cover

Chiến lược marketing của Spotify - Tại sao lại "hot" đến vậy

16 Thg 03

Việc ứng dụng nghe nhạc trực tuyến thế giới Spotify chính thức gõ cửa Việt Nam ngày 13/3/2018 đã tạo nên cơn sốt cho cộng đồng người nghe nhạc trực tuyến. Bên cạnh đó còn mở ra nhiều cơ hội...

Việc ứng dụng nghe nhạc trực tuyến thế giới Spotify chính thức gõ cửa Việt Nam ngày 13/3/2018 đã tạo nên cơn sốt cho cộng đồng người nghe nhạc trực tuyến. Bên cạnh đó còn mở ra nhiều cơ hội quảng cáo cho các thương hiệu Việt. Nhưng câu chuyện là Spotify không phải ứng dụng nghe nhạc trực tuyến đầu tiên, càng không phải ứng dụng duy nhất. Pandora, Tidal, hay thậm chí là Apple Music, và tất cả đều là những đối thủ không hề yếu đuối một chút nào.

Làm thế nào để Spotify có thể cạnh tranh trên thị trường Việt Nam cũng như thay đổi thói quen nghe nhạc lậu của người Việt? Hãy cùng MarketingAI phân tích về chiến lược marketing của Spotify.

tìm hiểu chiến dịch marketing spotify

Tìm hiểu chiến dịch marketing spotify (Ảnh: Genk)

Cá nhân hóa trải nghiệm - Điểm nóng trong chiến lược marketing của Spotify

Đây là một trong những điều làm nên sự khác biệt của Spotify. Bằng công nghệ machine-learning (hay máy tự học), Spotify có thể phân tích thói quen nghe nhạc của từng người, qua đó đưa ra những gợi ý về playlist hay bản nhạc phù hợp với dòng nhạc, nghệ sĩ được nghe thường xuyên.

Spotify cho biết khi người dùng chọn stream ca khúc cho từng thời điểm, cá tính của họ được bộc lộ rõ nét, họ đang làm gì, họ đang cảm thấy ra sao; tất cả được tổng hợp bởi cơ chế phân tích hành vi nghe nhạc người dùng (Streaming Intelligence) của Spotify. Với các nhãn hàng và các nhà tiếp thị, cơ chế này đem đến một cơ hội độc nhất vô nhị giúp truyền tải đúng thông điệp, đúng đối tượng vào đúng thời điểm.

spotify cá nhân hóa trải nghiệm người dùng

Spotify cá nhân hóa trải nghiệm người dùng (Ảnh: Welax)

"Spotify tận dụng kho dữ liệu khổng lồ để cá nhân hóa trải nghiệm nghe nhạc của người dùng, và giúp họ khám phá ra những bản nhạc phù hợp với bản thân."

Như Discover Weekly - chức năng đề xuất danh sách nhạc hàng tuần của Spotify. Danh sách này sẽ được làm mới vào mỗi thứ 2, trong đó đưa ra gợi ý về 30 bản nhạc bạn nhiều khả năng sẽ thích dù có thể chưa bao giờ nghe.

Pepsi sẽ là thương hiệu đầu tiên tung ra chiến dịch quảng cáo trên Spotify. Nhãn hàng này sẽ có khả năng tiếp cận đến nhóm người dùng tích cực tương tác, đầy đam mê và năng động trên mạng xã hội.

Chiến dịch quảng cáo trên spotify của Pepsi

Chiến dịch quảng cáo trên spotify của Pepsi (Ảnh: Spotify.com)

Freemium - Chiến lược dùng thử khiến khách hàng "đứng ngồi không yên"

Mô hình kinh doanh của Spotify là Freemium - cho người dùng dùng thử sản phẩm, tung ra sản phẩm miễn phí đủ tốt với những tính năng cơ bản, và đưa cho họ lựa chọn nâng cấp sang gói Premium với nhiều tiện ích hơn. Với mô hình Freemium, chiến lược marketing của Spotify đòi hỏi phải nổi bật rõ đặc điểm tiện ích của ứng dụng, và mức chi phí hấp dẫn đủ để người dùng miễn phí "bỏ hầu bao" ra sử dụng các gói trả phí. Đặc biệt, khi bước chân vào Việt Nam - thị trường mà âm nhạc và các sản phẩm trí tuệ vẫn còn vấn nạn ăn cắp bản quyền, đây thực sự là một thử thách lớn mà Spotify phải đối mặt.

