiên với vị thế là những “ông lớn” trong thị trường nhạc trực tuyến tại Việt Nam, 2 dịch vụ này cập nhật nhanh chóng và liên tục các bài hát Việt phù hợp với thị hiếu người sử dụng. Những bài hát mới nổi, cover hay “chế” đều dễ dàng tìm thấy trên Zing MP3 hay Nhaccuatui cũng bởi hai ứng dụng này cho phép người dùng tự đăng tải lên. Nếu bạn là tín đồ của nhạc Việt, chắc chắn những ứng dụng nhạc trực tuyến trong nước sẽ là lựa chọn hàng đầu.
Bên cạnh đó, lợi thế riêng của Zing hay Nhaccuatui đó là Video Music - đầy đủ các video âm nhạc hay các màn trình diễn. Vốn là stream nhạc nên Spotify không hỗ trợ xem video trên ứng dụng, đó có thể là điểm trừ với “gã khổng lồ”.
>> Có thể bạn quan tâm: Zing Me – Mạng xã hội chưa kịp tỏa sáng đã bị đóng cửa
Thói quen nghe nhạc "miễn phí”
Nghe và tải nhạc miễn phí, không quan tâm đến bản quyền vốn là thói quen của đa phần đa người dùng tại Việt Nam. Bởi vậy, cần phải chi tiền để sử dụng hay tải về những bài hát yêu thích là một vấn đề khiến nhiều người dùng nghi ngại. Với việc không quá chặt chẽ trong quản lí, người dùng Việt có những “cách thức” để tải những bản nhạc yêu thích hoàn toàn miễn phí.
Hợp tác với các doanh nghiệp trong nước
Lợi thế dễ thấy ở thị trường Việt Nam của 2 ứng dụng này chính là sự kết hợp với các doanh nghiệp trong nước để hai bên cùng có lợi. Ví dụ như Nhaccuatui đang kết hợp với các nhà mạng di động để giúp người dùng sử dụng Nhaccuatui hoàn toàn miễn phí bằng 3G hay 4G.
>> Xem thêm: Chuỗi bài về ứng dụng nghe nhạc Spotify
Spotify tới Việt Nam, và liệu có thể trở thành quán quân tại Việt Nam?
Không thể phủ nhận, Zing MP3 hay Nhaccuatui là hai đối thủ “đáng gờm” mà khi Spotify tới Việt Nam phải lưu tâm. Hai trang nghe và tải nhạc số này sở hữu những lợi thế đáng kể tại thị trường Việt Nam mà Spotify cần thời gian để có thể bắt kịp.
Tuy nhiên, với tiềm lực lớn của dịch vụ stream nhạc lớn nhất thế giới cùng với sự ưa chuộng công nghệ thông minh hay thay đổi cái nhìn về bản quyền nhạc của thế hệ trẻ, nhất là thế hệ millennials, Spotify tới Việt Nam và có nhiều khả năng sẽ sớm trở thành quán quân nhạc số tại Việt Nam nếu như hai “ông lớn" nội địa không có những động thái cạnh tranh đủ mạnh mẽ.
Dưới góc độ là digital marketer, theo bạn, ai là bên chiến thắng trong cuộc chiến nhạc số này?
Minh Phương - Marketing AI
Xem thêm: Chiến lược marketing của Spotify: Tại sao lại "hot" đến vậy
Dành Cho CMO là series bài viết chuyên sâu về kiến thức quản lý nhân sự, phát triển bộ phận, cũng như các xu hướng phát triển về marketing dành riêng cho trưởng phòng/giám đốc Marketing. |
Bình luận của bạn