Với tham vọng thay đổi thói quen nghe nhạc “lậu” của Việt Nam, Spotify đưa ra các lựa chọn cho phép họ sử dụng dịch vụ Spotify miễn phí hoặc trả phí. Điều này giúp chuyển dần những người đang sử dụng nhạc lậu sang sử dụng nền tảng có bản quyền nhưng miễn phí như Spotify, trước khi họ có đủ điều kiện và nhận thức để chuyển hẳn sang sử dụng dịch vụ trả phí.

Làm sao thuyết phục khách hàng sử dụng Spotify từ dùng thử sang trả phí?

Chi phí sử dụng spotify premium

Chi phí sử dụng spotify premium ở Việt Nam có giá vô cùng tốt (Ảnh: Welax)

1. Miễn phí đồng nghĩa với chịu nghe nhạc "kém nhanh", "kém sang"

Trong cả hai bản Free và Premium của Spotify đều cho phép người dùng được truy cập kho nhạc lên đến 40 triệu bài hát, trong đó có hơn 35 triệu bài hát có bản quyền. Tuy nhiên, sự khác biệt của hai gói sản phẩm này là ở chỗ, người dùng bản Free sẽ không được cập nhật những bài hát mới cập nhật mà phải đợi đến 2 tuần, một quãng thời gian khá dài cho các bản hit. Ngược lại, với gói dùng Premium trả phí, người dùng ngay lập tức được thưởng thức bài hát ngay sau khi nó được tung ra thị trường.

Rõ ràng, với phân khúc giới trẻ, nhóm khách hàng mục tiêu chính của Spotify thì bản Premium là gói không thể thiếu khi mà xung quanh thiên hạ đã nghe "đến chán" rồi thì bạn mới được thưởng thức nó lần đầu. Nếu mức giá cho gói Premium vẫn là một barrier cho phân khúc khách hàng học sinh, sinh viên thì có lẽ cần điều chỉnh một chút về chiến lược giá cho Spotify hoặc phát triển sản phẩm Spotify có gói riêng dành cho nhóm khách hàng này.

2. Spotify là "boss": Bảo gì nghe nấy, không tự ý chọn nhạc

Bạn được dùng bản Free, đổi lại Spotify sẽ hạn chế một số quyền. Giống như bạn đang hưởng án treo, được tự do đi lại nhưng lại không có quyền công dân vậy. Còn bản Premium thì dân chủ hết sức, bạn là công dân đóng thuế, và Spotify có nhiệm vụ đảm bảo mọi quyền lợi của bạn.

Dùng gói Free, khi chọn nghe một Album, bạn chỉ có thể được nghe theo thứ tự ngẫu nhiên mà Spotify sắp xếp sẵn, sẽ không có chuyện tự ý chọn bài hay mà mình muốn nghe trước. Thậm chí, số lượt "bỏ qua bài" tối đa cho gói Free là 5 lần/giờ. Cho nên, chẳng may mà bỏ qua 5 bài rồi vẫn chưa tới bài mình thích thì cứ đành ngậm ngùi cam chịu số phận dùng "chùa" đi nhé.

3. Spotify cho bạn dùng bản Free, bạn phải mang quảng cáo về cho họ

Nếu đang dùng bản Free đồng nghĩa với việc người dùng phải làm quen với các quảng cáo xen giữa bài hát. Có nghĩa là, cứ 15-20 phút sẽ có quảng cáo ghé thăm. Cứ tưởng tượng đang nghe một danh sách các bài hát mình yêu thích, bỗng ở đâu ra quảng cáo ngốn hẳn 30s cuộc đời, liệu có một người dùng nào cảm thấy hài lòng với gói Free? Vậy thì chi thêm chút tiền để lên đời gói Premium thôi.

Chiến lược quảng cáo độc đáo của spotify

Chiến lược quảng cáo độc đáo của spotify nhắm vào đối tượng người dùng Freemium. Nguồn igenz.net

4. Nhà mất mạng? Nghỉ nghe trên Spotify luôn nhé!

Với bản miễn phí của Spotify, người dùng không chỉ phải nghe theo các sắp xếp và kiểm soát ngẫu nhiên từ Spotify mà còn chỉ được nghe online. Khi đang đứng giữa nơi không thể kết nối internet đồng nghĩa với việc "No music with Spotify."

Còn với bản Premium, vì tôi trả phí mà, tôi có quyền lưu bất kì bài hát nào tôi thích về bộ nhớ để nghe off bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu mà chẳng cần quan tâm đến có wifi không? Có 3G không?

5. Muốn nghe nhạc sướng tai trên Spotify? Không dùng miễn phí được đâu!

Chất lượng âm thanh của gói Spotify Free chỉ là 160kbps, trong khi gói Premium là 320kbps, mức chênh lệch khá nhiều về chất lượng. So với mức phí 59.000 đồng/tháng. Đây có thể coi là một lợi thế cạnh tranh nổi bật về giá trong chiến lược marketing của Spotify khi vào Việt Nam. Nghe thoải mái với những bài hát mượt mà nhất, vượt xa so với chất lượng những chiếc đĩa CD huyền thoại thì chẳng ai còn muốn dùng gói Free nữa đâu.

Influencer marketing

Một điểm đáng nói trong chiến lược marketing của Spotify đó là tận dụng người nổi tiếng. Ngay trong ngày ra mắt, Spotify đã thực hiện một viral video với hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng chúc mừng Spotify ra mắt ứng dụng tại Việt Nam nhanh chóng lan truyền trên social media.

Spotify không chỉ tăng cường hợp tác với các nghệ sĩ Việt Nam về mặt truyền thông, chia sẻ lợi ích giữa 2 bên mà còn nỗ lực tối ưu trải nghiệm của người dùng. Theo đó, để đảm bảo rằng mỗi khi các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam được nghe trên Spotify thì họ cũng sẽ nhận được tiền (doanh thu) cho tác phẩm của họ, bất kể đó là lượt nghe từ người dùng miễn phí hay trả phí. Ngoài ra, Spotify còn tích hợp thêm các thống kê vào bài hát/playlist để giúp các nghệ sĩ có thể hiểu thêm về đối tượng người nghe của mình (giới tính/độ tuổi/sở thích,...), giúp họ có thể phát triển các sản phẩm phù hợp hơn với thị hiếu âm nhạc của thị trường.

Theo kế hoạch, Spotify sẽ làm việc với các đơn vị sở hữu bản quyền để khám phá tiếp các tài năng mới cũng như tổ chức liveshow quy tụ các nghệ sĩ nổi bật vào khoảng 12-18 tháng sau khi vào thị trường Việt Nam.

Kết nối đối tượng người dùng

Như đã nói ở trên, điểm nổi bật trong chiến lược marketing của Spotify không chỉ đơn giản ở độ cá nhân hóa theo người dùng và địa điểm. Ngoài đó ra, giữa Spotify và nghệ sĩ có một mối quan hệ hợp tác rất gắn bó. Chính điều này đã giúp cho người dùng được hưởng những trải nghiệm mà không dịch vụ nào khác có được. Chẳng hạn như như lắng nghe những playlist do chính nghệ sĩ tạo ra và chia sẻ. Đây là một tình huống có lợi cho đôi bên, khi các fan có thể tìm hiểu và theo dõi nhiều hơn về nghệ sĩ, và ngược lại, nghệ sĩ lại có cơ hội gắn kết với các fan của mình hơn.

kết nối đối tượng người dùng

Kết nối đối tượng người dùng (Ảnh: Genk)

Ví dụ, đây là playlist bao gồm những ca khúc đã giúp The Weeknd tạo cảm hứng sáng tác nên album của anh. Qua những playlist như thế này, người hâm mộ có cơ hội được hiểu rõ hơn về The Weekend, cũng như là cách mà anh tạo ra sản phẩm âm nhạc của mình

Thậm chí, không chỉ giới hạn ở các nghệ sĩ, do Spotify còn rất linh hoạt trong việc chia sẻ, nhiều cá nhân, tổ chức lớn cũng sử dụng nó như một kênh để kết nối với đối tượng người dùng của mình. Một ví dụ tiêu biểu là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lựa chọn Spotify để chia sẻ playlist về những ca khúc ông yêu thích, chứ không phải Apple Music.

Tuy nhiên, có một phương diện khác thực tế hơn, đó là sự kết nối giữa chúng ta và những người mà chúng ta quen biết. Nhờ vào khả năng tích hợp vào Facebook, Spotify cho phép người dùng thấy được bạn bè của mình đang nghe ca khúc gì, và từ đó bạn có thể nghe cùng, phán đoán tâm trạng… hay ty tỷ thứ bạn có thể nghĩ ra. Đương nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể bảo vệ quyền riêng tư của mình và tắt tính năng này nếu muốn.

Spotify - Mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu gieo trồng chiến dịch truyền thông

Được Việt hóa hoàn toàn khi ra mắt tại thị trường Việt Nam, Spotify đem tới cho các thương hiệu một nhóm khách hàng có độ tương tác cực kỳ cao. Trên thế giới, những người dùng Spotify trên nhiều nền tảng khác nhau đã dành trung bình 148 phút mỗi ngày để nghe nhạc trên Spotify. Những người dùng của chúng tôi tận hưởng âm nhạc với Spotify trong từng khoảnh khắc, trên các thiết bị khác nhau trong các môi trường sinh hoạt khác nhau, đã giúp định nghĩa cộng đồng streaming hiện đại. Điều này giúp các thương hiệu tiếp cận người dùng đúng thời điểm, dù là khi họ đang làm việc, học tập, lái xe, tập luyện thể thao hay nghỉ ngơi tại nhà. Hay nói cách khác, chiến lược marketing của Spotify nhắm đến cả hai đối tượng - người dùng cuối và các công ty về thương hiệu/sản xuất âm nhạc/ca sĩ/nhạc sĩ.

spotify là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp

Spotify là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp (Ảnh: Advertising Vietnam)

Các thương hiệu sẽ được hưởng lợi gì từ chiến lược marketing của Spotify:

Một môi trường nội dung ưu việt: Spotify tự hào là một môi trường ưu việt nơi tôn vinh văn hóa và sức sáng tạo bằng việc tạo cầu nối giữa các nghệ sỹ, fan hâm mộ và các nhãn hàng. Các nội dung trên dịch vụ Spotify được cấp phép bởi các đơn vị đối tác hoặc được tạo mới bởi chính đội ngũ của ứng dụng nghe nhạc trực tuyến số một thế giới này.

Những trải nghiệm quảng cáo truyền thông đa phương tiện: Các định dạng quảng cáo âm thanh, hình ảnh và hiển thị mang đầy tính thuyết phục được cung cấp nhằm giúp các nhãn hàng kể câu chuyện của mình cho đúng đối tượng người nghe trong đúng bối cảnh phù hợp.

Âm nhạc mang đầy tính xã hội, và Spotify cũng thế. Người yêu nhạc có thể khám phá và chia sẻ âm nhạc mình yêu thích với bạn bè nhờ vào mạng lưới kết nối rộng sâu giữa Spotify với Facebook và LINE. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các nhà quảng cáo.

“Khả năng kết nối của Spotify đến các khía cạnh văn hóa và chất lượng trải nghiệm người dùng đã góp phần thúc đẩy niềm tin trong cộng đồng người nghe nhạc đầy gắn bó của chúng tôi. Điều này cho phép chúng tôi xây dựng những kết nối cá nhân với fan hâm mộ của mình. Chúng tôi vui mừng được mở ra cánh cửa cho các nhà quảng cáo – tại Việt Nam – để tận dụng hiệu quả hệ thống phân tích hành vi người dùng của chúng tôi, các siêu dữ liệu chính chủ của nhóm người dùng bản địa, từ đó có được những hiểu biết chiều sâu về người dùng – điều mà các nhãn hàng luôn mong muốn tiếp cận nhằm xây dựng và củng cố hơn mối quan hệ với những khách hàng mới”.

Sea Yen Ong, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh cấp khu vực của Spotify, khu vực châu Á

Kết luận

Với những ưu điểm vốn có trong chiến lược marketing của Spotify như tính đa dạng, cộng nghệ tận dụng dữ liệu, hợp tác chia sẻ, update thần tốc,...cùng với chiến lược marketing bài bản của mình, dự rằng sắp tới Spotify sẽ đánh gục những đối thủ cạnh tranh và  gặt hái được nhiều “trái ngọt” tại thị trường Việt Nam

Hà Nguyễn - MarketingAI

Xem thêm:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.